Những điều bạn làm sẽ quay trở về với bạn

12/9/2023 8:46:00 AM
Thủ tướng nước Anh Winston Churchill đã nói: ”NHỮNG ĐIỀU BẠN LÀM SẼ QUAY TRỞ VỀ VỚI BẠN."

 

Những điều bạn làm sẽ quay trở về với bạn

Thủ tướng nước Anh Winston Churchill đã nói: ”NHỮNG ĐIỀU BẠN LÀM SẼ QUAY TRỞ VỀ VỚI BẠN."

Chúng ta hãy cùng theo dõi câu chuyện sau để thấu được câu nói này.

Chuyện xảy ra vào đầu thế kỷ 20. Một người nông dân Scotland đang trên đường trở về nhà, đi qua một đầm lầy, ông đột nhiên nghe thấy tiếng kêu cứu.

Người nông dân vội chạy về phía tiếng kêu và nhìn thấy một cậu bé đang cố gắng để ra khỏi vũng lầy.

Ông bèn nhanh chóng chặt một khúc cây dài, tiến đến gần và đưa ra cho cậu bé đang sắp chìm bám vào.

Khi ra khỏi vũng lầy cậu bé vẫn mãi không ngừng khóc và toàn thân run lẩy bẩy.

– Chúng ta hãy đi về nhà nào. Người nông dân nói – Cháu cần phải trấn tĩnh lại và sưởi ấm.

– Không, không. Cậu bé lắc đầu – Cha cháu đang đợi cháu. Chắc chắn ông ấy đang rất lo lắng.

Nói xong cậu bé cám ơn đã người cứu mình và chạy đi…

Sáng hôm sau, người nông dân trông thấy một chiếc xe ngựa sang trọng tiến về nhà ông, từ trên xe bước xuống một quý ông ăn mặc bảnh bao và hỏi :

– Có phải ông là người hôm qua đã cứu mạng sống của con trai tôi ?

– Vâng, là tôi – người nông dân trả lời.

– Tôi phải trả nợ ông thế nào đây ?

– Đừng xúc phạm tôi, thưa ngài. Ông không nợ tôi gì cả. Tôi đã làm như vậy cũng như bất cứ người bình thường nào khác sẽ làm .

– Không, tôi không thể cho qua mọi việc đơn giản như vậy vì con trai tôi rất quý báu đối với tôi. – Ông hãy nói một con số – vị khách năn nỉ.

– Tôi không muốn nói thêm về chuyện này nữa. Tạm biệt ông.

Người nông dân khảng khái khước từ và quay đi.

Đúng lúc đó cậu con trai của người nông dân bước ra.

– Đây là con trai của ông à? – vị khách hỏi.

– Phải – người nông dân trả lời đầy tự hào và xoa đầu cậu bé.

– Vậy chúng ta hãy làm như thế này. Tôi sẽ đưa con trai ông về London cùng tôi và sẽ lo tiền ăn học cho nó. Nếu cậu ấy thật nhân hậu như cha mình, khi đó cả ông và tôi đều sẽ không phải hối tiếc về quyết định này.

Bác nông dân ngạc nhiên nhưng sau cùng đã đồng ý.

Vài năm trôi qua. Cậu con trai người nông dân tốt nghiệp trung học, rồi đại học Y và trở thành nhân vật nổi tiếng khắp thế giới là người đã khám phá ra thuốc kháng sinh Penicillin. Tên của ông là Alexander Fleming.

Nhiều năm sau, trước cuộc chiến tranh, tại một trong những phòng khám ở London người ta đưa đến một bệnh nhân viêm phổi nặng, đó là cậu con trai của nhà quý tộc nọ. Và chính thuốc Penicillin đã cứu sống anh ta.

Tên của quý ông hào phóng đã giúp đỡ việc học tập của Fleming là Randolph Churchill. Và con trai ông – Winston Churchill, người sau này trở thành Thủ tướng khả kính của nước Anh.

Câu chuyện thứ hai

"Tôi là nhân viên văn phòng. Tôi mở cửa kính ô tô để nhổ đờm nhưng xui thế nào đúng hôm trời trở gió nên thổi ngược đờm vào mặt mình”. Thế thì chắc chắn đúng là “Những điều bạn làm sẽ quay về với bạn” :D

Câu chuyện thứ ba

Chuyện này do anh Nguyên, phó viện trưởng đại học Tây Nguyên và Đại Học Tổng Hợp kể tại sân  thượng Việt Nam Phật Quốc Tự - Ấn Độ, khi đoàn đang uống trà vào lúc 16 giờ 30 ngày 12 tháng 11 năm 2010.

Vào những năm 1977-1978 Tây Nguyên vẫn chưa yên hẳn vì mặt trận Fulro và 1 số lính cách mạng vẫn còn đang hoat động. Sau thời kỳ chiến tranh một số lính đi tuần, mỗi khi đi ngang qua chùa miếu là các anh hay xả đạn bắn bừa vào chùa chiền nơi linh thiêng, một phần là do thú vui, một phần vì sợ có kẻ núp trong đó. Một số sĩ quan chỉ huy có tâm khuyên không nên bắn súng vào những nơi linh thiêng tâm linh đó, khi được khuyên thì các chú lính trẻ cũng dạ dạ vâng vâng… nhưng khi không có các cấp trên đi chung thì họ vẫn xả súng bắn vào chùa, miếu, bắn rồi cười đùa rồi cho đó là chỗ thờ Phật, Trời mê tín dị đoan.

