Hãy tiến lên từng ngày, đừng bỏ lỡ thời gian

1/3/2024 8:29:00 AM
Trong xã hội hiện đại ngày nay, việc thành bại phụ thuộc vào bạn có cầu tiến hay không? Có chịu khó hay không? Có nắm bắt cơ hội hay không. Tóm

 

Trong xã hội hiện đại ngày nay, việc thành bại phụ thuộc vào bạn có cầu tiến hay không? Có chịu khó hay không? Có nắm bắt cơ hội hay không. Tóm lại, bạn cần phải tiến lên từng ngày, đừng bỏ lỡ, phí hoài thời gian. Những câu chuyện dưới đây là bài học minh chứng rõ ràng cho điều đó.

Bạn là người đào giếng hay gánh nước?

Chuyện rằng, có hai hòa thượng nọ sống trong hai ngôi chùa trên hai ngọn núi sát cạnh nhau, một người tên Nhất Hưu một người tên Nhị Hưu. Trên cả hai ngọn núi này đều không có nước, do vậy mỗi ngày hai hòa thượng này đều phải đi xuống khe suối nhỏ gánh nước về dùng.

Bởi thời gian đi gánh nước thường trùng nhau lại thường xuyên gặp mặt nên lâu dần hai hòa thượng trở thành bạn bè. Cứ như vậy thời gian dần trôi thấm thoắt đã năm năm. Một ngày nọ Nhị Hưu lại đi ra suối gánh nước như mọi khi bỗng phát hiện Nhất Hưu không xuất hiện. Trong lòng Nhị Hưu thầm nghĩ chắc hòa thượng Nhất Hưu ngủ quên mất rồi.

Cứ thế trôi qua đến ngày thứ hai, thứ ba đều không thấy Nhất Hưu đi gánh nước. Tới cả một tuần rồi qua 1 tháng đều không thấy Nhất Hưu xuất hiện. Nhị Hưu rất lo lắng liền nghĩ: “Chắc bạn mình mắc bệnh rồi, mình phải đi hỏi thăm anh ấy một chút, xem có thể giúp gì được không”.

Nhị Hưu lên núi tìm tới ngôi chùa của Nhất Hưu, thì phát hiện Nhất Hưu đang tập quyền cước trước cổng chùa, nhìn không giống như ốm đau bệnh tật gì cả. Ngạc nhiên Nhị Hưu lên tiếng hỏi “Đã một tháng rồi không thấy anh xuống núi lấy nước, sao anh không đi gánh nước mà vẫn có nước dùng?”

Nhất Hưu cười và đưa Nhị Hưu hòa thượng ra hoa viên sau chùa, chỉ vào giếng nước và nói: “Năm năm qua mỗi ngày gánh nước, tụng kinh xong, tôi đều dùng thời gian rảnh còn lại để đào cái giếng nước này. Bây giờ giếng đã đào xong, mạch nước cũng đã được khai thông nên giếng đầy nước rồi, từ nay về sau tôi không phải đi xuống núi gánh nước nữa! Do vậy tôi có thể tiết kiệm được rất nhiều thới gian làm những việc mình thích, ví dụ như tập quyền cước đây này!”

Nhất Hưu không phải cực nhọc vất vả dành thời gian đi gánh nước, còn Nhị Hưu thì vẫn vậy hằng ngày đều phải xuống núi, không được nghỉ ngơi.

Mỗi một thương trường kinh doanh đều sẽ luyện nên được những nhân tài. Tuy nhiên, phía sau mỗi nhân tài là cả môt sự nỗ lực cố gắng, là cả một thời gian phấn đấu. Và chắc chắn, các nhân tài đó đều tự “đào cho mình một cái giếng” để âm thầm tích lũy kiến thức, bản lĩnh và kinh nghiệm để bước tiếp những bước sau này.

Bạn muốn làm người “đào giếng” hay làm người “gánh nước” tất cả đều tự do bản thân mỗi người quyết định. Tuy thế, mỗi người cũng nên hiểu rằng, muốn đào giếng, trước hết vẫn phải chấp nhận gánh nước về dùng mới tồn tại được đến lúc đào giếng thành công.

Thời gian gần đây chúng ta thường xuyên nhắc đến những startup. Những khởi nghiệp muốn thành công không chỉ một sớm một chiều mà cần tích lũy cả kinh nghiệm, kiến thức và tiềm lực thì mới có thể có 1 khởi đầu tốt.

