Câu chuyện vượt khó ngoạn mục của các tỷ phú thế giới

3/4/2024 8:13:00 AM
Các tỷ phú thế giới luôn truyền cảm hứng đến cộng đồng bằng những câu chuyện thành công. Dưới đây là những câu chuyện như thế.

 

Các tỷ phú thế giới luôn truyền cảm hứng đến cộng đồng bằng những câu chuyện thành công. Dưới đây là những câu chuyện như thế.

Không có tiền để khởi nghiệp, tỷ phú Jack Ma vẫn thành công từ 3 câu hỏi

Theo tỷ phú Jack Ma, nên luôn tự hỏi mình ba câu đơn giản: Tôi có gì? Tôi muốn nhận được gì? Tôi sẵn sàng từ bỏ điều gì?

Doanh nhân Jack Ma nắm quyền lãnh đạo Alibaba kể từ ngày đầu tiên thành lập công ty vào năm 1999. Dưới sự lãnh đạo của ông, công ty đã phát triển thành một gã khổng lồ công nghệ cao. Jack Ma trở thành một trong những người giàu nhất Trung Quốc.

Theo báo cáo của công ty nghiên cứu CB Insights, thành công của Jack Ma thực sự đáng kinh ngạc. Số liệu thống kê cho thấy 70% công ty khởi nghiệp thất bại trong vòng khoảng 20 tháng kể từ khi huy động được nguồn vốn đầu tiên. Phần lớn, các doanh nhân trẻ đều gặp khó khăn do mất tập trung, không theo đuổi được mục tiêu.

Trong một bài phát biểu tại cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, Jack Ma đã nói về cách ông tập trung vào những điều thiết yếu. Ông nói: “Bây giờ bạn bao nhiêu tuổi không quan trọng. Bạn nên luôn tự hỏi mình ba câu hỏi đơn giản: Tôi có gì? Tôi muốn nhận được gì? Tôi sẵn sàng từ bỏ điều gì?

Nhiều người thường không sẵn sàng từ bỏ bất cứ thứ gì, bởi vì họ tin rằng họ không có gì để bắt đầu. Nhưng Jack Ma chắc chắn một điều, về lâu dài, một người vẫn sẽ phải hy sinh điều gì đó để đạt được mục tiêu. Tỷ phú Jack Ma nói: “Khả năng từ chối dạy chúng ta thực hiện các cam kết, điều đơn giản là cần thiết để đạt được kết quả.

“Đừng nghĩ rằng bạn sẽ thành công trong một năm. Điều này có thể mất hàng thập kỷ,” Jack Ma nói, đồng thời lưu ý rằng Alibaba sẽ không thể đạt đến mức hiện tại chỉ sau hai năm.

Jack Ma cũng nói về việc ông không có nhiều tiền, kiến thức hay những mối quan hệ phù hợp khi mới thành lập công ty. Nhưng ông đã thành công nhờ sự siêng năng, khát khao phát triển và niềm tin vào thành công.

“Hãy luôn nhớ ba câu hỏi chính. Sau đó, bạn sẽ ngừng sợ hãi và bắt đầu thực hiện mục tiêu đã chọn. Bạn sẽ biết mình muốn gì. Nếu bạn tìm được đường vào một ngày nào đó, bạn sẽ không bao giờ bị lạc nữa”, Jack Ma nói.

Thành tỷ phú nhờ chấp nhận thù lao thấp đi kèm thỏa thuận đơn giản

Chỉ nhận thù lao 150.000 USD cho bộ phim thay vì có thể nhận mức cao hơn gấp 3 lần, George Lucas trở thành tỷ phú nhờ quyết định táo bạo này.

Trong số những tỷ phú ở Hollywood, George Lucas có tài sản vượt xa các tỷ phú còn lại. Phần lớn tài sản của ông bắt nguồn từ ý tưởng phim Chiến tranh giữa các vì sao.

Thành tích được biết đến của George Lucas trong suốt sự nghiệp của mình khá ít ỏi. Ông chỉ đạo diễn sáu phim truyện, bốn trong số đó thuộc loạt phim “Chiến tranh giữa các vì sao”. Trước năm 1973, George Lucas không được nhiều người biết đến ở Hollywood.

