Coi chừng bệnh xương khớp tấn công người trẻ
Thế hệ trẻ ngày nay ăn bệnh đau lưng, mỏi gối, thoái hóa khớp, loãng xương sớm xuất hiện khi tuổi còn trẻ
Trong thời đại kỹ thuật số, căn bệnh đau lưng, mỏi gối, thoái hóa khớp, loãng xương…không còn là nỗi phiền toái của người già mà đã lây lan sang cả thế hệ trẻ, nguyên nhân do nhiều yếu tố gây nên.
Tâm sự của người trong cuộc
Anh T.V.G (25 tuổi)
Yêu thích môn võ thuật, anh G tham gia tập luyện tại một võ đường để thỏa mãn niềm đam mê của mình. Thời gian gần đây anh G đau dai dẳng ở lưng nhưng lại nghĩ do một chấn thương thể thao thông thường nào đó. Tuy nhiên, trong một lần bị đau dữ dội suốt 2 tuần, anh đi khám và được bác sĩ thông báo một đốt sống lưng đã có dấu hiệu xẹp.
Theo các bác sĩ, nguyên nhân ban đầu có thể là chấn thương thật nhưng không quá nặng nên G vẫn sinh hoạt bình thường. Thế nhưng do công việc, thường xuyên phải đứng rất lâu trong tư thế cúi người nên bắt đầu đau lại. Ngoài ra, do cuộc sống sinh viên ăn thiếu chất khiến G thiếu canxi khá nặng cộng hưởng nhiều yếu tố tạo thành cơn đau hành hạ bệnh nhân.
Chị V.T.T.A (27 tuổi)
Mới 27 tuổi nhwg A đã cảm thấy thường xuyên nhức mỏi ở vai gáy, lưng, đầu gối khá lâu. Thời gian đầu A nghĩ là do ngồi một chỗ nhiều nên không chú ý lắm. Tuy nhiên, một lần đưa mẹ đi khám bệnh ở Bệnh viện (BV) ĐH Y Dược (TP HCM), tiện thể kiểm tra sức khỏe thì bị chẩn đoán loãng xương nên A rất ngạc nhiên “Tôi tưởng chỉ có người ở tuổi mẹ mình mới bị chứ!”,
Sau khi đi khám, xét nghiệm các bác sĩ cho biết nguyên nhân do A đã ăn kiêng kham khổ suốt 2 năm để giữ dáng. Mỗi bữa ăn, chị không động đũa vào thịt, cá màăn ít cơm với rau luộc hoặc xào nhạt, uống nhiều nước ép và ăn thêm đồ ngọt, bởi vậy sau đó A. đã mua canxi về uống bổ sung.
Tuy nhiên, do chế độ ăn thiếu protein, công việc chủ yếu ngồi máy tính, không vận động lại che kín cơ thể khi ra đường nên những viên canxi A uống vào cũng như không. Bởi vậy chị A đã bị loãng xương dù độ tuổi còn rất trẻ.
Ý kiến của chuyên gia
BS chuyên khoa II Vương Hữu Định, Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình BV Đa khoa Vạn Hạnh (TP HCM).
Trong quá trình làm việc, BS Định đã gặp khá nhiều người trẻ tuổi đến khám vì các bệnh lý xương khớp (nhiều nhất là gút), bệnh do chấn thương không được xử lý đúng và nhóm bệnh do công việc văn phòng.
Đau cột sống, thắt lưng, thoái hóa cổ...là bệnh đặc trưng của dân văn phòng
Qua đó, BS Định lưu ý người dân về bệnh gút “Đáng chú ý nhất là gút. Chế độ dinh dưỡng nhiều protein và lạm dụng bia, rượu rõ ràng là những yếu tố tác động lớn, bên cạnh đó còn do rối loạn chuyển hóa protein mà nguyên nhân cụ thể vẫn chưa rõ ràng” .
Không chỉ vậy, nhóm người thường xuyên tiếp xúc máy tính cũng dễ bị đau lưng, đau cột sống, hội chứng ống cổ tay (phổ biến nhất ở bên tay dùng chuột)… Khi ngồi mãi một tư thế thì một số vùng cơ thể sẽ bị thiếu máu tưới, thiếu ôxy, gây viêm cơ, sưng đau. Như vậy, do đặc thù công việc, lại kém vận động cái vòng luẩn quẩn cứ theo đó mà dày vò người bệnh.
Đồng quan điểm,TS-BS Nguyễn Tiến Lý, Phó Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM chia sẻ ông cũng gặp khá nhiều bệnh nhân trẻ mắc các bệnh lý về xương khớp – căn bệnh của người già. Trong đó, phải kể đến nhóm bệnh cột sống thắt lưng, cột sống cổ, thoái hóa xương khớp sớm.
Theo BS, theo quan niệm của nhiều người cho rằng mắc bệnh xương khớp là do ăn thiếu canxi, thiếu vận động nhưng thực tế, nguyên nhân khiến hệ xương khớp “trục trặc sớm” gồm nhiều yếu tố phức tạp hơn.
Trong đó, thực phẩm mặn quá hay ngọt quá (thường gặp trong các suất ăn nhanh) làm rối loạn chuyển hóa, ảnh hưởng đến xương khớp. Ngoài ra việc ít uống nước, ít ăn rau cũng tác hại không kém. Đặc biệt, những người hay thức khuya, dậy muộn khiến nhịp sinh học bị tác động thì xương khớp cũng khó khỏe mạnh chứ không riêng gì người ít vận động.
Từ bài học nhãn tiền của các trường hợp kể trên, các BS khuyên cáo, nếu bệnh xảy ra ở độ tuổi 20-30, thì nên đi khám để giải dứt điểm bởi nếu để bệnh leo thang theo tuổi đời thì chất lượng sống của bệnh nhân từ lứa tuổi trung niên và cuối đời sẽ giảm đáng kể.
Tổng hợp