Không nên chủ quan khi bị mèo cào, cắn
Cách sơ cứu khi bị mèo cào, cắn
Theo quan niệm cố hữu người dân thường lo ngại bệnh dạikhi không may bị chó cắn. Tuy nhiên đối với mèo, loài vật hiền lành, thuần khiết nếu không may bị cào xước da hoặc bị cắn thì nghĩ bình thường, không ảnh hưởng. Tuy nhiên, mèo cắn cũng giống như chó, nếu chủ quan sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Mèo cào, cắngây nhiễm vi khuẩn Bartonella henselae
Theo các chuyên gia, mèo cắn nếu không xử trí đúng cách sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh dại, mù lòa, viêm não, thậm chí gây tử vong. Trường hợp bị mèo cào nếu không được xử lý kịp thời cũng vô cùng nguy hiểm. Những tổn thương ngoài da nhìn có vẻ vô hại nhưng tiềm ẩn nguy cơ mù lòa, viêm não, thậm chí chết người.
Bệnh mèo cào là một bệnh nhiễm vi khuẩn Bartonella henselae, từ các vết trầy xước do mèo cào, hoặc tiếp xúc với nước bọt do mèo liếm. Qua các xét nghiệm cho thấy vi khuẩn này có ở miệng và móng vuốt của mèo, không gây nguy hiểm cho mèo nhưng lại gây nguy hại khi xâm nhập vào cơ thể con người.
Triệu chứng rõ nét nhất là chỗ vết xước xuất hiện vệt viêm đỏ hoặc nốt sần, kích thước từ 1-1,5cm, sờ vào thấy đau và chắc. Kèm theo đó là hạch nổi ở nách, bẹn hoặc cổ. Nếu bị mèo cào vào mắt có thể gây u, viêm kết mạc, sưng hạch ở cổ. Bệnh nếu không được chữa trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng như viêm não, viêm phổi, giảm tiểu cầu, viêm tuỷ xương, viêm gan.
Ngoài những biến chứng trên, vết thương do mèo cào có thể gây bệnh dại. Thống kê cho thấy ở Việt Nam đã có trường hợp tử vong vì nốt mèo cào dẫn đến bệnh dại. Bệnh dại lây truyền qua vết cắn, cào hay tiếp xúc với nước bọt của mèo qua vết thương hở. Thông thường, virus dại không lây truyền qua da lành nhưng chỉ cần vết xước nhỏ, vết cắn đủ sâu, nó cũng có thể khiến chúng ta mắc bệnh.
Người bị bệnh dại thường có biểu hiện như đau nhức cơ thể, sưng tấy tại vết cắn và lan dọc theo hệ thần kinh kèm theo cảm giác bồn chồn, sau đó là co cứng người, co thắt cơ thực quản sợ gió, sợ nước, hạ huyết áp, giãn đồng tử. Thời gian ủ bệnh thường từ 10 ngày - 1 năm, trung bình từ 20-60 ngày. Trước khi phát bệnh, bệnh nhân cảm thấy lo lắng, tính tình thay đổi, ngứa và đau ở nơi bị cào, cắn.
Cách sơ cứu khi bị mèo cào, cắn
Khi bị mèo cào, cắn cần phải rửa thật kỹ vết thương bằng xà phòng và rửa lại bằng nước sạch. Sau đó, vết thương phải được lau khô, sát trùng bằng cồn iot hoặc ete. Lưu ý không nên khâu vết thương sớm, trừ khi đó là vết thương ở mặt.
Ngoài việc theo dõi vết thương do mèo gây ra, người bị mèo cào, cắn cần theo dõi biểu hiện của mèo, xem có gì bất thường hay không. Nếu thấy chúng phát bệnh dại thì cần đến bệnh viện ngay. Với trường hợp sau khi cào, cắn người, con mèo đó đã bỏ đi thì cũng cần phải tiêm vắc-xin để phòng bệnh dại.
Đặc biệt, sau khi bị mèo cào mà cơ thể có biểu hiện sốt cao, rét run, nhiễm trùng vết thương, nổi hạch vùng lân cận, ngay lập tức phải đến bệnh viện để có hướng xử lý kịp thời.
Khuyến cáo của chuyên gia
Để phòng bệnh, các chuyên gia khuyên người dân nên hạn chế tiếp xúc với mèo, không để mèo liếm lên người nhất là khi cơ thể có vết thương hở. Tương tự, việc đùa nghịch với mèo cũng cần hạn chế vì rất có thể bạn sẽ bị chúng cào, cắn.
Với nhà có trẻ nhỏ, tuyệt đối không để trẻ ở nhà một mình với vật nuôi. Bố mẹ cũng cần dạy con không không đánh, quăng quật mèo phòng khi chúng tấn công lại. Ngoài ra, bạn cũng cần dặn trẻ nếu bị mèo cào, nhất định phải nói ngay với bố mẹ để biết hướng xử trí kịp thời.
Trường hợp sau khi bị mèo cào bị sốt, sưng hạch, vết cào bị viêm nhiễm cần phải đến bệnh viện ngay.
Theo Đời sống & Pháp lý