Tìm hiểu về các câu khấn và nghi lễ ngày giỗ
Tìm hiểu thêm về nghi lễ khi cúng ngày giỗ trong gia đình với người đã mất
Theo tập quán lâu đời, dân ta lấy ngày giỗ (ngày mất) làm trọng, cho nên ngày đó, ngoài việc thăm phần mộ, tuỳ gia cảnh và tuỳ vị trí người đã khuất mà cúng giỗ. Ðây cũng là dịp gặp mặt người thân trong gia đình trong dòng họ, họp mặt để tưởng nhớ người đã khuất và bàn việc người sống giữ gìn gia phong. Vào dịp đó người ta thường tổ chức ăn uống, nên mới gọi là ăn giỗ, thì cũng là trước cúng sau ăn, cũng là để cho cuộc gặp mặt đậm đà ấm cúng, kéo dài thời gian sum họp, kể chuyện tâm tình, chuyện làm ăn. Với ý nghĩa "Uống nước nhớ nguồn" việc đó có thể xếp vào loại thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên nhà giàu thì có thể tổ chức cúng giỗ linh đình mời họ mạc gần xa, anh em bằng hữu về dự, còn nhà nghèo túng thì bát cơm, quả trứng, đĩa muối, lưng canh với ba nén nhang, cây đèn dầu cúng người đã khuất.
Theo tục xưa:
Nếu bố đã chết thì phải khấn là: Hiển khảo.
Nếu mẹ đã chết thì phải khấn là: Hiển tỷ.
Nếu ông đã chết thì phải khấn là: Tổ Khảo.
Nếu bà đã chết thì phải khấn là: Tổ Tỷ.
Nếu cụ ông đã chết thì phải khấn là: Tằng Tổ Khảo.
Nếu cụ bà đã chết thì phải khấn là: Tằng Tổ Tỷ.
Nêu anh em đã chết thì phải khấn là: Thệ huynh, Thệ đệ. Nếu chị em gái đã chết thì phải khân là: Thệ tỷ, Thệ muội.
Nếu cô dì chú bác đã chết thì phải khấn là: Bá thúc Cô Di, Tỷ Muội.
Hoặc khấn chung là Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tăng Tô Tỷ nội ngoại gia Tiên.
Vài điều cần lưu ý khi cúng giỗ Tổ Tiên:
Đối với ngày giỗ của ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng (còn gọi là giỗ trọng) thì ngày hôm trước ngày giỗ cần phải có cúng cáo. Ngày hôm cúng cáo giỗ còn gọi là ngày tiên thường.
Cúng cáo giỗ là để báo cho người đã khuất biết ngày hôm sau về hưởng giỗ, đồng thời là để báo với Thần linh, Thổ Địa nơi để mộ người đã khuất cũng như Công Thần Thổ địa tại gia cho phép hương hồn người đã khuất được hưởng giỗ. Cúng cáo giỗ bao gồm cúng tại gia và cúng ngoài mộ. Trong cúng cáo giỗ phải cúng Công Thần Thổ trước, cúng Gia tiên sau. Ngoài việc khấn mời vong linh người được giỗ ngày hôm sau, còn phải khấn mời vong linh, hương hồn Gia Tiên nội ngoại cùng về dự giỗ. Nhân dịp cúng cáo dỗ cần sửa sang, trang hoàng lại mộ.
Trong ngày giỗ của người đã mất cần phải mời người đã mất trước sau đó mới đến vong linh hai họ nội ngoại theo thứ tự từ cao đến thấp cuối cùng là cáo thỉnh gia thần cùng về dự tiệc giỗ.
Theo gia lễ: "Ngũ đại mai thần chủ", hễ đến năm đời thì lại đem chôn thần chủ của cao tổ đi mà nhấc lần tằng tổ khảo lên bậc trên rồi đem ông mới mất mà thế vào thần chủ ông khảo.
