Những Lễ hội khai mạc từ ngày mùng 6 Tết

21/02/2018 09:40

Ngày 6 Âm lịch, ngày đi làm đầu tiên của năm mới cũng là ngày khai hội Chùa Hương, Lễ hội chùa Bái Đính, Hội đền Gióng.

Sau những ngày Tết cổ truyền Mậu Tuất 2018 là dịp người dân đi du xuân, khám phá những lễ hội lớn trong năm cầu mong một năm may mắn, nhiều tài lộc.

Thống kê cho thấy những lễ hội đầu xuân độc đáo ở miền Bắc thường diễn ra từ mùng 2 Tết Âm lịch cho tới 7/3 Âm lịch như Lễ hội chùa Hương, Lễ hội Yên Tử, Hội Lim, Hội Đền Trần...Ngày 6 Âm lịch, ngày đi làm đầu tiên của năm mới cũng là ngày khai hội Chùa Hương, Lễ hội chùa Bái Đính, Hội đền Gióng.

Lễ hội Chùa Hương

Thời gian: Khai hội từ mùng 6 Tết đến hết tháng 3 Âm lịch

Địa điểm: Chùa Hương, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Chùa Hương là một danh thắng nổi tiếng, không chỉ bởi cảnh đẹp mà nó còn  là một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng đạo phật của người dân Việt Nam.

Không giống bất kỳ nơi nào, Chùa Hương là một tập hợp nhiều đền chùa hang động gắn liền với núi rừng, và trở thành một quần thể thắng cảnh rộng lớn, với một kiến trúc hài hòa giữa thiên nhiên và nhân tạo.

Tạo hóa đã khéo bày đặt cho nơi đây núi non sông nước hiền hòa và rồi con người đã thổi hồn vào những điều kỳ diệu đó nó trở lên lung linh, sinh động và nhiều màu sắc. Chính điều đó đã tạo nên một nét văn hóa của dân tộc, đó là nét văn hóa tín ngưỡng đạo phật.

Trải qua nhiều thế kỷ nét văn hoá đã in đậm vào trong tâm thức của mỗi con người Việt Nam ta khi đến với Chùa Hương. Người dân nô nức về đây với mong muốn được thắp một nén tâm hương, để thoả ước nguyện của mình.

Chùa Hương là di tích của quốc gia cũng là giá trị văn hóa tâm linh của một dân tộc, vì nó là giá trị sống của chuỗi phát triển văn hóa tín ngưỡng đạo phật của người dân Việt từ xa xưa cho tới ngày nay.

Hội đền Gióng

Thời gian: Từ mùng 6 - 8 Tết

Địa điểm: Đền Sóc, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội

Hội Gióng là lễ hội truyền thống tưởng nhớ và ca ngợi chiến công của người anh hùng Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Lễ hội mô phỏng một cách sinh động diễn biến các trận đấu của Thánh Gióng và nhân dân Văn Lang trong cuộc chiến chống giặc Ân, thông qua đó nâng cao nhận thức cộng đồng về các hình thức chiến tranh bộ lạc thời cổ xưa; đồng thời giáo dục lòng yêu nước, truyền thống thượng võ, ý chí quật cường và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc. Hội Gióng được tổ chức ở nhiều nơi thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ nhưng tiêu biểu nhất là Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (Hà Nội).

Theo truyền thuyết, sau khi đánh thắng giặc Ân, Phù Linh là nơi dừng chân cuối cùng của Thánh Gióng trước khi bay về trời. Để tưởng nhớ công lao của Đức Thánh, tại đây, nhân dân đã xây dựng Khu di tích đền Sóc bao gồm 6 công trình: đền Hạ (hay còn gọi đền Trình), chùa Đại Bi, đền Mẫu, đền Thượng (hay còn gọi đền Sóc), tượng đài Thánh Gióng và nhà bia. Trong đó, đền Thượng là nơi thờ Thánh Gióng và tổ chức lễ hội với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ Mộc Dục; lễ rước; lễ dâng hương; lễ hóa voi và ngựa…

Lễ hội chùa Bái Đính

Thời gian: Khai hội từ mùng 6 Tết đến hết tháng 3 Âm lịch

Địa điểm: Chùa Bái Đính, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình

Chùa Bái Đính thuộc địa phận xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn. Đây là một quần thể chùa có diện tích lớn nhất Việt Nam, được biết đến với nhiều kỷ lục Châu Á và Việt Nam được xác lập.

Lễ hội chùa Bái Đính mở đầu cho những lễ hội hành hương về vùng đất cố đô Hoa Lư Ninh Bình. Với ưu thế của một quần thể chùa rộng, lễ hội chùa Bái Đính là một lễ hội lớn, thu hút đông du khách tham gia. Do có những điển tích gắn với các vị vua Đinh Tiên Hoàng, Quang Trung, Lê Thánh Tông và tín ngưỡng thờ thánh Nguyễn, thần Cao Sơn, Bà chúa thượng ngàn nên lễ hội chùa Bái Đính vừa có sự sùng bái tự nhiên, vừa thể hiện tín ngưỡng đạo Phật, đạo Mẫu lại có cả Nho giáo.

Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ công lao của các vị anh hùng đã có công với quê hương, đất nước. Đây cũng là dịp để du khách thập phương du xuân, vãn cảnh chùa, dâng hương lễ Phật, cầu cho quốc thái dân an, gia đình an khang thịnh vượng.

Sưu tầm

Các tin khác

Khám phá, trải nghiệm những lễ hội độc đáo ở Bình Liêu

Những lễ hội văn hóa độc đáo tại Trà Vinh

Những lễ hội văn hóa đặc sắc tại Vũng Tàu

Đình Bia Bà: Địa danh tâm linh nổi tiếng tại La Khê, Hà Đông

Đền Voi Phục một trong tứ trấn linh thiêng thành Thăng Long

Những ngôi đền linh thiêng nổi tiếng tại Lào Cai

Độc đáo lễ hội rước 'ông Lợn' bằng kiệu của người dân xã La Phù

Độc lạ: Lễ hội 'Của quý' - Tàng thinh ngày rằm tháng giêng tại Lạng Sơn

Những Lễ hội khai mạc từ ngày mùng 6 Tết

Lễ hội đèn lồng khổng lồ lần đầu diễn ra ở Việt Nam