Sự thật đằng sau cốc cà phê chúng ta uống
các chủ cửa hàng tạo bọt bằng cách nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé.
Để có hạt cà phê thơm ngon, người ta phải rang cà phê ở 180-240 độ C cho nước bốc hơi và hạt hấp thu được các chất tẩm ướp như rượu, bơ. Một số nơi tẩm lớp đường bên ngoài (10% trọng lượng là đường), khi uống khỏi cần thêm đường, có người gọi là cà phê chè. Một số nơi tẩm thêm nước mắm để tạo vị mặn đậm đà (gu ở các tỉnh miền Trung Việt Nam) hoặc vị chua (như các loại cà phê của châu Âu) hay nước cau (theo gu Đài Loan).
Tuy nhiên theo anh Nguyễn Văn Thắng (sinh năm 1982, ngụ tại thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương) có thâm niên nhiều năm làm trong lĩnh vực chế biến cà phê bán sỉ cho nhiều mối hàng ở Bình Dương: “Chỉ với 480kg đậu nành, loại đậu xuất xứ từ Mỹ hoặc đậu Miên đỏ cùng với một số phụ gia hóa chất khác như chất tạo màu, chất tạo hương vị, chất tạo bọt… là có thể cho ra 500kg cà phê hảo hạng”. Và hiện nay nhiều người còn thích uống cà phê có nhiều bọt. Vậy các chủ cửa hàng tạo bọt bằng cách nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé.
Cà phê tạo bọt bằng hóa chất sản xuất xà phòng
Anh Thắng cho biết thêm, một công thức đầy đủ để cho ra thứ bột gọi là “cà phê” bao gồm: chất tạo hương chocolate (có giá khoảng 280.000 đồng/kg), N2 (chất tạo hương cà phê), men (chất tạo hương caramen), đường hóa học, chất tạo màu, sữa đục, sữa béo, bơ, muối, CMC (chất tạo bọt, được dùng làm xà phòng) và đậu nành.
Muốn làm ra bao nhiêu kilogam cà phê, chỉ cần đẩy số lượng hạt đậu nành lên chừng đó kilogam. Chẳng hạn, muốn làm ra 500kg cà phê thì trọng lượng đậu nành cần có khoảng 480kg, còn lại là các phụ gia hóa chất để tạo màu, tạo mùi, tạo độ ngậy, độ béo và độ đắng giống y như cà phê thật.
Khi chúng tôi thắc mắc hỏi vậy thì cà phê thật chiếm bao nhiêu phần trăm, người đàn ông này chỉ cười và cho hay: “Chiếm 0%”.
Trong số hóa chất đó có CMC – chất được dùng để sản xuất xà phòng, được họ dùng để tạo bọt cho cà phê có nguy cơ gây ung thư cao nhất. Nhiều thực khách không hiểu cứ nghĩ rằng cà phê nguyên chất phải có nhiều bọt, không ai tin đó là bọt hóa chất.
Cùng với CMC là chất tạo màu, chất tạo hương vị cà phê có mức độ độc hại không kém. Chất tạo màu có màu đỏ tươi, có độ bám dính rất cao, phải nhiều ngày sau mới phai dần.
Những loại hóa chất này được anh Thắng khẳng định đều đặt mua kín đáo tại chợ hóa chất Kim Biên (TP.HCM). Công thức nêu trên chỉ là một trong hàng ngàn, hàng vạn công thức để chế biến ra cà phê.
Mỗi một cơ sở sản xuất cà phê, dù nhỏ lẻ hay quy mô lớn, đều giữ cho mình một hương vị riêng, đồng nghĩa với việc họ sử dụng một công thức riêng, không thể bị trùng lặp hay nhầm lẫn. Đó là bí quyết, đồng thời cũng là miếng cơm manh áo của mỗi người.
