Giải pháp thoát lỗ cho các nhà máy nhiên liệu sinh học tại Việt Nam

10/22/2014 3:16:03 PM
Tại Việt Nam hiện có 7 nhà máy nhiên liệu sinh học, nhưng đã có 4 nhà máy ở Phú Thọ, Quảng Nam, Đăk Nông và Bình Phước tạm dừng sản xuất, số còn lại hoạt động cầm chừng do khó khăn về nguồn vốn.

 

Nguyên nhân do thua lỗ dẫn đến không có chi phí chi trả cho các hoạt động của nhà máy.

Để giải quyết tình trạng nêu trên, hôm qua, 21/10 hội nghị "Xây dựng giải pháp thúc đẩy sản xuất ethanol nhiên liệu bền vững" đã nhóm họp. Qua đó, Tiến sĩ Nguyễn Đức Vinh, Vụ Khoa học & Công nghệ (Bộ Công Thương) đã thông báo và hướng đến các giải pháp tránh thua lỗ.

Theo số liệu của Công ty CP Nhiên liệu Dầu khí miền Trung, năng lực cung cấp ethanol nhiên liệu nội địa của Việt Nam đạt hơn 500.000 m3/năm. Tuy nhiên, do khó khăn tiêu thụ trong thời gian dài nên chỉ có 2 nhà máy còn khả năng sản xuất với tổng công suất 160.000 m3 mỗi năm.

Trước đó, theo tính toán của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), chỉ riêng nhà máy nhiên liệu sinh học tại Bình Phước ngừng hoạt động đã dẫn đến khoản lỗ khoảng 270 tỷ đồng một năm, trong đó có 120 tỷ đồng lãi vay, 90 tỷ đồng khấu hao và 60 tỷ đồng chi phí duy trì nhà máy. Đây là liên danh giữa Tập đoàn Itochu - Nhật Bản với Tổng công ty Dầu khí Việt Nam - PVOil và Công ty cổ phần Licogi 16 - Việt Nam, vốn điều lệ 34,5 triệu USD. Tương tự, nhà máy sản xuất ethanol ở Đồng Nai, Kon Tum và Quảng Ngãi cũng đang hoạt động cầm chừng vì sức tiêu thụ xăng sinh học E5 Ron92 trong nước chậm, giá ethanol trên thị trường thế giới giảm.

Để tìm giải pháp và phương án phát triển đề án nhiên liệu sinh học thuận lợi theo lộ trình của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và Bộ Công Thương đã thống nhất triển khai mô hình thí điểm liên kết gồm doanh nghiệp và nông dân. Qua đó, phát triển vùng nguyên liệu sắn áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất. Hỗ trợ người dân trồng sắn theo mô hình "cánh đồng mẫu lớn" nhằm giảm giá thành nguyên liệu đầu vào cho nhà máy sản xuất ethanol.

Đại diện Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) cũng đề xuất Chính phủ cần có cơ chế ưu tiên sử dụng các loại nhiên liệu sạch tại Việt Nam, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế về phát triển nhiên liệu sinh học. Đồng thời áp dụng chính sách hỗ trợ cụ thể về tài chính cho nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng; hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp động cơ cho tương thích với nhiên liệu sinh học; tuyên truyền rõ về lợi ích xăng sinh học đến đông đảo người dân.

Skcs.vn (Theo Vnexpress.net)

Các tin khác