Thiền sư Vạn Hạnh với lịch sử Việt Nam

26/02/2015 15:32

Thiền sư Vạn Hạnh là một vị cao tăng, đắc đạo. Ngài có thể biết được sự hưng thịnh của đất nước theo dòng lịch sử thuận theo duyên nghiệp chúng sinh.

 

Sự nghiệp của thiền sư vạn hạnh

 

Thiền sư Vạn Hạnh là một vị cao tăng, đắc đạo. Ngài có thể biết được sự hưng thịnh của đất nước theo dòng lịch sử thuận theo duyên nghiệp chúng sinh. Sư sống trong bối cảnh vua Lê Ngọa Triều (Lê Long Đĩnh) đang nắm giữ đất nước. Vua Lê Ngọa Triều là một vị vua chỉ biết ăn chơi,không lo cho dân, cho nước làm cho dân chúng phải lầm than. Thiền Sư Vạn Hạnh với tinh thần “ từ bi” mong sao đất nước được hòa bình, nhân dân an cư lạc nghiệp. Ngài luôn luôn canh cánh ước vọng đó trong lòng. Để thay đổi vận mệnh của đất nước, không vì hơn là phải đổi ngôi vua. Lúc này Ngài có một người con nuôi là Lý Công Uẩn đang giữ chức vụ Điện tiền chỉ huy sứ của triều Lê. Thiền sư đã vận động quần thần trong triều suy tôn Lý Công Uẩn lên ngôi vua, sáng lập ra nhà Lý. Và về sau, cũng chính Thiền sư đã tham mưu cho Lý Thái Tổ trong việc dời đô, từ kinh đô Hoa Lư về Thăng Long, nơi đất an bình để tính kế muôn đời cho con cháu. Ngày rằm tháng Năm năm Thuận Thiên thứ 16 (1025), khi công hạnh đã viên mãn, Thiền sư gọi đồ chúng lại dặn dò, đọc bài kệ rồi thị tịch. Vua Lý Thái Tổ và tất cả triều thần nhà Lý đến làm lễ Trà tỳ, thỉnh xá lợi của ngài về thờ tại chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh).

 

Cảm mộ đức hạnh của Thiền sư, về sau, vua Lý Nhân Tông (1072-1127) có bài kệ truy tán rằng:

 

“Vạn Hạnh dung tam tế

Chân phù cổ sấm cơ

Hương quan danh Cổ Pháp

Trụ tích trấn vương kỳ”.

 

Nghĩa là:

 

“Vạn Hạnh thông ba cõi

Thật hợp lời sấm xưa

Quê hương tên Cổ Pháp

Chống gậy trấn kinh vua”.

 

Thiền sư Vạn Hạnh, người đã cùng Lý Thái Tổ khai sáng kinh đô Thăng Long, suốt đời tận tụy với sự nghiệp “Hộ quốc an dân”, và từng được xưng tán là “Chống  gậy thiền trấn giữ kinh vua” một thời...![3] Ngài có công lớn, là đạo diễn xây dựng nên vương triều nhà Lý, là tiền đề cho các triều đại sau, phát triển rực rỡ, nhất là triều đại nhà Trần.

 

Thiền Sư Vạn Hạnh là một tu sĩ, nên sự nghiệp của ngài là “Trí Tuệ”, cái dụng của trí tuệ đó đã tác động vào cuộc đời tạo nên sự nghiệp lớn lao là thành lập củng cố và phát triển một vương triều vàng son của đất nước ta thời phong kiến.

 

 

Sơ Lược sự hình thành Triều Lý cùng Thiền Sư Vạn Hạnh

 

Sơ lược tiểu sử thiền sư Vạn Hạnh

 

Thiền sư Vạn Hạnh người làng Cổ Pháp, phủ Thiên Đức (nay là làng Đại đình, xã Tân Hồng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh), họ Nguyễn, không rõ tên tục là gì. Ngài sinh vào khoảng năm 932. Gia đình Ngài có truyền thống thờ Phật. Từ thuở nhỏ ngài đã rất thông minh, học khắp tam giáo và khảo cứu nhiều kinh luận nhà Phật. Năm 21 tuổi, ngài xuất gia cùng với Định Huệ Thiền sư, theo học với ngài Thiền ông, tức là đời pháp thứ bảy của thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi. Sau Thiền ông tịch rồi, ngài chuyên tu tập pháp “Tổng trì Tam-ma-địa”, mỗi khi nói câu gì cũng lạ thường, người đời đều cho ông nói là những câu sấm. Thời vua Lê Đại Hành còn tại thế, hoàng đế hết lòng tôn kính, thường mời ngài đến hỏi về việc quân.