Cũng theo lời của người đàn ông này thì quy trình sản xuất “cà phê bẩn” được chia làm ba công đoạn. Công đoạn thứ nhất là cho toàn bộ đậu đã rang trộn lẫn với những loại hóa chất có trong công thức. Khi đậu và những loại hóa chất này đã nguội, chúng sẽ kết dính lại với nhau thành một khối lớn.
Nhiệm vụ tiếp theo của những kẻ “sáng tạo” ra cà phê này là đập cho đậu tách rời ra rồi tiếp tục đem đi rang lần thứ 2. Rang xong, số cà phê này lại được cho vào những máy xay xay thành bột nhỏ rồi đóng gói xuất ra thị trường.
Đa số khách hàng, kể cả những người đứng ra mua sỉ rồi bỏ mối lẻ cho các đại lý nhỏ hơn, các quán cà phê đều không biết loại cà phê mà mình đang mua được chế biến từ đậu nành và phụ gia hóa chất. Bởi vì chúng được làm quá tinh xảo, giống y như thật, chỉ có người sành về cà phê phải thật để ý mới phát hiện ra.
Theo anh Thắng, đặc điểm để phân biệt cà phê thật với cà phê đểu rất mờ nhạt, phải nhìn trực tiếp mới phát hiện ra được. Có một số đặc điểm khác biệt cơ bản như cà phê thật có hạt rất nhẹ, xốp, khi xay ra hoặc pha với nước có màu nâu nhạt, đánh lên có ít bọt. Còn cà phê đểu thì hạt nặng hơn, khi xay ra có màu đen, đánh lên có nhiều bọt.
Ý kiến các chuyên gia
Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn - Chủ tịch Hội Hóa học TP HCM phân tích, tinh cà phê chế biến sẵn là tinh tổng hợp, chủ yếu làm từ hóa chất. Cho dù có cùng một công thức, nhưng phẩm màu công nghiệp khác xa phẩm màu thực phẩm, bởi nó chứa nhiều tạp chất, kim loại nặng độc hại. Còn kháng sinh chloramphenicol cũng bị cấm dùng cho cả việc nuôi hải sản. Đường Cyclamate thì tuyệt đối không được dùng. “Ngoài những hóa chất, phụ gia, phẩm màu độc hại, thì việc rang cháy đậu nành để cho giống cà phê thật sẽ làm phân hủy các thành phần dinh dưỡng và nó sẽ sản sinh ra các chất rất độc hại cho người sử dụng”.
Lấy dung dịch màu đen “lạ” tẩm vào đậu nành rang biến thành màu cà phê.
Bác sĩ Trần Văn Ký - Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm VN cũng nhìn nhận, tình trạng sử dụng phụ gia, phẩm màu độc hại, trôi nổi hiện nay là rất phổ biến, cơ quan chức năng không quản lý hết được. Các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm thường dùng phụ gia, phẩm màu công nghiệp để cho vào thực phẩm bởi nó rẻ hơn nhiều lần so với cùng loại nhưng dùng trong thực phẩm. “Đáng sợ nhất của phẩm màu, phụ gia công nghiệp vì nó chứa rất nhiều tạp chất, các kim loại nặng như thủy ngân, chì, asen... Nếu dùng lâu dài, các độc chất này tích tụ sẽ giết dần mòn cơ thể và chúng có nguy cơ gây ung thư. Riêng kháng sinh chloramphenicol nếu dùng không đúng thì không đơn giản làm lờn thuốc mà nó còn độc cho gan và làm suy tủy, ảnh hưởng lên thận. Với đường hóa học Sodium Cyclamate, loại đường có độ ngọt gấp 50 lần so với đường mía thông thường, bị cấm sử dụng trong thực phẩm vì nó có nguy cơ gây ung thư cho người sử dụng; có nguy cơ gây hội chứng Down, ảnh hưởng trên thai phụ; thử nghiệm ở chuột, người ta nhận thấy đường Cyclamate còn gây cao huyết áp và làm teo tinh hoàn...”, bác sĩ Ký nói rõ.
Suckhoecuocsong.com.vn (Theo Pháp Luật Việt Nam)