Cách lắp đặt, sử dụng bình oxy, máy tạo oxy, ưu nhược điểm của từng loại
Cách lắp đặt, sử dụng bình thở oxy, máy tạo oxy, ưu nhược điểm của từng loại
Cách lắp đặt, sử dụng bình oxy, máy tạo oxy, ưu nhược điểm của từng loại
Những người đang bị tình trạng suy hô hấp, khó thở hay gặp các vấn đề về hô hấp việc sử dụng các thiết bị, hệ thống hỗ trợ hô hấp là điều cần thiết, nhất là trong thời điểm nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 cần sử dụng nhiều đến các thiết bị này. Nhưng khá nhiều người chưa phân biệt bình thở oxy với máy tạo oxy nên còn nhầm lẫn cũng như chưa biết cách sử dụng từng loại khiến không đạt hiệu quả như kỳ vọng.
Hướng dẫn cách phân biệt bình thở oxy, máy tạo oxy
Bình thở oxy là gì?
Bình thở oxy là bình khí oxy y tế, đây là thiết bị được sử dụng khi bệnh nhân có vấn đề về hô hấp. Loại bình khí nén chứa oxy tinh khiết trên 99.5%.Bình oxy có hai loại: Oxy sẽ được nén trong các loại bình 2 lít, 5 lít, 8 lít, 40 lít ở áp suất quy định. Bộ bình thở Oxy bao gồm: bình oxy, một van điều áp gồm ba bộ phận đồng hồ đo lượng oxy, bộ phận làm ẩm, cột đo lượng oxy (lít/phút).
Bình thở oxy có chi phí đầu tư ban đầu thấp, có nhiều dung tích bình khác nhau 2 lít, 5 lít, 8 lít, 40 lít, phù hợp với nhu cầu, khả năng tài chính của người sử dụng. Nhưng bình sử dụng khá bất tiện do cồng kềnh, có trọng lượng lớn.
Vị trí đặt bình oxy cũng cần phải được chú ý để đảm bảo an toàn, hãy đặt bình thở oxy cần thoáng khí và không gần các thiết bị tỏa nhiệt như bếp gas, lò nướng, máy sưởi, giấy, các vật dễ cháy... gần bình oxy.
Cách lắp đặt bình oxy:
Bước 1: Láp bộ van điều áp vào bình oxy qua một vít nối duy nhất và xoáy chặt vít theo chiều kim đồng hồ bằng cà lê. Không động đến các vít khác trên bộ van tránh làm hở.
Bước 2: Đổ nước sạch hoặc nước cất vào bộ phận làm ẩm (xoáy mở ra). Lưu ý không đổ nước quá vạch max và không đổ dưới vạch min. Mục đích của việc này là làm ẩm oxy trước khi đến đường hô hấp của người bệnh.
Bước 3: Xoay trái để mở bình oxy để kiểm tra bình đã hoạt động chưa. Nếu kim nâng lên vạch xanh có nghĩa là bình đã hoạt động
Bước 4: Xoáy van đóng lại để kiểm tra các mối nối đã kín chưa: Nếu kim đồng hồ không trôi tuột xuống quá vạch đỏ có nghĩa là các vít đã chặt chúng ta không cần vặn lại các vít nữa
Bước 5: Xoay van tại cột có chỉ số lít/phút theo đúng chỉ định của bác sĩ. Bình thường bệnh nhân có thể thở từ 1-3 lít/phút. Tuy nhiên cũng có thể có chỉ định đến 4-5 lít/phút. Không nên cao hơn 5 lít/phút vì chỉ làm tốn oxy, gây khó chịu cho người thở.
Bước 6: Cắm gọng mũi. Một đầu cắm vào bình oxy. Một đầu nhẹ nhàng cho tới khi điểm đánh dấu chạm vào bờ lỗ mũi của người bệnh. Hai đầu đã rất rõ ràng không sợ cắm nhầm.
Lưu ý:
- Bạn có thể kiểm tra bộ dây thở bằng cách cho đầu mũi vào cốc nước, nếu thấy xủi bọt là dây hoạt động bình thường và oxy ra tốt.
- Thường xuyên Kiểm tra, điều chỉnh lại lưu lượng theo đúng chỉ định.
- Trong trường hợp bệnh nhân thở bằng mask thì sau 1 - 2 giờ thở oxy cần tháo mặt nạ ra, lau khô mask và lau mặt cho bệnh nhân. Nếu thấy mặt nạ có nhiều hơi nước cần tháo ra lau khô ngay.
