Vua Lê Thánh Tông và những bài học sáng chói cho muôn đời
Những bài học đáng quý từ Vua Lê Thánh Tông
Vua Lê Thánh Tông và những bài học sáng chói cho muôn đời
Lê Thánh Tông (hay Lê Thánh Tôn, 25 tháng 8 năm 1442 – 3 tháng 3 năm 1497) là vị Hoàng đế thứ tư trên danh nghĩa và thứ năm trên thực tế của vương triều Lê Sơ trong lịch sử Việt Nam , trị vì từ năm 1460 đến khi băng hà vào năm 1497, là vị vua tại vị lâu nhất thời Lê Sơ và lâu thứ hai thời Hậu Lê. Thời kỳ của ông đã đánh dấu sự hưng thịnh của triều Hậu Lê nói riêng và chế độ quân chủ Việt Nam nói chung với tên gọi Hồng Đức thịnh trị. Ông đã để lại cho hậu thế những câu chuyện thú vị như những bài học sáng chói cho muôn đời.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vua có “thiên tư tuyệt đẹp, thần sắc khác thường, vẻ người tuấn tú, nhân hậu, rạng rỡ, nghiêm trang, thực là bậc thông minh xứng đáng làm vua, bậc trí dũng đủ để giữ nước”.
Ông là người rất hiếu học
Ngay từ nhỏ, hoàng tử Hiệu đã bộc lộ tư chất thông minh hơn người. Ông không chỉ học hành sáng dạ, mà còn rất chịu khó, sớm tối không rời việc đọc sách. Thầy của vua là Trần Phong sớm nhận ra tư chất hơn người của ông.
Đức tính ham học đã theo ông đi suốt cả cuộc đời. Ngay cả khi ông đã lên ngôi, phải lo toan nhiều vấn đề quốc gia đại sự, nhà vua vẫn không ngừng học, giống như câu thơ do chính ông viết:
Trống dời canh còn đọc sách / Chiều xế bóng chửa thôi chầu.
Nhà sử học Vũ Quỳnh từng nhận xét: “Vua võ giỏi, văn hay mà thánh học rất chăm, tay không lúc nào bỏ quyển sách. Sách gì cũng thông, văn thơ hay hơn cả các quan văn học”.
Lê Thánh Tông còn nổi tiếng là ông vua gần gũi nhân dân
Trong những dịp lễ Tết, ông thường xuyên cải trang đi vi hành để “mục sở thị” cuộc sống của lê dân trăm họ. Nhiều lần, vua ban cho những người bần hàn câu đối để họ chơi Tết.
Theo sách Những tấm gương hiếu học, trong một lần vi hành chơi tết, đến một hàng trầu nước, thấy không có câu đối Tết, nhà vua đã viết hộ một câu đối như sau:
Nếu giàu quen thói kinh cơi, con cháu nương nhờ vì ấm / Việc nước ra tay chuyển bát, bắc nam đâu đấy lai hàng.
Sau đó, câu đối này được phao truyền tới tận triều đình, các vị đại thần đều kinh ngạc và ra lệnh điều tra xem người ra câu đối là ai mà chẳng những tả đúng một cửa hàng trầu nước, lại còn ngụ ý kinh bang tế thế, khí phách lớn lao. Nhưng, họ điều tra mãi mà không có kết quả. Sau khi câu chuyện được truyền đến vua Lê Thánh Tông, ông chỉ mỉm cười.
Vua Lê Thánh Tông cũng là người nổi tiếng coi trọng sự nghiệp giáo dục, đào tạo nhân tài cho đất nước
Chính vua đã cho mở Nhà thái học để lấy chỗ học tập, lập Bí thư các để chứa sách. Ông cho tổ chức các khoa thi để tuyển chọn người tài cho đất nước.
Trong các triều đại phong kiến ở Việt Nam, thời trị vì của Lê Thánh Tông chính là giai đoạn giáo dục, khoa cử được coi trọng bậc nhất. Đồng thời, đây cũng chính là giai đoạn vai trò của trí thức rất được đề cao.
Có lần, 3 người cùng đỗ tiến sĩ một khoa thi là Thế Lịch, Thế Hiển, Thế Vinh. Tương truyền, trước đêm truyền loa, vua nằm mơ thấy ba ông phật thế tôn. Hôm sau, khi 3 ông tân khoa vào lĩnh áo mũ, vua cho là ứng mộng với mình nên mừng lắm, bèn cho đặt tiệc thiết đãi và đọc một câu thơ rằng:
Thế Lịch, Thế Hiển, Thế Vinh, tam Thế đồng khoa vinh hiển lịch (nghĩa là: Thế Lịch, Thế Hiển, Thế Vinh, ba ông Thế đỗ một khoa cùng vui vẻ, rạng rỡ).
