Những quan điểm trái ngược trong giáo dục giới tính ở Nhật

10/03/2016 11:08

Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, hệ thống các trường học ở Nhật đã đề cập và phân tích rõ ràng về cấu tạo cũng như sự khác biệt trong cơ thể giữa nam và nữ.

Với mục đích mang đến cho các em những hiểu biết và nhận thức phù hợp về vấn đề này, ngay từ khi còn nhỏ, hệ thống các trường học ở Nhật đã đề cập và phân tích rõ ràng về cấu tạo cũng như sự khác biệt trong cơ thể giữa nam và nữ, giúp trẻ có được những tư duy cần thiết. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem, cách giáo dục giới tính của người Nhật có gì khác biệt so với các quốc gia khác hay không...

 

Bài học “vỡ lòng”…

Không giống ở Việt Nam, các bé đi vệ sinh vẫn cần gọi cô. Ngay từ giai đoạn mẫu giáo, trẻ em Nhật Bản đã được các cô giáo ở lớp dạy cách sử dụng nhà vệ sinh. Thường thì các cô sẽ cho bé nam và bé nữ xếp thành hai hàng, đi các nhà vệ sinh khác nhau, học cách sử dụng các vật dụng trong nhà vệ sinh như thế nào và quy trình đúng ra sao.

Giáo dục giới tính cho trẻ cũng đi kèm với việc học vệ sinh thân thể, bao gồm: cách sử dụng giấy vệ sinh hay mặc đồ lót. Ví dụ: các bé gái luôn được cô dạy phải lau vùng kín từ trước ra sau để tránh viêm nhiễm. Các bé trai không được lấy tay nghịch bộ phận sinh dục. Cô giáo cũng thường xuyên nhắc nhở bố mẹ thay đồ lót cho con, đặc biệt là các bé trai vì đồ lót không sạch có thể gây rối loạn chức năng tình dục của bé trong tương lai.

Việc nhận biết về sự khác biệt giữa con trai và con gái được đưa vào chương trình đào tạo từ khi các bé còn học ở mẫu giáo lớn. Chúng ta có thể hơi “sốc” khi nghe những cuộc đối thoại như thế này ở Nhật:

“Sự khác biệt giữa nam và nữ là gì?” - Thầy giáo hỏi.

“Quần không giống nhau”, “Áo không giống nhau”, “Chỗ đi tiểu không giống nhau”, “Nam có dương vật nhỏ còn nữ thì không”… - các học sinh thi nhau trả lời.

“Không phải, nữ cũng có các cơ quan tương tự như nam giới, nhưng cơ quan sinh dục của nữ nằm ở bên trong, bên ngoài không nhìn thấy”, cô giáo sửa câu trả lời sai của các bé và dạy bé hiểu thế nào là cơ quan sinh dục bên trong.

“Nữ còn có thể tiết sữa ạ”, một cô bé bổ sung.

“Nhưng tại sao nam lại không có sữa ạ?” - bé khác thắc mắc.

“Bởi vì nữ cần sữa để nuôi con. Tất cả chúng ta lớn lên đều ăn sữa mẹ đúng không nào?”… và từ đó, cô giáo cũng tận dụng cơ hội để giới thiệu về vai trò giới và sự khác biệt của mỗi thành viên trong gia đình.

Những cuộc thảo luận như vậy không hề hiếm tại các trường mẫu giáo lớn ở Nhật. Bởi người Nhật cho rằng, giai đoạn đi mẫu giáo là cơ hội tốt để dạy trẻ về giới tính, để các bé nhận thức được về vai trò giới, hiểu được sự khác biệt giữa một cậu bé và một cô bé là ở điểm nào để thiết lập ý thức tự bảo vệ chính bản thân mình.

 

Hình ảnh giáo dục giới tính trong sách giáo khoa của học sinh tiểu học

Kiến thức về sinh sản được đưa vào học từ bậc tiểu học. Bộ Giáo dục Nhật Bản xuất bản tập đầu tiên của cuốn sách giáo khoa nói về cơ thể nam giới, nữ giới, các bộ phận sinh sản và kiến thức sinh sản từ bậc tiểu học. Mỗi năm, trẻ sẽ có từ 1-2 giờ tham dự bài giảng đặc biệt này.

Trẻ tiểu học sẽ học về kinh nguyệt, nguyên tắc khi mang thai, đọc những cuốn sách tranh mô tả sơ lược quá trình “tạo ra em bé” của bố mẹ. Trẻ trung học sẽ học về các biện pháp tránh thai, bệnh lây truyền qua đường tình dục và các khía cạnh đạo đức. Việc phổ cập giáo dục giới tính ở Nhật Bản dường như khiến các ông bố bà mẹ thoải mái hơn nhiều khi không phải lo đối mặt với những thắc mắc, băn khoăn của trẻ ở độ tuổi mới lớn nhiều tò mò.

…và cuộc tranh luận chưa có hồi kết

“Chẳng có gì sai trái khi quan hệ tình dục trước hôn nhân. Tôi thực sự nghĩ rằng, không có lí do gì để chờ đợi” - đó là lời tuyên bố của nữ sinh trung học Nhật Bản Monami Okubo, người thường xuyên tới quận ăn chơi Shibuya, Tokyo trong bộ đồng phục học sinh ngây thơ và cặp kính cận đầy trí tuệ. Thái độ thản nhiên về vấn đề quan hệ tình dục trước hôn nhân không chỉ có ở Okubo mà là quan niệm chung của hầu hết các thanh thiếu niên ở tuổi cô. Điều này đang làm đau đầu các nhà lập pháp Nhật Bản về một sự biến đổi bất thường trong hoạt động tình dục ở tuổi học sinh.

