An toàn đối với thực phẩm đóng hộp
Thực phẩm đóng hộp có thực sự an toàn?
Tất cả thực phẩm đóng hộp đều đã được xử lý, bảo quản trong hộp kín, không còn tiếp xúc với không khí nên được bảo quản trong thời gian dài, có thể sử dụng an toàn từ 1 – 5 năm. Vậy, thực phẩm đóng hộp có thực sự an toàn? Thực phẩm đóng hộp có đảm bảo các thành phần chất dinh dưỡng?
Người tiêu dùng hiện nay quan niệm,thực phẩm đóng hộp kém dinh dưỡng hơn so với thực phẩm tươi hoặc đông lạnh. Tuy nhiên, đã có nhiều nghiên cứu cho thấy,thực phẩm đóng hộp vẫn giữ được phần lớn mức dinh dưỡng, bao gồm các protein, carbohydrates (carbs) và chất béo. Các chất này không bị ảnh hưởng bởi quá trình đóng hộp vàđa số chất khoáng cũng như các vitamin tan trong dầu gồm A, D, E, K vẫn còn nguyên.
Tuy nhiên, do không chịu được nhiệt và không khí nên các vitamin tan trong nước như vitamin B và C trong đồ hộp sẽ bị mất. Các vitamin này trong thực phẩm tươi cũng bị mất trong quá trình chế biến hoặc tồn trữ ở nhà nhưng với mức độ ít hơn.
Cách thức đóng hộp các loại thực phẩm có thể khác nhau nhưng đều phải trải qua ba công đoạn:
– Chế biến: Làm sạch, sơ chế, làm nhỏ nguyên liệu, nấu (rán, hấp…) thực phẩm.
– Đóng hộp: Cho thực phẩm vào hộp, hàn kín.
– Gia nhiệt: Hộp kín được đun nóng để diệt khuẩn.
Thực phẩm đóng hộp có nguy cơ thôi nhiễm BPA?
Theo “Sổ tay hướng dẫn truyền thông nguy cơ đối với an toàn thực phẩm” của tổ chức Y tế Thế giới (WHO), xuất bản năm 2016, bisphenol A(BPA) là một chất hóa học nhân tạo được kết hợp vào vật liệu bao bìnhựa để đựng thức ăn và đồ uống. Vào những năm 1990 của thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu đã nhận rarằng, hóa chất này đã ngấm từ nhựa vào nước. Phát hiện này gây lo ngại, BPA có thể đã vô tìnhbị con người ăn phải và có thể có tác động nghiêm trọng đến sức khỏe (ví dụ, dị tật sinh sản, ungthư vú và tiền liệt tuyến, các vấn đề về hành vi thần kinh).
Được sử dụng từ những năm 1960 của thế kỷ trước nhưng đến nay, đa số các nghiên cứu về tác động của BPA mới chỉ thực hiện trên động vật. Tuy các kết quả nghiên cứu chưa đưa ra được bằng chứng xác thực và còn nhiều tranh cãi trái chiều liên quan đến tác hại của BPA,nhưng nhiều bác sĩ và nhà khoa học vẫn lo ngại việc nó có thể làm thay đổi hoạt động của các hoóc-môn giới tính estrogen và testosterone trong cơ thể, ảnh hưởng đến hệ thống sinh sản và não.
Về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho biết, BPA được sử dụng làm lớp phủ bề mặt phía trong của hộp (để giữ kim loại khỏi han gỉ) có thể thôi nhiễm vào thực phẩm nhưng với tỷ lệ rất thấp, không có khả năng gây hại cho sức khỏe.
PDA nói riêng và các chất có tác dụng chống han gỉ trong đồ hộp (pollime, vecsni,…) trước khi được phép sử dụng đều đã được các nhà khoa học nghiên cứu, thử nghiệm rất kỹ lưỡng về các đặc tính: Độ bền, độ bám dính, chịu nhiệt, mức độ thôi nhiễm khi tiếp xúc với thực phẩm... Các chất không đạt yêu cầu đều bị cấm sử dụng.
