Khám phá, trải nghiệm những lễ hội độc đáo ở Bình Liêu
Khi du lịch Bình Liêu đừng quên khám phá, trải nghiệm những lễ hội độc đáo ở Bình Liêu
Khám phá, trải nghiệm những lễ hội độc đáo ở Bình Liêu
Bình Liêu không chỉ sở hữu cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng như sống lưng khủng long, núi Cao Ly, đỉnh Cao Xiêm, thác Khe Vằn mà nơi đây còn gây ấn tượng với du khách bởi nét văn hóa truyền thống, những lễ hội độc đáo của đồng bào dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ...Khi du lịch Bình Liêu đừng quên khám phá, trải nghiệm những lễ hội độc đáo của người dân
Bình Liêu có trên 96% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu là dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ... Mỗi một dân tộc đều có những bản sắc văn hóa riêng, tiếng nói riêng,tập quán, trang phục, lễ hội riêng. Mỗi một lễ hội thể hiện những bản sắc riêng giúp cho du khác hiểu được nét văn hóa đặc sắc của người dân. Trong chuyến hành trình khám phá những địa điểm du lịch nổi tiếng tại Bình Liêu hãy trải nghiệm những lễ hội độc đáo của người dân. Những lễ hội độc đáo được tổ chức thu hút nhiều người đến tham dự phải kể đến như hội đình Lục Nà, hội Kiêng gió, hội Soóng cọ, hội hoa sở, hội mùa vàng
Những lễ hội độc đáo tại Bình Liêu, Quảng Ninh
Lễ hội đình Lục Nà
Lễ hội đình Lục Nà được diễn ra vào ngày 16-17 tháng giêng hằng năm, lễ hội thu hút được sự tham gia của rất nhiều người dân trong và ngoài tỉnh.
Đình Lục Nà nằm ở thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh. Trong sử sách có ghi chép lại rằng, đình Lục Nà được xây dựng từ thời kỳ Hậu Lê, trước đây đình có quy mô rộng 5 gian, cột gỗ tròn có đường kính khoảng 40 - 50cm, tường xây gạch, mái lợp ngói âm dương. Vào năm 2011, đình được đầu tư xây dựng trên diện tích 10.187m2, khang trang sạch sẽ hơn.
Nơi đây thờ Thành hoàng làng Hoàng Cần, ông được biết đến là một vị tướng quân, một vị anh hùng dân tộc đã có công lao rất lớn trong cuộc chiến đấu đánh bại giặc phương Bắc đến xâm lăng đất nước ta, bảo vệ non sông bờ cõi.
Theo sự tích người dân nơi đây kể lại, ngày xưa khi người Tày ở vùng Đông Bắc Tân Yên (Bình Liêu ngày nay) đang sinh sống yên ổn với cây lúa trên ruộng bậc thang và cây măng, cây nấm trong rừng thì giặc từ phương Bắc kéo đến xâm lược, gây nên bao cảnh tang tóc đau thương. Nhân dân trong vùng sống nơm nớp lo sợ, căm thù oán hận chồng chất.
Ở một làng nọ có người con trai người Tày tên là Hoàng Cần, thông minh tuấn tú, sức vóc cường tráng, không cam tâm chịu nhục dưới ách cai trị tàn bạo nên đã bí mật hội tụ trai làng, ngày đêm luyện tập võ nghệ. Chờ thời cơ thuận lợi tới, Hoàng Cần dấy binh đánh vào căn cứ giặc. Với chiếc gậy tre trong tay tả xung hữu đột, ông đã làm cho quân giặc bạt vía kinh hồn.
Dẹp giặc xong, Hoàng Cần trở về quê cũ. Sau khi ông qua đời, để tỏ lòng biết ơn, nhân dân huyện Bình Liêu lập đền, dựng đình và tôn ông làm thần hoàng làng, hàng năm mở hội tế lễ linh đình dịp đầu xuân. Đây cũng là nơi thờ các vị thần núi, thần sông, thổ công, thổ địa
Nơi đây còn là trung tâm sinh hoạt văn hoá, là nơi giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước, yêu làng bản của các dân tộc vùng cao.
Lễ hội đình Lục Nà 2019 diễn ra vào ngày 16, 17 âm lịch, lễ hội gồm hai phần lễ và hội. Phần lễ gồm các hoạt động rước sắc phong bài vị Thành hoàng làng Hoàng Cần đi một vòng quanh thôn Bản Cáu nơi có đình Lục Nà, khai trống mở hội, dâng hương, lễ tế thần...
