Những câu chuyện có thật về tình thầy trò làm lay động trái tim người nghe
Những câu chuyện về tình thầy trò
Những câu chuyện có thật về tình thầy trò làm lay động trái tim người nghe
Ngày nay, khi xã hội xuống cấp về mặt đạo đức thì vẫn còn phảng phất đâu đây hơi ấm tình thầy trò. Những câu chuyện sau đây chắc chắn sẽ làm bạn xúc động:
1. 400 học sinh đứng hát trước nhà thầy giáo bị ung thư
Ben Ellis, giáo viên Học viện Christ Presbyterian, một trường thánh ở Nashville, Mỹ mắc bệnh ung thư và phải ở nhà dưỡng sức. Hơn 400 học sinh và một số giáo viên đã cùng đứng trước sân cỏ nhà thầy để hát thánh ca. Tuy người thầy đáng kính qua đời sau đó chỉ một ngày, nhưng hành động nhân văn này vẫn như một phép màu lay động trái tim hàng triệu người.
2. Giảng viên vừa dạy vừa bế con cho sinh viên
Giáo sư Josie Ryan, giảng viên Toán của Đại học Lander (Greenwood, Nam Carolina, Mỹ) sát cánh với Saral Thompson ngay từ khi nữ sinh này mang thai. Không chỉ tìm cách đảm bảo cho Saral không bỏ học, Ryan còn cho phép Saral mang con đến lớp, nhắc cô cho con bú tại phòng y tế của trường.
Giáo sư thậm chí vừa bế con của sinh viên vừa giảng bài từ khi em bé mới được 3 tuần tuổi.
3. Cô giáo hiến thận cho học sinh
Lyla, 4 tuổi ở Mỹ bị suy thận, trải qua 9 tháng điều trị nhưng chỉ còn cách thay thận mới có thể tiếp tục sống. Cô Beth Carreyn, giáo viên của Lyla quyết định hiến thận cho em sau khi xác định được mình là người phù hợp.
Video quay cảnh cô gây bất ngờ cho mẹ Lyla với món quà là tờ giấy có dòng chữ “Hiện tại, có lẽ tôi chỉ là giáo viên của Lyla. Nhưng sớm thôi, một phần nhỏ bé của tôi sẽ ở cùng Lyla mãi mãi. Tôi là người hiến thận cho Lyla”.
4. Câu chuyện cuối cùng và cũng là câu chuyện sâu sắc nhất: sự im lặng của người thầy
Câu chuyện dưới đây của bạn Hồ Trọng Việt về sự im lặng cách đây 9 năm của cô giáo mình. Nhưng, theo bạn này, đó là sự im lặng khiến bạn thức tỉnh, bừng ngộ.
Dạo gần đây trên báo chí hay đăng tải nhiều bài viết về nghề giáo với nhiều "sự cố", trong đó có trường hợp cô giáo im lặng trên bục giảng suốt 3 tháng khiến học trò cảm thấy hoang mang, sợ hãi.
Câu chuyện này gợi tôi nhớ về sự im lặng cách đây 9 năm của cô giáo mình, nhưng đó là sự im lặng khiến tôi thức tỉnh, bừng ngộ.
Là một học trò giỏi với nhiều bài kiểm tra đạt điểm 9, 10 môn Sử, tôi trở thành học trò cưng của cô tôi. Trong mắt tôi, cô là một người giáo viên nhiệt tình, cô giảng bài rất hay về các trận đánh lịch sử dân tộc.
Thấm thoát mà cũng đến bài kiểm tra 15’ cuối cùng trước khi thi học kì 1. Chiều hôm trước ngày kiểm tra, tôi thuộc rất kĩ bài Nhật Bản. Tuy nhiên, tôi không làm cách nào cho vào đầu nổi bài các nước Tây Âu.
Với áp lực giữ vững thành tích và trở thành một đứa học trò giỏi trong mắt cô, tôi quyết định sử dụng tài liệu cho bài chưa thuộc. Với cây thước gỗ trên tay, tôi chép bằng cỡ chữ nhỏ nhất mà mắt mình có thể đọc được. Không ai biết bí mật của tôi.
Tôi vui mừng an tâm cho bài kiểm tra sắp tới, kẹp thước vào trong một cuốn tập chẳng chút bận tâm.