Đương nhiên người đồng thời vừa gánh nước vừa đào giếng sẽ vất vả cực nhọc hơn người chỉ đi gánh nước, sẽ phải cố gắng nỗ lực nhiều hơn. Tuy nhiên, khi thành quả tạo ra, giếng nước đào xong, bạn đã có thể thoải mái lựa chọn những bước đi tiếp mà không cần lăn tăn dành thời gian gánh nước phục vụ những nhu cầu cấp thiết hàng ngày.

“Khi trong tay bạn nắm chặt một vật gì mà không buông xuống, bạn chỉ có mỗi thứ đó; nếu bạn chịu buông xuống, bạn mới có cơ hội chọn lựa những thứ khác. Nếu một người luôn khư khư với quan niệm của mình, không chịu buông xuống thì trí tuệ chỉ có thể đạt đến ở một mức độ nào đó mà thôi“. Cũng vậy, nếu bạn chỉ tâm niệm luôn đi gánh nước về dùng mà không “mở” một đường mới, đào sẵn một cái giếng cho những ngày về sau, thì bạn vẫn mãi chỉ là người gánh nước.

Thời sinh viên càng “nhàn”, mai sau ra đời càng khổ…

Một sai lầm vô cùng tai hại mà rất nhiều bạn trẻ Việt Nam mắc phải khi mới bước vào trường Đại học đó là nghĩ: thời sinh viên rất nhàn.

Tại sao khi ra trường, có bạn phát triển nhanh chóng; nhưng cũng bạn lận đận mãi vẫn chưa tìm được hướng đi đúng cho bản thân? Bỏ qua yếu tố “nhà mặt phố – bố làm to” và IQ hay EQ cao từ nhỏ, thì phần lớn sự khác biệt nằm ở cách các bạn đã “đầu tư” thời sinh viên của mình như thế nào?

Thời sinh viên của bạn càng nhàn, thì quãng đời phía sau của bạn sẽ càng “nhạt”.Người ta hay nói “cậu ta sống một cuộc đời nhàn nhạt” là vậy – mọi từ ngữ đều ẩn chứa logic thú vị của cuộc sống.

Sinh viên là thời kỳ vàng để “đầu tư”.

Sinh viên hay được mặc định là nghèo, nhưng thời gian chính là một dạng vốn, chẳng khác gì tiền mặt. Và sinh viên thì giàu cái này.

Nếu bạn đầu tư nó vào hoạt động có ích, nó sinh lời cho bạn bằng những kiến thức và trải nghiệm mới, và cả tiền nữa (nếu bạn lao động).

Nếu bạn đầu tư nó vào hoạt động vô bổ, nó làm bạn tổn thất đấy vì loại vốn này đặc biệt, mất là mất hẳn, không lấy lại được.

Nếu bạn không chịu đầu tư, bạn chậm phát triển. Ráng chịu!

Chuyện ngủ hai giấc hoặc chơi ba ván game online hết veo 4 năm đại học là hoàn toàn có thật! Rất nhiều trong số 200.000 tân cử nhân thất nghiệp năm 2017 sẵn sàng chứng thực điều này.

Sinh viên được coi là đối tượng được xã hội quan tâm với đủ thứ ưu đãi, áp lực sinh tồn với phần đông chưa cao do ở Việt Nam, phần lớn sinh viên vẫn được bố mẹ bế và “đút ăn” đều đặn bằng những lệnh chuyển tiền. Lại đang ở thời kỳ sung sức nhất cả về sức khoẻ cũng như khả năng hấp thu cái mới, nếu bây giờ bạn không đầu tư, bao giờ bạn định khôn lớn?

Món sinh viên cần ăn nhất là gì? Ăn “hành”.

Càng ăn hành sớm và ăn hành nhiều, bạn càng sớm nên người.

Thay vì thời gian rảnh rỗi ngoài giờ học ngồi xem anh kia cặp với chị này thì hãy xông ra ngoài và năn nỉ người ta hãy “bóc lột” mình đi!

Đừng sợ bị bóc lột, mà hãy biết sợ nếu mình không có gì để người ta bóc lột!

Bị “bóc lột” càng sớm, càng thậm tệ, bạn sẽ thấy mình càng giá trị, và cái giá trị nhất đối với sinh viên là hiểu được một điều giản dị: Đời không phải là mơ, và amateur là chết!

