Phủ Dầy và truyền thuyết về Thánh Mẫu Liễu Hạnh
Phủ Dầy là một quần thể kiến trúc độc đáo giữa một vùng đồng bằng bát ngát, sông nước mênh mông gắn liền với truyền thuyết Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
Tên gọi Phủ Dầy xuất phát từ đâu?
Phủ Dầy là tên gọi của quần thể di tích tâm linh của người Việt tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định. Trong đó, kiến trúc quan trọng nhất là đền thờ bà chúa Liễu Hạnh ngay sát chợ Viềng. Phủ Giầy trước có tên cổ là Kẻ Giầy- xuất phát từ truyền thuyết Bà Chúa Liễu Hạnh vì quá thương nhớ gia đình, chồng con nên đã để lại một chiếc giầy ở trần gian trước khi về thượng giới.Hay có huyền thoại: Vua đi ngang qua vùng này và nghỉ đêm ở quán hàng của bà chúa Liễu Hạnh, sau đó được tặng một đôi giầy nên đã lập nơi thờ tự gọi là Phủ Giầy. Khi gọi là Phủ Dầy vì chính nơi này có món bánh dày- giò nổi tiếng, lại có người cho rằng: Kẻ Giầy xuất phát từ nơi có gò đất nổi lên hình bánh dầy trước của phủ. Cho tới khi Liễu Hạnh được suy tôn là Mẫu nghi Thiên hạ thì Kẻ Giầy được đổi thành Phủ Giầy.
Vài nét về di tích Phủ Dầy
Phủ Dầy là một quần thể kiến trúc độc đáo giữa một vùng đồng bằng bát ngát, sông nước mênh mông. Dải núi đất bao bọc những con sông uốn lượn tạo nên một khung cảnh sơn thuỷ hữu tình. Các dãy núi này được dân gian hình dung như một con rồng khổng lồ mà đầu là núi Ngăm, các khúc mình rồng là núi Tiên Hương, núi Báng, núi Lê, núi Gôi và dưới nó là núi Thổ. Di tích Phủ Giầy tuy chưa phải là một công trình kiến trúc đẹp và có quy mô hoành tráng trong hệ thống kiến trúc tôn giáo Việt Nam. Nhưng nét văn hóa của triều đại nhà Nguyễn lại được in đậm trong công trình này. Có hai đền lớn trong Phủ Giầy. Một là thôn Vân Cát - quê cha và một là thôn Tiên Hương - quê chồng của bà chúa Liễu Hạnh. Ngoài hai phủ chính này, bao quanh còn có một loạt các đền miếu khác như đền Khâm Sai, đền Thượng, đền Đức Vua. đền Công Đồng, đền Giếng Gàng, đền Cây Đa, đình ông Khổng, Phủ Tổ, làng Mẫu… Nhờ có hệ thống đền miếu này mà quy mô về sự thờ phụng cũng như sự tôn nghiêm của Phủ Giầy được tăng lên.
Phủ chính Tiên Hương là một công trình đẹp. Trước phủ là một giếng tròn giữa có cột cờ rồi đến một sân rộng nối với hệ thống nghi môn trụ, trên đỉnh đắp chim phượng và lân. Tiếp đến là ba tòa nhà ngang: nhà bia, nhà trống, nhà chiêng. Một hồ bán nguyệt có lan can thấp bao quanh, có bình phong và hai cầu vượt đều bằng đá. Điện thờ chính, thờ hệ thống Mẫu Tứ Phủ. Mẫu Thượng Thiên (Trời) ớ giữa, Mẫu Địa (đất) ở bên phải, Mẫu Thoải (Nước) ở bên trái, Mẫu Thượng Ngàn (núi, rừng) ở phía trước.