Muối, đường, phụ gia và chất bảo quản
Trong quá trình đóng hộp, muối, đường và chất bảo quản thực phẩm có thể được nhà sản xuất cho thêm vào với hàm lượng và tỷ lệ nhất định. Tỷ lệ các phụ gia này được tính toán phù hợp nhằm tránh nguy hại với sức khỏe của những người bị tăng huyết áp; tránh nguy cơ tăng các bệnh béo phì, tim mạch và tiểu đường typ 2 cho người tiêu dùng.
Trong quá trình chế biến và đóng hộp, một số chất bảo quản thực phẩm tự nhiên và nhân tạo cũng có thể được nhà sản xuất thêm vào nhằm tạo sự hấp dẫn của sản phẩm, tăng thời gian bảo quản.Phần lớn phẩm màu sử dụng trong công nghiệp thực phẩm là các chất hóa học tổng hợp, nó thường không gây ra ngộ độc cấp tính mà có khả năng gây độc do tích lũy từ các liều rất nhỏ.
Điều người tiêu dùng cần lưu ý là,khả năng các cơ sở sản xuất thực phẩm đóng hộp kém uy tín, vì lợi nhuận cao mà có thể sử dụng các chất bảo quản, chất phụ gia (tạo mùi vị…) không rõ nguồn gốc, xuất xứ và nhà sản xuất không thực hiện nghiêm việc ghi nhãn mác, điều đó có thể gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Có nên ăn thực phẩm đóng hộp?
Thực phẩm đóng hộp vẫn là một sự lựa chọn tốt,cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết và vô cùng thuận tiện trong nhiều trường hợp:Đến những nơi không có sẵn thực phẩm tươi sống, không có điều kiện nấu nướng hay chuẩn bị cho những bữa ăn nhanh khi đi du lịch...
Thực phẩm đóng hộp có thể trở thành một phần của chế độ ăn lành mạnh chỉ khi nhà sản xuất tuân thủ nghiêm các quy định về chế biến, sử dụng đúng hàm lượng muối, đường, phụ gia, chất bảo quản được phép sử dụngtrong thực phẩm.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng cần đọc kỹ nhãn mác thực phẩm đóng hộp để có thể lựa chọn được sản phẩm phù hợp.
Theo các chuyên gia Viện An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng:
- Người tiêu dùng cần đọc kỹ thông tin trên vỏ hộp, giá trị dinh dưỡng, thành phần, bảo quản, ngày sản xuất và hạn sử dụng. Nên chọn thực phẩm không có muối sodium hoặc chứa lượng muối thấp. Không mua những thực phẩm đóng hộp nhưng bị rách, hở, móp méo, các thông tin cần thiết trên sản phẩm bị tẩy xóa hoặc mờ nhạt.
- Hạn sử dụng của các loại đồ hộp thường khá dài. Các loại đồ hộp có axit thấp như thịt lợn, thịt bò, thịt gà, ngũ cốc, cà chua, nước rau quả ép, các loại dưa muối đều có hạn sử dụng từ một năm trở ra. Không nên mua thực phẩm được đóng hộp mà thời hạn chỉ còn một tháng.
- Đồ hộp có chất lượng tốt khi gõ vào có tiếng kêu đanh. Nếu nắp hộp bị phồng lên bất thường thì phải kiểm tra. Nếu nó xẹp xuống, khi buông tay ra không phồng lại thì đó là phồng cơ học, do va đập thì có thể sử dụng. Còn nếu bạn ấn mạnh mà nắp không xẹp hoặc phồng lại như cũ khi bỏ tay ra thì đó là phồng vi sinh, thực phẩm bên trong đã bị vi sinh vật phân hủy làm hỏng và sinh ra khí, không thể sử dụng.
- Những đồ hộp đã mở nắp thì nên sử dụng trong thời gian ngắn, không dùng thực phẩm đóng hộp quá 24 giờ sau khi mở nắp. Không nên hâm nóng trực tiếp đồ hộp ở nhiệt độ 70-80 độ C vì kim loại gặp nóng có thể bị chảy và ngấm vào thực phẩm.
Suckhoecuocsong.vn/Theo Tạp chí Thử nghiệm Ngày nay