Cứ mỗi 5 phút lại có một doanh nghiệp được thành lập, nên buồn hay vui?

10/4/2016 8:56:00 AM
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm nay, cả nước có gần 81.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 19,2% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2015.

 

Theo Tổng cục Thống kê, đây là một trong những tín hiệu khả quan của nền kinh tế. Tính ra trung bình, cứ mỗi 5 phút tại Việt Nam lại có một doanh nghiệp mới được thành lập

Tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đầu năm là gần 630 nghìn tỷ đồng, tăng 49,5%

Số vốn đăng ký bình quân/doanh nghiệp đạt 7,7 tỷ đồng, tăng 25,4%. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng là 928.700 người, bằng 92,9% cùng kỳ năm 2015.

Một điều đáng mừng nữa là trong 9 tháng năm nay có 20.510 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng năm nay lên gần 102.000 doanh nghiệp.

Tuy nhiên vẫn còn đó những mối lo. Số doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động trong 9 tháng năm 2016 vẫn là gần 53.500 doanh nghiệp.

Với một nền kinh tế có quá nhiều doanh nghiệp phá sản, đặc biệt đối với Việt Nam, khi yêu cầu có một môi trường kinh doanh ổn định nhằm thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư từ nước ngoài thì việc có tới hàng chục nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt và tạm dừng hoạt động trong một quý gây ảnh hưởng không nhỏ đến cái nhìn của các nhà đầu tư đối với môi trường kinh doanh trong nước. Mặt khác, khi doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động cũng dẫn tới một loạt những hệ lụy về mặt xã hội như người lao động bị mất việc làm, môi trường sinh thái bị ảnh hưởng…

Về chủ quan, phần lớn những doanh nghiệp giải thể là những doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký nhỏ dưới 10 tỷ đồng (chiếm 93% trên tổng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động). Điều này phần nào cho thấy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam có sức chống chọi với khó khăn thấp hơn hẳn so với những doanh nghiệp có quy mô lớn.

Trên thực tế, thời gian qua, các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh cũng như nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ khu vực doanh nghiệp trong vấn đề tiếp cận các nguồn lực ưu đãi từ vốn, đất đai tới công nghệ... đã được đưa ra, song khu vực doanh nghiệp vẫn khó khăn trong tiếp cận những ưu đãi này.

Có lẽ các cơ quan chức năng cần xem xét cụ thể những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, từ đó, có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn để thúc đẩy các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và ổn định phát triển.

Suckhoecuocsong.com.vn (Theo Infonet)

Các tin khác