Phật Pháp vô biên, tại sao người phạm tội vẫn có thể sinh miền tịnh độ?
Phật Pháp vô biên là điều không thể dùng cái lý chốn người thường để đo lường
Một lần, vị quốc vương hỏi một tỳ kheo: “Trong kinh Phật có giảng, người tại thế gian làm điều đại ác, tuy tội đại ác nhưng nếu trước lúc lâm chung, nếu như người đó có lòng nhất tâm niệm Phật ắt sẽ được sinh về miền tịnh độ. Câu nói này khiến người ta thật khó tin. Trong kinh văn cũng lại có thuyết nói rằng, nếu một người mà phạm tội sát sinh thì ắt bị đày vào địa ngục. Câu nói này cũng khiến người ta thật khó lý giải, xin ngài giải thích giúp tôi”.
Vị tỳ kheo nghe xong bèn hỏi quốc vương: “Xin hỏi đại vương, nếu như lấy một viên đá nhỏ để trên mặt nước, viên đá đó sẽ chìm hay nổi?”.
Quốc vương kia trả lời. “Đương nhiên nó sẽ chìm rồi”.
Vị tỳ kheo kia lại hỏi quốc vương: “Vậy nếu như đem một tảng đá to đặt trên chiếc thuyền thì tảng đá đó chìm hay nổi?”.
Quốc vương đáp: “Đương nhiên là nổi rồi, vì nó có thuyền nâng đỡ”.
Vị tỳ kheo nghe vậy liền giảng giải: “Tảng đá to kia đặt trên chiếc thuyền nên không bị chìm xuống thì cũng giống như người làm điều ác kia vậy. Chỉ cần thành tâm hướng Phật, tin vào Phật Pháp, con thuyền Phật Pháp từ bi tự nhiên sẽ không để họ bị rơi xuống. Vậy ở đây có gì khó hiểu? Viên đá tuy nhỏ, nhưng vì không có gì nâng đỡ cho nên nó sẽ chìm ngay xuống đáy, cũng như con người không tin vào Phật Pháp, sau khi chết sẽ rơi vào địa ngục. Đạo lý đơn giản là vậy, có gì khó hiểu đâu?”.
Vị quốc vương nghe xong như người tỉnh cơn mơ nói: “Thiện tai, thiện tai, Phật Pháp thật là thâm sâu vi diệu, không thể nghĩ bàn”.
Con người vì sao lại mê mờ vào những điều vô thường, hư ảo trước mắt mà lại không tin vào những điều chân thực, thù thắng của Phật Pháp, điều có thể giúp con người siêu thoái khỏi bể khổ trầm luân? Nguyên nhân chính là bởi con người bị sự hiểu biết nông cạn của chính mình che mắt, cộng với giả tướng mà cặp mắt thịt này của con người mang lại. Cho nên đối với những Pháp lý siêu phàm thoát tục thì đều khiến con người không tin. Có người thường cho rằng: “Không thấy không tin” là lẽ thường tình, có những điều con người nhìn mà không thấy, thậm chí là cố tình né tránh không chịu đi tìm hiểu chân lý đằng sau đó.
Phật Pháp vô biên là điều không thể dùng cái lý chốn người thường để đo lường, cũng là điều mà không phải bất cứ người thường nào cũng có thể lý giải. Con người chỉ có thể nhìn thấy Phật lý khi buông bỏ những tri thức hoặc cái khung phong bế của khoa học hiện đại, sẵn lòng buông bỏ những quan niệm cố hữu để tìm cho mình một chân lý mới. Khi con người có thể làm được điều đó, thì chúng ta sẽ thấy được sự huyền diệu của Phật Pháp, có thể thể nghiệm một cách thực tại đạo lý thâm sâu của Phật Pháp, vốn là điều siêu thường nơi nhân loại chúng ta.
Sưu tầm