Bán 12 “ông lớn” Việt Nam có bị mất thương hiệu quốc gia không

9/6/2016 3:10:09 PM
Vừa qua Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc bán 12 “ông lớn” trong đó có Vinamilk, Sabeco, FPT phải theo thông lệ thị trường, công khai minh bạch.

 

Vừa qua Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc bán 12 “ông lớn” trong đó có Vinamilk, Sabeco, FPT phải theo thông lệ thị trường, công khai minh bạch. Điều này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ, cũng sẽ tạo cú hích cho thị trường chứng khoán.

Tại cuộc họp với các bộ ngành về chủ trương bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp được Chính phủ tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo tiếp tục bán vốn tại Tổng công ty CP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty CP Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) và bán cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại 10 doanh nghiệp.Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc bán 12 “ông lớn” phải theo thông lệ thị trường, công khai minh bạch... để chống tham nhũng tiêu cực, chống lợi ích nhóm, đảm bảo lợi ích cao nhất của đất nước.

Ông Nguyễn Đức Chi, chủ tịch hội đồng thành viên SCIC, nhắc đến một số tên tuổi lớn như: Công ty CP Sữa VN (Vinamilk), Tổng công ty CP Bảo Minh, Tổng công ty CP Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam, Công ty CP nhựa Thiếu Niên Tiền Phong, Công ty CP FPT, Công ty CP viễn thông FPT...Mặc dù ông Nguyễn Đức Chi không nêu cụ thể sẽ bán bao nhiêu, tuy nhiên, theo chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản 1787 về đề án tái cơ cấu SCIC đã được ban hành thì SCIC sẽ phải thoái hết vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp trên.

Theo một chuyên gia ngành tài chính, nếu bán hết vốn nhà nước tại 10 công ty thuộc SCIC cùng Habeco, Sabeco, Nhà nước có thể thu được tới 7 tỉ USD (khoảng 150.000 tỉ đồng). Cụ thể, với 10 doanh nghiệp trong danh mục quản lý của SCIC, thì riêng tại Vinamilk (Nhà nước giữ 45% cổ phần) với giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán hiện nay, chỉ cần Nhà nước bán ra bằng với giá thị trường đã có thể thu được khoảng 4,52 tỉ USD.

Chín doanh nghiệp còn lại, cũng theo cách ước tính trên, có giá trị khoảng 530 triệu USD (10 công ty trong danh mục quản lý của SCIC cơ bản đều đã được niêm yết hoặc cổ phần hóa). Như vậy, tổng số tiền mà Nhà nước có thể thu về qua thoái vốn tại 10 doanh nghiệp tại SCIC, theo tính toán sơ bộ, là trên 5 tỉ USD.

Với hai thương hiệu bia Habeco và Sabeco còn lại, hiện tỉ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp tương ứng là 81,79% và 89,59%.

Chưa có con số chính thức về định giá hai doanh nghiệp này, song năm 2014 hãng bia của Thái Lan là ThaiBev đã đề xuất mua lại toàn bộ vốn nhà nước tại Sabeco với giá 2 tỉ USD. Còn với Habeco, nếu tính theo mức giá mà Carlsberg đã chi ra để mua cổ phần của doanh nghiệp này là trên 50.000 đồng/cổ phiếu, thì giá trị của Habeco được tính toán trên 400 triệu USD.

Như vậy, nếu lộ trình thoái vốn được đưa ra phù hợp thì tổng số tiền có thể thu về qua việc thoái vốn tại 12 doanh nghiệp nêu trên khoảng 7,2 tỉ USD. Đây sẽ là nguồn thu rất lớn trong bối cảnh ngân sách khó khăn như hiện nay.

Theo một chuyên gia về đổi mới và phát triển doanh nghiệp thuộc Văn phòng Chính phủ, việc ước tính giá trị vốn nhà nước bán đi tại 12 doanh nghiệp một cách chính xác không đơn giản. Nếu tính theo số lượng cổ phần nhà nước tại doanh nghiệp rồi nhân với giá cổ phiếu hiện tại thì chỉ thấy một phần bức tranh. Giá thực sẽ là giá qua đấu giá thành công.

Nếu đấu giá nghiêm túc, giá có thể cao hơn nhiều so với giá hiện tại, thậm chí với một số doanh nghiệp là gấp vài lần. Nhưng nếu cùng lúc bán ra nhiều cổ phiếu doanh nghiệp lớn có thể sẽ ảnh hưởng đến giá trị. Vì vậy, rất cần quan tâm đến phương án bán để tránh thất thoát vốn nhà nước và cũng cần cẩn trọng để tránh những doanh nghiệp lớn của Việt Nam về tay nước ngoài.

Ngoài ra ông Chi cũng cho biết đang tính toán lộ trình cụ thể cho 10 doanh nghiệp thuộc diện sẽ bán trong phạm vi quản lý của SCIC theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo minh bạch, theo thị trường và đạt hiệu quả cao nhất.

Với lo ngại các doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Sabeco... sẽ về hết tay các nhà đầu tư ngoại, ông Nguyễn Đức Chi cho rằng VN đã tham gia một loạt hiệp định thương mại, nhất là TPP.

Do đó, việc bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng phải tuân thủ nguyên tắc thị trường, không thể phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Ông Chi nhấn mạnh ngay cả khi bán vốn cho nhà đầu tư trong nước nhưng sau này họ lại bán cho nhà đầu tư nước ngoài thì cũng không ai có thể kiểm soát, ngoại trừ việc có chính sách chung giới hạn sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài ở một số lĩnh vực, ngành nghề cụ thể.

Đồng thời ông cũng khẳng định việc bán vốn nhà nước sẽ được SCIC tính toán theo hướng vừa giữ được thương hiệu Việt vừa đảm bảo sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói trong bối cảnh hiện nay không nhất thiết lĩnh vực nào Nhà nước cũng “ôm” mà chỉ nên giữ cổ phần ở những lĩnh vực tối quan trọng của quốc gia hoặc những lĩnh vực mà tư nhân khó đảm nhiệm. Còn ngành nghề nào tư nhân gánh vác được thì nên trao lại cho họ.

Kể từ khi Chính phủ ra quyết định sẽ thoái vốn nhà nước khỏi Vinamilk, cổ phiếu này đã tăng giá liên tục khiến giá trị phần vốn nhà nước tại đây đã tăng vọt từ 2,4 tỷ lên 3,3 tỷ USD, tương đương 74.000 tỷ đồng. Mức tăng nâng giá trị danh mục cổ phiếu niêm yết mà SCIC đang quản lý có giá trị lên đến xấp xỉ 100.000 tỷ đồng, tương đương 10% vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp trong nước lo ngại tình trạng việc thoái vốn này sẽ gây nguy cơ mất thương hiệu quốc gia. Trước tình trạng này Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo phải có biện pháp pháp lý để giữ vững thương hiệu quốc gia.

Tờ Thanh Niên trích dẫn một số giải pháp như chính phủ nên có chính sách ưu tiên đối với các nhà đầu tư nội đồng thời nên bàn bạc trao đổi với các doanh nghiệp và phân tích xem cổ đông nào phù hợp trước khi ra quyết định nhượng bán.

Việc bán hết vốn nhà nước cần sớm thực hiện để giúp thay đổi quản trị, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp. Do đó SCIC và Bộ Công thương cần sớm công bố thông tin cụ thể như phương án bán, lộ trình bán... để người dân được biết, tránh việc chậm trễ trong thực hiện.

Tổng hợp

Các tin khác