Bật mí cách giảm nồng độ cồn trong cơ thể nhanh chóng
Hướng dẫn cách giảm nồng độ cồn trong cơ thể
Giúp cơ thể giảm nồng độ cồn nhanh chóng trong những ngày nghỉ lễ Tết, tránh ảnh hưởng sức khỏe chúng ta hãy áp dụng một trong những bí quyết hay dưới đây.
Vào những ngày nghỉ lễ Tết việc sử dụng rượu bia trong các cuộc liên hoan, hội họp là điều khó tránh khỏi. Nhưng khi uống rượu bia, đồ uống có cồn nhiều khiến cho nồng độ cồn trong máu sẽ tăng lên khi đó không chỉ ảnh hưởng đến gan, thận, các bộ phận khác của cơ thể mà khi tham gia giao thông có thể bị xử phạt do vi phạm nồng độ cồn. Vậy nên có rất nhiều người băn khoăn làm thế nào để nồng độ cồn trong cơ thể hết nhanh hơn.
Bởi ở những người có cơ chế chuyển hóa bình thường, gan sẽ dung nạp và chuyển hóa hết 1 đơn vị cồn sau 1 giờ. 1 đơn vị cồn tương đương 2/3 lon bia 330ml nồng độ cồn 5%, 100ml rượu vang nồng độ cồn 13,5%, 30ml rượu mạnh nồng độ cồn 40%. Nhưng để hết hoàn toàn 1 đơn vị cồn, cơ thể còn phải mất thêm từ 1-2 giờ.
Tuy nhiên, có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến nồng độ cồn trong máu, tốc độ loại bỏ cồn khỏi cơ thể. Đối với phụ nữ bình thường có nồng độ cồn trong máu cao hơn nam giới nhưng tốc độ đào thải cồn của cơ thể phụ nữ lại nhanh hơn so với nam giới
Hay đối với những người lớn tuổi có tốc độ đào thải cồn trong cơ thể chậm hơn những người trẻ tuổi. Nếu như chúng ta uống rượu bia khi dạ dày trống rỗng sẽ khiến nồng độ cồn trong máu tăng vọt khi đó cơ thể sẽ cần nhiều thời gian hơn để hết toàn toàn cồn trong cơ thể.
Lượng cồn đào thải ra khỏi cơ thể còn phụ thuộc vào thời gian uống, bởi cồn sẽ được chuyển hóa nhanh hơn vào cuối ngày. Đồng thời, nếu chúng ta uống rượu bia càng nhiều, nồng độ cồn trong máu càng tăng dẫn đến càng mất nhiều thời gian hơn để cơ thể đào thải hết cồn khỏi máu hoàn toàn.
Để cơ thể đào thải lượng cồn trong máu nhanh chóng tránh ảnh hưởng sức khỏe trong những ngày lễ Tết chúng ta hãy áp dụng các bí quyết hay dưới đây.
Để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe, tốt hơn hết chúng ta nên uống rượu bia một cách có chừng mực, không nên uống quá nhiều tránh gây ảnh hưởng đến gan, phòng ngừa các bệnh về gan do uống quá nhiều bia rượu.
Do đó theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, ngưỡng tiêu thụ cồn an toàn là không quá 2 ly/ngày với nam giới và không quá 1 ly/ngày với nữ giới. Một ly tương đương với 350ml bia, 150ml rượu vang hoặc 45ml rượu mạnh.
Uống nước lọc
Để đào thải cồn nhanh chóng khỏi cơ thể chúng ta hãy uống nước lọc. Bởi cồn trong máu được đào thải bởi các enzyme trong gan, một phần cồn được đào thải qua nước tiểu, hơi thở. Do đó sau khi uống rượu bia chúng ta uống thêm nước sẽ giúp thúc đẩy quá trình đào thải cồn qua hơi thở và nước tiểu. Đồng thời, bổ sung nước cho cơ thể đã mất do khi uống rượu bia
Tập thể dục nhẹ nhàng
Tập thể dục nhẹ nhàng giúp đào thải cồn trong máu, bởi khi tập luyện nhẹ nhàng giúp tăng cường nhịp tim và hô hấp, tăng cường đào thải cồn qua hơi thở
Việc tập thể dục nhẹ nhàng cũng kích thích hoạt động của các cơ quan chịu trách nhiệm đào thải cồn, bao gồm gan và thận.
Tuy nhiên, việc tập thể dục sau khi uống rượu bia cần hết sức lưu ý, nên lựa chọn bài tập phù hợp thể trạng và tránh tập quá sức gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Để đảm bảo sức khỏe, hệ tiêu hóa, bảo vệ gan trong những ngày nghỉ lễ Tết chúng ta cũng cần ghi nhớ những điều sau:
+ Trước khi uống rượu nên uống nước lọc, nước quả hoặc nước súp/súp hoặc nước canh và đồ ăn đặc biệt là rau xanh nhằm pha loãng nồng độ cồn của rượu, giảm kích ứng dạ dày.
+ Không nên uống rượu với caffeine bởi theo các chuyên gia sức khỏe cho biết rượu là một chất ức chế/trầm cảm làm chậm hoạt động của não và làm suy yếu khả năng đi lại, giao tiếp và suy nghĩ. Caffeine là chất kích thích làm tăng huyết áp, nhịp tim và trong một số trường hợp, gây nhịp tim đập nhanh và nhịp tim không đều.
+ Không nên pha rượu bia và các chất kích thích bởi chúng gây ngộ độc cấp như chóng mặt, buồn nôn, đầy hơi, táo bón, thậm chí mất tri giác và tử vong khi nồng độ cồn trong máu tăng quá cao.
+ Hạn chế uống rượu khi đói vì dạ dày rỗng khiến nồng độ cồn trong máu tăng nhanh gây choáng váng nguy hiểm cho sức khỏe.
+ Tránh sử dụng các loại đồ uống chứa cồn không rõ nguồn gốc xuất xứ, giá rẻ bất thường.
+ Nên ăn lót dạ trước uống rượu bia tránh ảnh hưởng tới niêm mạc dạ dày. Nên ăn đồ ăn có nhiều protein khi uống rượu để làm chậm quá trình hấp thu rượu vào máu.
+ Sau khi uống rượu bia tuyệt đối không lái xe, tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn, dễ bị ngã, va chạm, chấn thương
+ Không tiếp xúc môi trường lạnh sau khi uống rượu bởi chất ethanol có trong rượu bia làm giãn mạch máu da, kèm cảm giác cháy ở cổ họng khiến bạn cảm thấy ấm hơn. Nhưng nếu đột ngột tiếp xúc với môi trường lạnh có thể bị nhiễm lạnh do mạch máu dưới da bị giãn, tăng thoát nhiệt nên dễ bị viêm phổi, viêm phế quản, thậm chí đột quỵ.