Quân y với nhân dân - Chặng đường 68 năm lịch sử

12/22/2014 10:42:58 AM
Cục Quân y trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam - được thành lập vào năm 1946 với nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bộ đội, cứu chữa thương binh, bệnh binh, đồng thời tham gia bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

 

 

68 năm qua, các cán bộ quân y không chỉ có mặt trên khắp các nẻo đường của Tổ quốc, thực hiện sứ mệnh cứu chữa và phục vụ thương binh, bệnh binh, hỗ trợ các bản làng xa xôi của người dân tộc thiểu số chịu cảnh sốt rét cũng như trở thành người thầy thuốc không biên giới đi giúp đỡ cho nước bạn… mà còn dốc lòng tận tụy, phục vụ hết mình trong các công tác chính trị - xã hội của đất nước.

 

 

Ngành Quân y Quân đội nhân dân Việt Nam - chặng đường 68 năm phấn đấu với phương châm “người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là người mẹ hiền” luôn hết lòng, hết sức cứu chữa và phục vụ thương binh, bệnh binh. 68 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Đảng ủy và chỉ huy Tổng cục Hậu cần; được nhân dân thương yêu đùm bọc, được các ngành, các đơn vị tận tình giúp đỡ; được sự chi viện, hỗ trợ, chỉ đạo nghiệp vụ có hiệu quả của Bộ Y tế; cùng với sự giúp đỡ về kinh nghiệm và vật chất của quân y các nước, ngành Quân y Quân đội nhân dân Việt Nam đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt, thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội, cứu chữa thương binh, bệnh binh và tham gia chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trong suốt chặng đường dựng nước, giữ nước vĩ đại của Đảng và dân tộc ta.

 

 

Đội ngũ cán bộ quân y từ một đội ngũ rất nhỏ bé ban đầu, nay đã trở thành đội ngũ cán bộ đông đảo có phẩm chất chính trị trong sáng, có lập trường cách mạng kiên định, có trình độ khoa học nhất định, bao gồm nhiều lớp cán bộ kế tiếp nhau, lớp cũ đã có nhận thức mới và thử thách trong chiến tranh cách mạng, lớp mới hăng hái nhiệt tình được giáo dục rèn luyện trong chiến đấu, bổ sung cho nhau, tạo ra một sự chuyển biến có ý nghĩa chất lượng trong đội ngũ cán bộ của ngành. Về cơ sở vật chất, ngành đã kiên trì xây dựng, biết bám lấy phương châm tự lực cánh sinh, phương châm cần kiệm xây dựng quân đội, biết tranh thủ viện trợ, quyết tâm và sáng tạo, xây dựng được một cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết phục vụ cho mọi yêu cầu xây dựng và chiến đấu của quân đội.

 

Từ năm 1965 - 1968, ngành Quân y đã phát triển được đội ngũ cán bộ y, dược đại học và trung học, đồng thời bắt đầu phát triển đội ngũ cán bộ y, dược sau đại học. Ngành Quân y đã thực hiện một cuộc cách mạng về tổ chức và kỹ thuật, từ bảo đảm đơn thuần cho bộ binh và pháo binh đã hình thành nghiệp vụ và khoa học kỹ thuật bảo đảm cho cả ba quân chủng lục quân, hải quân và phòng không - không quân, xây dựng theo hướng chính quy và hiện đại; đã xây dựng và thống nhất tổ chức biên chế từ cơ quan lãnh đạo, chỉ huy, nhà trường đến các đơn vị.

 

 

 

Sinh viên trường Quân y Trung ương khóa 20 (1973).

 

Bằng tri thức và lao động khoa học kỹ thuật sáng tạo, cán bộ nhân viên ngành quân y đã tìm mọi cách đưa kỹ thuật phổ biến ra cộng đồng: các đội phẫu thuật lưu động, các tổ chuyên khoa tăng cường, các cơ số thuốc cấp cứu điều trị sốt rét ác tính, một số kỹ thuật phức tạp (phẫu thuật chuyên khoa) lần lượt được triển khai ở mặt trận góp phần cứu chữa thương binh, bệnh binh kịp thời, hạn chế tỉ lệ tử vong do phải vận chuyển về phía sau. Đã đạt được thành tựu xuất sắc trong cứu chữa vết thương chiến tranh như phòng chống sốc chấn thương, xử trí tổn thương xương - khớp, vết thương bụng, ngực, sọ não, bỏng... Các bệnh viện tuyến sau được chuyên khoa hóa sâu, đã nghiên cứu áp dụng thành công nhiều kỹ thuật tiên tiến nhằm phục hồi khả năng lao động cao nhất cho thương binh như: tái tạo khớp, tái tạo ngón tay cái, tạo hình niệu quản, vá da thẩm mỹ... Ngành cũng đã kết hợp chặt chẽ y học hiện đại với y học cổ truyền trong chẩn trị người bệnh, kế thừa và sử dụng nhiều bài thuốc hay, nhiều kinh nghiệm quý trong điều trị bệnh mạn tính, bệnh chuyên khoa, điều trị vết thương, vết bỏng, ứng dụng có kết quả phương pháp châm cứu trong điều trị, châm tê trong phẫu thuật phức tạp, góp phần nâng cao kết quả điều trị.