Theo nghĩa cửu tộc (9 đời): Cao, tằng, tổ, phụ (4 đời trên); thân mình và tử, tôn, tằng tôn, huyền tôn (4 đời dưới mình). Như vậy là chỉ có 4 đời làm giỗ (cao, tằng, tổ, phụ) tức là kỵ (hay can),; cụ (hay cô), ông bà, cha mẹ. Từ "Cao" trở lên gọi chung là tiên tổ thì không cúng giỗ nữa mà nhập chung vào kỳ xuân tế, hoặc phụ tế vào ngày giỗ của thuỷ tổ.
Trong nghi thức cúng con cháu thường khấn, vái và lậy. Ý nghĩa của chúng là:
Cúng
Khi có giỗ Tết, gia chủ bày hoa (bông) quả, nước, rượu, cỗ bàn, chén bát, đũa, muỗng (thìa) lên bàn thờ rồi thắp nhang (hương), thắp đèn, đốt nến (đèn cầy), khấn, vái, hay lạy để tỏ lòng hiếu kính, biết ơn, và cầu phước lành. Đây là nghĩa rộng của cúng. Trong nghĩa bình thường, cúng là thắp nhang (hương), khấn, lạy,và vái.
Khấn
Khấn là lời cầu khẩn lầm rầm trong miệng khi cúng, tức là lời nói nhỏ liên quan đến các chi tiết về ngày tháng năm, nơi chốn, mục đích buổi cúng lễ, cúng ai, tên những người trong gia đình, lời cầu xin, và lời hứa.
Sau khi khấn, người ta thường vái vì vái được coi là lời chào kính cẩn. Người ta thường nói khấn vái là vậy. Trong truyện Kiều, Nguyễn Du dùng từ khấn vái trong câu “Lầm rầm khấn vái nhỏ to. Sụp ngồi đặt cỏ trước mồ bước ra.”
Vái
Vái thường được áp dụng ở thế đứng, nhất là trong dịp lễ ở ngoài trời. Vái thay thế cho lạy ở trong trường hợp này. Vái là chắp hai bàn tay lại để trước ngực rồi đưa lên ngang đầu, hơi cúi đầu và khom lưng xuống rồi sau đó ngẩng lên, đưa hai bàn tay xuống lên theo nhịp lúc cúi xuống khi ngẩng lên.
Lạy
Lạy là hành động bày tỏ lòng tôn kính chân thành với tất cả tâm hồn và thể xác đối với người trên hay người quá cố vào bậc trên của mình. Có hai thế lạy: thế lạy của đàn ông và thế lạy của đàn bà.
- Thế Lạy Của Đàn Ông
Thế lạy của đàn ông là cách đứng thẳng theo thế nghiêm, chắp hai tay trước ngực và dơ cao lên ngang trán, cúi mình xuống, đưa hai bàn tay đang chắp xuống gần tới mặt chiếu hay mặt đất thì xòe hai bàn tay ra đặt nằm úp xuống, đồng thời quì gối bên trái rồi gối bên phải xuống đất, và cúi rạp đầu xuống gần hai bàn tay theo thế phủ phục. Sau đó cất người lên bằng cách đưa hai bàn tay chắp lại để lên đầu gối trái lúc bấy giờ đã co lên và đưa về phía trước ngang với đầu gối chân phải đang quì để lấy đà đứng dậy, chân phải đang quì cũng theo đà đứng lên để cùng với chân trái đứng ở thế nghiêm như lúc đầu. Cứ theo thế đó mà lạy tiếp cho đủ số lạy (xem phần ý nghĩa của Lạy dưới đây). Khi lạy xong thì vái ba vái rồi lui ra.
Có thể quì bằng chân phải hay chân trái trước cũng được, tùy theo thuận chân nào thì quì chân ấy trước. Có điều cần nhớ là khi quì chân nào xuống trước thì khi chuẩn-bị cho thế đứng dậy phải đưa chân đó về phía trước nửa bước và tì hai bàn tay đã chắp lại lên đầu gối chân đó để lấy thế đứng lên. Thế lạy theo kiểu này rất khoa học và vững vàng. Sở dĩ phải quì chân trái xuống trước vì thường chân phải vững hơn nên dùng để giữ thế thăng-bằng cho khỏi ngã. Khi chuẩn bị đứng lên cũng vậy. Sở dĩ chân trái co lên đưa về phía trước được vững vàng là nhờ chân phải có thế vững hơn để làm chuẩn.