Phủ Vân Cát không cách xa phủ chính, mang một vẻ đẹp khác, phía trước là hồ bán nguyệt, rồi tới ngũ môn uy nghi. Trung tâm là nơi thờ Chúa Liễu. Khu vực bên trái là chùa thờ Phật, bên phải là đền thờ LýNam Đế.Phủ nằm giữa đền làng và chùa Long Vân cùng chung một sân lớn, tạo thành một quần thể kiến trúc thờ Mẫu - Thần - Phật. Trong phủ Vân Cát hiện không lưu giữ một đạo sắc nào.
Qua một số tư liệu trên thì Phủ chính Tiên Hương chính là ngôi phủ tại làng An Thái được xây dựng từ giữa thế kỷ 17 và là nơi thờ chính Mẫu Liễu Hạnh, được các triều đình phong kiến công nhận và nhiều triều đã phong thần cho chủ thần của phủ là Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Phủ Vân Cát là phủ xây sau và cũng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
Lăng chúa Liễu, bên cạnh phủ chính, chiếm một khu vực riêng hình chữ nhật. Toàn bộ công trình đều xây bằng đá, chạm trổ đẹp. Giữa lăng là một ngôi mộ hình bát giác, mỗi cạnh chừng một mét.
Sự tích về Mẫu Liễu Hạnh
Thái Mẫu Liễu Hạnh là nhân vật trung tâm được thờ phụng trong các di tích ở Phủ Dầy cũng như trong lễ hội Phủ Dầy. Đây là một nhân vật vừa là thiên thần, vừa là nhân thần với những huyền thoại dày đặc yếu tố kỳ ảo. Chuyện kể Mẫu Liễu Hạnh là công chúa con Ngọc Hoàng xuống trần đầu thai vào một gia đình họ Lê ở thôn An Thái, xã Vân Cát, huyện Vụ Bản (Nam Định), nay là thôn Tiên Hương, xã Kim Thái, lấy chồng họ Trần ở cùng thôn. Hiện nay làng Tiên Hương còn có nhà thờ tổ (còn gọi là Phủ Nội) đã được xây dựng từ 200 năm trước, thờ các vị tiên tổ hai họ Trần, Lê. Trong Phủ Nội còn có bản gia phả ghi rõ Mẫu Liễu Hạnh được sinh ra tại thôn này có cha là ông Lê Thái Công, mẹ là Trần Thị Phúc.
Sự thật này lại được bao phủ bởi nhiều huyền thoại đan xen. Có người cho rằng, cha bà Liễu Hạnh đã từng nằm mộng được lên thiên đình. Tại đây ông chứng kiến cảnh Đệ nhị Tiên chúa Quỳnh Nương do phạm lỗiđánh vỡ chén ngọc mà bị đày xuống trần gian. Khi ông tỉnh giấc, vợ ông đã sinh được một con gái. Đêm ấy có hương lạ thơm nức ở trong nhà, trăng sáng soi vào cửa sổ. Nhớ lại giấc mộng ông bà liền đặt tên con là Lê Thị Thắng và mang biệt hiệu là Giáng Tiên (Tiên giáng trần). Ngoài ra, còn nhiều huyền thoại khác về sự hiển linh của bà như việc bà giúp nhà Trịnh dẹp giặc, hội kiến với trạng Bùng (Phùng Khắc Khoan) khi ông đi xứ Trung Quốc về… Trong phủ còn có hẳn một bài thơ về cuộc du ngoạn tao phùng giữa bà với trạng Bùng được chạm khắc rất rõ ràng. Vì thế mà dường như không ở đâu có được sự đan xen quấn quýt giữa hiện thực và huyền thoại như một bài thơ làm đẹp thêm cho đời bằng vùng đất lễ hội Phủ Dầy này. Chính lẽ đó mà hàng năm hàng chục vạn trai thanh gái lịch vẫn từ muôn phương đổ về đây dập dìu trảy hội, góp phần tăng thêm sự nổi tiếng cho lễ hội đặc sắc này.