Các bước đóng bình oxy khi không sử dụng nữa hoặc thay bình mới khi hết
Thay bình mới:
Bước 1: Đóng van trên bình oxy
Bước 2: Theo dõi kim đồng hồ khi nào vạch về 0 là bình đã được đóng
Bước 3: Tháo vít nói giữa bộ van điều áp và bình oxy bằng cà lê và thay sang bình mới
Nếu dùng tiếp:
Quý vị lại mở van theo dõi kinh đồng hồ và thực hiện từ bước 5 như hướng dẫn ở trên
Chỉ định dùng oxy để thở khi:
- Khi bệnh nhân cảm thấy khó thở
Khi bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp nặng có suy hô hấp, thiếu ô xy máu, sốc để đạt đích SpO2 > 94%. Cần được thở oxy ngay
Đối với người lớn nếu có các dấu hiệu cấp cứu (gắng sức nặng, rút lõm lồng ngực, tím tái, giảm thông khí phổi) cần làm thông thoáng đường thở và cho thở ôxy ngay để đạt đích SpO2 ≥ 94% trong quá trình hồi sức.
Cho thở ô xy qua gọng mũi (1-4 lít/phút), hoặc mask thông thường, hoặc mask có túi dự trữ, với lưu lượng ban đầu là 5 lít/phút và tăng lên tới 10-15 lít/phút nếu cần. Khi bệnh nhân ổn định hơn, điều chỉnh để đạt đích SpO2 ≥ 90% cho người lớn, và SpO2 ≥ 92-95% cho phụ nữ mang thai.
Đối với trẻ em, nếu trẻ có các dấu hiệu cấp cứu như khó thở nặng, tím tái, sốc, hôn mê, co giật.., cần cung cấp oxy trong quá trình cấp cứu để đạt đích SpO2 ≥ 94%. Khi tình trạng trẻ ổn định, điều chỉnh để đạt đích SpO2 ≥ 96%.
- Theo dõi sát tình trạng người bệnh để phát hiện các dấu hiệu nặng, thất bại với liệu pháp thở oxy để có can thiệp kịp thời.
Máy tạo oxy là gì?
Máy tạo oxy là một thiết bị có chức năng làm giàu oxy từ khí trời (làm tăng nồng độ oxy) với nồng độ oxy ngõ ra khoảng 90-95%. Thiết bị này được sử dụng để cung cấp oxy cho bệnh nhân gặp vấn đề về hô hấp mà không cần dùng tới oxy hóa lỏng hay bình oxy, có trọng lượng nhẹ, có tay cầm và 4 bánh xe, giúp người dùng dễ dàng di chuyển cùng máy, có nhiều tính năng hiện đại mà bình trợ thở không có, những loại này rất nguy hiểm và bất tiện khi sử dụng tại nhà.
Khi nào sử dụng máy tạo oxy?
Máy tạo oxy được sử dụng trong nhiều trường hợp khác nhau như: người bệnh, người bị tai nạn khi cấp cứu phải thở trực tiếp oxy hay những người bị bệnh hen suyễn, người bị yếu phổi, thợ lặn khi xuống sâu dưới biển, phi công lái máy bay, người cao tuổi
Bên cạnh đó, máy tạo oxy được sử dụng cho người bình thường làm việc trong môi trường độc cũng rất cần máy tạo oxy như: nơi chật hẹp, đông người, ngồi lâu trong phòng lạnh, xe hơi, giảng dạy, thuyết trình nhiều, lao động trí óc căng thẳng, vận động viên, nghệ sĩ, ca sĩ.. sau giờ luyện tập, lao động
Đặc biệt đối với những bệnh nhân bị suy hô hấp mãn tính thì không thể thiếu máy tạo oxy. Việc cung cấp oxy tại nhà vừa giúp cải thiện sức khỏe, vừa tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân.
Cách sử dụng máy tạo oxy
Để sử dụng đúng cách máy tạo oxy tại nhà, cần quan sát xem người bệnh có thật sự cần thở ôxy hay không. Nếu như người bệnh cảm thấy mệt, phải thở trên 30 lần một phút, thở gắng sức, tri giác lơ mơ… thì cần cho thở ôxy.
Nếu người thở ôxy có đáp ứng tốt thì sẽ không ra mồ hôi, có thể ngồi dậy được, không còn cảm thấy mệt, không còn cảm giác ngộp.
Nếu thấy vẫn thở hổn hển, mệt và ra mồ hôi nhiều hơn là không đáp ứng với việc thở ôxy, lúc này cần nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Để sử dụng máy tạo oxy an toàn cần để máy xa khu vực có lửa, không hút thuốc khi sử dụng máy. Khi sử dụng xong phải kiểm tra và bảo quản theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Trong quá trình điều trị bằng liệu pháp thở khí oxy nếu bệnh nhân có bất kỳ chuyển biến nào cần xin ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Lưu ý việc tăng giảm lưu lượng oxy không được tự ý thực hiện.
Các dòng máy tạo oxy thường có cách sử dụng cơ bản giống nhau, hãy làm theo các bước sau đây để sử dụng máy một cách an toàn và hiệu quả.
