Xơ phổi hậu Covid-19: cần làm gì để cải thiện sức khỏe

10/03/2022 16:47

Xơ phổi hậu Covid-19 là gì, biểu hiện của xơ phổi hậu Covid-19, điều trị xơ phổi hậu Covid-19 như thế nào

Xơ phổi hậu Covid-19: cần làm gì để cải thiện sức khỏe

Di chứng thể chất người bị Covid-19 có thể gặp như xơ phổi, đột quỵ, tổn thương thận cấp, mệt mỏi hay mất ngủ, trầm cảm. Khi virus xâm nhập vào cơ thể tuy gây rổn thương đa cơ quan, nhưng hậu quả nghiêm trọng nhất là xơ phổi, tắc mạch phổi. Khi bị xơ phổi hậu Covid-19 cần làm gì để cải thiện sức khỏe là điều được nhiều người quan tâm.

Đại dịch Covid-19 là bệnh đường hô hấp ở giai đoạn cấp tính có thể gây nhiều tổn thương cho phỏi, hệ hô hấp của người nhiễm bệnh. Khi virus SARS-CoV-2 nhân lên trong các tế bào nội mô, sau đó phá hủy nội mô, gây phản ứng miễn dịch và viêm rất mạnh. Các triệu chứng phổ biến sau nhiễm Covid-19 là: mệt mỏi, khó thở, rối loạn chức năng nhận thức, mệt mỏi, đau nhức xương khớp, ho kéo dài, tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực, sốt nhẹ… và những triệu chứng khác ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày. Các triệu chứng này có thể mới khởi phát sau khi đã hồi phục từ đợt mắc Covid-19 cấp tính, hoặc kéo dài từ đợt bệnh ban đầu. Các triệu chứng cũng có thể thay đổi hoặc tái phát theo thời gian.

Nguyên nhân gây hội chứng hậu Covid-19 là do virus SARS-CoV-2 gây phản ứng viêm - cytokines - xơ hóa - rối loạn đông máu. Ngoài ra còn do tổn thương di chứng sau thời gian dài điều trị hồi sức trong bệnh viện, tổn thương di chứng của bệnh nền kèm theo...

Xơ phổi hậu Covid-19 là gì?

Xơ phổi hậu Covid-19 là tình trạng nhu mô phổi bị phá hủy trong giai đoạn cấp tính sẽ không thể phục hồi trạng thái nhu mô phổi bình thường, mà thay bằng những mô xơ (đặc biệt ở bệnh nhân bị viêm phổi nặng và ARDS).

Những tổ chức xơ này không thực hiện được chức năng trao đổi khí CO2 và O2 ở phổi, dẫn đến tình trạng khó thở, đặc biệt là khó thở khi vận động thể lực, đi lại.

Tình trạng xơ hóa này có thể được nhìn thấy trên mô bệnh học qua sinh thiết phổi hoặc hình ảnh xơ trên phim CT scan sau khi người bệnh đến các cơ sở y tế thăm khám. Đi kèm với nó là tình trạng giảm thể tích phổi và giảm độ khuếch tán của phổi qua các thăm dò chức năng hô hấp.

Những ai có nguy cơ bị xơ phổi hậu Covid-19?

Hình ảnh tổn thương xơ hóa giai đoạn sớm và giảm chức năng phổi có thể xuất hiện ở mọi bệnh nhân bị viêm phổi do virus SARS-CoV-2. Những bệnh nhân có nguy cơ mắc xơ phổi lâu dài sau Covid-19 gồm:

+ Viêm phổi nặng ở đợt bệnh Covid-19 cấp, đặc biệt là bệnh nhân ARDS;

+ Bệnh nhân nặng, nồng độ các cytokines tiền viêm trong máu cao;

+  Bệnh nhân có tổn thương phổi sẵn có, lớn tuổi, hút thuốc lá.

