Sức mạnh của lòng khoan dung làm trái tim thức tỉnh
Sức mạnh của lòng khoan dung làm trái tim thức tỉnh
Victor Hugo – Nhà văn Pháp từng nói: “Trên thế giới thứ rộng lớn nhất là đại dương, nhưng thứ rộng lớn hơn lại là bầu trời, mà thứ còn rộng hơn cả bầu trời lại chính là lòng người.” Bao dung thì luôn được lợi. Và người làm nên sự nghiệp thì nhất định phải có lòng bao dung rộng lớn.
Lâm Tắc Từ, một vị quan nổi tiếng thời xưa, cũng viết:
“Hải nạp bách xuyên, hữu dung nãi đại
Bích lập thiên nhận, vô dục tắc cương”.
Ý nói rằng biển vì có thể dung nạp trăm nghìn con sông mà trở nên rộng lớn, vách núi nghìn trượng sừng sững vì không mang dục vọng mới có thể giữ mình cương trực. Đây cũng là nói đến trí huệ của lòng bao dung.
Bao dung là một loại khí phách, cũng là một loại trí huệ. Cổ ngữ có câu: “Cái trán của Tướng quân rộng đến mức có thể phi ngựa, bụng của Tể tướng rộng đến mức có thể chèo thuyền”. Ý nói, một người có tấm lòng quảng đại, rộng lớn bao nhiêu thì sự nghiệp sẽ to lớn bấy nhiêu, cảm hóa được lòng người bấy nhiêu
Một ngày nọ, thầy hiệu trưởng nhìn thấy một cậu bé đánh bạn cùng lớp của mình, ông đã ngăn cản và yêu cầu bạn ấy đến văn phòng để trao đổi. Khi hiệu trưởng trở lại văn phòng, cậu bé đã đợi sẵn ở đó.
Ông lấy một viên kẹo đưa cho cậu bé: “Đây là để thưởng con vì con đã đến văn phòng trước thầy”. Sau đó, thầy lại lấy viên kẹo thứ 2: “Cái này cho con, vì khi thầy ngăn con đã dừng lại ngay lập tức, đó là tôn trọng thầy”.
Cậu bé nghi ngờ cầm lấy, thầy lại nói: "Theo thầy biết thì con đánh bạn cùng lớp vì bạn ấy bắt nạt bạn nữ. Điều đó cho thấy con có ý thức công bằng, thưởng cho con 1 viên kẹo nữa".
Lúc này, cậu bé khóc và nói: “Hiệu trưởng, con sai rồi. Dù các bạn trong lớp có sai thế nào, con cũng không nên đánh bạn”. Thầy lại lấy ra một viên kẹo khác: “Con đã nhận lỗi rồi, thầy thưởng thêm 1 viên kẹo nữa, giờ thì thầy hết kẹo rồi và chúng ta có thể dừng cuộc trò chuyện ở đây nhé!".
Vào một buổi trưa nọ, các đường phố trong thị trấn vắng tanh, ít người qua lại. Trên cây, những chiếc lá quăn queo và héo rũ vì nắng nóng. Trong thời tiết như thế này thường rất ít khách đến mua hàng. Ông chủ tiệm thấy hơi buồn ngủ, gục mặt bên quầy chợp mắt một lát.
Đang mơ màng thì ông bị một tiếng động gì đó đánh thức. Gần ngay cửa có một cậu thiếu niên đang nhìn vu vơ vào trong. Ông chủ tiệm hỏi chuyện gì nhưng cậu thiếu niên đó bỗng lùi ra ngoài. Ông nhìn quanh cửa hàng thì không thấy có gì khác lạ, vừa định gục xuống bàn tiếp tục đánh giấc thì cậu thiếu niên thò đầu vào.
“Cậu muốn mua gì?” Ông chủ tiệm hỏi ngay.
“Cháu, cháu,…” – Cậu bé ấp úng một hồi lâu, rốt cuộc cũng chưa nói ra mình muốn cái gì. Ông chủ tiệm thấy làm lạ, nhìn kỹ cậu thanh niên. Ngoài ra, dáng vẻ mệt mỏi và đầu óc rối bù ra, quần áo cậu ta khá chỉnh tề. Nhưng thứ gây chú ý nhất là chiếc đàn cổ màu đỏ rực phía sau
“Cậu sao vậy?” Lần này ông chủ tiệm cố gắng dịu giọng xuống.
“Cháu, cháu là học sinh, năm sau cháu sẽ thi đại học. Trước khi thi cháu muốn tìm một thầy giáo ở trường sư phạm phụ đạo cho cháu”. Ông chủ tiệm là người rất nhanh nhạy, hiểu ngay ý của cậu bé, hỏi: “Vậy là cậu muốn hỏi đường lên thành phố phải không?