Lễ hội Phủ Dầy Nam Định
Lễ hội Phủ Dầy là lễ hội tôn vinh Thái Mẫu Liễu Hạnh- một bậc"Thiên hạ mẫu nghi", vị thần chủ của tín ngưỡng thờ Mẫu và là một vị Thánh trong Tứ bất tử của dân tộc Việt Nam. Liễu Hạnh đã được phụng thờ ở nhiều nơi: Phủ Dầy, Phủ Tây Hồ, Phủ Sòng và rất nhiều các phủ, đền khác. Nhưng lễ hội Phủ Dầy là lễ hội lớn nhất và có tính quy mô nhất.
Hội Phủ Dầy kéo dài 10 ngày từ mồng 1 đến mồng 10 tháng 3 âm lịch. Đồ lễ phổ biến là hương, hoa quả tinh khiết đặt tại cung Đệ nhất thờ Mẫu. Đồ lễ mặn đặt tại ban Công Đồng và ban thờ các quan. Ngoài những hình thức lễ thông thường như ở các di tích tôn giáo khác như đặt lễ, thắp hương, khấn vái, xin âm dương, hóa vàng lễ ở các di tích thờ Mẫu nói chung và Phủ Dầy nói riêng có thêm hình thức đặc biệt là hầu đồng (hầu bóng).
Hầu bóng gắn với hát văn và múa thiêng là hình thức lễ phổ biến nhất ở Phủ Dầy. Hát văn cùng với múa thiêng - những điệu múa mang đậm chất dân gian (múa sinh hoạt, múa chèo đò, múa hẻo...) đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho nghi lễ hầu bóng. Người ta quan niệm rằng một số người “có căn" có khả năng giao tiếp với thần linh, có thể được Thánh nhập và quan thân xác họ. Để chuẩn bị cho một buổi hầu đồng, họ phải chuẩn bị khá kỹ và khá tốn kém từ việc chọn ngày tốt chọn người hầu dâng và cung văn đến việc mua sắm trang phục, mua đồ lễ... Tùy điều kiện kinh tế mà quần áo, đồ lễ sang trọng hay bình dân, nhiều hay ít. Thông thường, quy trình của một buổi hầu đồng diễn ra qua mấy bước: với sự giúp đỡ của hai người hầu dâng, người hầu đồng trùm khăn phủ diện, lắc lư, khi Thánh giáng thì giơ tay ra hiệu cho cung văn biết. Nếu Thánh đã nhập thì tung khăn phủ diện.
Hầu bóng diễn ra liên tục trong năm, nhưng có thể nói, hình thức lễ bái, đội bát nhang, trình đồng, lên đồng diễn ra đặc biệt sôi nổi trong các ngày hội. Lễ là nguyên nhân đầu tiên quyết định thành hình hội trong các lễ hội, vì vậy nếu mất đi những sắc vẻ truyền thống và thiêng liêng của lễ thì hội cũng khó có điều kiện tồn tại lâu đời.
Rước kiệu Mẫu Liễu trong ngày tổ chức lễ hội Phủ Giầy là một nghi thức quan trọng. Lễ rước được diễn ra khá náo nhiệt với sự tham gia của các nam nữ thanh đồng, của nhân dân trong thôn, đặc biệt là có các xe tay chở sư chùa Thiên Hương đi thỉnh kinh, đoàn xe tay chở các quan, các vị chức sắc hàng huyện, tổng...
Đám rước diễn ra trong không khí hào hứng, đầy nhiệt tình của dòng người náo nhiệt trải dài. Từ các cụ già 70 - 80 tuổi đến những cháu bé, từ những người giàu có đến các thành thị cho đến lớp nghèo khó, mặt ai cũng ánh lên vẻ phấn chấn. Đoạn đường rước Mẫu không ngắn những người ta không thấy mệt mỏi vì dường như Mẫu đã tiếp thêm cho họ một nguồn sinh lực mà không dễ gì có được. Đám rước ước chừng vài nghìn người từ nhiều miền quê khác nhau nhưng đều có một điểm chung - con cháu của Mẫu.
