Những điều bạn nên ngừng nói với trẻ ngay bây giờ
Nuôi dạy trẻ chưa bao giờ là một công việc dễ dàng. Ngoài việc chăm sóc, giúp đỡ chúng những việc cần thiết, cách cư xử đúng mực cũng là vấn đề người lớn cần chú ý khi đối mặt với trẻ.
Nuôi dạy trẻ chưa bao giờ là một công việc dễ dàng. Ngoài việc chăm sóc, giúp đỡ chúng những việc cần thiết, cách cư xử đúng mực cũng là vấn đề người lớn cần chú ý khi đối mặt với trẻ.
Có một số điều có thể bạn vẫn thường làm hay nói để dỗ dành và cho qua chuyện khiến trẻ yên tâm. Thế nhưng, bạn có biết điều đó ảnh hưởng đến trẻ thế nào không? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua một số câu nói phổ biến mà người lớn thường nói với trẻ sau đây.
“Để đấy ông/bà, bố/mẹ làm cho”
Thường thì người lớn luôn nghĩ con cháu mình còn quá nhỏ để có thể tự làm được những việc như tắm rửa hay làm sạch ga giường… và cứ nuông chiều làm giúp cho chúng. Thế nhưng, chúng ta cần biết một điều rằng, nếu tiếp tục làm thay chúng từ những việc nhỏ nhặt đó, chúng sẽ chẳng bao giờ có ý thức học hoặc muốn học làm điều đó cho chính bản thân mình.
“Đừng khóc!”
Khóc là một cách biểu hiện cảm xúc hoàn toàn bình thường mà bất kỳ người nào cũng phải trải qua vô số lần trong đời. Thế nên, người lớn hãy luôn thật bình tĩnh và mang đến những cảm giác an toàn cho trẻ mỗi khi chúng gặp phải vấn đề gì đó đau đớn hay buồn phiền.
“Tại sao con không được như…”
Không có gì làm cho trẻ cảm thấy tồi tệ hơn khi mình bị so sánh với anh chị em ruột hay bất cứ một nhân vật cùng tuổi nào đó mà người lớn thỉnh thoảng vẫn nhắc tới. Thay vì nói những câu chê bai và mang tính chỉ trích như vậy, người lớn hãy nhìn vào điểm mạnh của trẻ và khen ngợi, từ đó tìm cách động viên, khích lệ chúng cố gắng làm tốt những điều khác hơn.
“Con có chắc là mình muốn ăn cái này không?”
Nếu con bạn là một đứa trẻ háu ăn và đang ở trong tình trạng báo động về cân nặng thì luôn có nhiều cách tốt hơn để nói chuyện với chúng thay vì phán xét. Việc lựa chọn từ ngữ và cách nói phù hợp về chủ đề ăn uống và thói quen tập thể dục là yếu tố quan trọng tạo nên những suy nghĩ khác biệt về các vấn đề hình thể cũng như sự tự tin đối với cơ thể của trẻ.
“Chờ đến khi ông/bà, bố/mẹ con về nhé!”
Mỗi khi trẻ gây ra một “rắc rối” hay vướng phải một vấn đề nan giải nào đó mà bản thân người trẻ nhờ cậy không thể giải quyết được thì ngay lập tức, họ sẽ đưa ra câu nói này để “thoái thác” trách nhiệm với trẻ. Đây hoàn toàn không phải là phương pháp hữu hiệu có thể giúp cả hai thỏa mãn. Thứ nhất, việc không thể kêu gọi sự trợ giúp từ ai sẽ khiến trẻ tiếp tục hành động theo suy nghĩ của mình và có cảm giác bị bỏ rơi. Thứ hai, khi người lớn trốn tránh và nói câu nói này, tức là họ không thể kiểm soát được tình hình cũng như không có khả năng thực hiện việc đó.
“Con sẽ ổn thôi”
Đối với chúng ta, một vết xước nhỏ không hề là vấn đề lớn. Nhưng với một đứa trẻ, đó có thể là trải nghiệm đau đớn nhất trên thế giới. Cũng giống như việc khóc, người lớn hãy tỏ ra thật bình thường, trấn an và mang đến cảm giác an toàn cho trẻ để chúng cảm thấy đó là điều hoàn toàn nhỏ bé, không có gì nghiêm trọng cả.
“Bố/mẹ hứa”
Khi bạn phá vỡ lời hứa với một đứa trẻ, cũng chính là lúc quá trình xây dựng lòng tin của bạn đã hoàn toàn thất bại. Chính vì vậy, đừng dại dột mà đưa ra lời hứa một cách vội vã, không kịp suy nghĩ. Thay vào đó, hãy nói “Bố/mẹ sẽ cố gắng”, trẻ sẽ thông cảm nếu người lớn có “chẳng may” không thể thực hiện được đi chăng nữa.
“Chẳng có gì phải sợ đâu”
Nói với trẻ câu này sẽ chẳng thể nào thay đổi được thực tế rằng chúng đang sợ hãi. Thay vào đó, hãy nói chuyện với trẻ về nỗi sợ hãi mà chúng đang gặp phải và tìm cách giúp đỡ chúng vượt qua.
“Bố/mẹ cũng ghét con”
Đôi khi, con bạn sẽ nói với bạn rằng “Con ghét bố/mẹ” chỉ vì bạn không đáp ứng nhu cầu của chúng. Thế nhưng, thay vì mắng chúng và đưa thêm một tràng những lời chỉ trích (thực tế có nhiều cha mẹ làm vậy), hãy luôn nói bạn yêu chúng trong bất cứ trường hợp nào.
“Bố/mẹ nói rồi đấy nhé!”
Khi trẻ vẫn mắc phải một sai lầm nào đó mà từ trước đã được nhắc nhở (chỉ là nhắc không được làm nữa), người lớn thường hay sử dụng câu “đã nói rồi nhé” để răn đe trẻ. Đây là một trong những lời sáo rỗng nhất mà chúng ta không nên nói với trẻ. Bởi nếu không có một lời giải thích thỏa đáng, trẻ sẽ thấy không có lý do gì để phải dừng những hành vi hay hành động mà người lớn đã khiển trách cả và sẽ tiếp tục làm.
“Im miệng”
Đây hoàn toàn là điều “cấm kị” mà người lớn cần suy nghĩ xem có nên tiếp tục sử dụng với trẻ. Điều này không chỉ thể hiện sự thô lỗ trong cách cư xử với các con mà còn khiến lũ trẻ cảm thấy bị tổn thương và vô tình hình thành thói quen che giấu cảm xúc trong lòng.
Suckhoecuocsong.com.vn (Tổng hợp)