18 cách để giảm bớt căng thẳng

11/1/2023 10:34:00 AM
Vậy phải làm sao để giảm bớt căng thẳng? Hãy thực hiện theo những lời khuyên dưới đây để cuộc sống được nhẹ nhàng, thư thái hơn

 

18 cách để giảm bớt căng thẳng

Căng thẳng, stress là tình trạng phổ biến của đời sống hiện đại. Nguyên nhân đến từ công việc và đời sống bận rộn. Vậy phải làm sao để giảm bớt căng thẳng? Hãy thực hiện theo những lời khuyên dưới đây để cuộc sống được nhẹ nhàng, thư thái hơn bạn nhé.

1. Ăn nói từ tốn

Ông bà ta thường dạy:

“Lời nói chẳng mất tiền mua,

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”

Mất gì một câu nói mà chúng ta không nói năng từ tốn, nhẹ nhàng với nhau. Lời nói có tác dụng như một liều thuốc xoa dịu tinh thần, giúp giảm bớt căng thẳng. Một lời nói có thể đưa tâm hồn con người thăng hoa, cũng có thể làm cho con người ta đi xuống vực thẳm nếu lời nói ấy là sự chì chiết, nặng nề. Vì vậy hãy cẩn trọng trong từng câu nói để làm giảm bớt căng thẳng cho mình và cho người khác bạn nhé.

2. Không tranh cãi

Cuộc sống đã quá căng thẳng và mệt mỏi rồi, không ai muốn làm cho bạn khó chịu và bực mình cả, chỉ là bản thân họ có quá nhiều điều phải lo nghĩ mà thôi. Nếu chúng ta tranh cãi là mua thêm sự bực mình, căng thẳng. Trước một sự việc xảy đến, người khôn ngoan sẽ lựa chọn không tranh cãi vì họ biết rằng tranh cãi cũng không đem đến kết quả tốt đẹp mà chỉ làm cho sự việc đi vào chiều hướng tiêu cực mà thôi. Nếu có việc bất đồng quan điểm hay không hiểu ý nhau thì hãy lựa lời và tìm cách nói cho đối phương hiểu bạn nhé.

3. Viết nó ra

Khi bạn cảm thấy căng thẳng vì bất kỳ điều gì thì hãy viết nó ra. Viết nó ra là một cách hiệu quả để xả ra hết những bực bội trong lòng, qua đó ta cảm thấy nhẹ nhõm hơn.

4. Cười nhiều hơn

Ông bà ta thường nói: “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ.” . Khi bạn cười, não giải phóng endorphin - hóa chất "tạo cảm giác dễ chịu" tự nhiên của cơ thể. Hormone này làm giảm căng thẳng và tăng cường cảm giác hạnh phúc trong tâm trí. Tâm trí hạnh phúc là căng thẳng được đẩy lùi rồi.

5. Học cách nói không

Nếu có quá nhiều áp lực trong công việc làm đầu óc căng thẳng, đó là dấu hiệu bạn bị quá tải rồi đó. Hãy tập nói không với những việc không thuộc trách nhiệm của mình, đừng vì cả nể mà ôm vào nhé. Có như vậy bạn mới giảm bớt căng thẳng được.

6. Nghe nhạc thư giãn

Khi có bất kỳ điều gì làm cho bạn căng thẳng hãy bật một bản nhạc nhẹ, nhạc trữ tình, pop- ballad hoặc một bản nhạc mà mình yêu thích và đắm chìm vào trong đó. Bạn sẽ quên ngay cảm giác căng thẳng thôi mà.

7. Liệu pháp mùi hương

Bạn có thể sử dụng mùi hương để xoa dịu tinh thần. Sử dụng nến thơm và tinh dầu để thư giãn, bắt đầu 1 ngày làm việc hiệu quả. Hay đơn giản hơn là dùng một túi café để khử mùi trong xe ô tô hoặc trong phòng của bạn. Hãy sử dụng một mùi hương yêu thích để làm giảm bớt căng thẳng bạn nhé.

8. Thay đổi môi trường

Thỉnh thoảng bạn nên thay đổi môi trường, đi chơi đâu đó với bạn bè, với người thân của mình hoặc đôi khi đơn giản chỉ cần đi ra khỏi nơi quen thuộc, đến một vùng ngoại thành yên bình, cảnh sắc và con người thay đổi, bầu không khí trong lành, làm mới lại nguồn năng lượng bên trong bạn. Như thế những căng thẳng, bực dọc trong công việc, cuộc sống tự nhiên bay biến đi đâu hết và bạn lại ngập tràn năng lượng cho những ngày mới làm việc hiệu quả rồi.

9. Giao lưu với những người tích cực

Bạn nên kết giao với những người tích cực. Trong công việc thì là những người cầu tiến, có tinh thần ham học hỏi và phấn đấu, ngoài xã hội thì là những người vui vẻ và có năng lượng tích cực, có thể truyền cảm hứng đến với bạn. Không nên kết giao với những người ủ rũ, suốt ngày than thân trách phận thì chỉ làm cho bạn căng thẳng theo mà thôi.

