Tại sao nói người thông minh chưa hẳn có ngộ tính tốt?
Có người rất thông minh, nhưng “có tài mà cậy chi tài, chữ tài liền với chữ tai một vần”.
Trí thông minh chỉ là cái ngọn, còn ngộ tính mới là cái gốc khiến cuộc sống tinh thần thực sự thăng hoa. Có người rất thông minh, nhưng “có tài mà cậy chi tài, chữ tài liền với chữ tai một vần”.
Tôn Ngộ Không vốn là một con khỉ đá trời sinh thông minh phi phàm, nhưng vì tâm cao khí ngạo, muốn làm “Tề Thiên Đại Thánh” mà nổi loạn, phải chịu giam 500 năm dưới Ngũ Hành Sơn. Được cứu ra khỏi núi Ngũ Hành rồi, lại một lần tâm muốn buông lơi, không chịu ước thúc mình vào quy củ giới luật, nên y đã định bỏ Đường Tăng về lại Hoa Quả Sơn làm yêu quái như xưa.
Ngang qua Đông Dương Đại Hải, Tôn Ngộ Không được Long Vương điểm hóa qua câu chuyện “Ba lần dâng giầy ở cầu Dĩ” giữa Trương Lương – mưu thần số một của Hán Cao Tổ và vị tiên Hoàng Thạch Công. Trương Lương ba lần phải đi nhặt giày cho Hoàng Thạch Công mà vẫn rất vui vẻ, nhẫn nại, trong tâm không hề khó chịu. Sau được Hoàng Thạch Công truyền cho quyển Thiên Thư mà thành công. Long Vương còn tặng Ngộ Không một câu nói: “Đại thánh ạ, ngài không theo Đường Tăng, không chịu khó nhọc, không nghe dạy bảo, cuối cùng vẫn chỉ là một con yêu quái mà thôi, thành chính quả sao được!”.
Tôn Đại Thánh có ngộ tính cao, căn cơ tu luyện sâu dày cho nên lập tức ngộ ra, quay về chính đạo, sau đắc chính quả, thành “Đấu Chiến Thắng Phật”.
Những người vừa thông minh, vừa có ngộ tính tốt như Tôn Ngộ Không quả thực rất hiếm. Vì “thông minh” và “ngộ tính tốt” vốn là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Trên thế gian, người thông minh có rất nhiều, nhưng người có “ngộ tính tốt” thì thưa thớt ít ỏi.
Vậy thông minh là gì, ngộ tính là gì?
Trí thông minh (IQ) có thể hiểu là khả năng suy luận ra những điều chưa biết từ những cái đã biết. Nó bao gồm khả năng suy luận logic, khả năng tính toán, trí nhớ và sự sáng tạo. Nghiên cứu não bộ cho thấy trí thông minh chính là khả năng liên kết những tế bào thần kinh bằng tín hiệu điện não. Nói cách khác, một bộ não mà các tế bào thần kinh càng ít bị cô lập, càng có nhiều con đường liên kết giữa chúng thì bộ não đó càng thông minh.
Nhưng “ngộ tính” thì khác. “Ngộ tính” chủ yếu nói về năng lực cảm nhận trực tiếp không thông qua diễn giải, lập luận, chứng minh… hay còn gọi là năng lực trực nhận. Nó cũng có một phần là đức tin, một phần từ tâm thiện lương của con người. “Ngộ tính” ban đầu là từ dùng trong tôn giáo, là sản phẩm của văn hóa tu luyện phương Đông, nhưng dần dần đã bị đời thường hóa, bị người ta đánh đồng nó với trí thông minh (IQ).
Vì vậy, thông minh và ngộ tính là hai khái niệm tương đối độc lập. Người thông minh cũng có thể đồng thời là người có ngộ tính cao. Muốn vậy, anh ta ít nhất phải là người có tâm cởi mở, không đóng cứng mình vào một định nghĩa hạn chế nào đó. Người ấy cũng phải có một tâm tính tốt, lương thiện và tĩnh tại. Nhưng trong nhiều trường hợp, những người thông minh mà có tâm tính phức tạp, lắt léo và náo động lại là người có ngộ tính kém.