Trong đám rước còn có sự xuất hiện của các đội múa rồng, múa sư tử, múa tứ linh, múa võ rất đẹp mắt. Có 6 con rồng với nhiều màu, đặc biệt có một con rồng mây mà theo lời một số người dân địa phương, đó gọi là rồng Thanh Long (rồng xanh), luôn múa đôi cùng rồng Hoàng Long (rồng vang). Hai con rồng này cặp đôi, hòa quyện với nhau thì đất nước sẽ hưng thịnh. Đặc biệt, trong đám rước từ Phủ Thiên Hương còn có 3 con rồng được kết bằng hàng nghìn quả bóng bay với ba màu đỏ, xanh, vàng tượng trưng cho Tam tòa Thánh Mẫu trông rất sinh động.
Trò kéo chữ đây cũng là một nét đặc sắc của Phủ Dầy. Hội kéo chữ thường được tiến hành vào ba ngày 7, 8, 9 tháng 3 hàng năm.
Trước khi tổ chức kéo chữ, lý kỳ lý dịch phải lên lễ Mẫu để xin kẻo chư. Cũng có năm người lên Phủ Thông - nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh và bà Ngọc Đài để xin chữ xếp, xin được chữ gì thì dán lên bảng gỗ rồi đem treo trước phượng du. Mỗi làng cử từ 20 - 30 thanh niên được gọi là phu cờ, họ thường quấn khăn đỏ, mặc áo vàng, bụng thắt khăn đỏ, quần trắng, chân quấn xà cạp đỏ. Mỗi phu cờ cầm một gậy xếp chữ dài khoảng 4 thước dán giấy xanh, đỏ, trắng, vàng buộc nhiều tua rua, đầu gậy có ngù bằng lòng gà.
Tổng cờ sẽ là người điều khiển các phu cờ. Dưới sự điều khiển của tổng cờ, phu cờ chạy thành hàng một, vòng theo đường quanh hồ trước cửa Phủ rồi trở về sân và đứng vào vị trí đã định hình, hình thành dần cả nét chữ cho đến khi xếp xong. Nhìn từ xa trên đỉnh núi hay ngồi ở phương du cũng đều thấy nét chữ vàng nổi bật trên nền của những màu sắc sặc sỡ trông rất đẹp mắt. Chữ xếp thường là 4 chữ: "Mẫu nghi thiên hạ”, “Quang phục thánh thiện" hoặc "Hòa cốc phong đăng", "Thiên hạ thái bình". Người dân Phủ Dầy cho rằng tuỳ theo chữ kéo đầu năm mà năm đó Mẫu sẽ "gia ân" hay “gia uy" cho con nhang đệ tử.
Có thể nói đây là một hình thức vừa là lễ nghi, nhưng cũng vừa là trò chơi thể thao quy mô và đẹp mắt thu hút được hàng nghìn người tham gia và cổ vũ tán thưởng.
Đến bất cứ di tích nào trong khu vực quần thể di tích Phủ Dầy, chúng ta đều bắt gặp các làn điệu chầu văn vang lên từ sáng sớm đến đêm khuya. Hát chầu văn trở thành một nghi thức không thể thiếu trong các nghi lễ chính của tục thờ Mẫu, phục vụ cho lễ lên đồng
Chợ Viềng- nơi tạo một không khí hội hè sôi động cho cả vùng Phủ Dầy
Chợ Viềng là một chợ xuân của cư dân nông nghiệp, nó có truyền thống từ xa xưa và vẫn được bảo lưu như một nét đẹp văn hóa.