Đây cũng là giai đoạn, phong trào sáng tác văn học rất sôi nổi, rầm rộ, nhất là ngôn ngữ dân tộc được coi trọng. Để khuyến khích phát triển văn học, nhà vua lập Hội Tao Đàn do đích thân ông làm chủ soái.
Tập thơ Hồng Đức quốc âm thi tập gồm 300 bài thơ do vua và các tác giả khác để lại, đã phản ánh nhiều mặt của cuộc sống xã hội. Đây là tác phẩm có giá trị rất lớn đối với lịch sử Việt Nam thời bấy giờ và các giai đoạn về sau.
Ông là bậc minh quân trị quốc, từng bước xóa bỏ tham nhũng
Và giai thoại sau đây là một minh chứng.
Chuyện xưa kể lại rằng, thuở ấy, tại kinh thành Thăng Long có tên trộm rất nổi tiếng. Hắn có tài “xuất quỷ nhập thần”. Hắn định trộm của ai thì nhà đó dù đã phòng bị vẫn không thoát. Là tên trộm lành nghề nhưng hắn được đông đảo nhân dân yêu mến. Bởi hắn chuyên trộm của nhà giàu đem cho người nghèo. Đã nhiều lần các quan phủ doãn cho dò bắt, nhưng hắn ẩn hiện tài tình, không cách nào tóm được, vì hành tung của hắn nhanh như gió chỗ nào cũng vào lọt nên người dân còn phong tước hiệu cho hắn là “Quận Gió”. Ở những nơi không ai ngờ, “Quận Gió” ngang nhiên xuất hiện. Ở những chốn canh phòng cẩn mật, không ai có thể lọt qua, hắn vẫn luồn qua được.
Tiếng đồn về “Quận Gió” lọt đến tai vua Lê Thánh Tông và nhà vua quyết định cải trang vi hành để tìm hiểu sự thật. Đã cận giờ giao thừa, có một thanh niên trạc 20 tuổi tìm đến nơi “Quận Gió” đang trú ngụ. Người này tự xưng là môn sinh Trường Quốc Tử Giám, năm hết tết đến, muốn về quê Thanh Hóa cúng ông bà, nhưng nhà nghèo không có tiền nên đến phiền “Quận Gió” giúp cho một ít làm lộ phí. Nghe xưng danh là giám sinh, “Quận Gió” hồ hởi nói: “Giúp ai tôi cũng sẵn lòng. Giúp học trò nghèo thì tôi càng không tiếc sức. Nhưng tôi không có sẵn tiền. Tôi là một đạo chích. Vậy anh muốn tôi lấy của ai?”. “Trộm của phú ông ở cửa Tây” - người thanh niên nói. “Không được! Phú ông ở cửa Tây giàu có là nhờ cày sâu, cuốc bẫm, lao động vất vả quanh năm suốt tháng trên các cánh đồng các làng Nghi Tàm, Võng Thị. Không nên lấy của ông ấy” - “Quận Gió” đáp. “Trộm của chủ cửa hiệu vàng bạc ở phố cửa Đông được không?” - người thanh niên ướm lời. “Cũng không được! Ông chủ cửa hiệu chế tác và bán đồ dùng vàng bạc phố cửa Đông là người ngay thẳng. Ông ta tích cóp được chút của ăn, của để là nhờ lăn lộn, khó nhọc trên thương trường. Không nên lấy của ông ấy. Thôi để tôi đến nhà lão quan coi kho bạc của nhà vua ở phố cửa Bắc chôm cho anh vài nén bạc. Lão ấy có lắm vàng ròng, bạc nén trong nhà. Đó là những thứ không phải của hắn” - vừa dứt lời, “Quận Gió” đã băng mình vào bầu trời đen mịt mùng của đêm cuối năm. Người ta còn chưa nhai giập bã trầu đã thấy “Quận Gió” trở về với 2 nén bạc trong tay. “Quận Gió” nói: “Với 2 nén bạc này, anh có đủ tiền làm lộ phí và còn để dùng vào việc sôi kinh, nấu sử. Mong rằng sau này anh đỗ đại khoa làm rạng danh công ơn sinh thành, dòng họ, tổ tiên”.
Cầm 2 nén bạc lên soi dưới ánh đèn dầu và thấy có đề 4 chữ “Quốc khố chi bảo”. Vua Lê Thánh Tông lúc đó nghĩ trong bụng rằng: “Không nghi ngờ gì nữa, đây quả đúng là bạc trong kho của triều đình”. Sáng mồng một tết, nhà vua cho thiết đại triều. Khi tất cả quan văn võ đã tề tựu đông đủ, khi ấy nhà vua mới đem câu chuyện vi hành đêm 30 tết kể lại cho mọi người nghe. 2 nén bạc được chuyền tay cho tất cả quan xem tận mắt. Viên quan coi kho cứng họng trước những chứng cứ không thể chối cãi. Hắn bị lột bỏ hết mọi tước vị, gia sản bị tịch thu và lưu đày đi ải xa.