Người thông minh cũng có thể đồng thời là người có ngộ tính cao, nhưng lại dễ bị cái thông minh che mất phần ngộ tính. (Ảnh: Youtube)
Thông minh nhưng đoản mệnh, thuần phác mà ngộ đạo
Phượng Thư trong Hồng Lâu Mộng chính là một điển hình của người thông minh sắc sảo. Chị ta chưa từng học qua trường lớp nào nhưng có thể tính toán chính xác đâu ra đấy như một kế toán thực thụ. 17 tuổi đã gánh vác công việc của hai phủ lớn Ninh, Vinh vốn là hai đại gia đình lắm tiền nhiều của, kẻ ăn người làm rất nhiều, rất nhiều công việc cần quán xuyến, rất nhiều khoản phải chi tiêu. Phượng Thư có thể điều động đâu ra đấy, thật là một nhân tài hiếm có trong quản lý kinh tế, một hào kiệt trong đám quần thoa.
Nhưng chị ta cũng có nhiều tâm kế rất nham hiểm, hay hại người, cả đời rất ít khi làm được việc gì thật sự phúc đức. Chị ta cũng không tin Thần Phật. Có lần chị ta nói với lão ni Tịnh Hư của am Thủy Nguyệt rằng: “Sư già hẳn đã biết rõ tính ta lắm. Xưa nay ta chẳng tin sự báo ứng âm ty địa ngục gì cả. Bất cứ việc gì ta đã làm là làm. Bảo họ đưa ba nghìn lạng bạc đến đây, ta sẽ nói hộ cho”.
Cho nên, Giả Mẫu trước khi chết dặn dò Phượng Thư rằng: “Cháu ơi, cháu thông minh quá, sau này nên tu lấy phúc nhé! Ta cũng không hề tu gì, chẳng qua lòng ngay thiệt đấy thôi.” Cuối cùng, Phượng Thư chỉ sống được gần ba chục tuổi đầu rồi bệnh mà chết, chẳng ai đoái hoài mấy. Trước khi chết lại bị ma quỷ quấn quýt ám ảnh, thật chua xót như trong bài “Thông minh lụy”:
“Việc đời tính rất thông minh
Việc mình, mình tính phận mình vẫn sai
Sống lần ruột đã nát rồi
Chết mang tiếng hão là người tinh ranh”.
Người thông minh như thế, gần với yêu tinh hơn là Thần Phật. Tâm họ luôn động để nghĩ ra nhiều quái chiêu, họ chính là đã quá xa rời cái bản tính Thiện vốn có từ khi sinh ra của con người.
Trái ngược với Phượng Thư liễu yếu đào tơ nhưng tâm trí sắc nhọn, Lỗ Đề Hạt trong Thủy Hử là con người rất mực đơn sơ, thuần hậu. Đời ông đơn giản, tính cách bộc trực yêu ghét rõ ràng. Biểu hiện bên ngoài thì thấy ông lỗ mãng, nhưng tâm tư thì lại rất thẳng thắn, lương thiện. Ông hay dùng nắm đấm để giải quyết sự việc, nhưng ân oán phân minh, giữa đường gặp việc bất bình mà tha, là người trọng nghĩa số 1 của Thủy Hử. Ba đấm ông đánh chết Trấn Quan Tây Trịnh Đồ để giải cứu một cô gái mình không quen biết.
Trong cả cuộc đời gió bụi, vì thiên hạ mà gánh chịu biết bao tai nạn, nhưng ông vẫn không để cái khổ trong lòng, vẫn rất mực phóng khoáng. Suy nghĩ của ông đơn giản hồn hậu, chất phác, có những lúc thấy như trẻ thơ, không có ẩn ức như Võ Tòng, càng không phức tạp như quân sư Trí Đa Tinh Ngô Dụng hay nhiều tâm danh lợi như thủ lĩnh Tống Giang. Người như thế mới dễ dàng đạt Đạo. Cuối cùng, nửa đêm tĩnh tọa, nghe tiếng sóng triều trên sông Tiền Đường mà Lỗ Trí Thâm đạt đại ngộ, hoàn toàn giải thoát, thốt ra một lời “Từ nay mới biết ta là ta” rồi viên tịch.
