Sốc với bản dịch mới của bài thơ Sông núi nước Nam

11/9/2015 8:28:32 AM
Thời gian gần đây, không ít những cuốn sách giáo khoa giáo dục phổ thông được dịch, in lại với màu sắc, câu từ mới khác xa với phiên bản chính khiến cho dư luận không khỏi bức xúc.

 

Thời gian gần đây, không ít những cuốn sách giáo khoa giáo dục phổ thông được dịch, in lại với màu sắc, câu từ mới khác xa với phiên bản chính khiến cho dư luận không khỏi bức xúc. Đặc biệt, bản dịch bài thơ Sông núi nước Nam trong SGK Ngữ văn lớp 7 khiến cho phụ huynh thực sự choáng váng với những hình ảnh, ngôn từ lạ lẫm....cho thấy sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng.

 

Bản dịch mới của “Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt Nam”

 

Nếu trước đây, bài thơ: “Sông Núi Nước Nam” được dịch là: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”, thì nay ở trang 62 sách Ngữ văn lớp 7 tập I, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) phát hành lại dịch như sau: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Vằng vặc sách trời chia xứ sở/ Giặc dữ cớ sao phạm đến đây/ Chúng mày nhất định phải tan vỡ”.

 

Như vậy, từ 4 câu thơ quen thuộc với hàng triệu học sinh, phụ huynh nay đã được “cải biên” 3 câu thơ sau so với bản dịch trước. Theo nhận định của nhiều phụ huynh, bản dịch sau trúc trắc, khó đọc và không hay như bản cũ.

 

Chia sẻ của các bậc phụ huynh

 

Nickname Đinh Nho Anh "Ôi trời. Tam sao thất bản! "Tuyên ngôn độc lập" mà bị "bôi nhọ" này sao! Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục ở đâu…"

 

Nickname Pham Phuc Thinh: Xin lỗi dịch thơ kiểu này bảo sao bọn nhóc nó không chán môn Ngữ văn?! Học thơ như thế này mà yêu văn học mới lạ. Bản văn dịch như kiểu này thì làm mất đến 90% cái thần của bài thơ... Bạn nghĩ sao về 2 từ "vằng vặc" và " tan vỡ" liệu nó có mạnh mẽ quyết liệt và khẳng định bằng 2 cụm từ "rành rành" và "đánh tơi bời" không?

 

Nickname Mong Thuy Bui "Vụ này mình cũng đang bức xúc đây. Hôm trước trên đường chở con đi học, con gái đọc, mình đọc cho nó nghe bài dịch ngày xưa được học. Con phán một câu xanh rờn "mẹ dịch không đúng bài con học". Nghe nó đọc xong mà muốn rớt xuống đất kiểu này thì không thể nào dạy con theo kiến thức mình học rồi".

 

Ý kiến của các tác giả chủ biên

 

Nhóm tác giả chủ biên gồm: Nguyễn Khắc Phi (Tổng chủ biên) – Nguyễn Đình Chú (Chủ biên phần Văn)- Nguyễn Minh Thuyết (Chủ biên phần Tiếng Việt)- Trần Đình Sử (Chủ biên phần Tập làm văn). Ngoài ra còn có các biên tập viên Đỗ Kim Hồi – Nguyễn Văn Long – Bùi Mạnh Nhị - Lê Xuân Thại – Đỗ Ngọc Thống.

 

 

Trả lời về các vấn đề trên, TS Đỗ Ngọc Thống – Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học – Bộ GD&ĐT, một trong những người biên tập cuốn sách Ngữ văn lớp 7 tập 1 cho biết: “Thời tôi đi học thì họ dịch: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời. Nhưng một bài thơ có thể dịch ra nhiều nghĩa khác nhau, nhưng ý của bài thơ thì không thay đổi”.

 

 “Chính vì vậy, đến thời điểm này, các nhà Hán nôm, cụ thể ở đây là ông Nguyễn Khắc Phi và Nguyễn Đình Chú dịch là: Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Vằng vặc sách trời chia xứ sở/ Giặc dữ cớ sao phạm đến đây/ Chúng mày nhất định phải tan vỡ.

 

Từ ngữ của bài thơ không giống như trước, nhưng ý nghĩa của bài thơ không có gì thay đổi. Khi phát hành sách đã có các nhà thẩm định rồi, nên không sai được. Tôi cũng tham gia biên soạn sách Ngữ văn tập I lớp 7, nhưng chỉ biên soạn Tập làm văn”.

 

Từ sự việc trên, thiết nghĩ các cơ quan ban ngành nên có câu trả lời chính xác để tránh gây những bức xúc trong xã hội và không làm ảnh hưởng đến một thế hệ trẻ đang trưởng thành.

Tổng hợp

Các tin khác