Phần hội gồm các trò chơi dân gian, như: Tung còn, đẩy gậy, kéo co, đánh quay, nhảy bao bố… giao lưu hát then – đàn tính giữa huyện Bình Liêu và tỉnh Lạng Sơn.
Khi tham gia vào lễ hội du khách không chỉ được sống lại truyền thống của lịch sử, hiểu thêm về vùng đất, phong tục, nét văn hóa mà còn được tham gia các trò chơi truyền thống.
Ngày hội "Kiêng gió" Bình Liêu
Ngày hội “Kiêng gió” là một trong những hoạt động văn hóa tinh thần đặc sắc của đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán Bình Liêu được tổ chức hằng năm thu hút rất nhiều người đến tham dự, trải nghiệm nét văn hóa đặc sắc
Ngày hội “Kiêng gió” bắt nguồn từ phong tục tránh thú rừng, thiên tai và cầu mùa màng bội thu, ấm no của đồng bào Dao Thanh Phán. Theo đó, đồng bào Dao Thanh Phán quan niệm vào ngày 4/4 âm lịch hằng năm, cả gia đình ra khỏi nhà từ sớm để thần gió vào nhà mang đi những rủi ro, phiền muộn và đem vào nhà họ những điều tốt lành, ấm no, sung túc.
Những ngày này, người Dao Thanh Phán ở các bản làng thường đi chơi, thăm hỏi bà con, bạn bè, cùng nhau tâm tình, hát cho nhau nghe những làn điệu quê hương và đi chợ mua sắm các vật dụng cần thiết cho gia đình để phục vụ lao động, sản xuất...
Bên cạnh tìm hiểu về nét văn hóa độc đáo của người dân, tại lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa khác nhau như lễ cấp sắc, thổi kèn đám cưới; thi kéo co, đẩy gậy, ném còn, lày cỏ; trình diễn thêu trang phục bằng tay của phụ nữ dân tộc Dao, trình diễn trang phục dân tộc; tham quan, mua sắm tại các gian hàng
Hội Soóng cọ ở Bình Liêu
Hội Soóng cọ hay còn gọi là Shặm nhịt hụi, Hội tháng ba diễn ra trong hai ngày 30/4 và 1/5 (tức ngày 15, 16 âm lịch) hàng năm. Mở màn đêm khai Hội là những tiết mục văn nghệ độc đáo.
Trước kia hội Soóng cọ chỉ dành cho người đã trưởng thành, trẻ em không được phép tham gia, bởi mục đích chính là để cho đôi lứa tìm người tâm đầu ý hợp kết thành nhân duyên. Đồng thời dành cho những người yêu nhau say đắm mà không đến được với nhau có thể gặp lại nhau trong ngày Hội và chỉ trong ngày hội đó, họ mới được thoải mái hát ca, tâm tình, ở bên nhau mà không bị xã hội cười chê.
Hát Soóng cọ là phát âm theo tiếng Sán Chỉ ở Bình Liêu, có nghĩa là ca hát, hát xướng, hát giao duyên. Đây là một hình thức diễn xướng bao gồm những khổ thơ thất ngôn tứ tuyệt (mỗi khổ thơ gồm 4 câu, mỗi câu 7 tiếng).
Với thể thức đối đáp, người hát chia làm hai bên, một bên nam, một bên nữ đứng đối diện hát hoặc cùng một lúc có nhiều tốp hát đối nhau. Khi cất lên những câu hát đầu tiên, các bên hát bắt buộc phải có những lời hát mời. Sau các hồi hát chung, các cặp hát hợp nhau hoặc có những tình ý riêng có thể tách ra hát riêng và họ có thể hát tới sáng.
Sau khi kết thúc Hội, ai về nhà đấy, không được tơ vương, tự ý hẹn hò, không được can thiệp vào đời sống gia đình riêng của nhau gây mất hạnh phúc, đổ vỡ gia đình của bên kia. Nếu vi phạm các nguyên tắc trên thì cả hai người sẽ bị hai họ phế truất ra khỏi dòng họ, bị cả thôn, bản và mọi người chê cười.
