Người mắc hội chứng ruột kích thích IBS nên ăn gì, kiêng gì hiệu quả?
Những thực phẩm người bị hội chứng ruột kích thích nên kiêng
1. Hội chứng ruột kích thích là gì?
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một trong các bệnh đường ruột thường gặp nhất, dễ tái phát. Nguyên nhân gây bệnh rất đa dạng: viêm đường ruột vì ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn, rối loạn nhu động ruột, dùng nhiều kháng sinh đường ruột gây loạn khuẩn, rối loạn tâm thần, uống nhiều rượu bia,...
Tỷ lệ mắc bệnh 5 – 20% dân số. Mặc dù đây là hội chứng ruột chức năng, không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng có ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hội chứng ruột kích thích được chẩn đoán phổ biến hơn ở nữ giới. Tỷ lệ chẩn đoán nữ/nam khoảng 1,25 – 2/1, độ tuổi chẩn đoán thường gặp là 20 – 50 tuổi.
2. Triệu chứng điển hình của hội chứng ruột kích thích
Triệu chứng điển hình của hội chứng ruột kích thích, là rối loạn tiêu hóa trong thời gian dài, đau bụng, gây khó chịu đến rất khó chịu cho người bệnh.
Người bệnh thường gặp phải một số vấn đề như:
Chướng bụng
Tiêu chảy
Táo bón
Tần suất đi ngoài nhiều hơn người bình thường, trong phân có thể có lẫn máu
Bên cạnh đó, bệnh nhân thường đau quặn từng cơn hoặc đau âm ỉ, tức hai bên mạn sườn
Ngoài ra, người bệnh còn có thể bị đau đầu, khó ngủ, lo lắng, mệt mỏi, suy kiệt, thiếu dinh dưỡng do ruột kém hấp thu dinh dưỡng... Khi đi khám, người bệnh được chỉ định thực hiện các xét nghiệm nhưng không tìm thấy những tổn thương thực thể ở ruột.
Dựa trên những triệu chứng của người bệnh, hội chứng ruột kích thích được chia thành bốn loại gồm:
- Hội chứng ruột kích thích thể táo bón
- Hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy
- Hội chứng ruột kích thích thể hỗn hợp (gồn tiêu chảy và táo bón)
- Hội chứng ruột kích thích không xác định.
Các phương pháp điều trị cũng dựa trên mỗi loại mà thay đổi cho phù hợp.
Hiện chưa có bất kỳ nghiên cứu nào xác định được nguyên nhân cụ thể, trực tiếp gây ra hội chứng ruột kích thích. Tuy vậy, thức ăn là một trong những nguyên nhân gây kích thích cho hệ tiêu hóa, dẫn tới các cơn co thắt, đau bụng và khó chịu.
Ngoài ra, các nghiên cứu y khoa cũng chỉ ra sự liên quan giữa triệu chứng hội chứng ruột kích thích và sự mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột. Do đó, chất lượng và an toàn vệ sinh của thức ăn có thể gây ảnh hưởng lớn tới bệnh.
3. Cách điều trị hội chứng ruột kích thích IBS
Điều trị hội chứng ruột kích thích chủ yếu tập trung vào chế độ dinh dưỡng, thay đổi lối sống khoa học, kết hợp uống thuốc điều trị triệu chứng điển hình để phục hồi, cải thiện chức năng của đại tràng.
Phác đồ điều trị IBS tập trung vào những triệu chứng cụ thể ở mỗi người bệnh. Bác sĩ sẽ chỉ định những loại thuốc dựa trên triệu chứng bệnh, đồng thời hướng dẫn người bệnh về chế độ dinh dưỡng, những chất cần bổ sung và các loại thực phẩm, những chất cần tránh có thể gây dị ứng (nếu có).
4. Chế độ ăn cho người mắc Hội chứng ruột kích thích IBS
Hội chứng ruột kích thích, ăn gì tốt nhất là thắc mắc của nhiều người bệnh.
Người mắc hội chứng ruột kích thích, cần tuân thủ một chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh. Chọn thực phẩm sạch, an toàn, không chứa hóa chất và chất bảo quản.
Tăng cường bổ sung các món ăn, chứa nhiều chất xơ như rau xanh, củ quả, trái cây (đặc biệt hoa quả giàu kali như chuối, đu đủ) bột bắp, cám gạo vào chế độ ăn.
Chất xơ có thể cải thiện triệu chứng táo bón ở những người bị bệnh đại tràng co thắt. Chất xơ làm mềm phân, giúp phân di chuyển thuận lợi thông qua đại tràng. Nhu cầu chất xơ khuyến nghị cho người Việt Nam, ít nhất là 20 đến 25g trên người một ngày. Khi ăn các món có chất xơ thì cần uống nhiều nước, hay chất lỏng, để giúp đẩy chất xơ qua ruột dễ dàng. Tuy nhiên, chất xơ có thể tạo khí, gây đầy bụng, nên người bệnh nên tăng lượng chất xơ từ từ, chỉ cần thêm 2 đến 3g mỗi ngày.
