Doanh nghiệp Thái và tham vọng ở thị trường Việt Nam: Nên mừng hay lo?

1/15/2015 11:50:37 PM
Sự góp mặt của gia tộc Chirathivat đã đánh dấu việc lần thứ 3, một tỷ phú từng giữ ngôi giàu nhất Thái Lan, tìm cơ hội rót vốn vào thị trường bán lẻ Việt Nam chỉ trong vòng 2 năm.

 

 

Lần đầu tiên một tỷ phú Thái rót tiền vào thị trường bán lẻ Việt Nam là vào tháng 12/2012, khi tập đoàn SCG của Thái Lan mua 85% vốn của Prime Group. Tiếp theo, vào tháng 9/2014, tỷ phú Thái mua cổ phần của Vinamilk, Sabeco và thâu tóm Metro. Tháng 1/2015, Central Group làm chủ 49% vốn của Nguyễn Kim. Đó là những thương vụ mua lại và sát nhập có liên quan đến tỷ phú Thái xuất hiện trong thời gian qua ở thị trường Việt Nam. Từ nông nghiệp, bất động sản, dầu khí, sản xuất vật liệu xây dựng rồi đến bán lẻ..., những "con cá mập" Thái Lan đã len chân rết vào mọi mảng kinh doanh tại Việt Nam, và đang thu được nguồn lợi đáng kể từ thị trường tiềm năng nơi có dân số đông bậc nhất thế giới.

 

 

Công ty Power Buy - một đơn vị thuộc tập đoàn Central Group của gia đình tỷ phú Thái Chirathivat hoàn tất việc mua lại 49% cổ phần Nguyễn Kim

 

Hầu hết các tập đoàn của Thái Lan đều tiếp cận với những doanh nghiệp lớn nhưng chưa niêm yết, trải dài trong nhiều ngành, và đặc biệt là các công ty đang cần vốn lớn để phát triển hoạt động hoặc tái cơ cấu.

 

Thực tế, ông chủ của Central Group - Tos Chirathivat, chưa từng giấu diếm tham vọng mở rộng nghiệp kinh doanh ở thị trường lý tưởng này. Chính vị này trong lần đầu tiên hiện diện tại Việt Nam đã nhận định, dân số 90 triệu người với 60% ở độ tuổi lao động sẽ mở ra một nguồn khách hàng vững chắc cho bất cứ doanh nghiệp nào muốn đặt dấu chân của mình vào mảng bán lẻ ở Việt Nam.

 

Niềm tin của Central Group dường như không phải thiếu căn cứ, bởi những công ty Thái trước đó đầu tư vào Việt Nam đã thu được thành quả lớn. Tập đoàn BJC - công ty đang ồn ào với thương vụ bỏ 900 triệu USD để mua lại Metro chưa thành, từng cho biết doanh thu của BJC tại thị trường Việt Nam trong quý I/2014 đã chiếm khoảng 66% doanh thu nước ngoài của tập đoàn. Thậm chí, trước khi BJC đặt vấn đề mua lại Metro Việt Nam, một công ty Thái khác đã ngỏ lời mua lại với mức giá 500 triệu USD vào tháng 1/2014. Như vậy, chỉ sau 9 tháng, cái giá để người Thái có thể mua được Metro Việt Nam đã tăng gần gấp đôi, nhưng vẫn được đánh giá là "xứng đáng".

 

Còn về phần người “bị mua”, lý do họ đưa ra rất đơn giản và chính đáng: giống như rất nhiều công ty thuần Việt có chỗ đứng vững chắc, Nguyễn Kim - nhà bán lẻ điện máy hàng đầu tại thị trường Việt Nam và là một trong 3 nhà bán lẻ hàng đầu tại đây (theo RetailAsia) - cũng phải tìm tới một hậu thuẫn tài chính, trong chiến dịch giữ thị phần và tốc độ tăng trưởng trong ngành, cũng như tham vọng mở rộng ngành kinh doanh ngoài điện máy.

 

 

Doanh nghiệp Việt đứng trước cả cơ hội và thách thức do người Thái tạo ra

 

Trước đó, thương vụ ông chủ tập đoàn SCG của Thái Lan bỏ gần 240 triệu USD vào Prime Group cũng từng gây xôn xao thị trường M&A. Vụ chuyển nhượng hoàn tất vào tháng 12/2012 này đã khiến doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng ở nước ta, chuyên sản xuất gạch ốp lát, trở thành một doanh nghiệp nước ngoài khi người Việt mất 85% vốn vào tay người Thái. Đó là còn chưa kể tới những cái tên nổi bật trong ngành bất động sản như Melia Hà Nội, Melinh Point Tower... cũng đã có chân rết của các tỷ phú đất nước chùa vàng.

 

Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong là những doanh nghiệp niêm yết hiếm hoi được các ông chủ người Thái để mắt đến. Để sở hữu từ 11% đến gần 24% cổ phần tại những công ty này, số tiền mà các công ty Thái Lan phải bỏ ra cũng dao động từ 35 triệu USD đến hơn 500 triệu USD.

 

Hiện đang tồn tại 2 luồng quan điểm trong giới đầu tư và chuyên gia Việt Nam về sự thâm nhập của những doanh nghiệp "cá mập" Thái Lan suốt thời gian vừa rồi. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, đây là sự hợp tác hai bên cùng có lợi: doanh nghiệp Việt cần vốn để phát triển, trong khi đối tác ngoại cần mở rộng thị trường mới. Phần lợi từ những thương vụ này cũng được chia đều cho cả hai: Doanh nghiệp Việt học hỏi được kinh nghiệm quản lý, tầm nhìn, còn phía Thái Lan sẽ tận dụng được lợi thế thương hiệu của công ty Việt Nam có từ trước đó.

 

Luồng ý kiến thứ hai thì lo ngại sự thâm nhập của hàng Thái sẽ lấn át hàng trong nước, đe dọa lợi thế "sân nhà" của hàng Việt. Đây được cho là bài toán khó với các doanh nghiệp trong nước để cân bằng sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng với sản phẩm là lợi thế của chính doanh nghiệp mình.

 

Quang Phong - Skcs.vn (tổng hợp)

Các tin khác