Những cái chết của thiên thần

12/9/2014 1:02:16 AM
Ai sẽ thấu hiểu cảm giác, về tới nhà nhìn thấy đứa con bé bỏng mà không dám ôm ngay vào lòng, phải vội vàng đi tắm rửa trong nước mắt của đứa con nhớ ba mẹ?

 

 

Vậy là những người bên ngoài châu Phi đầu tiên đã ra đi bởi đại dịch Ebola. Điều này đang gây ra nỗi lo của không ít người dân các châu lục khác. Giống như tất cả các đại dịch trong quá khứ, Ebola xuất hiện âm thầm rồi bùng phát cướp đi hàng ngàn sinh mạng. Hiện nay bệnh than, dịch hạch, hay thương hàn đã không còn đáng sợ với chúng ta nữa, song ít ai biết được để có được thành quả này, nhân loại đã phải trả giá bởi sinh mạng của hàng triệu người. Mặc dù nguy hiểm nhưng nguy cơ Ebola lây nhiễm tự do ở cộng đồng là rất thấp bởi các phương tiện kiểm soát dịch bệnh hiện đại hơn rất nhiều so với trước kia. Nhưng có một cộng đồng vừa là tự nguyện, vừa là trách nhiệm phải phơi nhiễm với Ebola, đó là ngành Y.

 

 

Sinh mạng của nhân viên Y tế chỉ mong manh như ánh nến mỗi khi có một dịch bệnh mới xuất hiện.

 

Thomas Eric Duncan người gốc Liberia là trường hợp đầu tiên tại Mỹ được chẩn đoán nhiễm Ebola đã tử vong ngày 8 tháng 10 năm 2014. Đứng trước cái chết của Duncan, tất cả các nhân viên Y tế từng chăm sóc anh đều phải kiểm tra về vấn đề lây nhiễm. Mặc dù tuân thủ đầy đủ quy trình phòng chống, Nina Phạm, nhân viên Y tế chăm sóc cho Duncan đã được xác định dương tính với Ebola, và chỉ vài ngày sau đó là nữ điều dưỡng Amber Jay Vison.

 

Với tỷ lệ tử vong do WHO công bố lên đến 90%, điều này đồng nghĩa rằng cơ hội sống của bất kỳ nhân viên Y tế nào bị nhiễm Ebola là mong manh. Không chỉ ở khía cạnh Nina là người Mỹ gốc Việt, nếu đứng trên góc độ một đồng nghiệp thì các nhân viên Y tế đều đang cầu mong cho cô ấy qua khỏi, ở tuổi 26. Một bác sĩ đồng nghiệp thoát chết khỏi Ebola đã tình nguyện hiến máu cho cô với mong muốn truyền kháng thể giúp cô chống lại Ebola. Số phận của nữ điều dưỡng thứ hai hiện tại vẫn đang trong vòng bí mật.

 

Cách đây hơn 1 tháng, WHO đã công bố có đến 151 nhân viên y tế tử vong do Ebola, chiếm 6.7% tổng số trường hợp tử vong do Ebola tại thời điểm đó, một con số không hề nhỏ. Là những người biết rõ nếu lây nhiễm thì cơ hội sống là mong manh, vậy tại sao họ lại lao vào?

 

Ai sẽ thấu hiểu cảm giác, về tới nhà nhìn thấy đứa con bé bỏng mà không dám ôm ngay vào lòng, phải vội vàng đi tắm rửa trong nước mắt của đứa con nhớ ba mẹ?

 

Ai sẽ thấu hiểu cảm giác, khi con ốm đau liền tự trách bản thân mình đã bất cẩn mang mầm bệnh về nhà cho con?

 

Những ai làm ngành Y sẽ không thể quên được cái chết của đồng nghiệp mình, cận kề và gần gũi, như đại dịch SARS cách đây 11 năm, người Việt Nam đầu tiên đầu tiên và bốn người sau đó tử vong, đều là y tá và bác sĩ.

 

Đằng sau những vinh quang nghề nghiệp, tiếc thay lại phảng phất những nỗi bất hạnh. Louis Pasteur, cha đẻ của vắc xin, người hùng của nhân loại khi tìm ra vắc xin chống bệnh than và bệnh dại, rất tiếc lại không cứu được con mình. Trong khoảng các năm từ 1859 đến 1865, ông đã lần lượt phải tiễn biệt ba người con gái, trong đó có hai người chết vì thương hàn, một dịch bệnh hoành hành tại thời điểm đó.

 

Câu trả lời cho tất cả những cái chết của các thiên thần áo trắng, đó là sứ mệnh. Nếu nhìn ở góc độ sinh tồn thì loài người có chung kẻ thù: những vi rút, vi khuẩn và các loại mầm bệnh khác ở con người. Trong cuộc chiến với kẻ thù này, đội quân vừa tiên phong, vừa duy nhất, chính là ngành Y. Chúng ta dù có xây bao nhiêu miếu thờ cũng không thể đền bù được cho những con người ấy, nhưng họ đã để lại cho các đồng nghiệp một lời nhắn nhủ: sự hi sinh cho mạng sống của con người là sứ mệnh không thể thay đổi của ngành Y. Khi bước chân vào đây, cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đã sẵn sàng cho sứ mệnh ấy – một sự hi sinh thầm lặng nhưng kéo dài cả cuộc đời.

 

(Theo Skđs)

Các tin khác