Phong tục đón năm mới ở các nước phương Tây

1/3/2015 10:58:49 AM
Đối với các nước phương Tây, Noel bắt đầu cũng là thời điểm người dân náo nức chuẩn bị cho ngày Tết. Kim đồng hồ điểm hết 12h ngày 31/12 là bắt đầu thời điểm chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Tùy theo từng nét văn hóa, phong tục riêng mà “bữa tiệc” đón chào năm mới ở mỗi nước lại có sự khác nhau.

 

 

1. Anh

 

Lễ hội năm mới ở Anh lúc nào cũng tràn ngập sắc màu. Một ngày trước Tết Dương lịch, nhà nhà đều tất bật mua rượu đổ đầy các chai, hũ trong nhà, trong bếp thì chứa thật nhiều thịt bởi người Anh cho rằng, nếu rượu thịt không dư dả, năm mới sẽ gặp khó khăn, nghèo khổ.

 

 

Vào đêm giao thừa, người Anh thường mang theo bánh ngọt và rượu đi thăm hỏi người thân, bạn bè. Tuy nhiên, những người khách sẽ không gõ cửa mà đi thẳng vào bên trong. Người Anh cho rằng, sau khi chuông báo nửa đêm chuyển sang năm mới, người đầu tiên đặt chân vào nhà là một người đàn ông có mái tóc đen hoặc là một người vui vẻ, hạnh phúc và giàu có sẽ mang đến cho chủ nhà một năm mới “đại cát đại lợi”. Nếu người đầu tiên là một người phụ nữ có mái tóc màu vàng bạch kim hoặc một người ưu buồn, nghèo khổ, bất hạnh - điều này báo hiệu chủ nhà sẽ có một năm xui rủi, gặp nhiều khó khăn và tai họa. Khi đến làm khách ở nhà người Anh trong đêm giao thừa, trước khi mở đầu câu chuyện, việc đầu tiên bạn cần làm là đi đến lò sưởi cơi than đốt lò. Đây là việc làm thể hiện sự chúc phúc đối với chủ nhà mang ý nghĩa “khai môn đại cát”.

 

Sang đến gày đầu năm mới, người ta thường tổ chức các cuộc diễu hành dọc các con đường đi qua Whitehall và trung tâm mua sắm Pall, cuối cùng dừng chân ở quảng trường Berkley. Mọi người tập hợp lại cùng hát vang các bài hát truyền thống đón chào năm mới. Sau đó, chung vui bằng bữa tiệc linh đình với những chai rượu champagne và những điệu nhạc dân tộc. Tất cả cùng nhau khiêu vũ và thưởng thức màn pháo hoa tráng lệ đầy hấp dẫn…

 

Ngoài ra, ở Anh còn lưu hành phong tục “lấy nước đầu năm mới”. Mọi người đều tranh nhau đi lấy nước để được là người đầu tiên múc gáo nước đầu tiên trong những giờ phút đầu tiên của năm mới. Theo quan niệm của người Anh, người múc được gáo nước đầu tiên sẽ là người may mắn suốt cả năm.

 

2. Pháp

 

Có câu: “Người Pháp dùng rượu để chào đón năm mới” - câu nói này bắt nguồn từ việc người Pháp bắt đầu uống rượu say sưa từ đêm giao thừa cho đến ngày mùng 3/1 mới kết thúc. Người Pháp quan niệm, vào ngày Tết phải uống cạn tất cả rượu mà họ có, làm như vậy thì trong năm mới sẽ được vạn sự như ý. Nếu như rượu vẫn còn, trong năm mới sẽ gặp nhiều điềm xui rủi.

 

Người dân Pháp quan niệm một buổi tiệc tối linh đình trong trong thời gian này cũng sẽ mang đến thịnh vượng cho gia đình họ trong năm tới. Thức ăn của bữa tiệc thường là bánh nướng, thịt vịt hoặc ngỗng và rượu champagne. Lễ hội đón năm mới ở Pháp được xem như “lễ hội ánh sáng”. Người dân tham gia vào các cuộc diễu hành với ánh sáng lung linh của ngọn đuốc và cùng nhau uống rượu mừng năm mới.