Bạn đi phục vụ part-time ở quán lẩu được 15k/ giờ thì đừng nghĩ đơn giản là chủ quán trả cho bạn 15k/h vì công sức lao động mà hãy nghĩ rằng chính là bạn đang trả cho chủ quán 15k/h để được học thực hành các môn: thế nào là thao tác đa nhiệm (multi-task handling) và làm việc nhóm dưới áp lực (teamwork under pressure). Mấy ông bà chủ dù có tệ đến mấy nhưng họ đều là thầy cả đấy, họ sẽ vô tình dạy bạn những điều mà ở nhà trường, các thầy cô dù có cố tình cũng không dạy được.

Vô tư, nhiệt huyết nhưng đừng để bị lợi dụng!

Tôi vẫn cực kỳ tin tưởng rằng: sinh viên chưa phải thời kỳ thích hợp để cống hiến cho xã hội. Bởi vì muốn cống hiến, bạn phải hoàn thiện bản thân trước tiên và có những giá trị phù hợp mà xã hội cần.

Tình nguyện là rất tốt, nhưng giữa trưa nắng ra đứng phân luồng giao thông hoặc đứng nắm tay nhau làm hàng rào người thay cho 1 sợi dây thừng là…chưa cần thiết. Đó trước hết là nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát giao thông và thanh niên xung phong – những người được trả lương để làm công việc đó. Còn bạn được bố mẹ nuôi trước hết là để… đi học.

Hãy “đầu tư” khôn ngoan và có chọn lọc.

Một vốn kiến thức toàn diện khác rất xa với một bảng điểm toàn diện. Khi phỏng vấn, rất nhiều bạn không vượt qua được câu hỏi của mình: Vì sao điểm các môn chính trị bắt buộc của em lại cao hơn rất nhiều môn chuyên ngành? Và mình thì coi ứng viên đó là “không biết lựa chọn trọng tâm và sắp xếp thứ tự ưu tiên” – yếu tố tối quan trọng khi đi làm bất cứ công việc gì.

Hãy xác định môn nào là “core” (bắt buộc) – môn nào là “optional” (tuỳ chọn) để đầu tư thời gian và sức lực tương ứng với nó. Mình đã chọn chỉ học đủ để đạt điểm qua với tất cả những môn mà nghĩ rằng “không quan trọng” (useless) và dùng thời gian của các môn đó lên thư viện học môn khác hoặc làm việc khác cần thiết hơn.

Bố hay hỏi tôi: “Đố con tờ 100đ có giá trị nhất khi nào?”. Và câu trả lời là: “Đó là khi con đang có, 999.999.900đ. Thiếu đi 100đ – mơ đi mà thành tỷ phú.” Thật vậy, mọi điều vĩ đại đều bắt nguồn từ những cái nhỏ nhoi không ngờ. Một điều khá buồn cười là phần đông sinh viên Việt Nam rất mê đọc sách self-help, loại sách cung cấp ít kiến thức nhưng nhiều động lực. Vậy thời sinh viên mà còn thiếu động lực thì bao giờ mới thừa?

Nhiều bạn bây giờ nghĩ lớn quá, toàn nghĩ đến chuyện làm ra triệu đô mà bỏ qua giai đoạn kiếm được triệu đồng. Đừng quên, dù có là Big Data thì đơn vị cơ bản vẫn là kilobyte (kb). Hãy chịu khó làm những con kiến chuyên nghiệp trước khi tính chuyện thịt mấy con voi.

Một trong những câu hỏi tuyển dụng ưa thích của tôi là: “4 năm đại học, ngoài học, em làm được cái gì?”. Tôi thích một bạn có bảng điểm khá hoặc vừa phải nhưng có 1- 2 năm làm bán thời gian ở một cửa hàng tiện lợi hơn là một bạn bảng điểm toàn giỏi nhưng chưa-từng-làm-một- cái- gì. Vì ít nhất, bạn đi làm thêm kia, ngoài kiến thức đã giao tiếp với nhiều người và có nhiều thực tế cuộc sống hơn một người chỉ biết học. Đừng đùa, điều đó rất quan trọng!

Và sau cùng, hãy biết yêu thiết tha tuổi trẻ và sống có trách nhiệm những tháng năm rực rỡ của chính mình, các bạn sẽ thấy mỗi ngày qua đi giá trị biết nhường nào….

Suckhoecuocsongvn.vn (Trích lược nguồn Cafebiz)

Các tin khác