Cái tên đặc biệt và nguồn gốc ngày Cá tháng tư

3/31/2015 4:07:03 PM
Nói dối là xấu! Phải, nó thật xấu trong 364 ngày trong năm trừ ngày Cá tháng tư. Một ngày đặc biệt, ngày mà những lời nói dối của bạn biến thành vô hại, thậm chí trở nên hài hước và được đồng tình ở khắp mọi nơi. Vậy xuất phát từ đâu mà ngày Cá lại ra đời và tên gọi của nó có từ khi nào?

 

 

Bạn hãy tìm hiểu câu chuyện sau để có câu trả lời nhé!

 

Nguồn gốc ngày cá tháng tư

 

 

Câu chuyện bắt đầu ở nước Pháp xa xôi, đã từ rất lâu mọi người tổ chức đón năm mới vào ngày 1/4. Khi đó, tất cả người dân đều được ăn mừng, nhảy múa, hát ca… Nhưng đến khoảng thế kỷ XVI, một vị Giáo hoàng tên là Gregory đã đề xuất một loại lịch mới là Công lịch, theo đó, năm mới sẽ bắt đầu từ ngày 1/1. Vua Pháp bấy giờ là Charles IX đã chấp nhận việc này.

 

Tuy nhiên, do phương tiện kĩ thuật truyền tin của ngày đó chưa phát triển nên một số người chưa biết tin vẫn nồng nhiệt đón Tết như mọi năm vào 1/4. Và họ đã bị những người biết true đùa gọi là những người ngốc tháng 4 (April’s Fool).

 

Kể từ đó, ngày 1/4 bỗng trở thành một ngày nhiều nụ cười vì mọi người nhận ra mình nhầm lẫn và cười xòa. Mọi người cất công nghĩ ra cách làm cho người khác nhầm lẫn vào ngày này bằng cách đánh lừa hay nói dối vui. Dần dần nó trở thành một nét văn hóa ngộ nghĩnh, làm mọi người vui vẻ và gần gũi nhau hơn.

 

Tên gọi đặc biệt

 

 

Dù là theo cách nào thì ngày Cá cũng thực sự đã làm tròn sứ mạng ra đời của mình là đem lại tiếng cười cho tất cả mọi người.

 

Còn tên gọi ngày Cá thì sao? Có hai cách lí giải: Một là, vào thế kỉ XVI, thời gian tháng 4 là vào tháng ăn chay của người theo Thiên Chúa giáo. Họ không được phép ăn thịt các loài động vật mà chỉ được ăn duy nhất con cá. Vậy nên có những người thích đùa đã tặng bạn bè và người thân những chú cá…giả. Trò đùa nhận được sự hưởng ứng và làm theo của nhiều người. Và đó cũng là nguyên nhân tại sao ngày nói dối lại có tên là ngày Cá tháng 4.

 

Hai là, vào ngày 1/4, những trẻ em Pháp bắt nạt bạn bè bằng cách dán một con cá giấy sau lưng “nạn nhân”. Khi “nạn nhân” phát hiện ra trò chọc ghẹo, lập tức kẻ bầy trò sẽ la lớn “Poisson d’ Avril” (Cá tháng tư).

 

Nói dối là xấu nhưng đôi khi nó là lời trêu đùa chỉ mang mục đích hài hước, là một liều thuốc cười trong cuộc sống bộn bề những lo toan. Ngay từ bây giờ, bạn hãy nghĩ ra một lời nói dối hoàn hảo để trêu chọc mọi người nhân ngày Cá - ngày của những lời nói dối vô hại nào!

 

An Đào - Skcs.vn (Tổng hợp)

Các tin khác