Năm 1971, lần đầu tiên George Lucas có ý tưởng về dự án phim “Chiến tranh giữa các vì sao”. Trong hai năm tiếp theo, George Lucas nỗ lực xây dựng các kịch bản. Các khoản nợ ngày càng chồng chất và sự nghiệp điện ảnh của George Lucas khi ấy gần như lụi tàn.

Tuy nhiên, sự thành công của “American Graffiti” khiến lãnh đạo của công ty điện ảnh 20th Century Fox, Alan Ladd Jr quyết định ký kết dự án mới liên quan đến bộ phim “Chiến tranh giữa các vì sao”, dù vẫn rất mơ hồ về ý tưởng của bộ phim.

Kinh phí của bộ phim ban đầu là 8,25 triệu USD, nhưng sau đó tăng lên 11 triệu USD.

Quyết định thay đổi cuộc đời George Lucas xuất phát từ thỏa thuận thù lao với công ty điện ảnh 20th Century Fox. Nhờ thành công của “American Graffiti”, George Lucas dễ dàng đề nghị mức thù lao tới 500.000 USD cho một bộ phim mới.

Nhưng ông không đòi hỏi mức tăng này, thay vào đó đề nghị một thỏa thuận sẵn sàng chấp nhận mức thù lao 150.000 USD trước đây để đổi lấy hai yêu cầu “đơn giản”: Được giữ tất cả các quyền đối với các sản phẩm khuyến mãi, lưu niệm và có quyền quyết định đối với bất kỳ phần tiếp theo nào của dự án.

Với công ty điện ảnh 20th Century Fox, đó là một thỏa thuận tuyệt vời vào thời điểm đó. Trước đó, công ty này đã mất rất nhiều tiền sản xuất hàng hóa khi dự án phim “Doctor Dolittle” thất bại tại phòng vé vào năm 1967, do đó họ không muốn tham gia lại cuộc chơi.

Ngoài ra, vào thời điểm đó, các sản phẩm lưu niệm và đồ chơi từ các bộ phim không mang lại nhiều lợi nhuận. Về quyền quyết định đối với các phần tiếp theo, đó không phải là vấn đề đáng bận tâm đối với hãng phim, vì đơn giản không ai tin rằng bộ phim sẽ thành công.

Sau đó, “Chiến tranh giữa các vì sao” đã tạo ra sự bùng nổ. Trong sáu tháng, bộ phim đã mang lại doanh thu 220 triệu USD chỉ riêng tại thị trường Mỹ. Đến nay, bộ phim này thu về 775 triệu USD tại các phòng vé.

Song phần lớn tài sản mà George Lucas tích lũy không đến từ việc bộ phim được công chiếu, mà đến từ thỏa thuận “đơn giản” trước đây với công ty điện ảnh 20th Century Fox.

Chỉ trong một năm sau khi công chiếu, ông thu về 100 triệu USD từ việc bán đồ chơi theo chủ đề. Trong hàng chục năm về sau, tổng cộng hoạt động kinh doanh này đã thu về tới 12 tỷ USD.

Ngày nay, dòng đồ chơi được cấp phép này vẫn mang lại nguồn thu trung bình khoảng 3 tỷ USD/năm.

Đến năm 2012, sau khi trừ thuế và các chi phí khác, lợi nhuận ròng của George Lucas là 3,3 tỷ USD.

Sau đó, hãng phim Disney mua lại toàn bộ nhượng quyền thương mại của bộ phim với giá 4 tỷ USD.

Trên thực tế, George Lucas đã đổi 350.000 USD trong quá khứ để lấy lấy hơn 5 tỷ USD ở hiện tại. Khi đó, dù có thể không đề xuất thỏa thuận giữ lại quyền liên quan đến bộ phim, George Lucas vẫn trở nên giàu có.

Tuy nhiên, lợi nhuận thu được sẽ chỉ là những đồng xu nhỏ so với khối tài sản đồ sộ hiện nay. Đó là một trong những quyết định kinh doanh thông minh nhất bao giờ hết!

Bài học của câu chuyện này là: nếu bạn tin vào ý tưởng của mình, đừng vô cớ từ bỏ quyền sở hữu nó.