Thế lạy phủ phục của mấy nhà sư rất khó. Các Thầy phất tay áo cà sa, đưa hai tay chống xuống ngay mặt đất và đồng-thời quì hai đầu gối xuống luôn. Khi đứng dậy các Thầy đẩy hai bàn tay lấy thế đứng hẳn lên mà không cần phải để tay tỳ lên đầu gối. Sở dĩ được như thế là nhờ các Thầy đã tập luyện hằng ngày mỗi khi cúng Phật. Nếu thỉnh thoảng quí cụ mới đi lễ chùa, phải cẩn thận vì không lạy quen mà lại bắt chước thế lạy của mấy Thầy thì rất có thể mất thăng-bằng.
- Thế Lạy Của Đàn Bà
Thế lạy của các bà là cách ngồi trệt xuống đất để hai cẳng chân vắt chéo về phía trái, bàn chân phải ngửa lên để ở phía dưới đùi chân trái. Nếu mặc áo dài thì kéo tà áo trước trải ngay ngắn về phía trước và kéo vạt áo sau về phía sau để che mông cho đẹp mắt. Sau đó, chắp hai bàn tay lại để ở trước ngực rồi đưa cao lên ngang với tầm trán, giữ tay ở thế chắp đó mà cúi đầu xuống. Khi đầu gần chạm mặt đất thì đưa hai bàn tay đang chắp đặt nằm úp xuống đất và để đầu lên hai bàn tay. Giữ ở thế đó độ một hai giây, rồi dùng hai bàn tay đẩy để lấy thế ngồi thẳng lên đồng thời chắp hai bàn tay lại đưa lên ngang trán như lần đầu. Cứ theo thế đó mà lạy tiếp cho đủ số lạy cần thiết (xem phần Ý Nghĩa của Lạy dưới đây). Lạy xong thì đứng lên và vái ba vái rồi lui ra là hoàn tất thế lạy.
Cũng có một số bà lại áp dụng thế lạy theo cách quì hai đầu gối xuống chiếu, để mông lên hai gót chân, hai tay chắp lại đưa cao lên đầu rồi giữ hai tay ở thế chắp đó mà cúi mình xuống, khi đầu gần chạm mặt chiếu thì xòe hai bàn tay ra úp xuống chiếu rồi để đầu lên hai bàn tay. Cứ tiếp tục lạy theo cách đã trình bày trên. Thế lạy này có thể làm đau ngón chân và đầu gối mà còn không mấy đẹp mắt.
Thế lạy của đàn ông có vẻ hùng dũng, tượng trưng cho dương. Thế lạy của các bà có tính cách uyển chuyển tha thướt, tượng-trưng cho âm. Thế lạy của đàn ông có điều bất tiện là khi mặc âu phục thì rất khó lạy. Hiện nay chỉ có mấy vị cao-niên còn áp dụng thế lạy của đàn ông, nhất là trong dịp lễ Quốc Tổ. Còn phần đông, người ta có thói quen chỉ đứng vái mà thôi.
Thế lạy của đàn ông và đàn bà là truyền thống rất có ý nghĩa của người Việt ta. Nó vừa thành khẩn vừa trang nghiêm trong lúc cúng tổ tiên. Nếu muốn giữ phong tục tốt đẹp này, các bạn nam nữ thanh-niên phải có lòng tự nguyện. Muốn áp dụng thế lạy, nhất là thế lạy của đàn ông, ta phải tập dượt lâu mới nhuần nhuyễn được. Nếu đã muốn thì mọi việc sẽ thành.
Tìm hiểu về các câu khấn và nghi lễ ngày giỗ
Suckhoecuocsong.com.vn