Có căn cứ khi nói 'Thánh Gióng bị thương và nhảy xuống Hồ Tây tắm'?

3/17/2015 11:10:38 AM
Sau khi dẹp giặc, Thánh Gióng “ăn một bữa cơm và nhảy xuống Hồ Tây tắm rồi chết trong rừng vì một vết thương nặng” là một tình tiết trong sách Tiếng Việt lớp 5 hiện đang gây nhiều tranh cãi.

 

 

Hôm qua (16/3), một trang báo điện tử đã đưa tin về chi tiết này trong sách Tiếng Việt lớp 5 và sách Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5 tập 2A (sách thử nghiệm dạy học theo mô hình VNEN). Được biết, đó là đoạn văn về Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng) của tác giả Nguyễn Đình Thi được đưa ra làm ví dụ cho một bài tập về từ ngữ.

 

Đoạn văn gây tranh cãi

 

Qua tìm hiểu, đoạn văn trong sách Tiếng Việt lớp 5 ghi như sau: “Nghe chuyện Phù Đổng Thiên Vương, tôi thường tưởng tượng đến một trang nam nhi, sức vóc khác người, nhưng tâm hồn còn thô sơ và giản dị như tâm hồn tất cả mọi người thời xưa. Tráng sĩ ấy gặp lúc quốc gia lâm nguy đã xông pha ra trận, đem sức khỏe mà đánh tan giặc, nhưng bị thương nặng. Tuy thế, người trai làng Phù Đổng vẫn còn ăn một bữa cơm (chỗ ấy nay lập đền thờ ở làng Xuân Tảo) rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm, xong mới ôm vết thương lên ngựa đi tìm một rừng cây âm u nào, giấu kín nỗi đau của mình mà chết.” Đoạn trong sách Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5 cũng tương tự, chỉ lược bỏ cụm từ trong ngoặc đơn: “chỗ ấy nay lập đền thờ ở làng Xuân Tảo”.

 

 

Đoạn văn về Thánh Gióng đang gây tranh cãi.

 

Vì đoạn kết không giống đoạn kết trong truyền thuyết lâu nay vẫn quen thuộc với độc giả là “Sau khi đánh tan giặc Ân, Thánh Gióng bay về trời” nên đoạn văn trên đã vấp phải phản ứng, nhất là chi tiết “nhảy xuống Hồ Tây tắm”. Hầu hết ác ý kiến đều phản đối hoặc ngờ vực, cho rằng đoạn văn quá xa lạ và sai lệch so với những gì họ biết về truyền thuyết Thánh Gióng từ trước đến nay.

 

Chủ biên khẳng định đoạn văn là của Nguyễn Đình Thi

 

TS. Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam cho biết: “Chúng tôi khẳng định, đoạn văn trên có xuất xứ rõ ràng và có căn cứ. Chúng tôi đang soạn câu trả lời chu đáo về mặt chuyên môn và sẽ gửi đến báo chí.”

 

 

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi được cho là tác giả đoạn văn trên.

 

GS Nguyễn Minh Thuyết, chủ biên sách Tiếng Việt lớp 5 cũng làm việc với lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam để đưa ra câu trả lời cho dư luận. Ông khẳng định, đoạn văn trên là của nhà thơ Nguyễn Đình Thi và được trích dẫn đúng, không phải do nhóm biên soạn bịa ra.

 

Được biết, nhà thơ Nguyễn Đình Thi từng viết một số bài nghiên cứu về văn học dân gian như Sức sống của nhân dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích, Nguyễn Du và Truyện Kiều, Thời gian của Thánh Gióng…

 

Skcs.vn (Theo thethaovanhoa)

Các tin khác