 

 

Cán bộ quân y vận chuyển thương binh…

 

 

Và thực hiện phẫu thuật tiền phương trong điều kiện chiến tranh ác liệt.

 

Từ năm 1976, nhất là trong thời kỳ đổi mới, được sự quan tâm của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị của toàn ngành Quân y từng bước được đầu tư, nâng cấp với các phương tiện hiện đại như: hệ thống cộng hưởng từ (MRI), hệ thống chụp mạch và can thiệp mạch, các hệ thống xạ trị, siêu âm đa chiều, nhiều máy xét nghiệm hiện đại, các trang bị hồi sức tiên tiến... Do vậy, nhiều kỹ thuật mới được triển khai có hiệu quả như: kỹ thuật ghép tạng, kỹ thuật vi phẫu trong chấn thương chỉnh hình và tạo hình, phẫu thuật nội soi... Việc đầu tư trang thiết bị và phát triển kỹ thuật không chỉ ở các cơ sở quân y tuyến sau, mà còn được phát triển từng bước ở các đơn vị quân y tuyến trước. Các đơn vị đủ quân, các vùng hải quân được trang bị khá đồng bộ và thống nhất từ tuyến quân y đại đội, đồn biên phòng đến quân y tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn và tương đương. Điều đó thể hiện sức mạnh chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu trong toàn Ngành.

 

Vấn đề kết hợp chặt chẽ y học cổ truyền với y học hiện đại là một nhu cầu thực tiễn của Quân y Việt Nam, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, với phương châm “phổ cập ở tuyến trước, chuyên sâu ở tuyến sau”, từng bước hiện đại hóa trong chẩn đoán, điều trị và sản xuất thuốc. Ngành đã xây dựng Viện Y học cổ truyền Quân đội theo mô hình viện - trường đáp ứng yêu cầu điều trị, nghiên cứu khoa học và đào tạo đội ngũ cán bộ; nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đã được đưa vào phục vụ bộ đội có hiệu quả.

 

Năm 1987, lần đầu tiên ở nước ta ngành Quân y nghiên cứu thành công việc chiết xuất Artemisinine từ cây thanh hao hoa vàng điều trị sốt rét kháng thuốc. Điều đó đã góp phần quan trọng vào việc bảo đảm tính chủ động, tính kịp thời các loại vật tư quân y trong mọi tình huống.

 

Để xây dựng tiềm lực y tế quốc phòng trong thế trận phòng thủ khu vực, ngành Quân y đã kết hợp chặt chẽ với ngành Y tế nhà nước thực hiện chương trình “Kết hợp quân - dân y xây dựng quốc phòng toàn dân và bảo vệ sức khỏe nhân dân”; phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế xây dựng lực lượng y tế dự bị động viên; tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa đã thực sự để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân. Những mô hình trạm y tế kết hợp quân - dân y tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, các đoàn kinh tế - quốc phòng và các vùng khó khăn khác, đang là những điểm sáng của y tế cơ sở.

 

 

Các thầy thuốc Quân y Việt Nam cấp cứu nạn nhân trong khu vực điều trị nạn nhân nặng của phân trạm quân y.

 

 

Các y, bác sĩ sơ cứu cho nạn nhân tại điểm quân y dã chiến.

 

Trong những năm gần đây, các hoạt động hợp tác quốc tế càng được mở rộng, hiện toàn ngành đã hợp tác với quân y 30 nước, ký biên bản nghi nhớ hợp tác với quân y 9 nước trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đào tạo, trao đổi kiến thức, ứng dụng tiến bộ trong phòng chống sốt rét, sốt xuất huyết, HIV/AIDS, phòng chống thảm họa, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong chẩn đoán và điều trị... Thông qua các kế hoạch hợp tác, hàng nghìn lượt cán bộ quân y được đi học tập, tham quan ở nhiều nước đã góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành.

 

Bằng những cống hiến to lớn, bằng lao động khoa học tận tụy của đội ngũ các thế hệ cán bộ, nhân viên quân y các cấp, toàn ngành Quân y đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Đó là các đồng chí lãnh đạo chỉ huy Cục Quân y, lãnh đạo chỉ huy các trung tâm lớn của ngành qua các thời kỳ và biết bao những cán bộ quân y lão thành, các anh hùng, liệt sĩ của ngành Quân y đã cống hiến cả cuộc đời mình cho cách mạng và cho sự nghiệp của ngành Quân y Quân đội nhân dân Việt Nam.

 

Skcs.vn (Tổng hợp)

Các tin khác