Lưu ý:
Chất xơ trong các thực phẩm nguồn gốc thực vật, có 2 loại chất xơ là loại hòa tan trong nước và loại không tan trong nước
Chất xơ tan trong nước, có nhiều trong các loại hạt đậu như: đậu nành, đậu ngự, đậu tây, rau, trái cây... chất xơ này có thể hỗ trợ làm giảm cholesterol, và giúp cơ thể điều hòa đường trong máu.
Chất xơ không hòa tan trong nước như: cám lúa mì, hạt ngũ cốc chưa xay, rau. Chất xơ này hút nước, tăng khối lượng chất bã, khiến quá trình thải cặn bã mau hơn. Vì vậy nên ăn nhiều loại thực phẩm có đủ hai loại chất xơ.
Theo nghiên cứu ở Hoa Kỳ, chất xơ không hòa tan, có thể làm cho các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích trầm trọng hơn ở một số người. Chất xơ không hòa tan, là loại không hòa tan trong chất lỏng, và tạo thành khối lượng lớn của phân. Ví dụ như cám lúa mì và ngũ cốc nguyên hạt.
Ngược lại, chất xơ hòa tan, có thể có lợi cho những người bị ruột kích thích. Nó không chỉ giúp hỗ trợ giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích, mà còn có thể giúp hỗ trợ giảm cholesterol, và lượng đường trong máu.
Duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng, ăn ít chất béo và nhiều carbohydrate
Nên ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, khoảng hơn 2 tiếng nên ăn một bữa, vì ăn nhiều thực phẩm trong một bữa, có thể gây đau quặn bụng và tiêu chảy.
Khi ăn phải ăn chậm, nhai kỹ, để hạn chế nuốt khí vào, làm giảm đầy bụng, chướng hơi, giảm sự căng giãn đột ngột ống tiêu hóa. Nhờ đó, giúp hạn chế kích kích co bóp của ruột, giảm số lần đi ngoài và giảm triệu chứng đau.
Gợi ý một số thực phẩm tốt cho người mắc Hội chứng ruột kích thích
1. Yến mạch
Yến mạch là một nguồn chất xơ hòa tan rất tốt cho người bị hội chứng ruột kích thích. Chúng cũng có hàm lượng FODMAP tương đối thấp khi ăn vừa phải.
2. Quả bơ
Quả bơ rất giàu protein, chất béo lành mạnh, vitamin và chất xơ hòa tan. Tuy chúng có chứa một số FODMAP, nhưng nếu ăn vừa phải cũng không gây ra vấn đề gì. Đối với hầu hết những người bị hội chứng ruột kích thích, ăn một quả bơ thường là an toàn. Điều đặc biệt là loại dầu bơ làm từ quả bơ không có FODMAP.
3. Chuối
Chuối là món ăn nhẹ tiện lợi cho người bị hội chứng ruột kích thích. Chuối giàu chất xơ hòa tan và ít FODMAP. Tuy nhiên, nên chọn ăn chuối khi chúng chưa quá chín. Vì khi chuối chín kỹ, nó chứa FODMAP cao hơn.
4. Cam
5. Quả kiwi
Quả kiwi không chỉ chứa nhiều vitamin C mà còn rất giàu chất dinh dưỡng như vitamin K, vitamin E, folate và kali. Kiwi chứa một hỗn hợp chất xơ hòa tan và không hòa tan bằng nhau. Kiwi cũng là một loại thực phẩm có hàm lượng FODMAP thấp tốt cho người bị hội chứng ruột kích thích.
6. Quả việt quất
Quả việt quất nằm trong danh sách các loại trái cây phù hợp với người bị hội chứng ruột kích thích. Việt quất chứa nhiều chất xơ hòa tan và ít FODMAP, có tác dụng làm dịu các triệu chứng ở dạ dày của người bệnh.
Quả việt quất ngon nhất khi ăn tươi nhưng cũng có thể để đông lạnh mà vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng.
7. Cà tím
Cà tím chứa ít FODMAP, ít calo và là nguồn cung cấp mangan, folate và kali dồi dào, là lựa chọn lý tưởng trong chế độ ăn của người bị hội chứng ruột kích thích.
Cà tím chứa cả chất xơ hòa tan và không hòa tan. Tuy nhiên, người bệnh có thể giảm bớt lượng chất xơ không hòa tan bằng cách gọt bỏ vỏ cà tím. Nấu cà tím bằng dầu ô liu vừa ngon vừa dễ tiêu hóa. Không nên tẩm bột hoặc chiên cà tím vì có thể gây ra các triệu chứng hội chứng ruột kích thích.
8. Khoai tây
Khoai tây bổ dưỡng, thơm ngon và là lựa chọn hoàn hảo cho chế độ ăn ít FODMAP vì chúng không chứa FODMAP. Khoai tây cũng cung cấp nhiều protein, vitamin C, kali, vitamin B6 và magiê tốt cho sức khỏe.
