Lo ngại uống rượu, bia gây hại đến tế bào gốc?
Loại đồ uống có cồn này gây ra những tổn hại không thể phục hồi đối với một số lượng đáng kể tế bào gốc trong cơ thể.
Uống nhiều rượu, bia gây ảnh hưởng đến hành vi, sức khỏe, các bộ phận của cơ thể như gan, thận…Đặc biệt, một nghiên cứu mới đây còn lo ngại loại đồ uống có cồn này gây ra những tổn hại không thể phục hồi đối với một số lượng đáng kể tế bào gốc trong cơ thể.
Trong một thập kỷ qua, các nhà khoa học liên tục đưa ra những bằng chứng về mối liên hệ giữa rượu bia và ung thư. "Tuy nhiên cụ thể thức uống có cồn gây hại như thế nào với cơ thể ta vẫn chưa được nghiên cứu trọn vẹn", giáo sư Ketan Patel - thành viên của nhóm nghiên cứu từ Phòng thí nghiệm Hội đồng nghiên cứu y tế sinh học phân tử Anh chia sẻ.
Theo báo cáo trên tạp chí Nature, nhóm nghiên cứu cho một số con chuột biến đổi gene dùng rượu pha loãng trong vòng 10 ngày. Kết quả cho thấy chất acetaldehyde được chuyển hóa do rượu trong cơ thể có thể phá vỡ và làm tổn hại chuỗi ADN trong các tế bào gốc tạo máu.
Cơ thể vốn có những cơ chế tự nhiên bảo vệ trước tác hại của rượu, bia
Tác động gây ra với mức độ quá lớn làm biến đổi vĩnh viễn chuỗi ADN trong các tế bào này. Một khi những tế bào gốc khỏe mạnh bị lỗi sẽ làm tăng nguy cơ tạo ra nhiều tế bào ác tính, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư.
Biểu hiện đầu tiên ở chuột trong thí nghiệm là chúng không thể sản xuất ra loại máu tươi đi nuôi cơ thể như trước. Bởi vậy, nhóm nghiên cứu tin rằng thức uống có cồn cũng có thể ảnh hưởng đến những loại tế bào gốc khác trong cơ thể.
Theo trang The Guardian, sở dĩ nhóm tiến hành nghiên cứu tế bào máu vì chúng có thể phát triển nhanh chóng giúp nghiên cứu ADN dễ dàng hơn. Theo GS Patel, những nghiên cứu trước đây về rượu và ung thư chỉ tập trung nghiên cứu tác hại của lượng acetaldehyde hay ethanal (công thức: CH3CHO) quá cao trong cơ thể. Những nghiên cứu này chỉ thực hiện riêng lẻ trong phòng thí nghiệm mà không tìm hiểu tác động với toàn bộ cơ thể.
Nghiên cứu mới đây cho thấy thức uống có cồn có thể làm tổn hại đến những ADN trong tế bào gốc tạo máu - Ảnh: Getty Images
Cụ thể, acetaldehyde có thể gây tổn hại lâu dài đến ADN nếu chất độc không được bảo vệ bằng 2 cơ chế bảo vệ tự nhiên. Cơ chế đầu tiên do enzym aldehyde dehydrogenase 2 (ALDH2) đảm nhiệm. Loại enzym này phá vỡ và biến acetaldehyde thành acetate - chất vô hại. Khi bất hoạt động ALDH2 trong các thí nghiệm, những con chuột chịu tổn hại ADN cao hơn gấp 4 lần so với những con chuột bình thường.
Theo thống kê hiện có khoảng 8% người dân thế giới, hầu hết ở những nước Đông Á, thiếu hụt ALDH2. Điều này có thể lí giải vì sao tỉ lệ mắc bệnh ung thư thực quản cao ở những quốc gia khu vực này như Trung Quốc.
Cơ chế bảo vệ thứ hai dưới hình thức một loạt hệ thống sửa chữa ADN có thể giúp cơ thể sửa chữa và khôi phục các loại tổn hại ADN khác nhau. Nhưng ở một số người, hệ thống sửa chữa này không làm việc, đồng nghĩa các tế bào của họ không thể tự sửa chữa một cách hữu quả.
Với kết quả nghiên cứu trên, nhóm nghiên cứu đã lên kế hoạch tìm hiểu xem tại sao việc uống rượu lại chỉ gây nguy cơ cao đối với một số loại ung thư nhất định mà không tác động với những loại ung thư khác trong thời gian tới.
Theo Thanhnien.vn