“Không, không phải đâu” – Cậu thiếu niên cuống quýt nói “ Điều kiện gia đình cháu không tốt lắm. Bố cháu đã mất từ lâu, mẹ cháu đã rất vất vả để nuôi cháu. Cháu muốn…. Cháu muốn đàn cho bác nghe một bản nhạc”. Dường như cậu thiếu niên phải lấy hết sức lực và dũng khí mới nói ra được câu này.
Giờ ông chủ tiệm mới hiểu rõ ý ý của cậu bé, vừa định mở miệng nói thì cánh cửa phòng đột nhiên bị mở tung. Một người phụ nữ với đôi mắt ngái ngủ bước ra từ trong phòng. “Đi ra ngoài, đi ra ngoài! Những người như cậu đầy ra đấy. Nói trắng ra các người chỉ muốn xin tiền. Ngày nào mà chẳng có người đến chỗ chúng tôi xin tiền. Không đâu”
Người phụ nữ tuôn ra một tràng như súng liên thanh. Cậu thiếu niên càng thêm xấu hổ, đôi mắt lộ vẻ hoảng sợ.
Ông chủ tiệm dường như không nghe thấy người phụ nữ đang nói gì, đứng dậy bưng chiếc ghế đang ngồi đặt xuống. “Con trai ngồi xuống và chơi một bản đi”. Sau đó, ông lặng lẽ đứng qua một bên, đôi mắt đầy vẻ chờ đợi nhìn cậu thiếu niên.
Khi bản nhạc cất lên, cửa hàng rộng lớn ấy bỗng như được một con suối trong lành chảy qua, như một luồng gió mát nhẹ nhàng thổi tới, lúc trầm lúc bổng, lúc dài lúc ngắn, tạo ra những âm thanh tinh tế tuyệt vời.
Khi bản nhạc kết thúc, ông chủ tiệm dường như bị tiếng đàn làm cho xao động. Vừa lúc ông đi về phía ngăn kéo đựng tiền, người phụ nữ vội chạy theo, giữ chặt ngăn kéo, bắt đầu phân trần kể lể. Ông chủ tiệm mất hết kiên nhẫn nói: “Tôi không tin cậu bé là một tên lừa đảo. Ít ra tiếng đàn của nó rất trong sáng!”
Vài năm sau, một thầy giáo âm nhạc giỏi đã kể câu chuyện này cho sinh viên của mình trong một lớp học.
Anh ta nói: “Trước khi tôi đến cửa hàng đó thì đã từng gõ cửa nhiều nhà, nhưng đều bị đuổi ra ngoài. Những ánh mắt lạnh lùng, chế giễu, thậm chí chửi mắng làm tôi dường như đã mất hết dũng khí. Và khi rơi vào tình trạng đó, khi thấy người đàn ông đang ngủ gục trong cửa hàng, trong lòng tôi chợt lóe lên một ý nghĩ xấu xa mà tôi không bao giờ ngờ trước được – Tôi muốn trộm một khoản tiền. Tôi thậm chí đã nghĩ, ngay cả khi trộm không thành công ở đây, tôi sẽ thành công ở chỗ khác.
Tuy nhiên, người đàn ông đó đã nhã nhặn chào đón tôi, cho tôi tiền, và quan trọng hơn cả là câu nói của ông ấy “Ít ra tiếng đàn của nó rất trong sáng!”, giống như một thứ ánh sáng chói lọi, chiếu sáng tận sâu thẳm trái tim tôi, gột rửa tâm hồn dơ bẩn của tôi, kéo tôi lên vực thẳm đầy hiểm nguy”.
“Vì vậy” Anh ta ngưng lại một lát “Trong khó khăn hay đau khổ, chúng ta đừng bao giờ quên người đã đưa tay ra giúp đỡ chúng ta. Lòng khoan dung và sự thừa nhận của họ chính là hơi ấm cho những trái tim lạnh lẽo và mỏi mệt, là thứ tình yêu tôn nghiêm nhất”.
Con người không phải là thánh nhân nên tất nhiên sẽ có những sai lầm, đối với những người phạm lỗi chúng ta nên có thái độ rộng lượng khoan dung. Im lặng mà hơn cả to tiếng trách móc đây là phương pháp giáo dục tốt nhất
Có một vị thiền sư trú trong túp lều tranh ở trên núi, một buổi tối khi đi thiền hành trở về, nhìn thấy một tên trộm đang chiếu cố túp lều tranh của mình nhưng tìm không được vật gì cả. Ngài bèn cởi chiếc áo ngoài đang mặc trên người và đứng ngoài cửa đợi tên trộm ra, vì ngài sợ làm kinh động tên trộm.