Bước 1: Đặt máy ở nơi thông thoáng, có thể kéo đi trong phòng mà không bị hạn chế. Máy tạo oxy cần đặt ít nhất 15 cm đến 30cm so với tường, đồ nội thất, màn cửa, tránh xa các nguồn nhiệt trong nhà
Bước 2: Làm theo 1 trong 2 bước sau đây:
+ Nếu máy không có bộ phận làm ẩm, kết nối ống thông mũi đến đầu ra oxy.
+ Nếu máy có bộ phận làm ẩm, làm theo các bước sau:
Đổ nước vào bình tạo ẩm ở giữa vạch Max và Min.
Gắn bình tạo ẩm với máy tạo oxy.
Thắt chặt dây đeo khóa (nếu có) quanh bình tạo ẩm để giữ bình tạo ẩm chắc chắn.
Gắn dây dẫn oxy vào đầu ra Oxy của bình.
Bước 3: Nhấn công tắc nguồn để mở. Ban đầu, tất cả các đèn sẽ sáng và báo chỉ âm thanh BÍP trong vài giây. Sau thời gian đó, chỉ có đèn led màu xanh sáng. Chờ sau 5 phút để sử dụng máy tạo oxy để đạt được độ oxy tinh khiết.
Bước 4: Điều chỉnh lưu lượng dòng oxy theo nhu cầu. Bằng cách xoay núm điều chỉnh trên đầu của ống thủy đo lưu lượng oxy cho đến khi bóng nằm ở dòng đánh dấu tốc độ dòng cụ thể.
Bước 5: Đeo dây thở vào và sử dụng oxy tinh khiết. Không nên lạm dụng máy tạo oxy vì sẽ gây chai phổi. Sử dụng liều lượng phù hợp, tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Ưu và nhược điểm của bình thở oxy, máy tạo oxy
Bình thở oxy
Ưu điểm:
+ Chi phí sử dụng rẻ hơn máy tạo oxy, các bình oxy y tế với dung tích 5 lít, 8 lít và 40 lít trên thị trường có giá lần lượt rơi vào khoảng 500.000đ, 800.000đ và 2.000.000đ một bình
+ Việc có nhiều dung tích khác nhau nên giúp cho bệnh viện, cơ sở y tế, bệnh nhân dễ dàng lựa chọn bình oxy sao cho phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của mỗi người
Nhược điểm:
+ Bình thở oxy khá vồng kềnh, các loại bình y tế có trọng lượng từ 6,8kg với bình oxy 5 lít tới 60kg cho bình oxy 40 lít. Những người bệnh khi sử dụng bình oxy để trợ thở sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình đi lại và di chuyển.
+ Do bình thở oxy có dung tích hạn chế cũng làm ảnh hưởng tới ngân sách và chi phí của các bệnh viện và cơ sở y tế trong dài hạn.
Máy tạo oxy
Ưu điểm:
+ Trọng lượng nhẹ, trọng lượng mỗi máy chỉ khoảng 7 - 8kg
+ Có tay cầm tiện lợi và 4 bánh xe giúp người bệnh dễ dàng đi lại và di chuyển cùng với máy mà không gặp phải bất kỳ cản trở nào.
+ Không chỉ có chức năng chính là hỗ trợ thở máy tạo oxy còn cung cấp ion âm, cân bằng độ ẩm, cảnh báo áp suất thấp, báo sự cố nén máy khí,..
Nhược điểm:
+ Giá thành cao chính là nhược điểm lớn nhất của máy tạo oxy.
Nhưng máy tạo oxy sử dụng nguồn oxy tự nhiên từ môi trường bên ngoài, máy sẽ không bị giới hạn về dung tích sử dụng như các loại bình y tế trợ thở. Nếu xét về lâu dài chi phí sử dụng bình thở oxy sẽ cao hơn so với chi phí sử dụng máy tạo oxy.
Như vậy qua ưu nhược điểm trên chúng ta có thể đưa ra khẳng định rằng việc lựa chọn bình thở oxy hay máy thở phụ thuộc vào nhiều yếu tố mới có thể quyết định lựa chọn chọn loại nào.
Trong mọi trường hợp để sử dụng khí oxy bắt buộc có chỉ dẫn của bác sĩ do đó chỉ cần nắm rõ ưu nhược điểm ở trên là bạn đã tìm ra cho mình một câu trả lời phù hợp nhất.
BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:
+ Các bước lắp đặt, sử dụng bình oxy tại nhà đúng cách, cách thở
+ Hướng dẫn theo dõi, chăm sóc F0 cách ly tại nhà theo Sở Y tế TP. HCM
+ Điều trị Covid 19 theo mức độ, nguyên tắc điều trị
+ Dấu hiệu bệnh nhân covid-19 nặng, phân loại xử trí, cần cấp cứu
+ So sánh các loại vắc xin COVID-19 nổi bật nhất hiện nay
Suckhoecuocsong.vn/TH