Sau khi mặt trận Fulro ở Tây Nguyên hoàn toàn tan rã, các chú lính này được trở về đời sống thường dân, một số thì được thăng chức, một số thì được cử vào các công sở ban nganh khác. Khoảng 10 năm sau, anh Nguyên nhớ lại những đồng đội, anh đến thăm họ. Than ôi, từng người lần lượt đã chết trong những tai nạn thảm thiết không sao ngờ đến được, nhắc đến rất đau lòng. Ông bà xưa đã dạy nhân nào quả đó, gieo gió thì gặp bão.

Câu chuyện thứ tư

"Tôi là bác sĩ. Năm ngoái, một nhà máy sản xuất thiết bị y tế mời chào mua khung tim họ sản xuất và mức chiết khấu rất cao. Mặc dù thấy chất lượng có chút vấn đề nhưng nếu mua với chi phí thấp, lại còn được hoa hồng nên tôi tặc lưỡi cho qua. Tôi quyết định chọn dùng cho bệnh viện, sau đó liền xảy ra tai nạn y tế.

“Tôi là một thẩm phán. Một người bạn cũ của tôi làm ở bệnh viện gây ra tai nạn y tế. Nghĩ đến tình cảm bạn bè lâu năm, tôi mắt nhắm mắt mở cho qua, không để anh ta phải chịu trách nhiệm gì trong bản án”.

“Tôi là hiệu trưởng một trường trung học điểm. Mỗi lần đến ngày xét tuyển, thật vất vả mới quyết định xong. Học kỳ này, một thẩm phán lại đến nhờ cho con gái vào học. Cũng thật trùng hợp, lúc ấy có một học sinh tranh cãi với giáo viên. Tôi quyết định cho em đó thôi học, để có một chỗ trống cho con gái của ông thẩm phán”.

“Tôi là một nông dân. Năm ngoái lấy hết tiền tiết kiệm để thực hiện ca phẫu thuật tim nhưng khi phẫu thuật đã bị cái giá đỡ kém chất lượng đổ vào. Bệnh viện không đền, trong nhà cũng bán hết mọi thứ để chạy chữa. Lúc trước trông cậy hết vào đứa con học ở trường điểm, hy vọng tiền đồ nó xán lạn, giúp đỡ gia đình. Nhưng mới hôm trước bị nhà trường đuổi vì cãi cô giáo. Tôi đã mất khả năng lao động bèn bảo thằng con nghỉ học đi phun thuốc sâu cho ruộng rau. Xui xẻo thay, nó lại phun quá liều. Kết quả một số người ăn rau bị ngộ độc, nghe nói có bác sĩ, thẩm phán, hiệu trưởng…”

Câu chuyện thứ năm

Một người đi tìm việc làm, trên hành lang đến phòng phỏng vấn thuận tay nhặt mấy tờ giấy rác dưới đất và bỏ vào thùng. Vị phụ trách phỏng vấn vô tình nhìn thấy, bèn quyết định nhận anh vào làm việc.

Bài học làm người rút ra:

Nhiều hành động có vẻ nhỏ nhặt nhưng nó lại phản ánh giá trị tốt của một con người và đem lại sự nể trọng của những người xung quanh.

Câu chuyện thứ sáu

Cậu bé nọ học việc trong một tiệm sửa xe đạp. Một ngày, có người khách đem đến một chiếc xe đạp hư. Cậu không những sửa lại cho thật tốt, mà còn lau chùi cho chiếc xe cho sạch đẹp.

Những người học việc khác cười nhạo cậu bé dại dột, đã chẳng được thêm chút tiền công nào lại còn tốn sức.

Hai ngày sau, người khách trở lại, thấy chiếc xe đạp vừa tốt vừa đẹp như mới mua, liền đưa cậu bé về hãng của ông ta để làm việc với mức lương cao.

Bài học làm người rút ra:

Có những hành động không vụ lợi mang cái tâm trong sáng, đôi khi sẽ đem lại những điều may mắn trong cuộc sống

Xin mượn bài thơ “Cho và nhận” của Thùy Trang để thay cho lời kết:

Cho đi một ít.

Sẽ nhận lại nhiều.

Thế mà cứ tính ...

Sẽ còn bao nhiêu?

***

Ta chia tấm bánh.

Nhận lời biết ơn.

Chia lòng an ủi

Nhận về yêu thương.

***

Nên cho áo ấm

Giữa tiết trời đông.

Nên chia chút gió

Giữa buổi trưa nồng.

***

Tiếp thêm giọt máu

Hồi sinh kiếp người.

Sẻ chia cay đắng

Lấy làm niềm vui .

***

Cho điều ta có.

Giữa thế gian này.

Nhận về cái đức

Để đời sau vay.

***

Trao thuyền hạnh phúc.

Cho ai cô đơn.

Nhận phần mất mát.

Cho đời chút ơn.

Suckhoecuocsong.vn

Các tin khác