Đề kiểm tra có 2 câu. Tôi làm trót lọt câu 5 điểm bài Nhật Bản. Còn câu 5 điểm bài các nước Tây Âu, tôi chẳng nhớ lấy một chữ. Tất nhiên, tôi không lo lắng vì mình không thuộc, bởi lẽ tôi đã thủ sẵn bảo bối trong cặp.
Chờ cô đi xuống cuối lớp, tôi làm vẻ mặt bình thản, thò tay vào cuốn tập hôm qua, lấy cây thước gỗ ra đặt trên bàn. Chép lấy chép để. Vừa chép, vừa nghĩ đến điểm 10, tôi cười thầm như mở cờ trong bụng.
Oái ăm thay, mặc dù đã lấy tay chặn ngang cây thước, khi đi lên, cô vẫn rút cây thước ra từ tay tôi. Thôi xong rồi. Tôi tự nhủ thầm. Cúi gằm mặt xuống, không nghe thấy gì từ cô. Cô chưa phát hiện ra trên cây thước có tài liệu.
Thì ra chỉ là cô mượn cây thước để gõ lên bàn, nhắc nhở lớp im lặng thôi. Cảm xúc trong tôi lúc này thật hỗn độn. Biết bao nhiêu nơ-ron, tế bào thần kinh của tôi cứ căng ra như dây đàn. Tôi sợ cô phát hiện ra đến nỗi không dám cúi xuống làm bài tiếp.
Và cuối cùng thì tôi không thoát. Đưa thước trả tôi, cô thấy chi chít chữ trên đó. Thế là cô mang kính vào và đọc. Tôi thấy một sự thất vọng tràn ngập trong mắt cô. Cô im lặng không nói cho lớp biết. Cô giữ luôn cây thước của tôi. Ngày hôm đó trôi qua nặng nề như thể có tảng đá trong tâm hồn tôi.
Không có tên trong sổ đầu bài, cô không nói trước lớp… Tôi chắc mẩm cô giữ cây thước lại để nói với cô chủ nhiệm, rồi mời phụ huynh. Nhưng mấy ngày, mấy tuần, rồi cả tháng trôi qua. Tôi biết tôi thoát rồi.
Tôi thở phào nhẹ nhõm mà lòng tôi có phút nào bình yên. Sự im lặng đến độ bao dung của cô làm tôi khiếp sợ.
Bài kiểm tra đó tôi được 7 điểm. Ngoài sức tưởng tượng của tôi. Tưởng rằng sẽ là một con 0, nhưng cô vẫn vị tha, chấm điểm cho tôi như những bạn khác. Con điểm 7 đó tôi còn quí hơn cả mấy điểm 10 mà tôi đạt được lúc trước.
Kể từ đó, tôi ân hận đến độ tự khép mình trong một vỏ bọc hoàn hảo của một học sinh giỏi ngoan hiền. Cuối năm, tôi đứng nhất lớp. Hạnh kiểm loại tốt.
Đó là câu chuyện của năm học 2008 - 2009. Bây giờ tôi đang là giáo viên Ngữ Văn tại một trường THPT trên thành phố. Như vậy cũng đã gần 9 năm trôi qua, 9 năm nhưng mỗi lần nghĩ đến, tôi luôn rùng mình vì những cảm xúc mà câu chuyện đó mang lại.
Giờ đây, câu chuyện này vẫn được tôi kể cho các học sinh của tôi nghe, bài học về sự trung thực này tôi dành để tự răn mình và răn trò.
Sự vị tha, tấm lòng bao dung của cô khiến tôi luôn trăn trở và nể phục. Có thể hôm đó, nếu là người giáo viên khác, tôi sẽ bị đưa ra trước lớp, sẽ bị giáo viên chủ nhiệm hạ hạnh kiểm…Nhưng, sự im lặng của cô lại là điều khiến tôi khó xử nhất.
Được như hôm nay, cũng là nhờ một phần bài học từ ngày đó và từ tấm gương Sư phạm của cô.
Có ai đó đã từng nói rằng: mỗi người thầy, người cô lớn lên, trưởng thành được là nhờ những kí ức về những người thầy đã đi qua trong cuộc đời của họ.
Quả thật như vậy, kí ức về những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường trở thành hành trang cho tôi vững bước trên con đường sư phạm của mình.