Hiệp hội Phát hành và Phổ biến Phim Việt Nam tố CGV chèn ép doanh nghiệp

9/7/2016 10:29:15 PM
Hiệp hội Phát hành và Phổ biến Phim Việt Nam vừa lên tiếng khẳng định thời gian qua, CJ-CGV chèn ép nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội về tỷ lệ ăn chia doanh thu tại rạp.

 

Hiệp hội Phát hành và Phổ biến Phim Việt Nam vừa lên tiếng khẳng định thời gian qua, CJ-CGV chèn ép nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội về tỷ lệ ăn chia doanh thu tại rạp.

Ngày 30-8, Hiệp hội Phát Hành và Phổ biến Phim Việt Nam đã gửi thông cáo tới báo chí và khẳng định: CGV ép các doanh nghiệp nói chung và nhiều doanh nghiệp trong hiệp hội về tỉ lệ ăn chia trong thời gian gần đây là vấn đề có thực và đang có rất nhiều doanh nghiệp bất bình.

Cụ thể theo công bố từ nhà phát hành phim BHD, bộ phim Việt Nam "Tấm Cám: Chuyện chưa kể" đang thu hút nhiều sự quan tâm của khán giả, khi mà phim đạt doanh thu 46 tỷ đồng chỉ sau 10 ngày công chiếu. Còn trong giới làm phim, bộ phim này cũng là tác nhân cho một câu chuyện thu hút sự quan tâm không kém.

Tuy nhiên bộ phim không được chiếu tại cụm rạp của CGV - đơn vị đang thống lĩnh thị trường chiếu và phân phối phim tại Việt Nam hiện nay, do giữa chủ rạp và chủ phim không thỏa thuận được với nhau về tỷ lệ chia doanh thu.

Mới đây, Hiệp hội Phát hành và Phổ biến Phim Việt Nam vừa lên tiếng khẳng định trong thời gian qua, Công ty CJ-CGV chèn ép nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội về tỷ lệ ăn chia doanh thu tại rạp.

Chủ tịch hiệp hội cho rằng, một năm trở lại đây tỷ lệ ăn chia doanh thu riêng tại cụm rạp CGV ngày càng bị ép giảm dần cho các phim Việt Nam của nhà sản xuất, phát hành khác ngoài CGV, với mức giảm từ 15% đến gần 25%. Điều đáng nói, CGV vẫn áp dụng mức tỷ lệ cũ cho phim của mình tại các hệ thống rạp khác.

Về phía đại diện CJ-CGV đã phủ nhận việc gây sức ép đối với nhà sản xuất, phát hành phim Việt Nam về tỷ lệ chia doanh thu. Đồng thời cho rằng, việc xác định tỷ lệ này là vấn đề thỏa thuận giữa các bên.

Do đó, hiệp hội này kêu gọi CGV hãy hành xử như một doanh nghiệp lớn: “Việc một doanh nghiệp đầu tư phát triển và đạt được vị trí lớn là việc rất bình thường và được khuyến khích trong kinh doanh. Nhưng khi đã là một doanh nghiệp lớn, cần phải hành xử có trách nhiệm và văn hóa như một “doanh nghiệp lớn” chứ không nên “cậy lớn” để chèn ép hay chặn đường phát triển của các doanh nghiệp khác trong ngành, đặc biệt lại là các doanh nghiệp địa phương nơi CGV đang kinh doanh

Cuối cùng đơn vị này bày tỏ mong mỏi được cạnh tranh lành mạnh, công bằng và tuân thủ luật pháp Việt Nam và các thỏa thuận quốc tế cũng như sẵn sàng cạnh tranh song phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài.

Suckhoecuocsong.com.vn (Theo vtv)

Các tin khác