 

 

Ngoài ra, trong ngày đầu năm mới, người Pháp thường cùng nhau ra đường xem hướng gió để đoán thời vận trong năm. Nếu gió Nam thổi, báo hiệu một năm mưa thuận gió hòa - đây sẽ là một năm bình an và thời tiết nóng bức. Nếu gió Tây thổi, sẽ là một năm may mắn đối với nghề đánh cá và những người nuôi bò sữa. Nếu gió Đông thổi, cây trái sẽ bội thu, nhà nhà no ấm. Nếu gió Bắc thổi là điềm không tốt, đây sẽ là một năm mùa màng thất bát…

 

3. Đức

 

Người Đức có phong tục nhúng chì đã nấu chảy vào nước lạnh và dự đoán hình dáng của viên chì trong nước để dự đoán tương lai sẽ ra sao. Nếu hình dáng viên chì là trái tim thì sẽ có đám cưới hoặc hình con tàu là chuyến đi du lịch…

 

Trong thời gian mừng đón năm mới, người Đức đều đặt một cây lãnh sam và gắn đầy những bông hoa bằng gấm lên, vừa để báo hiệu tiết xuân phủ khắp đất trời lại vừa mang ý cầu mong sung túc. Một phút trước khi bước sang năm mới, mọi người đều leo lên đứng trên một chiếc ghế, khi tiếng chuông đồng hồ vừa điểm 12 giờ, tất cả lập tức nhảy xuống ghế và vội vã ném một vật nặng ra phía sau ghế với ý nghĩa ném đi những tai họa, xui rủi của năm cũ, tiến nhanh vào năm mới.

 

 

Khi đồng hồ điểm 0h đêm giao thừa cũng là lúc mà người dân ở Đức ôm và trao nhau những nụ hôn nồng thắm, chúc nhau năm mới an lành bằng câu  nói “Gutes Nue Jahr” hoặc “Happy New Year”. Sau đó, mỗi gia đình sẽ quây quần bên nhau trong những bữa tiệc thịnh soạn với đầy đủ món ăn và cùng nhau xem các chương trình truyền hình đặc biệt. Người Đức quan niệm nếu ăn cà rốt và bắp cải sẽ mang đến sự ổn định về tài chính.

 

Ở vùng nông thôn của Đức vẫn còn lưu truyền phong tục mừng năm mới khá thú vị, đó là tục “thi trèo cây” mang ý nghĩa là mỗi năm mỗi tiến cao hơn, phát triển hơn trong công việc cũng như trong cuộc sống.

 

4. Nga

 

 

Biểu tượng năm mới ở Nga là “Cây năm mới”, gọi là Novogodnaya Yolka với những ngôi sao rực sáng đèn. Năm mới là dịp để cha mẹ trao quà cho các con dưới cây này. Cũng như một số quốc gia phương Tây khác, người Nga cũng đón năm mới trong màn trình diễn pháo hoa và những buổi tiệc linh đình gồm: thịt, đậu xanh, dưa chua, hành, sốt mayonnaise, cà rốt và khoai tây…

 

5. Tây Ban Nha

 

Đối với người Tây Ban Nha, trong đêm giao thừa, tất cả mọi thành viên trong gia đình đều quây quần bên nhau, thông qua tiếng đàn hát và những trò chơi để chúc mừng lẫn nhau. Khi tiếng chuông đầu tiên báo hiệu nửa đêm, cũng là thời khắc chuyển qua năm mới, mọi người liền tranh nhau ăn nho. Nếu có thể ăn được 12 quả nho trùng với thời điểm 12 tiếng chuông đổ, đó sẽ là người may mắn suốt 12 tháng trong năm, tất cả mọi việc đều đạt như ý muốn.

 

 

Ở Tây Ban Nha, điều cấm kị nhất đối với trẻ con trong ngày Tết Dương lịch là không được mắng chửi người khác, đánh nhau và khóc lóc. Người Tây Ban Nha cho rằng, đây là điềm báo hiệu những chuyện không tốt lành. Chính vì vậy, trong ngày này, người lớn luôn đáp ứng yêu cầu của trẻ nhỏ để chúng được hài lòng và luôn vui vẻ. Ngoài ra, người Tây Ban Nha trong ngày Tết Dương lịch đều đeo một đồng tiền bằng vàng hoặc bằng đồng để biểu thị cho sự may mắn, cát tường.