Nữ tỷ phú làm giàu từ chiếc xe đẩy bán ớt chưng

Hầu như người Trung Quốc nào cũng biết đến thương hiệu Lao Gan Ma. Từ xe đẩy bán hàng rong với những lọ ớt chưng, bà Tao Huabi trở thành tỷ phú.

Một lọ ớt chưng Lao Gan Ma tại Trung Quốc có giá 10 Nhân dân tệ. Còn trên trang thương mại điện tử Amazon, mỗi lọ có giá 9 USD. Thương hiệu ớt chung Lao Gan Ma còn được Alibaba giới thiệu đến Tuần lễ Thời trang New York (Mỹ). Bà chủ của những lọ ớt chưng này là Tao Huabi.

Là một goá phụ, nuôi hai con nhỏ, bà Tao Huabi đi bán đậu phụ và mỳ lạnh bằng xe đẩy. Để có lãi, bà tự làm ra loại ớt chưng để cho khách hàng ăn kèm.

Một thời gian, bà nhận thấy, khách hàng thích ớt chưng hơn cả đồ ăn. Từ đó, bà nghĩ tới bán ớt chưng cho khách. Bà làm những lọ ớt chưng bán cùng đồ ăn.

Năm 1990, nhiều tài xế xe tải đi ngang qua điểm bán hàng do một con đường cao tốc mới xây dựng. Bà coi đây là cơ hội tốt để quảng bá ớt chưng.

Bà tặng miễn phí cho những người lái xe. Nhờ vậy, nhiều người ở nơi khác biết tới, họ tìm đến tận nơi bán của bà để mua ớt chưng.

Năm 1996, thương hiệu Lao Gan Ma ra đời.

Ớt chưng có vị cay và nhiều dầu mỡ, không thể thiếu trong ẩm thực của Trung Quốc. Nhờ bán giá rẻ, những lọ ớt chưng được người dân đón nhận. Năm 2022, dù tăng giá nhưng mỗi chai chưa đến 2 USD.

Hơn 2 thập kỷ, nhờ những lọ ớt chưng mà bà Tao có tài sản trị giá 1,9 tỷ USD. Bà trở thành một trong những phụ nữ giàu nhất Trung Quốc.

Đồng thời, bà giúp nông dân thoát nghèo. Công ty đã ký hợp đồng với 180.000 nông dân để thu mua ớt và thuê 5.000 người lao động nông thôn làm việc tại các nhà máy, cơ sở sản xuất.

Năm 2018, doanh thu của Lao Gan Ma sụt giảm nghiêm trọng khi con trai út - người kế thừa công việc kinh doanh, chuyển sang trồng loại ớt khác để tiết kiệm chi phí, dẫn đến chất lượng sản phẩm giảm sút.

Dù nghỉ hưu, bà phải quay trở lại công việc điều hành và triển khai nhiều chiến dịch tiếp thị phục hồi doanh số và thương hiệu.

Sau đó, doanh thu của công ty tăng trở lại nhưng lại gặp thách thức mới. Năm 2020, thị trường tương ớt bùng nổ với hơn 4.500 công ty tranh thị phần.

Chưa kể, đại dịch tác động lớn tới tiêu dùng. Nhu cầu mua sắm trên thương mại điện tử tăng mạnh. Trong khi, Lao Gan Ma chủ yếu bán buôn truyền thống. Năm 2021, doanh thu của Lao Gan Ma giảm 22,25%.

Trải qua nhiều khó khăn nhưng ớt chưng Lao Gan Ma vẫn là một trong những thương hiệu ớt chưng nổi bật của Trung Quốc.

Bà Tao được truyền thông ca ngợi là một ví dụ điển hình về giấc mơ Trung Hoa. Một phụ nữ xây dựng doanh nghiệp nhờ làm việc chăm chỉ và cống hiến cho xã hội, đưa quê hương thoát khỏi đói nghèo.

Bà theo đuổi triết lý kinh doanh đơn giản, từ chối đưa công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, tăng vốn, vay mượn hay đầu tư bất động sản.

Bà tuyên bố, chỉ cần làm tốt một việc trong đời, đó là làm ra loại ớt chưng ngon và không tham lam vật chất quá mức.

Suckhoecuocsong.vn

Các tin khác