Nhìn thấu mà không nói thấu là một cảnh giới của tu dưỡng
Cảnh giới của sự tu dưỡng là nhìn thấu mà không nói thấu
Nhìn thấu mà không nói thấu là một cảnh giới của tu dưỡng
Có không ít người, nhìn thấu điều gì đều nói ra, đơn giản là muốn thể hiện mình ưu tú hơn người khác. Họ không biết rằng, nhất thời nhanh miệng mà đánh mất cảm giác chừng mực, cũng đánh mất hảo cảm của người khác.
Người trưởng thành có ba giai đoạn quan trọng nhưng không phải ai cũng nhận ra.
Thuở thiếu thời nhìn không thấu nên dễ vấp ngã.
Về sau, khi nhìn thấu liền nói ra hết, tự cho mình là thông minh, lại đắc tội với người khác mà không biết.
Đặc điểm của người trưởng thành thực sự đó chính là nhìn thấu mà không nói thấu. Nhìn thấu là thông minh, không nói thấu lại là trí tuệ.
Nhìn thấu không nói thấu để giữ chừng mực
Dương Tu trong "Tam Quốc Diễn Nghĩa" là một mưu sĩ có trí tuệ siêu quần dưới trướng Tào Tháo.
Có một lần, Tào Tháo sai người kiến tạo cho mình một vườn hoa. Sau khi xây xong ông đi thị sát, không bình luận gì mà chỉ viết trên cửa một chữ chữ "Hoạt". Mọi người nhìn chữ này không hiểu ý tứ của Tào Táo là gì, chỉ có Dương Tu sau khi nhìn thấy thì thốt lên: "Trên cửa có thêm chữ 'hoạt', chính là chữ 'Khoát' nghĩa là rộng, thừa tướng cho rằng cửa quá rộng". Vì thế, vườn hoa sau đó được cải tạo.
Tào Tháo lại đến nhìn, thấy Dương Tu có thể đoán đúng tâm tư của mình. Bên ngoài tuy Tào Tháo tỏ vẻ cao hứng, nhưng trong lòng lại bắt đầu e dè với Dương Tu.
Nhiều lần lặp lại sự việc tương tự khiến Tào Tháo cảm thấy Dương Tu thật phiền phức. Kiểu mưu sĩ thông minh tuyệt đỉnh như thế này, nhiều lần đoán đúng tâm sự của ông, nhưng lại không biết che đậy mồm miệng, cứ thế nói toạc ra. Thế là trong một trận chiến, Tào Tháo tìm cớ giận dữ mắng mỏ Dương Tu tung tin đồn nhảm thất thiệt, ra lệnh chém đầu Dương Tu.
Khi còn nhỏ, tôi nghe câu chuyện này, luôn cảm thấy Tào Tháo hẹp hòi. Sau này mới biết được, Dương Tu cũng không có đại trí tuệ, chẳng qua là tiểu thông minh.
Dương Tu có thể nhìn thấu tâm sự của Tào Tháo tự nhiên coi mình có bản sự, nhưng ông ấy đi khắp nơi tuyên dương mình cao minh, đơn giản chính là đang khoe khoang năng lực của mình. Để khoa trương cảm giác tồn tại, mà đánh mất chừng mực, đánh mất ý thức về giới hạn, như vậy thì chẳng khác nào tự rước họa vào thân.
Chúng ta không khó gặp phải những kiểu người như thế này trong cuộc sống. Bạn tràn đầy hứng khởi nói cho anh ta biết một chuyện mới mẻ, anh ta khinh thường nói một câu: "Cái này ai chẳng biết, tôi đã biết từ lâu".
Câu nói này chẳng khác gì một chậu nước lạnh từ đầu dội xuống. Lúc mọi người liên hoan cùng nhau thảo luận về chủ đề dưỡng sinh, bạn vừa nói xong ý kiến của mình, anh ta liền nhảy dựng lên nói: "Anh nói cái này, là tin đồn đã bị bác bỏ từ lâu". Một câu, khiến bạn hận không thể tìm kẽ đất nào để chui xuống.
Một người nhìn thấu điều gì cũng đều nói ra hết, chẳng qua chỉ muốn thể hiện mình ưu tú hơn người khác. Họ không biết rằng, nhất thời nhanh miệng mà đánh mất cảm giác chừng mực, cũng đánh mất hảo cảm của người khác.
Người thực sự trưởng thành biết người biết ta, biết nói điều cần nói đúng giới hạn ở nơi đó. Họ có thể nhìn thấu sự việc, nhưng lại không nhất định phải nói ra miệng, như vậy mới không đắc tội với người khác mà không biết, con đường nhân sinh mới có thể càng đi càng rộng.
Nhìn thấu mà không nói thấu là một cảnh giới của tu dưỡng
Câu nói rất hay của văn hào Nga Chekhov: "Người có tu dưỡng không phải ăn cơm không rơi vãi canh, mà là khi người khác rơi vãi canh thì đừng nhìn họ".
Chỉ với một hành động đơn giản như không công khai hình ảnh suy sụp của người khác được coi là sự tu dưỡng "nhìn thấu nhưng không nói ra". Đó cũng là dấu hiệu cho thấy sự trưởng thành. Cuộc sống thường ngày trôi qua, đôi khi chúng ta quên mất loại tu dưỡng này.