Khoai tây có cả chất xơ hòa tan và không hòa tan. Tuy nhiên, chỉ cần gọt bỏ vỏ khoai tây là bạn có thể giảm lượng chất xơ không hòa tan.
9. Khoai lang
Khoai lang cũng là một thực phẩm tốt đối với người bị hội chứng ruột kích thích vì chúng giàu chất xơ hòa tan và các chất dinh dưỡng như vitamin B6 và kali.
Tuy nhiên, không giống như khoai tây, khoai lang có chứa đường có thể gây ra các triệu chứng hội chứng ruột kích thích nếu ăn quá nhiều. Vì vậy, người bệnh nên ăn vừa phải.
10. Đậu phộng
Đậu phộng chứa cả chất xơ hòa tan và không hòa tan. Chúng có lượng FODMAP thấp hơn các loại hạt khác như hạt điều và hạt dẻ cười, vì vậy tốt cho người bị hội chứng ruột kích thích.
11. Đậu bắp
Đậu bắp là một nguồn cung cấp chất xơ hòa tan tuyệt vời và một loạt các chất dinh dưỡng như vitamin C, vitamin B6, kali và canxi. Tuy vậy, đậu bắp cũng có hàm lượng đường fructans tương đối cao có thể gây ra các triệu chứng hội chứng ruột kích thích nếu ăn nhiều. Vì vậy, người bệnh nên ăn vừa phải và ăn đậu bắp nấu chín kỹ sẽ dễ tiêu hóa hơn.
Người mắc hội chứng ruột kích thích nên kiêng ăn gì?
1. Thực phẩm sống như rau sống, tiết canh, gỏi cá.
2. Dưa cà muối, gia vị chua cay.
3. Trái cây khô, trái cây đóng hộp vì chúng có hàm lượng đường cao, dễ gây táo bón, tiêu chảy và đầy hơi ở người mắc hội chứng ruột kích thích.
4. Thức ăn có hàm lượng dầu mỡ quá cao như các món rán, xào.
5. Những thực phẩm giàu chất béo động vật có thể khiến ruột co thắt nhiều hơn, gây đau và khó chịu vùng bụng.
6. Thực phẩm dễ sinh hơi như đậu, bắp cải, cảnh xanh, hành.
7. Người bệnh nên tránh các loại thịt chế biến sẵn như xúc xích, pate hay bánh quy, mayonnaise, phomai,...
8. Chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê.
9. Hoa quả chua vì chúng có nhiều axit, không tốt cho đường tiêu hóa
10. Các chế phẩm từ sữa vì trong sữa có đường lactose rất khó tiêu hóa, gây tiêu chảy, đau quặn bụng hoặc táo bón.
Lưu ý:
Nên thay mỡ động vật bằng chất béo không bão hòa có nguồn gốc thực vật.
Không ăn quá no vào buổi tối, không ăn thực phẩm có quá nhiều chất dinh dưỡng vì sẽ khiến hệ tiêu hóa hoạt động quá tải, gây đau bụng và tiêu chảy.
Khi bị tiêu chảy người mắc hội chứng ruột kích thích nên tránh hoàn toàn chất xơ không tan như cellulose để không làm cọ xát thành ruột.
Thức ăn mà người bệnh bị dị ứng.
5. Điều chỉnh chế độ sinh hoạt khi mắc hội chứng ruột kích thích
Ngoài việc điều chỉnh chế độ ăn, người mắc hội chứng ruột kích thích mãn tính nên thay đổi thói quen không tốt trong sinh hoạt để giảm tác hại của bệnh. Một số lưu ý quan trọng là:
Tránh làm việc quá sức, lo âu, mất ngủ, căng thẳng thần kinh kéo dài.
Luôn vui vẻ, thoải mái, sống lành mạnh, không cần quá lo lắng về bệnh lý của mình.
Nên thực hiện các phương pháp giảm stress như tập thể dục, ngồi thiền, tập yoga hoặc lựa chọn các hình thức tập luyện phù hợp, dễ thực hiện.
Giữ thói quen sinh hoạt, nghỉ ngơi điều độ đúng giờ. Người bệnh nên lấy lòng bàn tay xoa nhẹ quanh vùng thượng vị - rốn theo chiều kim đồng hồ vài lần mỗi ngày để kích thích nhu động ruột.
Luyện tập đi ngoài ngày một lần vào buổi sáng hoặc vào một thời điểm thích hợp, nên xoa bụng trước khi đi ngoài.
BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:
Xét nghiệm hơi thở hydro và hội chứng ruột kích thích (IBS)
Hội chứng ruột kích thích (IBS), bệnh đại tràng chức năng
Vượt qua hội chứng ruột kích thích (IBS) bằng liệu pháp hành vi nhận thức
Thực phẩm nên ăn khi mắc Hội chứng ruột kích thích IBS
Mèo mắc hội chứng ruột kích thích (IBS) nên chọn thức ăn như nào
Suckhoecuocsong.vn