Chợ Viềng không chỉ đơn thuần là một chợ kinh tế mà còn một hội chợ tâm linh - chợ văn hóa. Người mua chẳng cần mua rẻ, người bán cũng chẳng cần bán đắt. Người ta quan niệm chỉ cần mua được một vật dụng gì đó là cả năm tới sẽ làm ăn may mắn, phúc lộc dồi dào. Đặc biệt, trong hội chợ này dường như có mặt tất cả các sản vật của đa phương cũng như sản phẩm của các vùng lân cận. Các mặt hàng được bày bán la liệt với đủ mọi chủng loại: từ các sản phẩm nông nghiệp như gạo, ngô, khoai sắn đến các vật dụng sinh hoạt như ấm chén, rổ rá, từ các đồ thờ cúng, các trang phục sinh hoạt tín ngưỡng đến các đồ trang trí, trang sức mỹ nghệ.
Đi chợ Viềng ai cũng muốn được nếm thử những món đặc sản như thịt bò thui chấm với tương gừng, mua bánh dày giò...
Chợ Viềng ở đây còn gắn với các di tích, mà bao trùm lên cả quần thể này là thờ Mẫu Liễu Hạnh. Bởi vậy người ta tới chợ Viềng còn với tâm thức đến lễ Mẫu, xin lộc Mẫu. Họ tin rằng mọi vật dụng mà họ mua trong chợ sẽ được Mẫu - Mẹ chúng giám và phù hộ. Vì thế, người ta vừa đi chơi, vãn cảnh chợ, vừa mua bán những vật dụng may mắn, vừa vào Phủ lễ Mẫu Liễu, lên đền Mẫu Thượng, xuống cả đền Mẫu Thoải cầu mọi sự may mắn, bình an, làm ăn phát đạt, cầu mưa thuận gió hòa để mùa màng tươi tốt.
Như vậy, Lễ hội Phủ Dầy là một hình thức sinh hoạt văn hóa - tâm linh đáp ứng nhu cầu tinh thần - tình cảm của đông đảo nhân dân. Bằng hoạt động lễ hội, con người vừa có thể bày tỏ những tâm tư, khát vọng của mình vừa có dịp bộc lộ các khả năng sáng tạo của chính mình. Sống trong khung cảnh lễ hội, con người có được những giây phút “thăng hoa" để tạm quên đi những nỗi cực nhọc vất vả hàng ngày. Chính lễ hội đã tiếp thêm nguồn sức mạnh thiêng liêng để con người tiếp tục sống và lao động.
Văn khấn lễ Thánh Mẫu Liễu Hạnh
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Hương tử chúng con kính lạy:
- Thánh mẫu Liễu Hạnh, Chế Thắng Hòa Diệu, Đại vương “Tối linh chí linh”.
- Mẫu Đệ nhất thiên tiên!
- Mẫu Đệ nhị thượng ngàn!
- Mẫu Đệ tam thoải cung!
Hương tử con là .................................................. .........................................
Ngụ tại .................................................. .................................................. .....
Hôm nay là ngày ..... tháng ..... năm .....
Tại: Phủ Dầy, Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định
Chúng conthắp nén hương thơm khấu đài vọng bái, lòng con thành khẩn, dạ con thiết tha, kính dâng lễ vật, cúi xin các Ngài Lưu phúc lưu ân, phù hộ độ trì, bốn mùa không hạn ách nào xâm phạm, tám tiết có điều lành tiếp ứng. Cháu con được chữ bình an, học hành chăm chỉ có tài có chí nên danh nên phận, gia đạo hưng vượng. Cầu xin Thánh Mẫu, gia ân tác phúc, độ cho gia quyến chúng con an ninh, khang thái, cả năm của cải xung chu, ăn mặc không thiếu, tai tinh có chiếu, chế biến trừ cho, mọi sự không lo, cả nhà vui vẻ, ơn nhờ đức huệ.
Cúi mong ơn đức cao dầy, thương xót phù trì bảo hộ. lòng thành kính cẩn, lễ bạc tiến dâng lượng cả soi xét, xin Thánh Mẫu chứng giám.
Giãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám
Cẩn tấu.
Suckhoecuocsong.com.vn