Đề phòng bệnh viêm gan siêu A có dấu hiệu gia tăng
Khuyến cáo của các chuyên gia đề phòng bệnh viêm gan siêu vi A.
Viêm gan siêu vi A là một căn bệnh rất dễ lây nhiễm từ thực phẩm bị ô nhiễm, nguồn nước hoặc tiếp xúc gần gũi với người bị nhiễm bệnh. Đối với các trường hợp nhẹ, bệnh không cần điều trị mà sẽ tự hồi phục và không có tổn thương gan nên người dân có phần thờ ơ về căn bệnh này. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, tại một số bệnh viện của TPHCM số bệnh nhân nhập viện vì viêm gan siêu A có dấu hiệu gia tăng, có trường hợp tiến triển nặng nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong nên người dân cần đề phòng căn bệnh này đang có dấu hiệu quay trở lại…
Bác sĩ khuyến cáo, viêm gan siêu vi A (VGSV A), căn bệnh viêm gan “bị lãng quên” đang có dấu hiệu gia tăng, nhất là do cách ăn uống không đảm bảo vệ sinh ở đường phố.
Tại Khoa Tiêu hóa - Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, một bệnh nhân nam (26 tuổi) đã nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, sốt nhẹ, buồn nôn, đi tiểu nước tiểu vàng sậm, vàng mắt, vàng da. Bệnh nhân được thử men gan thì kết quả cho thấy men gan tăng cao bất thường, hơn 200 lần so với bình thường. Bệnh nhân cũng có dấu hiệu rối loạn đông máu.
Chia sẻ về bệnh nhân này, PGS - tiến sĩ - bác sĩ Bùi Hữu Hoàng, Trưởng Khoa Tiêu hóa - Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, cho biết đây là một trường hợp bị VGSV A nặng. Bệnh nhân đã phải được điều trị tích cực. Trong trường hợp này, nếu bệnh nhân không được chẩn đoán đúng, điều trị tích cực và đúng cách thì có thể tử vong.
Bác sĩ Hoàng cảnh báo “Ghi nhận qua quá trình điều trị gần đây cho thấy bệnh VGSV A đang có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt ở người lớn. Chỉ trong vòng 3 tháng trở lại đây, đã có 13 bệnh nhân nhập viện Khoa Tiêu hóa - Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM điều trị VGSV A dạng nặng. Đây là số lượng cao đột biến vì trước giờ không có hiện tượng nhập viện liên tục như vậy”.
Đặc biệt, các trường hợp bệnh nhập viện nói trên đều là người lớn, đang ở độ tuổi đi học đi làm. Trong đó, bệnh nhân nhỏ tuổi nhất là 14 tuổi và lớn nhất là 46 tuổi. Còn lại đều khoảng 20 - 30 tuổi. Trong 13 ca nhập viện đó thì đã có đến 10 trường hợp là nam và đa số bệnh nhân VGSV A đều thường xuyên "cơm hàng cháo chợ".
Khuyến cáo của các chuyên gia
Theo bác sĩ Hoàng, VGSV là bệnh phổ biến ở VN. Trong đó, thường gặp là VGSV A, B, C. Tuy nhiên, từ trước đến giờ, người dân chỉ quan tâm nhiều đến VGSV B, C vì hai bệnh này có nhiều khả năng chuyển biến nặng thành xơ gan, ung thư gan. Trong khi đó, VGSV A lây qua đường tiêu hóa, do ăn uống lại ít được quan tâm.
Đặc điểm chính của vi khuẩn viêm gan A là theo thức ăn, nước uống nhiễm khuẩn xâm nhập vào cơ thể con người. Vì vậy, ăn thức ăn, nước uống không sạch, không được nấu chín kỹ, nhất là các loại ốc sò, hải sản, đồ ăn tái... là nguyên nhân chính gây bệnh VGSV A.
Khuyến cáo người dân hạn chế ăn “cơm hàng cháo chợ” để đảm bảo an toàn VSTP
Qua đó, bác sĩ Hoàng khuyến cáo “Số lượng bệnh nhân VGSV A tăng, có nhiều ca nặng phần nào cho thấy vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang rất cần được lưu ý, đặc biệt là với nhịp sống hiện nay, người dân đi học, đi làm thường xuyên ăn thức ăn ngoài đường phố”.
Ngoài ra, sự thờ ơ của người dân với VGSV A một phần do bệnh này thường ở thể nhẹ. Ở dạng nhẹ, người nhiễm VGSV A hầu như không có biểu hiện ra ngoài nên khó nhận biết và có thể tự khỏi. Vì vậy, đa phần người dân cũng không biết mình đang mắc hoặc đã từng mắc VGSV A.
Để đề phòng VGSV A, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần giữ vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín uống sôi, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, đặc biệt nên hạn chế “cơm hàng cháo chợ”, ăn uống ngoài đường không đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra, người dân có thể đề phòng bằng cách chích ngừa VGSV A.
Hải Yến