Cần làm gì để thu hút khách du lịch trở lại TP.HCM

8/18/2016 2:06:39 PM
Du lịch là một ngành kinh tế siêu lợi nhuận bởi vậy nhiều nước trên thế giới đã xem đây là mũi nhọn kinh tế. Ở Việt Nam, TP.HCM  được đánh giá là thành phố có nhiều điều kiện phát triển du lịch nhưng lượng du khách đến nơi này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng bởi những vấn nạn về giao thông, trộm cắp hay thái độ phục vụ kém.

 

Du lịch là một ngành kinh tế siêu lợi nhuận bởi vậy nhiều nước trên thế giới đã xem đây là mũi nhọn kinh tế. Ở Việt Nam, TP.HCM  được đánh giá là thành phố có nhiều điều kiện phát triển du lịch nhưng lượng du khách đến nơi này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng bởi những vấn nạn về giao thông, trộm cắp hay thái độ phục vụ kém. Muốn thực sự thu hút được khách du lịch, TP.HCM cần phải đề ra những giải pháp cấp bách và lâu dài như thu hút du khách bằng sự an toàn, văn minh từ sân bay về khách sạn, đến khu vui chơi, điểm tham quan.

Tại hội nghị về du lịch do Chính phủ tổ chức tại TP Hội An diễn ra vào ngày 9-8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định về các lý do du khách không quay trở lại Việt Nam. Ông cho biết kém an toàn, kém văn minh là những lý do làm du khách không muốn quay lại. Ông cho rằng muốn thúc đẩy tăng trưởng du lịch trở lại TP.HCM cần làm những điều sau.

1. Củng cố an toàn - an ninh:

Sẽ có ý kiến cho là khó đối với TP gần 10 triệu dân. Điều này đúng nhưng chúng ta vẫn có thể đảm bảo an toàn ở mức cơ bản tại sân bay - khách sạn - điểm tham quan - vui chơi, mua sắm. Hãy lập đội phản ứng nhanh chuyên nghiệp, tuần tra 24/24 giờ, trả lương bằng thuế thu từ các công ty du lịch và các trung tâm thương mại.

2. Tăng văn minh:

Khi đến một quốc gia khác, bất cứ nhân sự nào trong bộ máy (kể cả cảnh sát) tỏ thái độ lịch sự sẽ khiến du khách muốn quay trở lại. Vậy thì nhân viên sân bay, an ninh hàng không đừng lạnh tanh hay quát nạt khi khách chậm bê hành lý lên máy soi, hoặc công an đừng hoạnh họe khó khăn khi du khách có việc cầu cứu, cần giúp đỡ, thay vào đó là sự tư vấn và trợ giúp họ. Cần thiết có một bộ quy tắc ứng xử cho vấn đề này.

Mặt khác, không có xứ sở văn minh nào mà đâu đâu cũng có bãi rác. Hãy buộc các cơ quan, cơ sở kinh doanh tọa lạc mặt tiền các con phố tuân thủ nghiêm ngặt quy định về cách thức, địa điểm và thời gian bỏ rác. Chính quyền có thể đề ra mức phí và yêu cầu họ đóng đầy đủ. Phí này sẽ được trả cho bộ phận thu gom. Kèm với đó phải có quy chuẩn nhà vệ sinh buộc các hàng, quán phải thực hiện nếu muốn kinh doanh.

3.Tái thiết an toàn từ sân bay đến khách sạn:

Phải triệt ngay nạn mất cắp hành lý. Điều này không khó, hãy lắp camera toàn bộ quy trình từ khi lấy hành lý ra khỏi máy bay cho đến khi lên băng chuyền đưa ra ngoài. Đặt một màn hình 4K cho hành khách quan sát. Việc trang bị này không đắt, không đến mức phải lập dự án hàng chục tỉ đồng, có thể tìm nhà tài trợ, đổi lại quảng cáo.

Tiếp đó, cần dẹp loạn taxi trong sân bay. Hãy quản lý như cách thức các ngân hàng quản: Khách ra xếp hàng, bấm thẻ lấy số, tương ứng số đó là số tài taxi sắp sẵn.

4. Lập lại trật tự giao thông:

Luật đã có rồi, hãy phạt thật nặng việc lấn làn, lấn tuyến, vượt đèn đỏ, đừng du di. Đồng thời, giáo dục, giám sát, nghiêm trị hành vi giao thông lung tung của taxi và xe buýt. Nhìn xe buýt vượt ngã tư và taxi quay đầu giờ cao điểm mới thấy kinh hoàng cỡ nào! Đồng thời, nên phát hành cẩm nang giao thông an toàn cho du khách khi đi bộ.

5. Tập trung một đầu mối xử lý:

Lập một trung tâm điều hành, cấp cứu, hỗ trợ du lịch - an ninh với số một điện thoại ngắn gọn để thay thế cho tất cả đường dây nóng, bởi có khá nhiều số mà chính người địa phương cũng không thể nhớ huống chi du khách. Mỗi du khách đều được phát miễn phí một tờ rơi “cẩm nang an toàn lưu trú” với số điện thoại khẩn dễ nhìn. Tiền thu từ các công ty du lịch, cơ sở kinh doanh có liên quan đến du lịch và cả hãng hàng không sẽ được dùng để vận hành tổng đài và bộ máy điều hành điều phối: Công an, lực lượng cứu thương, cứu hộ, cứu hỏa... Người Mỹ có tổng đài 911 nên khi nguy cấp, khốn khó, dù là tình huống nào thì phản xạ tự nhiên của dân bản xứ là gọi vào số duy nhất dễ nhớ này.

6. Cung cấp thông tin cần thiết:

Phát hành bản đồ ẩm thực - vui chơi - tham quan hoặc lập website bằng nhiều ngôn ngữ do cơ quan xúc tiến du lịch chủ trì và cập nhật liên tục. Quan trọng nhất là cập nhật sản phẩm, dịch vụ và giá cả. Khách hàng làm thủ tục nhập cảnh được phát bản đồ hoặc giới thiệu website chuyên về du lịch TP.

7. Quy hoạch hàng rong về một phố:

Việc quản lý này giúp kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm và cả an ninh trật tự. Việc này cũng sẽ giúp loại bớt đội quân chèo kéo trước các xe du lịch.

8. Kinh doanh hiệu quả bảo tàng, di tích:

Xem xét giao, hợp tác hoặc đấu thầu các bảo tàng, di tích cho đơn vị tư nhân có phương án kinh doanh tốt nhất cả về doanh thu, dịch vụ, quản lý, trùng tu… Ở các nước phương Tây, bảo tàng là nơi du khách tấp nập, quản lý nghiêm ngặt, khoa học, giá vé nhiều nơi khá đắt nên mang lại nguồn thu rất cao. Nếu ta buông lỏng, để các bảo tàng, di tích xuống cấp thì không những mất du khách mà còn mất luôn bảo tàng cho thế hệ mai sau.

9. Tạo khu vui chơi, buôn bán dành cho du khách:

Ưu tiên các mô hình dịch vụ tiên tiến và hiện đại có âm nhạc, các món ăn truyền thống thuần Việt, các hàng lưu niệm nội địa handmade. Và nên ưu tiên điều hành bởi các tập đoàn kinh tế có kinh nghiệm và công nghệ bán lẻ, mục đích là tạo ra điểm tiêu tiền cho du khách.

Tổng hợp

Các tin khác