Có một Quốc gia bỏ qua nền văn minh nhân loại

6/1/2016 3:43:21 PM
Ở thế kỷ 21có một quốc gia không trộm cắp, không cướp giật, không ma tuý, không nhà cao tầng…..bạn có tin không?

 

Trong thế giới hiện đại, nơi không thể thiếu những tiện nghi văn minh, nơi những tòa nhà chọc trời mọc lên như nấm, nơi những cơn khủng hoảng kinh tế đang dâng lên như sóng thần, nơi tình trạng thiên nhiên bị hủy hoại gây nên những hậu quả khủng khiếp, vậy mà có một quốc gia bé nhỏ lại điềm nhiên bỏ qua nền văn minh nhân loại.

Được ví như thiên đường dưới hạ giới, Bhutan đất nước nhỏ bé nằm lọt thỏm giữa bạt ngàn rừng xanh núi thẳm của dãy Himalaya trùng điệp. Cả nước chỉ có duy nhất một sân bay với hai máy bay, một đường băng, nơi máy bay chỉ có thể lên xuống vào ban ngày, trong điều kiện thời tiết tốt. Trên khắp thế giới, chỉ có 8 phi công có đủ khả năng và bản lĩnh để được phép hạ cánh ở Bhutan. Tòa nhà Chính phủ ở phía bắc thủ đô Thimphu. Với hơn 60% diện tích lãnh thổ còn rừng bao phủ, ngay cả các đô thị lớn của Bhutan cũng tràn ngập màu xanh.

Những tòa nhà chọc trời không được phép mọc lên ở Bhutan. Kiến trúc Bhutan gây ấn tượng mạnh và hoàn toàn khác biệt với tất cả những quốc gia còn lại trên thế giới. Tất cả nhà cửa ở đây, dù mới xây, đều mang dáng vẻ cổ xưa. Nhà nước Bhutan có quy định rất rõ ràng về chiều cao cũng như phong cách của các tòa nhà để đảm bảo mọi đô thị đều là một thể thống nhất, hài hòa, phản ánh rõ nét sắc thái văn hóa truyền thống của đất nước. Ở Paro hay kể cả Thimphu, thủ đô đồng thời là thành phố lớn nhất của Bhutan, hầu như không có cảnh tắc đường. Xe cộ ít nên không khí rất trong lành. Thimphu có lẽ là thủ đô duy nhất trên thế giới không có đèn tín hiệu giao thông.

Khắp đất nước Bhutan xinh đẹp, những tu viện Phật giáo Tây Tạng trầm mặc trong khói hương, thấp thoáng bóng cà sa đỏ thắm của các vị tu hành. Có lẽ Bhutan là vương quốc Phật giáo duy nhất trên thế giới với 2/3 dân số theo đạo Phật. Phải nói rằng Phật giáo được ủng hộ cả về mặt chính trị và kinh tế. Chính phủ cũng ra sức giữ những tôn giáo khác ra khỏi đất nước bằng cách ngăn cấm việc truyền đạo Thiên Chúa và các đạo lớn khác. . Người dân nơi đây là những Phật tử trung thành, đi đến đâu, bạn cũng sẽ thấy cờ phướn của nhà Phật tung bay, khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ không hề bị tác động bởi bàn tay con người.

Bhutan đón tiếp khách phương xa bằng những thửa ruộng bậc thang vàng óng ả, tỏa ra một mùi hương no ấm của lúa chín. Phía sau những thửa ruộng ấy, Paro mở ra đột ngột như một câu chuyện cổ tích. Những khung cửa chạm trổ cầu kỳ, treo đầy những chùm ớt chín, lấp ló nụ cười nửa thân thiện, nửa tò mò của các cô bé, cậu bé má đỏ hồng. Những con phố nhỏ, sạch bong và yên tĩnh, được viền bằng những ngôi nhà xinh xắn sơn màu trắng hoặc vàng nhạt. Cảnh vật nhuốm màu thời gian huyễn hoặc như hiện ra từ một quá khứ xa xôi.

Những ngôi nhà cổ xưa với khung cửa chạm trổ cầu kỳ treo đầy chùm ớt chin đỏ.

Đứng đầu bộ máy cai quản đất nước Bhutan là vị vua thứ tư, Jigme Singye Wangchuck. Ông chính là người đề ra tiêu chuẩn Tổng mức Hạnh phúc Quốc gia (Gross National Happiness – GNH) để đánh giá mức độ phát triển của đất nước, thay cho các chỉ số kinh tế như GNP hay GDP. Bhutan là quốc gia đầu tiên và duy nhất trên thế giới áp dụng GNH. Nhà vua cho rằng, 4 điểm mấu chốt để làm nên Hạnh phúc Quốc gia là: phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa và lãnh đạo tốt. Tất cả các luận điểm này đều được vua Jigme Singye Wangchuck thực thi một cách hiệu quả. Không hạnh phúc sao được khi trẻ em đi học không phải đóng bất cứ khoản tiền nào mà còn được trợ cấp sách vở, lương thực. Người dân và kể cả du khách đều được chăm sóc sức khỏe hoàn toàn miễn phí. Dù còn hơn 30% dân số thuộc diện nghèo, nhưng ở Bhutan, không ai lo bị đói, lo ốm đau không có tiền thuốc men hay lo con cái mình thất học.