Tâm đơn giản, chất phác mới học được tuyệt thế công phu
Nói về thông minh và ngộ tính, cặp đôi Quách Tĩnh – Hoàng Dung của Xạ Điêu Tam Bộ Khúc – Kim Dung là một minh hoạ điển hình. Hoàng Dung thông minh, cơ cảnh hơn người, nhưng không học được môn “Song thủ hỗ bác” vì tâm trí Hoàng Dung quá phức tạp, không thể tĩnh lại được. Ngược lại, những người có đầu óc chất phác đơn giản như Châu Bá Thông, Tiểu Long Nữ và kể cả tư chất kém hơn như Quách Tĩnh lại có thể học được. Sao lại thế?
“Song thủ hỗ bác” là môn dùng hai tay múa hai bài quyền khác nhau, hỗ trợ cho nhau giống như hai cao thủ của hai môn phái cùng liên thủ. Bài học đầu tiên của môn này là hai tay đồng thời vẽ hai hình, một tay vẽ hình vuông, một tay vẽ hình tròn. Châu Bá Thông, Quách Tĩnh, Tiểu Long Nữ với đầu óc đơn giản, trong sáng, chân thật chỉ cần tĩnh tâm là có thể làm được. Còn Hoàng Dung thì chịu. Hoàng Dung là người vô cùng thông minh cơ biến nhưng tâm tính của bà quá náo loạn, rất nhiều ý nghĩ phức tạp đồng thời nổi lên, đan xen nhau khiến bà không thể tĩnh tâm lại được. Tâm trí bà như con khỉ nhảy nhót, như con ngựa bất kham lồng lộn, người xưa gọi là “tâm viên ý mã”. Nội tâm thiếu bình lặng như thế, làm sao có thể ngộ ra điều gì được?
Hoàng Dung còn dùng cái tâm giảo hoạt để đánh giá về Dương Quá, vì bà cho rằng Dương Quá cũng giống mình. Ngược lại, Quách Tĩnh luôn nhìn Dương Quá với con mắt thuần hậu và từ bi, với cái tâm rất tĩnh của người tu Đạo. Cho nên, với Hoàng Dung, Dương Quá có thể rất mưu mẹo, nhưng với Quách Tĩnh, Dương Quá lại không thể không trở thành chính nhân quân tử. Vì ông thực sự tin rằng Dương Quá là người tốt, lòng ông thương xót và từ bi đối với Dương Quá, cho nên Dương Quá vốn là người ngả nghiêng giữa chính và tà đã được ông kéo sang đường chính. Hoàng Dung cuối cùng đã phải bội phục khả năng nhìn người và khả năng cảm hóa của Quách Tĩnh, dù trí tuệ của bà cao hơn ông nhiều.
Chu Bá Thông bề ngoài là hình tướng ông lão nhưng bên trong lại như một đứa trẻ, rốt cuộc lại là người ngộ Đạo. (Ảnh: Youtube)
Trí thông minh chỉ là cái ngọn, còn ngộ tính mới là cái gốc khiến cuộc sống tinh thần thực sự thăng hoa. Có người rất thông minh, nhưng “có tài mà cậy chi tài, chữ tài liền với chữ tai một vần”. Người thông minh thường dễ sinh tâm kiêu ngạo, sử dụng đầu óc nhanh nhạy để đạt được lợi ích “hiện thực” từ tay người khác, vì thế mà tổn đức, tạo nghiệp.
Thông minh chưa chắc là một cái phúc. Nhưng ngộ tính tốt thì chắc chắn là phúc, vì người có ngộ tính tốt có thể nhẫn nhịn, có thể chịu thiệt, có thể xả bỏ và bao dung. Điều chờ đợi họ là quả báo tốt lành, nếu tu luyện trong chính Đạo còn có thể công thành viên mãn.
Sưu tầm