+ Bệnh nhân thở máy áp lực dương, cần điều trị ECMO, thời gian nằm viện lâu dài;

Vậy khi nào cần đi khám xơ phổi hậu Covid-19?

Những bệnh nhân sau khi điều trị viêm phổi do Covid-19 nếu xuất hiện ít nhất một trong các dấu hiệu sau, thì nên đi khám tình trạng xơ phổi.

+ Mệt mỏi kéo dài.

+ Khó thở

+ Sút cân không rõ nguyên nhân

+ Ho khan kéo dài.

+ Những trường hợp viêm phổi do Covid nhưng vẫn tự điều trị tại nhà

+ Cảm thấy đau nhức khắp cơ thể kéo dài.

+ Đầu ngón tay ngón chân tròn như dùi trống.

Biểu hiện của xơ phổi hậu Covid-19 là gì?

Những người có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 sau khi khỏi bệnh, có kết quả âm tính nếu nhẹ thì ho khan kéo dài, khó thở khi vận động gắng sức, nặng hơn, bệnh nhân có thể khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi, cản trở mọi sinh hoạt đời sống thường ngày.

Trên phim chụp CT scan ngực, hình ảnh xơ hóa phổi biểu hiện dưới nhiều dạng và mức độ như: hình ảnh dải xơ, dày các vách liên tiểu thùy, hình ảnh lưới, dãn phế quản co kéo và điển hình nhất là hình ảnh tổ ong

Trong thăm dò chức năng hô hấp: bệnh nhân có giảm thể tích phổi ở nhiều mức độ, giảm độ khuếch tán khí ở phổi khi đo DLCO.

Ở những bệnh nhân được làm sinh thiết phổi, sẽ thấy hình ảnh tăng sinh tế bào tạo sợi và lắng đọng collagen trên mô bệnh học.

Bệnh này có nguy hiểm không?

Hầu hết bệnh nhân xơ phổi do các virus khác đều tự hồi phục sau 6 tháng đến 1 năm. Tuy nhiên, vẫn có một số bệnh nhân diễn tiến xơ phổi vẫn tiếp tục sau đó, hầu hết là tổn thương xơ hóa nặng.

Khi đó, bệnh lý xơ phổi hậu nhiễm virus Corona này thực sự là một gánh nặng cho bệnh nhân cũng như cho hệ thống y tế: giảm chất lượng cuộc sống do tình trạng tàn phế, tăng nguy cơ nhập viện, giảm tuổi thọ và tăng chi phí điều trị đáng kể kéo theo nhiều vấn đề khác.

Điều trị xơ phổi hậu Covid-19 như thế nào?

Theo các chuyên gia y tế, hiện nay vẫn chưa có phác đồ điều trị cụ thể xơ phổi hậu COVID do tính chất mới của bệnh.

Nhưng nhiều ý kiến của chuyên gia, cũng như nhiều thử nghiệm lâm sàng đã được tiến hành cho thấy xơ phổi hậu Covid-19 có thể được cải thiện ở những bệnh nhân dùng các thuốc kháng viêm, ức chế miễn dịch lâu dài như corticosteroids, kết hợp với các thuốc chống xơ hóa. Nhiều thuốc khác vẫn đang được thử nghiệm.

Bên cạnh sử dụng thuốc bệnh nhân xơ phổi cần được tập vật lý trị liệu hô hấp liên tục, lâu dài dưới sự hướng dẫn của chuyên gia vật lý trị liệu, và tránh những tác nhân như tránh môi trường ô nhiễm khói bụi, cai thuốc lá, tiêm ngừa vắc xin cúm mùa bởi những tác nhân này có thể làm trầm trọng hơn tình trạng tổn thương phổi sẵn có. Thiết lập chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý giúp tăng sức đề kháng - tránh nhiễm trùng hô hấp do bất kỳ nguyên nhân nào.