Điều giỏi nhất của Lê Thánh Tông không phải trên lưng ngựa, không phải ở bản lĩnh đối đầu với các nước xung quanh, mà chính là tạo nên một rường cột về bộ máy hoàn chỉnh cho nước Đại Việt ngày ấy. Với Bộ luật Hồng Đức nổi tiếng, Lê Thánh Tông đã đưa Việt Nam trở thành nhà nước pháp quyền thuở sơ khởi. Và trong đó có những điều luật mà đến bây giờ - tức gần 600 năm sau, nhưng vẫn còn khiến người ta phải cố đấu tranh mà đạt được. Đó là tư tưởng “bênh vực và bảo vệ quyền lợi phụ nữ”. Và thứ hai là bảo vệ quyền sở hữu tài sản của muôn dân, chống tham nhũng triệt để, chống sự lạm quyền và ức hiếp dân chúng.
Nhờ vậy, trong suốt 37 năm trị vì, với quan điểm bỏ cha truyền con nối, trọng người tài thực sự, kiên quyết với nạn tham quan, Lê Thánh Tông đã tạo nên một di sản khổng lồ về tất cả lĩnh vực từ hành chính, kinh tế đến xã hội, từ bảo vệ biên cương đến mở rộng lãnh thổ. Vì vậy, với hậu thế hôm nay, vua Lê Thánh Tông và thời Hồng Đức thịnh thế ấy mãi mãi đi vào lịch sử phong kiến của dân tộc Việt Nam, đó là thời kỳ vinh quang nhất, ấm no nhất và đặc biệt là kiêu hãnh nhất.
Vua Lê Thánh Tông là vị vua thương dân như con, kết hợp chặt chẽ giữa đức trị và pháp trị
Các nhà nghiên cứu sử xưa kể rằng, một hôm trời rét, vua Lê Thánh Tông đi tuần du ngoại thành, bỗng gặp một cụ già mặc áo rách, đang run cầm cập. Sẵn lòng nhân từ, vua liền cởi áo long bào đang mặc định đưa cho cụ già mặc. Quan hộ giá vội can ngăn. Nhà vua khoát tay nói: “Trẫm biết rồi, trẫm thương dân như chính thương con của trẫm”. Thế rồi, nhà vua liền truyền lệnh mở kho phát chăn chiếu, đồ mặc ấm cùng với lương thực cho dân nghèo khó, cùng các cụ già neo đơn.
Xác định trách nhiệm của nhà nước nhằm đảm bảo đời sống tối thiểu cho nhóm xã hội yếu thế, đối với dân chúng, vua Lê Thánh Tông chủ trương “kính thiên ái dân”. Đây là hai yếu tố luôn đi song hành với nhau và luôn được nhà vua đưa vào nghĩa vụ tự “tu thân, tề gia, trị quốc”. Điều này đã phần nào hạn chế được sự chuyên quyền, độc đoán, thúc đẩy ông đưa ra những chính sách tích cực trong cai trị, đáp ứng yêu cầu chính đáng của dân chúng.
Ông quan niệm đế vương phải nuôi dưỡng bằng lòng dân, để đức trùm khắp tám phương, để dân sống no đủ, không còn đói rét, lưu vong nữa. Thương yêu dân là trách nhiệm của quan lại, mọi việc lợi nên làm cho dân, mọi mối hại nên bỏ. Theo đó, suốt những năm trị vì đất nước, nhà vua cho triển khai nhiều chủ trương, biện pháp để chấn hưng nông nghiệp như chuyên môn hóa các cơ quan quản lý; đặt ra chức quan mới: Quan hà đê là chức quan chăm lo việc đắp đê, bảo vệ đê, giữ nước để tưới tiêu ruộng đồng và phòng, chống bão, lũ lụt.
Nhằm khích lệ sản xuất nông nghiệp, mùa Xuân, tháng Giêng năm 1473, vua thân cày ruộng tịch điền và đốc suất các quan cày, khiến dân chúng tích cực noi theo. Chính sách trọng nông đã thu hút, quy tụ nhân dân bị ly tán đi các nơi trong thời kỳ chiến tranh nay kéo nhau trở về quê cha đất tổ sinh sống; lòng dân trăm họ được quy tụ về một mối. Công việc khai hoang, phục hóa, ngọt hóa đồng ruộng trở thành phong trào rộng lớn trong toàn vương quốc. Đất canh tác không ngừng tăng lên, khắp chốn nông thôn rộn rã tiếng cười, tiếng hát, tiếng thoi đưa dệt lụa; lúa khoai ngoài đồng không sợ bị lấy trộm; đêm đêm nằm ngủ, nhà nhà không phải đóng cửa cài then; giết người, cướp của vắng bóng.