 

Niên hiệu Thiên Phúc năm thứ nhất (980), nước Trung Hoa sai Hậu Nhân Bửu đem quân qua đánh nước ta, khi giặc đóng quân ở núi Cương Giáp Lãng, vua Đại Hành mời Thiền sư đến hỏi: “Quân ta thắng bại thế nào?” Ngài tâu: “Chỉ trong bảy ngày thì giặc tất lui”. Sau quả nhiên y như lời ngài đã nói, ngoài ra ngài còn rất giỏi về sấm ngữ và độn số, vua Lê Đại Hành và quần thần rất tôn kính, thán phục.

 

Năm Thuận Thiên thứ 9 (l018), vào ngày rằm tháng 5 năm Mậu ngọ (30-06-1018), ngài không đau ốm gì mà tịch, thọ 80 tuổi. Vua Lý Thái Tổ và các đệ tử rước ngài lên đài hỏa táng rồi thâu hài cốt xây tháp để thờ.

 

Trước khi tịch ngài để lại bài kệ rằng :

 

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô,

Vai Trò Của Thiền Sư Vạn Hạnh Trong Sự Nghiệp Cứu Quốc

 

Tư tưởng của thiền sư Vạn Hạnh là chiến lược, thao lược trong việc kiến lập triều đại nhà Lý.

 

- Tư tưởng tu tập của thiền sư Vạn Hạnh

 

Thiền sư Vạn Hạnh thông cả ba luồng tư tưởng: Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo. Ngài là một học giả của Nho và Đạo giáo, là hành giả của Phật giáo.

 

Tư tưởng chính của thiền sư là tu theo pháp “Tổng trì tam muội”. Ngài chuyên nghiên cứu sâu về tư tưởng bồ tát Long Thọ với tinh thần của “Trung Luận”. Thiền sư Vạn Hạnh tư duy và luôn đặt ra các mối hoài nghi các vấn đề, rồi tư duy tìm cách khả thi nhất để giải quyết vấn đề đó. Pháp môn “Tổng trì tam ma địa” đỉnh cao là đạt đến Tam muội (Chánh định), đí đến đắc đạo.

 

Thiền sư Vạn Hạnh thừa kế dòng thiền Tỳ Ni đa Lưu Chi, dòng thiền này chủ yếu lấy tinh thần kinh “Tượng đầu tăng xá “ làm yếu chỉ nghiên cứu và tu tập. Tinh thần trụ nới vô trụ. Tư tưởng này giống như tinh thần của Lục tổ Huệ Năng trong kinh “Pháp Bảo Đàn”, với tinh thần “Vô niệm làm tâm, vô tướng làm thể, vô trụ làm gốc”.

 

Từ tinh thần trụ nới vô trụ đó nên sau khi đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua, ngài đã bỏ tất cả về ở ẩn tu hành, không tham gia chính trị, tuy tinh thần yêu nước vẫn không phai nhạt. Đây cũng là hành động của những bật kỳ tài trong thiên hạ như: Quí Liêu giúp Tần Thủy Hoàng gồm thâu lục quốc, Trương Lương giúp Lưu Bang đánh thắng Hạng Võ lập nên Hán triều, Nguyễn Trãi giúp Lê Lợi thắng quân Minh, các ngài đều từ bỏ công danh trở về qui ẩn.

 

- Chuẩn bị nhân tài cho một triều đại mới

 

Triều đại nhà Lê suy vong, thiền sư là người suy tư nhất, bởi vì ngài cũng ủng hộ nhà Lê. Thiền sư là người cầm cán giật dây cho cuộc cách mạng thay ngôi đổi chủ. Bất cứ cuộc cách mạng nào cũng phải chuẩn bị nhân tài, ngài đã chọn Lý Công Uẩn bởi vì ý thức hệ của nước ta là Phật giáo, nên không thể chọn thành phần khác. Tinh thần này đã có từ khi nhà Lê nắm chính quyền. Lý Công Uẩn cũng là người do thiền sư nuôi và đào tạo. Lý Công Uẩn là người hoàn toàn thỏa mãn hai yêu cầu trên, là người có thể giúp dân thoát khỏi đau khổ dưới triều nhà lê. Nguyện vọng nhân dân và giới Phật giáo cần có một vị vua mới, đem chánh pháp vào đời và giúp dân chúng thoát khỏi khổ đau. Việt Nam sử ký toàn thư đã nói Lý Công Uẩn là người khác thường.