Nên phát hiện sớm xơ phổi để quản lí sức khoẻ ngay từ giai đoạn đầu tránh những biến chứng có thể nặng hơn gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Tập thể dục thường xuyên, bổ sung dinh dưỡng, bỏ thuốc lá, ăn một chế độ ăn uống lành mạnh; đó là cách để khắc phục xơ phổi trong một chặng đường dài. Bên cạnh đó, tập luyện các bài tập thở để tình trạng được cải thiện.

Có thể bắt đầu bằng các bài tập đơn giản như hít sâu thở ra chậm. Có thể tập thở bất cứ lúc nào: Khi ngồi, nằm, khi tập đi bộ, kết hợp dùng máy thổi Spirometry… Các bài tập thiền (meditation) cũng giúp bệnh nhân thở chậm và thở sâu, giúp phổi hoạt động hiệu quả hơn. Có thể tập luyện các bài tập duy trì, tăng dung tích phổi, giúp phổi khỏe mạnh, cơ thể nhận được lượng oxy cần thiết dễ dàng hơn.

Bài tập 1: Thở bụng

Bước 1: Các bạn có thể nằm hoặc ngồi. Dùng một tay đặt lên bụng để cảm nhận sự thay đổi của bụng.

Bước 2: Mím môi, hít vào bằng mũi trong vòng 2 giây, bụng phình lên, tay ở bụng cũng đi lên theo. Giữ lại 3-4 giây.

Bước 3: Thở ra từ từ bằng miệng, môi chúm lại, bụng xẹp xuống, tay ở bụng cũng đi xuống. Bài tập này nên thực hiện 3 lần/ngày, mỗi lần 5-10 phút

Bài tập 2: Kiểm soát nhịp thở

Bước 1: Mím môi và hít vào bằng mũi trong vòng 2 giây.

Bước 2: Giữ 3-5 giây, sau đó chúm môi như đang thổi sáo và thở ra từ từ bằng miệng trong vòng 4 giây. Bài tập này nên thực hiện 3 lần/ngày, mỗi lần 5-10 phút

Bài tập 3: Thở phối hợp tay

Bước 1: Bạn vừa hít thở vừa đưa tay lên trên để mở rộng lồng ngực. Sau đó giữ hơi thở 3-5 giây.

Bước 2:  Đưa tay xuống, đồng thời thở ra như bài số 1. Bài tập này nên thực hiện 3 lần/ngày, mỗi lần 5-10 phút

Bài tập 4. Tập mạnh cơ hoành

Bước 1: Dùng cuốn sách hoặc vật có khối lượng 0,5-1kg lên bụng.

Bước 2: Hít vào bằng mũi, bụng phồng lên và giữ lại 3-4 giây

Bước 3: Chúm môi lại, thở ra bằng miệng, bụng xẹp xuống. Bài tập này nên thực hiện 3 lần/ngày, mỗi lần 5-10 phút

Bài tập 5: Tập mạnh cơ hô hấp bằng bình nước

Bước 1:  Thở ra một hơi dài, ngay khi chuẩn bị hít vào ngậm bình nước và hít vào bằng miệng.

Bước 2:  Thả lỏng, thở ra nhẹ nhàng, không gắng sức.

Bước 3:  Hít thở 1-2 nhịp thở sâu và lặp lại kỹ thuật. Bài tập này nên thực hiện 3 lần/ngày, mỗi lần 5-10 phút

Bài tập 6: Bài tập thở chu môi

Thở chu môi có thể làm chậm nhịp thở, giảm công việc thở bằng cách giữ cho đường thở mở lâu hơn. Điều này giúp phổi hoạt động dễ dàng hơn, cải thiện quá trình trao đổi oxy, carbon dioxide.

Bài tập thở này thường dễ dàng hơn cho người mới bắt đầu so với thở bằng cơ hoành, có thể thực hiện ở nhà ngay cả khi không có ai chỉ cho quý vị cách thực hiện. Nó có thể được thực hành bất cứ lúc nào.