Tên trộm vừa quay ra thì gặp thiền sư, trong lúc tên trộm hốt hoảng vịthiền sư liền nói: “Anh bạn! đường sá xa xôi vất vả lên núi thăm tôi, tôi không đành lòng để anh về tay không, đêm khuya rồi, khoác chiếc áo này mà về cho đỡ lạnh. Nói xong ngài cầm chiếc áo khoác lên thân tên trộm. Tên trộm xấu hổ, cúi đầu rồi chạy thẳng xuống núi không dám nhìn lại.
Thiền sư nhìn dáng tên trộm khuất dần trong núi rừng mờ mịt, không ngừng thương cảm nói: “rất đáng thương, tôi muốn tặng cho anh cảvầng trăng để chiếu sáng con đường cho anh xuống núi.
Vài hôm sau, khi thiền sư đang mở to đôi mắt nhìn ánh bình minh xuất hiện, thì nhìn thấy chiếc áo mà ngài khoác lên thân tên trộm mấy hôm trước đó được xếp rất ngay ngắn đặt trước cổng, thiền sư vui vẻ nói: “Cuối cùng thì ta cũng đã tặng anh ta cả vầng trăng sáng rồi”.
Chuyện về Sở Trang Vương – vị vua nhân đức của nước Sở
Đời Đông Chu Liệt Quốc, lúc Sở Trang Vương thịnh trị và làm bá chủ chư hầu. Có câu chuyện như sau:
Có lần Sở Trang Vương thiết tiệc đãi các quan, sai mỹ nữ hầu hạ ca xướng. Đang lúc vui say thì đèn nến bị gió thổi tắt hết cả. Một viên quan thừa cơ kéo áo cung nữ. Cung nữ chụp được dải mũ, rồi tâu: “Có kẻ trêu ghẹo thiếp. Thiếp giật được dải mũ. Xin cho thắp đèn ngay để xét. Kẻ nào bị đứt dải mũ thì chính là kẻ đã vô lễ làm càn”.
Trang Vương nghĩ: “Cho người ta uống rượu, để say đến quên cả lễ phép, lại vì câu chuyện đàn bà làm sỉ nhục người ta, thì lòng nào nỡ thế”. Bèn lập tức ra lệnh: “Ai uống rượu với quả nhân hôm nay mà không say đến giật đứt dải mũ là chưa thật vui”.
Các quan theo lệnh, đều giật đứt dải mũ. Khi đèn nến thắp lên thì không còn phân biệt được ai là người phạm tội. Nhờ vậy mà suốt buổi tiệc được vui vầy.
Nhờ bao dung mà có tướng tài
Hai năm sau, nước Sở đánh nước Tấn, mà trận nào cũng có viên quan võ trẻ tuổi liều sống chết chiến đấu ở bên cạnh nhà vua. Nhờ vậy mà quân Sở thắng.
Trang Vương lấy làm lạ, cho đòi viên quan ấy đến hỏi: “Quả nhân đãi nhà ngươi cũng như các quan khác. Cớ sao nhà ngươi hết lòng giúp Quả nhân khác người như thế?”.
Viên quan tâu: “Thần rắp tâm muốn đem thân mệnh để hiến nhà vua đã lâu. Mãi đến ngày nay mới gặp dịp báo đền ơn nghĩa, thật là may cho thần lắm. Thần tên là Tưởng Hùng, chính là người đã giật đứt dải mũ của cung phi trong tiệc rượu ngày xưa mà”.
Sở Trang Vương, chính nhờ sự bao dung của mình, mà có tướng tài sát cánh.
Nhà thơ nổi tiếng Gibran từng nói: “Một con người vĩ đại có hai trái tim: Một trái tim chảy máu và một trái tim bao dung”.
Khổng Tử nói: “Khoan dung thì được lòng mọi người”.
Cho nên, chỉ một câu nói, một hành động nhỏ hay chỉ một nụ cười thôi đã đủ để khiến cho người xấu quay đầu hướng thiện.
Lẽ trời cũng là lẽ của con người, chính bởi vì có thể bao dung mới có thể thành tựu được biển rộng, núi cao, cũng cải thiện được mối quan hệ giữa con người và con người, thành tựu được sự nghiệp to lớn lưu mãi ngàn đời của các bậc anh hùng, hào kiệt xưa nay.
Tục ngữ nói: "Kim vô túc xích, nhân vô thập toàn – Vàng không thuần khiết, người không hoàn hảo".
Khi đối mặt với sai lầm của người khác, nếu như canh cánh để ở trong lòng và đòi đáp trả thì sẽ chỉ khiến cho tâm linh của bản thân thêm nặng, thêm trầm trọng mà thôi. Thay vì để cho thù hận gặm nhấm tâm linh, chịu đựng thống khổ chi bằng hãy mở rộng lòng mà bao dung hết thảy, chẳng phải chúng ta sẽ được thản nhiên và tự tại sao?
Suckhoecuocsong.vn