Vua Jigme Singye Wangchuck với Hoàng hậu thăm hỏi thần dân của mình

Bhutan mở cửa để phát triển kinh tế du lịch, nhưng đồng thời áp dụng chính sách chặt chẽ để hạn chế số lượng du khách hàng năm trong khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng địa phương và không ảnh hưởng đến môi trường cũng như các di sản văn hóa. Cách quản lý số lượng du khách cũng rất độc đáo. Bhutan không hạn chế cấp visa, nhưng quy định mọi du khách đều phải mua tour trọn gói của các công ty do nhà nước cấp phép hoạt động, với mức phí tối thiểu cho một ngày lưu trú là 250 USD. Mức giá khá cao này giúp ngành du lịch Bhutan, dù chỉ phục vụ một lượng khách nhỏ, nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu lợi nhuận và bảo tồn.

Dù là đất nước nhỏ bé, gần như tách biệt với thế giới bên ngoài nhưng Bhutan lại gây chú ý với thế giới bởi cách sống rất riêng của mình. Nơi đó không có sự phân biệt đẳng cấp giàu nghèo, không có nhà cửa hiện đại, đường phố không đông xe cộ, không có nhiều biển hiệu quảng cáo… mà thay vào đó là những bảng khẩu hiệu khiến bạn mỉm cười như “Cuộc sống là một cuộc hành trình! Hãy lên đường!”,“Hãy để thiên nhiên dẫn đường chỉ lối!”hoặc“Rất xin lỗi nếu có bất cứ sự bất tiện nào!”… Việc giữ gìn và bảo vệ môi trường thiên nhiên là khái niệm ăn sâu vào tiềm thức mỗi người dân nơi đây. Họ có ý thức tự giác khi thấy một cành cây bị gãy sẽ trồng thêm ba cây non khác như một cách bù đắp cho mẹ thiên nhiên.

Bhutan có hệ thống sinh thái bền vững và ổn định nhất thế giới khi không có bất cứ sự hủy hoại về mặt môi trường diễn ra ở đất nước này. Nhờ thế mà cho đến nay, hơn 60% diện tích Bhutan vẫn còn rừng bao phủ và 1/4 lãnh thổ là các công viên quốc gia. Túi nylon bị cấm sử dụng. Thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng và chất bảo quản là những thứ xa lạ với nông dân.

Bhutan là quốc gia cuối cùng có sóng truyền hình (năm 1999). Khi cho phép triển khai truyền hình và internet, nhà vua đã nghĩ đến việc ngăn chặn tác động xấu mà những sản phẩm của văn minh phương Tây gây ra cho người dân. Các kênh truyền hình có tính chất khiêu dâm, bạo lực (kể cả kênh thể thao Ten Sports vì kênh này dành một thời lượng lớn cho môn đấu vật), Fashion TV và kênh âm nhạc MTV đều bị cấm ở Bhutan. Chẳng ngạc nhiên khi ở thế kỷ 21, vương quốc này vẫn hầu như không có nạn trộm cắp, ma túy, cướp giật.

Nụ cười hồn nhiên của những em bé Bhutan má đỏ hồng hào

Không hạnh phúc sao được khi trẻ em đi học không phải đóng bất cứ khoản tiền nào mà còn được trợ cấp sách vở, lương thực. Người dân và kể cả du khách đều được chăm sóc sức khỏe hoàn toàn miễn phí. Dù còn hơn 30% dân số thuộc diện nghèo, nhưng ở Bhutan, không ai lo bị đói, lo ốm đau không có tiền thuốc men hay lo con cái mình thất học.

Trong ba thập kỷ qua, Bhutan đã đề ra một quan điểm đi đầu thế giới rằng sự hạnh phúc, khỏe mạnh của người dân quan trọng hơn việc chỉ tập trung mọi nỗ lực vào phát triển kinh tế. Sự lựa chọn này qua thời gian đã chứng minh được là sự lựa chọn đúng đắn.

Trong vòng 20 năm, tuổi thọ trung bình của người dân Bhutan được tăng gấp đôi, 100% trẻ em được tới trường, mức độ trong lành của môi trường ở mức lý tưởng, thiên nhiên được bảo vệ tối đa, 60% diện tích quốc gia được che phủ bởi rừng… Bhutan cấm việc xuất khẩu gỗ, mỗi tháng đều có một ngày toàn dân đi bộ…

Bình yên và cổ kính giữa những cánh rừng ngọn núi xanh bát ngát, tu viện tịch lặng uy nghiêm, niềm vui lấp lánh trong ánh mắt người dân, sự thanh bình sung túc thể hiện trên từng lá cây ngọn cỏ. Đến Bhutan một lần, bạn sẽ không phải hối tiếc và sẽ muốn quay lại thiên đường này nhiều lần nữa.

Có một Quốc gia bỏ qua nền văn minh nhân loại          

Suckhoecuocsong.com.vn (Tổng hợp)

Các tin khác