Nhận biết sớm các dấu hiệu gây bệnh ở mắt
Khi thấy mắt có các biểu hiện ngứa, chảy nước mắt, mắt kéo mây, thị lực giảm, méo mó, các mạch máu bị sưng ở trong lòng trắng bạn nên tới gặp bác sĩ ngay.
Đôi mắt là “cửa sổ tâm hồn”, không những thế nó còn giúp chúng ta nhìn thấy vạn vật, chăm sóc gia đình, thể hiện tình cảm với cha mẹ, bạn bè, đồng nghiệp… Vì vậy giữ gìn đôi mắt và phát hiện sớm các bệnh ở mắt là rất quan trọng.
Mắt bị ngứa và bị chảy nước mắt do bị khô mắt, dị ứng lông thú nuôi
Nếu mắt bị ngứa và chảy nước mắt kéo dài, có thể là do bị dị ứng với phấn hoa, lông thú nuôi, hay các chất lạ khác trong môi trường.
Ngoài ra, các triệu chứng trên còn có thể là bệnh khô mắt. Bác sĩ mắt sẽ xác định chính xác nguyên nhân gây khó chịu ở mắt và có phác đồ điều trị thích hợp.
Mắt bị ngứa, chảy nước mắt kéo dài có thể là triệu chứng của bệnh khô mắt…
Thị lực giảm và bị móp méo do cận, viễn, lão thị
Thị lực giảm và móp méo trong một thời gian dài có thể do một trong nhiều nguyên nhân. Mắt mờ, đặc biệt là không thể nhìn rõ các sự vật ở xa hoặc gần, thường là dấu hiệu của tật khúc xạ như cận thị (myopia), viễn thị (hyperopia), loạn thị (astigmatism) hay lão thị.
Một nguyên nhân khác gây giảm thị lực và khiến thị lực bị móp méo là thoái hóa hoàng điểm do già, thường ảnh hưởng tới thị lực trung tâm. Các sự vật ở giữa thị trường bị móp méo nhưng những hình ảnh xung quanh vẫn nhìn thấy rõ.
Bệnh lý này có thể có thể gây mù nếu không được điều trị kịp thời, vì vậy phát hiện bệnhsớm là việc rất quan trọng.
Mắt bị kéo mây do cườm khô, thiếu vitamin A, u mắt
Thị lực kém hay mắt bị kéo mây (như một màng mây bao phủ), có thể là dấu hiệu của đục thủy tinh thể (cườm khô). Bệnh này liên quan đến tuổi tác, có thể dẫn đến mù nếu không được điều trị. Nếu phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, khả năng hồi phục tốt thị lực là hoàn toàn có thể.
Mắt kéo mây cũng có thể do các bệnh lý khác như thiếu vitamin A, do bệnh lây truyền qua đường tình dục và các khối u ở mắt. Vì vậy, nếu mắt bị kéo mây, bạn hãy đi khám bác sĩ mắt sớm để được phát hiện và điều trị sớm.
Thị lực kém, mắt bị kéo mây…là biểu hiện của bệnh đục thủy tinh thể (cườm khô)
Viêm nhiễm mắt do bệnh về hệ miễn dịch
Các triệu chứng tự miễn dịch có thể khiến cơ thể tấn công lại các tế bào và mô khỏe mạnh dẫn đến viêm nhiễm.
Nếu thấy sung viêm ở mắt, mắt đỏ, ngứa thì có thể đang bị mắc vài dạng bệnh về hệ miễn dịch chưa được chẩn đoán như lupus ban đỏ hay bệnh viêm khớp dạng thấp.
Phồng rộp bên trong mắt do stress
Tình trạng bị phồng rộp bên trong nhãn cầu được gọi là bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch (CSR), đây là loại bệnh thường gây ra bởi sự căng thẳng quá độ về cảm xúc, tinh thần.
Triệu chứng phổ biến nhất là bệnh nhân có thể bị mờ mắt hoặc nhìn thấy những đường sóng khi cố gắng tập trung vào một điểm bất kỳ. Trong nhiều trường hợp, bệnh CSR có thể được kiểm soát bằng cách giảm mức độ stress, hoặc có thể chữa trị bằng laser.
Nốt ruồi ở lớp bên trong mắt do khối u
Ánh sáng mặt trời không chỉ có thể tàn phá làn da mà nó có thể làm tăng nguy cơ phát triển khối ung thư bên trong nhãn cầu.
Theo bác sỹ nhãn khoa Sophie J. Bakri, Trung tâm y tế Mayo Rochester, Minnesota, “Khối ung thư có thể trông giống như các nốt ruồi bên trong lớp sắc tố võng mạc”.
Việc phát hiện sớm khối u ác tính ở mắt là cực kỳ quan trọng vì chúng có thể nhanh chóng di căn đến các mô xung quanh.
Động mạch có màu bạc hoặc đồng do huyết áp cao
Theo thống kê, hơn 20% bệnh nhân không biết bản thân bị mắc chứng huyết áp cao. Tuy nhiên nếu đến khám bác sỹ nhãn khoa thường xuyên có thể phát hiện bệnh sớm.
Chúng ta có thể quan sát thấy dấu hiệu tăng huyết áp thông qua đôi mắt bởi vì khi bị tăng huyết áp các động mạch võng mạc sẽ chuyển thành màu bạc hoặc đồng.
Tăng huyết áp các động mạch võng mạc là biểu hiện của bệnh tăng huyết áp
Nếu không được chữa trị, tình trạng này có thể khiến các mạch máu trong võng mạc và khắp cơ thể bị nghẽn, làm tăng nguy cơ bị đau tim hay đột quỵ.
Cách mạch máu bị sưng ở trong lòng trắng mắt do phấn hoa, bụi
Chất gây dị ứng trong không khí như phấn hoa, bụi, và lông động vật thường ảnh hưởng đến mắt. Như một cơ chế tự bảo vệ, mắt sẽ tiết ra histamine và các hóa chất tự nhiên khác để chống viêm mà không gây ra các tác dụng phụ nào cho mắt.
Quá trình này có thể khiến các mạch máu bề mặt sung lên, đỏ, ngứa, chảy nước mắt. Phương pháp tốt nhất để bảo vệ mắt là tìm gặp bác sỹ chuyên khoa để chữa trị kịp thời.
Lời kết
“Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay” là câu ví nói lên vai trò của đôi mắt đối với đời sống con người. Vì vậy, khi thấy mắt có các biểu hiện ngứa, chảy nước mắt, mắt kéo mây, thị lực giảm, méo mó, các mạch máu bị sưng ở trong lòng trắng mắt… chúng ta nên đến gặp các bác sỹ nhãn khoa để được thăm khám và điều trị các bệnh về mắt trong thời gian sớm nhất.
Bên cạnh đó, việc duy trì kiểm tra mắt định kỳ 6 tháng/lần cũng là biện pháp khoa học để đảm bảo đôi mắt luôn trong sáng, khỏe mạnh.
Hải Yến - Skcs.vn (Tổng hợp)