Lắng nghe con thế nào cho đúng?
Hãy thử lắng nghe con, vừa nghe vừa gật gù bằng thái độ đồng tình, bạn sẽ thấy trẻ nói với bạn nhiều hẳn lên.
Lắng nghe khi trẻ nói chính là một trong số những điều cha mẹ có thể làm để giúp con trở nên tự tin và vui vẻ hơn. Đôi khi, chỉ cần chăm chú lắng nghe con nói, bạn cũng đã truyền đạt đến con một thông điệp rằng: “Con vô cùng quan trọng đối với bố/mẹ”. Vậy làm thế nào để lắng nghe con theo cách đúng đắn và phù hợp nhất? Điều quan trọng khi nghe trẻ nói bao gồm những gì? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.
Vừa lắng nghe vừa gật gù đáp “Thế à, thế cơ à?”
Trẻ sẽ cảm thấy mình rất được coi trọng khi người khác thấu hiểu và chia sẻ nỗi niềm…
Cha mẹ có thể khơi gợi chuyện bằng cách tích cực thể hiện thái độ chăm chú khi nghe con nói. Đơn giản mà hiệu quả nhất là vừa nghe chuyện vừa đệm thêm những câu như “Thế à!” hay “Thế cơ à!” và tỏ ý đồng tình. Khi được người nghe gật gù đồng tình, người nói sẽ dễ dàng truyền đạt nội dung câu chuyện mình cần nói hơn.
Bản thân người lớn chúng ta cũng vậy, khi nói chuyện, hễ được người nghe gật gù “Ừ!”, “Ừ nhỉ!” thì ta cũng cảm thấy hứng khởi và nói nhiều hơn hẳn. Còn nếu như khi ta đang nói mà người nghe lại lặng thinh, chẳng tỏ thái độ gì thì sẽ giống như việc ta đang quay mặt vào tường độc thoại vậy. Từ đó, câu chuyện sẽ trở nên bế tắc, người nói không diễn đạt được ý muốn nói nữa.
Tâm lý trên rất giống với tâm lý con trẻ. Thế nên gật gù nói “Thế à!”, “Thế cơ à!”… tưởng chừng như đơn giản nhưng lại rất quan trọng.
Nhắc lại từ con nói
Dù là chính lời mình đã nói ra, nhưng khi được người nghe nhắc lại, con trẻ sẽ có cảm giác như họ rất thấu hiểu mình vậy…
Có thể nhiều người nghĩ rằng, chẳng qua chỉ là nhắc lại lời của người khác thì có ý nghĩa gì đâu. Thế nhưng, thực ra vẫn là câu ấy, khi được người nghe nhắc lại, con trẻ sẽ có cảm giác như đang được lắng nghe và thấu hiểu hơn. Điều này không chỉ đúng với trẻ con mà ngay cả đối với người lớn cũng rất hiệu quả.
Song trên thực tế, thay vì nhắc lại lời nói của con trẻ, chúng ta thường tuôn ra hàng tràng những câu giáo huấn, khuyên răn… Thực ra, trẻ cũng đã tự biết phải nên làm như thế nào. Nhưng tại sao đã biết rồi mà chúng vẫn có nhu cầu kể lại và nói với người khác? Đó là vì trẻ muốn được chia sẻ, được bố mẹ hiểu cho tâm trạng bực tức, khó chịu của mình. Chính vì vậy, bố mẹ chỉ cần truyền đạt đến con ý nói “Bố/ mẹ hiểu con rồi” là đủ. Nhắc lại lời con nói với thái độ chăm chú lắng nghe, gật gù nói “Thế à!”, “Thế cơ à!” cũng đủ để trẻ thêm hứng thú kể lại cho chúng ta nghe những chuyện đã xảy ra với chúng.
Có nhiều trẻ không bao giờ tự kể chuyện của chúng hoặc dù được hỏi chuyện ở trường thế nào thì chúng cũng không trả lời. Đó là vì chúng cứ hễ nói một câu thì bị bố mẹ trả lời, răn bảo đến mười câu hoặc là nói những câu thiếu sự đồng cảm như: “Sao con lại làm thế?!”. Và trẻ rút ra một điều rằng, càng nói sẽ càng bị mắng, thà im lặng không kể còn hơn.
Do đó, hãy thử lắng nghe con, vừa nghe vừa gật gù bằng thái độ đồng tình, bạn sẽ thấy trẻ nói với bạn nhiều hẳn lên. Từ trường về đến nhà, trẻ sẽ luôn miệng tuôn ra hàng tràng các câu chuyện của mình cho mà xem…
Suckhoecuocsong.com.vn