Khám phá miền đất linh thiêng Tây Tạng bao điều huyền bí

7/5/2018 4:07:15 PM
Tây Tạng nằm kề bên đỉnh Everest sừng sững được biết đến là miền đất linh thiêng chứa đựng bao điều huyền bí về giá trị văn hoá, bề dày lịch sử, chốn linh thiêng để tin về vòng tròn luân hồi ở kiếp sau…

 

Tây Tạng nằm kề bên đỉnh Everest sừng sững được biết đến là miền đất linh thiêng chứa đựng bao điều huyền bí về giá trị văn hoá, bề dày lịch sử, chốn linh thiêng để tin về vòng tròn luân hồi ở kiếp sau…

Khi nhắc đến Tấy Tạng người ta nghĩ ngay đến dòng sông băng Karola ngàn năm vĩnh cửu, có ngọn núi thiêng Kailash trùng điệp khói mây, và có cả những con người thiện lương luôn ngày đêm niệm trì kinh Phật.

Tây Tạng: Vùng đất chứa nhiều điều huyền bí

Đến với Tây Tạng bạn sẽ thấy đầu tiên là cung điện Potala hiện ra với vẻ đẹp nguy nga tráng lệ, xứng đáng là niềm tự hào của thủ phủ Lhasa. Nơi đây có hai cung điện chính là Hồng cung và Bạch cung, với tổng cộng 1500 căn phòng, chứa hơn 10.000 Phật điện và 20.000 tượng điêu khắc cùng vô vàn tranh vẽ, kinh kệ quý giá. Đến Potala bạn không chỉ cảm nhận những giá trị văn hoá, bề dày lịch sử mà còn là cõi vĩnh hằng, chốn linh thiêng để tin về vòng tròn luân hồi ở kiếp sau…

Chùa Jokhang ấn tượng với lữ khách ngay lần đầu với kiến trúc bốn tầng mái mạ vàng lấp lánh, là điểm hành hương của hàng triệu tín đồ Phật giáo trên thế giới. Đến đây, bạn dễ dàng bắt gặp hình ảnh các nhà sư Tây Tạng một tay lần tràng hạt, tay kia không ngừng xoay kinh luân, miệng liên tục trì chú với những nguyện ước phước lành. Hóa ra khi đứng trước cửa Phật, con người bỗng nhiên tìm thấy những xúc cảm bình yên giữa không gian vang vọng tiếng kinh Tạng linh thiêng.

Thấp thoáng nơi đỉnh đồi Drolmari, tu viện Tashi Lhunpo hiện ra với phong cách kiến trúc Tây Tạng. Nơi đây không chỉ là nơi Ban thiền Lạt Ma, nhân vật có tầm ảnh hưởng thứ nhì chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma trụ trì mà còn là nơi tu tập của hàng ngàn nhà sư tại 4 viện chia theo 4 dòng phật giáo Mật Tông. Đặc biệt, cảnh quan Tashi Lhunpo còn gây ấn tượng mạnh với các tay nhiếp ảnh, nhờ vào các dãy nhà sơn trắng toát, đỏ sậm, lối đi rợp bóng cây, và các tòa tháp dát vàng lung linh giữa nền trời xanh ngắt.

Lạc lối giữa chốn bồng lai

Bên cạnh những quần thể kiến trúc tôn giáo, về miền đất thiêng Tây Tạng bạn còn tận mắt chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ với vùng thảo nguyên bao la đầy gió cát và những ngọn núi cheo leo. Hồ thiêng Namtso hiện ra rộng lớn như biển, nước trong xanh màu ngọc bích, in bóng dãy núi tuyết Nyenchen Tanglha cao tới 7.000m, tựa như một “biển mây” giữa chốn bồng lai. Thành hồ nước cong cong như hình lưỡi liềm với ba mặt giáp núi non trùng điệp, được mặt trời chiếu rọi, lấp lánh trong ánh bình minh rực rỡ.

Bạn đừng quên chiêm ngưỡng dòng sông băng Karola huyền bí. Với những đường cong mềm mại, khối băng tồn tại hàng triệu năm qua nhẹ nhàng điểm tô sắc trắng tinh khôi trải dài từ đỉnh núi xuống thung lũng. Chỉ cần vài tia nắng soi rọi, cả dòng sông băng lấp lánh tựa viên pha lê, khiến bạn tạm quên đi cái lạnh âm độ để thu vào tầm mắt toàn cảnh thiên nhiên hùng vĩ.

Nền ẩm thực độc đáo:

Ngoài chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt sắc của Tây Tạng, hãy trải nghiệm phong cách “sống chậm” nhẹ nhàng của người dân nơi đây. Hãy chọn cho mình một quán nhỏ bên đường, uống một tách trà ngọt, nhâm nhi vài lát bánh mì và một gói thịt bò yak…, là có thể thảnh thơi ngắm góc phố, con đường, dòng người, xe cộ,… trôi qua chậm rãi như cách thời gian níu giữ bước chân lữ khách tìm về miền đất thiêng Tây Tạng đầy bí ẩn phía sau dãy núi Himalaya hùng vĩ.

Ẩm thực Tây Tạng còn chịu ảnh hưởng bởi lối sống du mục, thường xuyên phải chống chọi với cái khắc nghiệt và uôn cần nạp một lượng năng lượng lớn vào cơ thể. Đó chính là lý do người Tây Tạng thường ăn những loại thực phẩm giàu năng lượng như những chế phẩm từ phô mai yak, hay đặc biệt nhất là món trà bơ pocha. Có khi, người Tây Tạng uống đến cả… 60 cốc trà bơ mỗi ngày.

Nếu có dịp đến Tây Tạng hãy thưởng thức món lẩu nấm chế biến từ hơn 20 loại nấm khác nhau như nấm tre tiên, nấm vuốt hổ đen, nấm đùi gà, nấm mỡ gà, nấm kim châm, nấm gan bò, nấm tuyết… Mỗi loại nấm đều rất bổ dưỡng và có tác dụng chữa bệnh riêng. Bí quyết của nghệ thuật ẩm thực Tây Tạng chính là quy trình chế biến các loại nấm rất nghiêm ngặt để phát huy hết công dụng của nấm.

Suckhoecuocsong.com.vn/ Nguồn: travel.com.vn

 

Các tin khác