 

6. Bulgari

 

Ở Bungari, sau khi chuông đồng hồ báo mừng năm mới, mọi người trong gia đình cùng ngồi ăn chiếc bánh kem được làm đặc biệt cho đêm giao thừa. Người nào ăn phải đồng tiền được giấu trong chiếc bánh sẽ là người hạnh phúc trong năm mới. Ngoài ra, khi dùng tiệc đầu măm mới, người nào hắt xì hơi đầu tiên sẽ được xem là người mang lại hạnh phúc cho chủ nhà trong năm. Chủ nhà sẽ tặng cho người này một con dê, bò hoặc ngựa con để cầu chúc và bày tỏ cảm ơn vì mang lại hạnh phúc cho gia đình họ.

 

 

Dịp năm mới, người Bulgari còn thường chặt các cành tùng rồi dùng các tấm vải đủ màu sắc cuốn lên đó. Họ đưa những cành tùng được trang trí này cho trẻ con để đến nhà người thân chúc Tết. Người Bulgari cho rằng, nếu dùng các cành tùng này đánh nhẹ vào người khác, tức là mang đến cho người đó một năm mới tràn đầy hạnh phúc, sức khỏe dồi dào, mọi sự như ý.

 

Ở một số vùng phía nam của Bulgari còn có tập tục để trẻ con cầm đá đi chúc Tết. Người dân ở đây tin rằng các viên đá này tượng trưng cho sự giàu có. Khi trẻ con mang theo những viên đá đến chúc Tết sẽ được chủ nhà tặng nhiều bánh kẹo và hoa quả.

 

7. Mỹ

 

Người Mỹ quan niệm, bước sang năm mới là phải “làm mới” mình. Do đó, các thanh niên Mỹ thường sẽ đeo mặt nạ và tổ chức những buổi tiệc nhỏ để vui chơi bên bạn bè, gia đình trước thời khắc giao thừa. Khi đồng hồ điểm đúng 0h, họ sẽ gỡ bỏ mặt nạ và khui rượu Champagne mừng năm mới.

 

 

Giao thừa cũng là thời khắc mà người Mỹ chứng kiến nghi thức thả quả cầu pha lê rực sáng ánh đèn ở quảng trường Thời đại, New York với bầu trời chói sáng giữa những làn pháo hoa và màn trình diễn ánh sáng đẹp mắt. Vào khoảnh khắc giao thừa, nhiều cặp tình nhân đã trao nhau những nụ hôn ngọt ngào, thậm chí có không ít chàng trai còn cầu hôn bạn gái trong thời khắc quan trọng này.

 

8. Brazil

 

Đêm giao thừa mang một ý nghĩa quan trọng trong buổi lễ đón chào năm mới của người Brazil. Lễ hội đón chào năm mới thường được tổ chức ở Rio de Janeiro - thành phố lớn thứ hai ở Brazil và lớn thứ ba ở Nam Mỹ. Tất cả mọi người sẽ cùng tụ họp bên bãi biển Copacabana nổi tiếng thế giới để chào đón giờ khắc bước sang năm mới. Họ quan niệm, nếu nhảy qua 7 ngọn sóng trong đêm giao thừa thì điều ước sẽ trở thành hiện thực.

 

 

Theo quan niệm của người Brazil, màu sắc tượng trưng cho những điều tốt lành và niềm hy vọng. Vì dụ như màu trắng tượng trưng cho hòa bình, màu đỏ tượng trưng cho tình yêu và màu vàng tượng trưng cho sự giàu có... Do đó, trang phục trong buổi lễ mừng năm mới chắc chắn luôn có sự xuất hiện của những màu này.

 

Với người Brazil, trong ngày Tết Dương lịch, mọi người thường tay cầm đuốc, lũ lượt trèo lên các ngọn núi cao. Họ tranh nhau tìm hái trái bulô vàng - một loại trái tượng trưng cho hạnh phúc. Chỉ có những người không ngại nguy hiểm, gian nan mới có thể tìm được loại quả quý hiếm này và họ gọi đây là cuộc “tìm kiếm hạnh phúc”.

 

“Tục kéo lỗ tai” cũng là phong tục khá độc đáo trong ngày Tết Dương lịch ở vùng nông thôn Brazil. Mọi người khi gặp nhau vào ngày Tết liền nắm lấy vành tai của người đối diện và kéo mạnh một cái để bày tỏ sự chúc phúc.

 

An Nguyên - Skcs.vn (Tổng hợp)

Các tin khác