10. Tránh trì hoãn mọi việc

Bất kể điều gì muốn hãy làm ngay lập tức, việc gì cần hãy làm luôn. Nếu trì hoãn là bạn lại mất công gắng sức để bắt kịp tiến bộ, tạo thêm căng thẳng, mệt mỏi cho não bộ rồi đó. Vì vậy tránh trì hoãn bất kể việc gì bạn nhé.

11. Có người để giãi bày tâm sự

Nhiều khi chúng ta có những chuyện bức xúc trong lòng. Đó chính là những căng thẳng cần phải giải tỏa. Nếu có thể có được một người tri kỷ, hiểu mình thì quá tốt rồi. Họ sẽ biết lúc nào cần làm gì, lúc nào nên lắng nghe, lúc nào nên cho lời khuyên. Còn nếu không hãy tìm lấy một người đủ thân thiết để bạn giãi bày tâm sự, đủ thân thiết để không nhiều chuyện và không đem những chuyện riêng của bạn đi nói với người khác. Có người để giãi bày tâm sự thì những căng thẳng trong lòng mới giảm bớt được.

12. Suy nghĩ tích cực và làm việc tích cực

Khi đối diện với bất kể chuyện gì bạn nên nhìn vào mặt tích cực của nó và cố gắng phấn đấu lên mỗi ngày. Không có bất kỳ điều gì trên đời này là hoàn hảo cả, quan trọng là bạn có giữ được tâm thái vui vẻ và làm việc tích cực mỗi ngày hay không? Khi bạn luôn ở trạng thái tích cực và vui vẻ, không gây áp lực nhiều cho bản thân thì cũng đồng nghĩa những căng thẳng thường ngày đã giảm đi một nửa rồi đó.

13. Dành thời gian cho bạn bè và gia đình thân yêu

Bạn nên giành thời gian cho bạn bè và gia đình thân yêu bạn nhé. Vì sao vậy? Vì bạn bè là tài sản của bạn, còn gia đình là tổ ấm, là nơi cư ngụ, là nơi trở về cho mỗi người. Khi giành thời gian cho họ là bạn có thêm cơ hội để sẻ chia những bức bối trong lòng, qua đó giảm bớt căng thẳng nhiều rồi đó.

14. Mở rộng mối quan hệ xã hội và giao lưu nhiều hơn

Khi bạn mở rộng mối quan hệ xã hội và giao lưu nhiều hơn bạn sẽ càng ngày càng tiếp xúc với nhiều con người, nhiều hoàn cảnh sống hơn thì tầm nhìn sẽ càng mở mang hơn, bạn sẽ thấy những điều làm mình căng thẳng, những câu chuyện của mình tự nhiên nhỏ tí so với mọi người ngoài kia và tự khắc sự căng thẳng khi tiếp xúc với những chuyện như vậy sau này sẽ giảm bớt đi rất nhiều.

15. Nhìn nhận mọi việc một cách khách quan

Trước một sự việc xảy đến hãy nhìn nhận mọi việc một cách khách quan, đừng chỉ đứng trên quan điểm của bản thân mà hãy đứng trên quan điểm của người khác nữa. Sau cùng bạn hãy là chủ thể khách quan đứng ra ngoài câu chuyện nữa nhé. Có thế bạn mới có cái nhìn rộng mở và tránh được những căng thẳng, bức xúc bạn nhé.

16. Chấp nhận mọi việc mà không phán xét

Điều gì đã xảy ra là nó đã xảy ra rồi. Hãy chấp nhận mọi việc đừng mong thời gian quay trở lại để có thể làm lại được, đừng có hối tiếc hay quá nặng lòng trước một việc gì đó. Cách tốt nhất là chấp nhận mọi việc mà không phán xét. Hãy sống cho thật tốt, làm cho thật tốt mọi việc từ bây giờ để những thất bại hay sai lầm đã qua không còn lặp lại nữa, có như thế bạn mới không phải căng thẳng vì điều không như ý xảy đến nữa.

17. Bớt tức giận

Khi bạn tức giận là tự mang căng thẳng, bực dọc vào mình rồi. Như vậy, cách khôn ngoan nhất là bớt tức giận. Nhưng phải làm thế nào được khi cuộc sống có đủ thứ đổ ập xuống đầu bạn. hãy nhẫn nhịn bạn nhé, cái gì bỏ qua được thì bỏ qua. Khi tức giận cơ thể sẽ tự bài tiết ra một chất gọi là catecholamin, cùng với ảnh hưởng từ hệ thần kinh trung ương sẽ làm cho đường huyết trong cơ thể tăng cao. Như vậy chẳng ai dại gì mà mang bệnh tật và sự căng thẳng vào mình bạn nhỉ?

18. Thông cảm và bao dung với người khác

Đôi khi trong cuộc sống cũng có người có lỗi với bạn. Hãy nhìn vào mặt tích cực của họ để bao dung hơn, hãy thông cảm với họ vì ai cũng còn có khuyết điểm. Như thế cảm giác căng thẳng, bực dọc sẽ nhanh chóng rời xa bạn thôi.

Suckhoecuocsong.vn

Các tin khác