Trong cuộc họp lớp cách đây vài năm trước, có hai người từng yêu nhau thời trung học. Lúc đó, cả hai còn trẻ, hẹn hò nói chuyện sôi nổi, bị giáo viên phạt, gọi điện thoại cho cha mẹ, làm xôn xao cả khu phố.
Thời gian trôi qua rất nhanh, chỉ trong nháy mắt, cả hai đã có gia đình riêng và cuộc sống hạnh phúc. Lần này, người nam sinh cũng đưa vợ về dự tiệc.
Sau khi uống rượu, cậu bạn kia bắt đầu vạch trần "lịch sử đen tối" của mình với các bạn cùng bàn, còn kể cho mọi người nghe về những tình tiết yêu đương của họ khi xưa, cả những lời thề nguyền mà họ từng nói với nhau.
Anh ta không để ý rằng có hai người trong cuộc, một người thì mặt xanh, một người thì trắng bệch. Cuối cùng, bữa tiệc kết thúc trong không khí mất vui. Từ đó đến nay không còn cảnh hai người trong lớp cùng đi họp lớp nữa. Cậu bạn cùng lớp cũng không cảm thấy lời nói và việc làm của mình là không ổn.
Có câu: "Nhìn thấu mà không nói thấu, vẫn là bằng hữu tốt". Người sống trên đời, cần phải biết thấy rõ bản sự, nhưng cũng phải âm thầm tu dưỡng.
Chúng ta ai cũng có những chuyện cũ mà bản thân không muốn bị nhắc đến, mỗi người đều có một mặt mà bản thân không muốn biểu hiện ra cho người khác nhìn thấy. Học được nhìn thấu mà không nói thấu, chính là tôn trọng, chính là cảm thông, chính là một cảnh giới của sự tu dưỡng.
Nhìn thấu mà không nói thấu mới là người thiện lương
Một người nếu vô ý nói ra những điều không nên nói là biểu hiện của EQ thấp. Còn nếu cố ý nói ra để hãm hại người khác thì đó chính là người không thiện lương.
Vào năm ngoái, chị họ tôi ly hôn. Hai vợ chồng mỗi người nuôi một đứa trẻ, cuộc sống rất túng quẫn. Chị họ tôi vốn tốt nghiệp đại học danh tiếng, năng lực làm việc rất tốt, người chồng cũng chín chắn quan tâm chu đáo. Khi ly hôn, chị như từ đỉnh cao ngã xuống đáy vực sâu, cho nên chị cũng không muốn người ngoài nhìn thấy cảnh cùng quẫn của mình.
Tuy nhiên, trên bàn cơm năm mới, đang lúc mọi người vui vẻ dùng cơm, nói lời chúc phúc, thì người cô đột nhiên nói một câu: "Chúc cho cô Vân nhà ta tìm được một người chồng tốt hơn trong năm tới, để cho gã cặn bã lừa dối kia phải hối hận".
Nghe câu nói này, chị tôi chỉ biết im lặng. Không khí trở nên căng thẳng, người chú đẩy cô họ ra, bảo đừng nói nhiều. Người cô vẫn cho rằng mình quan tâm nên mới hỏi, còn tiếp tục nói: "Vân à, con đừng lo lắng. Bây giờ người ta ly hôn đầy ra, ly hôn cũng không phải chuyện to tát gì. Cô sẽ giới thiệu cho con vài mối, rồi con sẽ lại kết hôn thôi".
Mọi người đều im lặng, người cô càng hứng khởi, nói tiếp: "Cô biết con nuôi con một mình không dễ dàng gì. Không sao đâu. Năm ngoái chú của con làm ăn tốt lắm, giúp đỡ con là không có vấn đề gì. Chúng ta đều là người một nhà cả".
Khi tôi trò chuyện với cô, cô ấy nhắc đến người chị họ của tôi và nói: "Cái Vân trước đây rất xinh đẹp, muốn có sự nghiệp đã có sự nghiệp, muốn có gia đình thì đã có gia đình. Cô nói như vậy trong dịp Tết là vì cố tình muốn nói với con bé điều đó. Phong thủy luân chuyển, không ai có thể một mực thuận buồm xuôi gió".
Tôi thực sự bất ngờ, cứ ngỡ cô không hiểu nhân tình thế thái nên mới nói vậy, bây giờ mới biết được cô cố tình bóc vết sẹo, không phải vì không có giáo dưỡng, mà là không có thiện lương.
Con người chỉ mất hai năm để học nói, lại phải bỏ ra cả một đời mới có thể học cách im lặng. Người trưởng thành thà rằng cúi đầu làm câm điếc, cũng không tùy ý bóc vết sẹo của người khác. Biết rõ không hỏi, biết mà không nói, mới là lương thiện lớn nhất.
Nửa đời người còn lại, chúng ta hãy học cách im lặng. Bậc trí giả nói chuyện, là bởi vì họ có lời muốn nói. Kẻ ngu nói chuyện, là bởi vì bọn họ muốn nói liền nói.
Người trưởng thành chính là hiểu được, nhìn thấu mà không nói thấu mới là thật trí tuệ. Khi bạn đang nói điều gì, làm chuyện gì, hãy để ý đến cảm nhận của người khác người khác, như vậy mới có thể giữ thể diện cho người, cũng là cho mình một con đường lui.
Trí tuệ cổ nhân, kỹ năng sống, suy ngẫm, bài học thành công hạnh phúc
Suckhoecuocsong.vn