 

Nhiều nữ sinh Nhật Bản đã quan hệ tình dục ở độ tuổi 17.

Theo dữ liệu của Bộ Y tế Nhật Bản, gần một nửa số nữ sinh 17 tuổi đã quan hệ tình dục, tăng khoảng 17% so với năm 1990. Với nam, chỉ số này là 40%, gần gấp đôi so với chỉ số năm 1990. Sự tăng lên đột biến các bệnh truyền nhiễm trong giới trẻ và tỉ lệ nạo phá thai ở thanh thiếu niên cũng tăng mạnh đã làm nảy sinh cuộc tranh luận về giáo dục giới tính tại Nhật Bản, nơi mà sách báo khiêu dâm được bán rộng rãi nhưng những buổi thảo luận thẳng thắn về tình dục vẫn bị cấm kị.

Nhà lập pháp của Đảng cầm quyền - bà Eriko Yamatani cho rằng, giáo dục giới tính kiểu cụ thể hoá là một phần nguyên nhân của sự gia tăng hoạt động tình dục ở thanh thiếu niên. “Lối dạy hiện nay khiến học sinh từ tiểu học nhận thức rằng sử dụng biện pháp tránh thai là OK cho quan hệ tình dục”. Yamatani mặc dù ủng hộ giáo dục tình dục trong nhà trường nhưng lại lo ngại rằng, một số phương pháp như sử dụng những mô hình trai và gái có kích thước như thật để mô tả về mặt giải phẫu và các sách giáo khoa có hình ảnh sinh hoạt tình dục là quá “gợi tình”.

 

Những hình ảnh “gợi tình” trong loạt truyện tranh “người lớn” của thanh thiếu niên Nhật.

Phe phản đối của cuộc tranh luận về vấn đề này là các nhà giáo dục. Họ cho rằng, cần giáo dục giới tính với những kiến thức cụ thể hơn. Không thể thờ ơ với vấn đề tình dục khi sự tò mò tự nhiên về giới tính luôn được thổi bùng lên bởi những cảnh mùi mẫn đầy rẫy trên truyền hình hay truyện tranh khiêu dâm chiếm chỗ trong cặp sách…

Đại diện phe này là Yukihiro Murase - giảng viên về giới tính học ở Trường Đại học Hitotsubashi. Ông nói: “Khiêu dâm xuất hiện ở mọi nơi, đó là nguyên nhân kích động sự gia tăng của quan hệ tình dục trong giới học sinh”. Phe này cho rằng, chính việc giáo dục giới tính không cụ thể đã khiến các em hiểu lơ mơ, dẫn đến những quan niệm sai lầm. “Nhiều trường chỉ dạy tên của các bệnh lây qua đường tình dục và đám trẻ nghĩ rằng chỉ nam giới ở tuổi trung niên mới mắc phải, hoặc nó chỉ xảy ra ở thành phố. Nhiều nữ sinh Nhật thay đổi bạn tình 3 hoặc 4 người/năm và tin rằng mình vẫn an toàn bởi chỉ quan hệ với mỗi bạn tình chỉ một lần” - Masako Kihara, giảng viên ở Đại học Kyoto nói.

Hiện, Bộ Giáo dục Nhật Bản đang cố gắng tìm một lối đi giữa 2 quan điểm trái ngược trên. “Có những bậc cha mẹ không muốn chúng tôi dạy quá chi tiết, vì thế chúng tôi không thể dạy cả lớp theo cách đó. Phải làm gì đó để ngăn chặn các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục nhưng chúng tôi chỉ có thể yêu cầu giáo viên hướng dẫn học sinh về những nguy hiểm một cách kín đáo và tế nhị”- một quan chức Bộ Giáo dục phân trần.

Trong khi đó, nhiều học sinh cho rằng, họ quan tâm đến kiến thức tình dục một cách thiết thực: “Tôi tò mò về chuyện quan hệ nam nữ và sẽ tốt hơn nếu tôi biết mọi thứ như chuyện tránh thai chẳng hạn. Tôi không thích bị cấm đoán kiểu ép buộc. Tốt nhất là hãy nói cho tôi hiểu và dạy tôi cách tự bảo vệ mình”.

Suckhoecuocsong.com.vn

Các tin khác

Nhận biết ngộ độc thực phẩm trong ngày Tết và cách xử lý

Ngộ độc thịt cóc: nguyên nhân, dấu hiệu, cách xử trí chuẩn nhất

Ngộ độc trà sữa dấu hiệu nhận biết, cách xử lý chuẩn

Kỹ năng sơ cứu người bị ngạt khói trong hỏa hoạn

Ngộ độc sắn, say sắn: triệu chứng, cách xử lý chuẩn nhất

Kỹ năng xử lý khi mắc kẹt trong thang máy bị mất điện đột ngột

Dạy con trai thành tài bằng 9 bài học ngay từ nhỏ

Người đọc sách thường có khi chất thế nào

13 lời nhắn nhủ giúp bạn "thức tỉnh" trước khi quá muộn

10 câu nói khiến bạn nỗ lực không ngừng