Không chỉ trọng nông, nhà vua còn có quan điểm cách tân táo bạo và hành động đúng về mở mang giao lưu, khuyến khích thương nghiệp. Theo các sử liệu, ông đã chủ trương, trong dân gian hễ có dân là có chợ để lưu thông hàng hóa, mở đường giao dịch cho dân. Các xã chưa có chợ có thể lập thêm chợ mới. Những ngày họp chợ mới không được trùng với ngày họp chợ cũ hay trước ngày họp chợ cũ để tránh tình trạng tranh giành khách hàng của nhau.
Về đường lối chính trị, vua Lê Thánh Tông kết hợp chặt chẽ giữa đức trị và pháp trị, làm nguyên tắc trị nước cơ bản thể hiện thống nhất, xuyên suốt trong tất cả các lĩnh vực của xã hội, từ kinh tế đến chính trị, văn hóa, xã hội.
Dùng đức để thu phục lòng người, dùng lễ nghĩa để sửa tốt lòng dân, dạy cho dân biết và nuôi dưỡng thuần phong, mỹ tục là những điều mà vua Lê Thánh Tông thường đem ra huấn dụ cho các quan lại trong toàn vương quốc, ông không nói suông, ông khuyến khích và bắt buộc mọi quan lại phải làm đúng. Ai làm đúng thì được thăng thưởng. Ai không làm thì bị ông trị tội.
Ất Tỵ năm thứ 16 (1485), ngày 26.11, định lệnh trọng lễ nghĩa, khuyến nông tang, vua dụ các quan Thừa, Hiến, các quan phủ, huyện, châu các xứ trong nước rằng: "Lễ nghĩa để sửa tốt lòng dân, nông tang để có đủ cơm áo, hai việc cần kíp ấy của chính sự là chức trách của các thú mục. Trẫm từ khi lên ngôi đến giờ, phàm những phép dạy dân nên phong tục tốt, những việc dấy tiện trừ hại, không cái gì là không nói ra trong lời huấn dụ để bọn các người theo thế mà làm...". [trích Đại Việt Sử ký toàn thư]. Đoạn sử liệu này cho thấy rõ trong suốt thời gian trị vì cùa mình. Lê Thánh Tông kiên trì và nhất quán thực hiện đường lối mà theo cách nói ngày nay là nâng cao đời sống vật chất phải luôn đi đôi với việc năng cao đời sống tinh thần, ông hoàn toàn đúng khi nói rằng, hai việc đó là việc cần kíp của chính sự. [trích Lê Thánh Tông – Vị vua anh minh, nhà cách tân vĩ đại, Lê Đức Tiết].
Dưới thời trị vì của Lê Thánh Tông, các quy định có nội dung khuyến khích các đức tính hoà hiếu, lòng tôn kính, sự biết ơn và trừng trị nghiêm khắc các hành vi bất hiếu, bất mục, bất kính rất được quan tâm, như: “Lăng nhục ông bà, cha mẹ thì bị lưu châu ngoài, đánh thì xử lưu châu xa, đánh bị thương thì xử tội giảo...” (Điều 475) (xử giảo cũng là tội tử hình bằng hình thức treo cổ, được xem là nặng hơn tội bị chém), hoặc: "đánh anh, chị, cậu, dì, ông bà, cha mẹ vợ thì xử tội đồ làm khao đinh, đánh bị thương thì xử tội đồ làm tội phường binh... đánh chết thì xử tội chém...'' (Điều 477).
Có lẽ do hiểu thấu và sâu sắc vấn đề này mà vua Lê Thánh Tông, thông qua Bộ luật Hồng Đức đã định ra những điều luật nhằm khuyến khích tính vị tha, lòng nhân hậu và trừng trị răn đe những thói xấu độc ác, cô độc, hẹp hòi của con người vị kỷ hiện còn tồn tại khá nhiều trong xã hội lúc bấy giờ.
Và cuộc đời của ông như chính những trang thơ để lại của chính ông vậy:
Đạo làm vua
Đạo lớn đế vương nghĩ đã tinh
Thương yêu dân chúng kính trời xanh
Tìm tòi kế sách xây đời thịnh
Bỏ hẳn chơi bời giữ nếp thanh
Cân nhắc anh tài phô đức đẹp
Chăm lo võ bị trọng quyền binh
Điều hoà muôn việc theo mùa tiết
Khắp chốn hân hoan hưởng thái bình
Suckhoecuocsong.vn