 

Thiền sư Vạn Hạnh là một nhân vật vô cùng quan trọng trong việc kiến lập và xây dựng vương triều nhà Lý, có thể nói Ngài là linh hồn của thời đại. Có thể tóm tắt trong những nội dung sau

 

Thiền sư Vạn Hạnh là bậc chân tu, giác ngộ.

 

Thiền sư Vạn Hạnh đã thành tựu trong pháp môn tư duy tu tập Tam ma địa, và ngài đã đắc đạo trong pháp môn chánh định này. Bằng chứng là ngài có thể hiểu biết được quá khứ vị lại, đã ra sấm ngữ báo trước những điều sắp xảy ra. Đặc biệt ngài là vị sư am tường Phật giáo, lãnh hội được lời Phật dạy, xem phú quí công danh như bèo mây. Thể hiện trong tinh thần bài kệ trước khi ngài thị tịch:

 

“Thân như điển ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc Xuân vinh Thu hựu khô

Nhâm vận thịnh suy vô bế uý

Thịnh suy như lệ thảo đầu phô”.

 

Thiền sư Vạn Hạnh là người khai sáng triều đại nhà Lý.

 

Một đời tu thân, đắc đạo, Thiền sư Vạn Hạnh thực sự là “kiến trúc sư” cho Lý Công Uẩn trong cả cuộc sống và sự nghiệp vinh quang. Khi Lý Công Uẩn đã lên ngôi vua, nhà sư vẫn khuyên răn với lời lẽ thật cảm động: “Tôi đã hơn 70 tuổi rồi, mong được thư thả hãy chết để xem đức hóa của ông như thế nào, thực là sự may mắn muôn năm mới gặp một lần”.

 

Thiền sư triển khai tinh thần mang đạo vào đời.

 

Tuy thiền sư là người tu hành nhưng vẫn giúp nhà vua tư vấn chính sự, nhưng không màng công danh, không hưởng bất cứ quyền lợi nào, đây là tinh thần mang đạo vào đời nhưng không bị đời làm ô nhiễm.

 

Tư tưởng thền sư Vạn Hạnh là tư tưởng đặc thù của Việt Nam trong công cuộc dựng nước và giữ nước.

 

Vị vua thứ ba triều lý đã tặng cho thiền sư danh hiệu “Chống gậy thiền trấn giữ kinh đô” đã nói rõ điều này.

 

Ghi tạc công đức của sư tổ Vạn Hạnh, nhân dân Bắc Ninh và các tín đồ phật tử đã tạc tượng nhà sư bằng đá, đặt trên đỉnh núi cao. Vầng trán cao, sống mũi thẳng, nét môi kiên nghị, cả khối tượng Thiền sư Vạn Hạnh toát lên vẻ khoan hòa mà vẫn uy nghi, thông thái.

 

Trong những tháng năm biến loạn đầu thế kỷ X, Thiền sư Vạn Hạnh ngồi một mình bên dòng Tiêu Tương, đã kiên tâm gác nỗi đau riêng để lo nỗi đau chung, cho muôn dân được bình yên, no ấm theo đúng giáo lý của đạo Phật - “Phật tại Tâm”. Ông mất mà lòng vẫn chưa nguôi luôn canh cánh việc dân việc nước. Trong nhà Tổ còn lưu giữ được bức tượng cao 50cm, tạc ông trong tư thế tay để trên đầu hổ và để trong khán thờ. Công đức của ông được hậu thế muôn đời ghi nhớ, danh thơm muôn thuở.

 

Thích Trí Huệ (trích lược trong đề tài: Vai trò của thiền sư Vạn Hạnh trong việc kiến lập và xây dựng vương triều nhà Lý)

Skcs.vn (sưu tầm).

Các tin khác

Khám phá, trải nghiệm những lễ hội độc đáo ở Bình Liêu

Những lễ hội văn hóa độc đáo tại Trà Vinh

Những lễ hội văn hóa đặc sắc tại Vũng Tàu

Đình Bia Bà: Địa danh tâm linh nổi tiếng tại La Khê, Hà Đông

Đền Voi Phục một trong tứ trấn linh thiêng thành Thăng Long

Những ngôi đền linh thiêng nổi tiếng tại Lào Cai

Độc đáo lễ hội rước 'ông Lợn' bằng kiệu của người dân xã La Phù

Độc lạ: Lễ hội 'Của quý' - Tàng thinh ngày rằm tháng giêng tại Lạng Sơn

Những Lễ hội khai mạc từ ngày mùng 6 Tết

Lễ hội đèn lồng khổng lồ lần đầu diễn ra ở Việt Nam