Để thực hành kỹ thuật thở chu môi:

Bước 1: Tư thế ngồi thoải mái.

Bước 2: Thả lỏng cổ và vai.

Bước 3: Hít vào từ từ bằng lỗ mũi.

Bước 4: Chu môi như thể đang chuẩn bị thổi vào thứ gì đó. Thở ra bằng miệng càng chậm càng tốt. Thở ra chậm sao cho thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào.

Người sau khi khỏi Covid nên khám sức khỏe định kỳ, điều trị thích hợp nếu phát hiện tổn thương do di chứng. Người mắc Covid-19 nhẹ song di chứng có thể rất nặng nề, đặc biệt là người cao tuổi nhiều bệnh nền. Bác sĩ sẽ đánh giá mức độ di chứng của bệnh nhân để thiết lập lộ trình tập luyện phù hợp, tránh tập quá sức khiến bệnh nặng hơn, sức khỏe dần được cải thiện

Đi bộ

Một nghiên cứu năm 2011 cho thấy người trưởng thành khỏe mạnh có thể đi bộ khoảng từ 4.000 đến 18.000 bước/ngày tùy theo yêu cầu. Tuy nhiên mục tiêu 10.000 bước/ngày là khá phù hợp cho người trưởng thành khỏe mạnh. Các bệnh nhân sau khi khỏi Covid-19 thì tùy sức lực để vận động. Lắng nghe cơ thể mình.

Dinh dưỡng đúng:

Nên chia bữa ăn thành 3-5 bữa mỗi ngày tùy theo sức ăn của người bệnh. Kết hợp đa dạng thực phẩm trong khẩu phần ăn, nên ăn nhiều rau, trái cây, uống đủ nước, uống thêm nước ép trái cây, sữa, ăn chuối chín để bổ sung Kali, bổ sung các loại vi chất. Do tác hại của bệnh COVID-19 nên ăn các loại thực phẩm có nhiều vi chất như cá, tôm, cua, hào, nghêu sò…

Chăm sóc sức khỏe tinh thần:

Ngủ đủ giấc, nghe nhạc, thư giãn, trao đổi thông tin với mọi người xung quanh để cuộc sống trở lại bình thường.

Những người nhiễm Covid-19 sau khi khỏi bệnh nên cảnh giác theo dõi sức khỏe trong 3 tháng kể từ khi bắt đầu mắc cho đến khi đã khỏi bệnh để hạn chế những nguy cơ hậu Covid-19.

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

Đau nhức xương khớp hậu Covid-19: cách khắc phục hiệu quả

Cải thiện tình trạng khó ngủ, mất ngủ do di chứng hậu Covid-19

Di chứng, ảnh hưởng lâu dài của COVID-19 (coronavirus) không nên chủ quan

Hướng dẫn 6 bài tập thở khi bị khó thở hậu Covid-19

Suckhoecuocsong.vn/TH

Các tin khác

Cách điều trị các bệnh ngoài da trong mùa mưa lũ

Cách xử lý khi bị tiêu chảy trong mùa mưa lũ chuẩn xác

Cách cân bằng hệ vi sinh đường ruột sau bão lũ

Cẩn trọng 3 bệnh đường tiêu hóa dễ gặp phải trong mưa bão, ngập lụt

Mẹo giảm nguy cơ mắc đường tiêu hóa sau mưa bão ngập lụt

Thực phẩm giàu vitamin C rất tốt cho sức đề kháng, hệ vi sinh đường ruột

Cải thiện sức khỏe tinh thần, quản lý stress giúp tăng cường hệ miễn dịch

Thực phẩm giàu chất béo lành mạnh rất tốt cho hệ miễn dịch

Các loại đồ uống tăng cường hệ miễn dịch, tốt cho đường ruột

Thực phẩm chứa prebiotic giúp củng cố hệ miễn dịch, tốt cho sức khỏe đường ruột