Bất bình đẳng về kinh tế dẫn đến tình trạng phân biệt chủng tộc tại Mỹ

7/14/2016 10:30:25 PM
Hơn 50 năm sau ngày nhà hoạt động nhân quyền Martin Luther King Jr. có bài diễn văn nổi tiếng “ Tôi có một ước mơ ” nói lên khát khao cháy bỏng về một tương lai mà ở đó người da đen và người da trắng được đối xử bình đẳng

 

Hơn 50 năm sau ngày nhà hoạt động nhân quyền Martin Luther King Jr. có bài diễn văn nổi tiếng “ Tôi có một ước mơ ” nói lên khát khao cháy bỏng về một tương lai mà ở đó người da đen và người da trắng được đối xử bình đẳng.Tuy nhiên nạn phân biệt chủng tộc vẫn là một vấn đề nhức nhối trong lòng nước Mỹ. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tinh trạng phân biệt đa sắc tộc. Tuy nhiên sự bất bình đẳng về kinh tế được cho là một trong những nguyên nhân cốt lõi dẫn đến tình trạng này.

Những cuộc biểu tình của người da màu tại Mỹ lan rộng, đặc biệt là sau khi 5 cảnh sát nước này bị bắn chết tại Dallas, Texas cuối tuần trước khiến Tổng thống Obama phải rút ngắn chuyến công du châu Âu, người ta đã phân tích rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, phần lớn tập trung vào vấn đề phân biệt chủng tộc.Gần 8 năm sau khi nước Mỹ có tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử, nước Mỹ đã có những điều chỉnh chính sách nhằm hạn chế nạn phân biệt sắc tộc. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại sự bất bình đẳng về đối xử giữa người da trắng và người da màu.

Trong số rất nhiều lý giải cho tình trạng phân biệt đối xử này, sự bất bình đẳng về kinh tế được cho là yếu tố cốt lõi.Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động Mỹ, trong 40 năm trở lại đây, tỉ lệ thất nghiệp trong cộng đồng người Mỹ da đen luôn cao gấp đôi so với người Mỹ da trắng. Tỉ lệ này cũng gần tương đương ở từng cấp độ học vấn, thậm chí tỉ lệ thất nghiệp của người da đen có bằng đại học và trên đại học còn cao hơn cả người da trắng mới tốt nghiệp phổ thông.

Trong các giai đoạn suy thoái của nền kinh tế, khi việc làm trở nên khó khăn, tỉ lệ người lao động da đen bị mất việc làm cũng luôn ở mức cao hơn rất nhiều so với người da trắng. Tình trạng việc làm cũng đã trực tiếp vào tạo nên sự bất bình đẳng trong thu nhập. Theo phân tích của Viện nghiên cứu PEW của Mỹ, khoảng cách thu nhập bình quân giữa người Mỹ da trắng và người Mỹ da đen ngày càng lớn hơn.

Năm 2010, thu nhập bình quân một hộ gia đình Mỹ da trắng cao gấp 10 lần so với người da đen. Năm 2014, con số này cao gấp 13 lần, mức cao nhất kể từ năm 1989, khi tỉ lệ chênh lệch là 17 lần.

Đáng chú ý, mức thu nhập trung bình của hộ gia đình Mỹ da trắng có xu hướng tăng, hộ gia đình người Mỹ da đen lại có xu hướng giảm. Trong khi đó, có tới 73% hộ gia đình Mỹ da trắng sở hữu nhà riêng, thì đối với người Mỹ da đen là 43%.

Nhiều người từng hy vọng vào một chương mới cho cộng đồng người da màu tại Mỹ sau khi Thượng nghị sĩ Barack Obama trở thành vị tổng thống da màu đầu tiên của nước này vào năm 2008. Tuy nhiên, sự thành công của một số công dân da màu chỉ là những chấm sáng hiếm hoi trong bức tranh chung của nước Mỹ. Trên thực tế, công dân da màu chiếm tới hơn 40% số tù nhân tại Mỹ, trong khi tỷ lệ thất nghiệp của cộng đồng người Mỹ gốc Phi luôn ở mức khoảng 10% và tỷ lệ phạm tội bao giờ cũng cao hơn so với các sắc tộc thiểu số khác. Trong 5 năm qua, khoảng 2 triệu người da đen đã vượt qua ngưỡng nghèo tại Mỹ, song tỷ lệ người nghèo vẫn ở mức trên 20% và người Mỹ gốc Phi là cộng đồng hưởng trợ cấp xã hội nhiều nhất ở nước này.

Những con số trên cho thấy rõ sự bất bình đẳng về kinh tế giữa cộng đồng người Mỹ da trắng và người Mỹ da đen. Giới phân tích nhận định đây vừa là hậu quả, vừa là nguyên nhân cốt lõi của tình trạng phân biệt đối xử đang tồn tại và có chiều hướng gia tăng trong lòng nước Mỹ hiện nay.

Tổng hợp

Các tin khác