Thông qua lối hát Soóng cọ, các đôi nam thanh, nữ tú có thể kết bạn và tỏ tình với nhau, gửi gắm những tâm sự đôi lứa, người già trong thôn bản dùng lời hát để răn dạy con cháu về công ơn nuôi dưỡng, sinh thành của cha mẹ, kinh nghiệm đối nhân xử thế, truyền cho nhau những kinh nghiệm trong lao động sản xuất cũng như trong cuộc sống… Khi hát Soóng cọ, người hát sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình kết hợp với trang phục truyền thống để tạo nên nét văn hóa riêng của người Sán Chỉ.
Vào ngày hội, trai gái bản trên, bản dưới nơi đây hát từ tối đến sáng, họ đứng hát với nhau ở trên các sườn đồi, đồng ruộng. Nhưng ngày nay, hội Soóng cọ thu hút sự tham gia của đông đảo tầng lớp nhân dân địa phương, trở thành điểm thu hút khách thăm quan du lịch thập phương.
Không chỉ được thưởng thức những những điệu hát, làn điệu các bài hát du khách còn được hòa mình vào các hoạt động lễ hội như: thưởng thức những tiết mục hát đối, hát giao duyên nồng thắm, xem những phần thi trình diễn trang phục dân tộc, trò chơi dân gian của đồng bào vùng cao kéo co; đẩy gậy; bắn nỏ...
Ấn tượng Hội Mùa vàng
Hội Mùa vàng mới được tổ chức vào những năm gần đây, nhưng cứ cuối tháng 10 dương lịch trở đi khi lúa chín vàng trên những cánh đồng, thửa ruộng bậc thang người dân háo hức, nô nức đến Bình Liêu để tham gia vào lễ hội, chụp cho mình những bức ảnh ấn tượng
Những ngày diễn ra lễ hội du khách sẽ được ngắm nhìn khung cảnh tuyệt đẹp của ruộng bậc thang ở thôn Ngàn Pạt, Khe O, Cao Thắng (xã Lục Hồn), bản Sông Moóc A, Sông Moóc B (xã Đồng Văn)..... hay những dòng thác đang đổ màu vàng óng ả giữa trời thu xanh ngắt.
Không khí ngày hội rộn ràng, niềm vui của người dân, những sắc màu rực rỡ từ những trang phục truyền thống góp phần tô điểm nên bức tranh thiên nhiên độc đáo..
Đặc biệt đến với lễ hội du khách có thể tham gia hoạt động thú vị chính là dù lượn bay trên mùa vàng. Từ trên cao du khách đã có được trải nghiệm mới mẻ, độc đáo khi ngắm vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang từ trên cao.
Lễ hội hoa sở
Hội hoa sở được tổ chức và trở thành một trong những sự kiện du lịch thường niên hấp dẫn thu hút nhiều du khách tới ghé thăm, chụp ảnh cũng như tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào nơi đây.
Cứ vào tháng 12 những bông hoa sở nở trắng đồi, men theo các con đường vào khắp thôn bản và trở thành nét đặc trưng khó thể trộn lẫn của Bình Liêu so với những vùng du lịch nổi tiếng khác trên cả nước.
Những bông hoa sở bở bung trắng muốt điểm nhấn màu vàng rực rỡ khiến nhiều người tưởng tới hoa chè, nhưng cánh của hoa sở to hơn mang màu trắng tinh khôi và hương thơm dịu nhẹ.
Ngoài cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh khôi, mộc mạc của hoa sở, du khách còn được trải nghiệm nhiều hoạt động văn hoá nghệ thuật, thể thao như liên hoan dân ca, tìm hiểu trang phục truyền thống, thưởng thức nông sản của người địa phương hay ẩm thực dân tộc vùng cao các trò chơi dân gian, …
BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:
Du lịch Bình Liêu Quảng Ninh tự túc: thời gian, đường đi, homestay, khách sạn
Cắm trại, săn mây trên đỉnh Cao Ly tuyệt đẹp
Số điện thoại khách sạn, homestay, nhà nghỉ được đánh giá cao ở Bình Liêu
Kinh nghiệm chinh phục sống lưng khủng long an toàn, nhiều ảnh đẹp
Ghé thăm núi Kéo Lạn Bình Liêu chiêm ngưỡng vẻ đẹp ví như 'Cao nguyên đá Đồng Văn'
Suckhoecuocsong.vn