Kỹ thuật trồng lan Ngọc Điểm chuẩn xác

05/11/2021 11:00

Hướng dẫn chăm sóc lan Ngọc Điểm (lan Đai Châu), phòng trừ sâu bệnh lan Ngọc Điểm

Kỹ thuật trồng lan Ngọc Điểm chuẩn xác

Lan Ngọc Điểm hay còn được gọi với nhiều tên gọi khác nhau như: lan Đai Châu, lan Nghinh Xuân, lan Lưỡi Bò, lan có tên khoa học là Rhynchostylis gigantea. Chúng có nguồn gốc từ Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Đây là một trong những dòng phong lan khá dễ trồng, hoa của chúng đẹp, có mùi hương quyến rũ thường nở vào đúng dịp Tết nguyên đán

Lan Ngọc Điểm thuộc dòng thân thảo, có hành giả, cây có tán lá dày, to mọc đan chéo nhau xòe ra theo hình cánh quạt, lá cây có màu xanh đậm, chiều dài từ 20-30cm. Khi ra hoa, hoa của lan Ngọc Điểm thường mọc theo chùm, mọc rũ xuống từ đầu cành. Lan Ngọc Điểm có kích thước từ 3-5cm, có nhiều màu khác nhau như: trắng, đỏ, hồng hay tím,… màu sắc bắt mắt, hoa có mùi thơm ngát, lâu tàn

Hướng dẫn chăm sóc lan Ngọc Điểm (lan Đai Châu)

Nhiệt độ

Lan Ngọc Điểm thích hợp sinh trưởng ở nhiệt độ khoảng từ 26-30 độ C. Chúng có thể chịu được nhiệt độ cao lên đến 38 độ C nhưng với điều kiện phải ở môi trường thoáng hơn bình thường, cần phải tăng độ ẩm cho lan. Loài lan này chịu lạnh khá kém, không thể chịu lạnh dưới 10 độ C, do đó các khu vực phía Bắc, vùng núi Tây Bắc vào mùa đông nhiệt độ thường xuống thấp cần có biện pháp giữ ấm cho lan, di chuyển lan đến khu vực ấm hơn, tránh khiến nụ hoa bị chết.

Ánh sáng

Ánh sáng là một trong những yếu tố tác động đến quá trình sinh trưởng của lan. Nếu không được cung cấp đầy đủ ánh sáng sẽ khiến cây bị bệnh thối nhũn. Ngược lại nếu ánh sáng quá nhiều, cây không được che chắn cây sẽ bị cháy lá, lá mỏng, rễ phát triển kém và khó ra hoa. Do đó, ánh sáng thích hợp cho cây phát triển chính là nên cung cấp ánh sáng khoảng 60-70%

Độ ẩm

Lan Ngọc Điểm ưa độ ẩm cao, do đó trong quá trình chăm sóc cần cung cấp độ ẩm cho lan từ 40-70%. Thường xuyên tưới nước cho lan, sử dụng hệ thống tưới nước tự động cho lan để tưới cho lan nhất là vào mùa hè, nhiệt độ cao. Ngày hè, thời tiết hanh khô nên tưới nước cho lan từ 2 đến 3 lần vào buổi sáng hoặc chiều mát, không tưới cây thời điểm trưa nắng gắt, tối muộn. Khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột cần tưới nước để cung cấp độ ẩm cho cây sinh trưởng, phát triển.

Độ thông thoáng

Khi trồng lan Ngọc Điểm (lan Đai Châu) yêu cầu vườn lan phải thông thoáng, giá thể trồng lan phải có khe hở không quá chặt. Khi treo chậu lên trên giàn trồng không nên để quá sát nhau mà nên để thông thoáng, hạn chế lan bị lây nhiễm bệnh, nấm hại từ các cây khác trong vườn trồng

Khu vực trồng lan

Khu vực trồng lan số lượng nhiều nên thiết kế nhà lưới, có chiều cao từ 3,5-4m, các trụ làm bằng sắt không rỉ hoặc sử dụng bê tông chắc chắn có thể chịu được gió to, mưa giông. Trên nhà lưới sử dụng mái che bằng lưới tán xạ 40% ánh sáng, màu đen hoặc xanh thẫm sao cho nhà trồng có đủ ánh sáng và thông thoáng.

Giàn trồng lan nên làm bằng sắt, thiết kế theo hướng đông-tây, lưới che theo hướng bắc-nam.  Giàn rộng từ 1,2-1,5m, chiều cao giàn 0,8m, trên giàn đặt các vĩ nhựa đen loại 12 lỗ hoặc 15 lỗ đường kính 12 cm (nếu trồng chậu), ngược lại nếu trồng bằng cách ghép trên gỗ phải thêm các thanh đà làm giá đỡ cho lan

Bên trong khu vực trồng lan với số lượng nhiều nên sử dụng hệ thống tưới phun sương đặt dưới mái che

Thời vụ thích hợp trồng lan Ngọc Điểm

Lan Ngọc Điểm khác với một số dòng lan khác, chúng có thể trồng quanh năm. Nhưng để chúng phát triển thuận lợi tránh trồng vào những ngày mưa nhiều dễ bị nấm bệnh gây hại cho rễ, thân và gốc của lan

Lựa chọn giống trồng lan Ngọc Điểm

Có thể sử dụng giống trồng từ nguồn lan Ngọc Điểm rừng hoặc lan Ngọc Điểm cấy mô.

+ Lan Ngọc Điểm rừng: Lựa chọn những cây trưởng thành có từ 5-6 cặp lá, rễ ra nhiều và dài, phát triển tốt

+ Lan Ngọc Điểm cấy mô: Lựa chọn cây có thời gian sinh trưởng 6 tháng, có 3 cặp lá trở lên, lá xanh cây khỏe không sâu bệnh, có từ 2-3 rễ phát triển tốt

Giá thể trồng lan Ngọc Điểm (lan Đai Châu)

Có thể sử dụng nhiều loại giá thể trồng lan, có thể ghép lan trồng trên gỗ cây vú sữa khô đã qua xử lý thuốc nấm và nước vôi, trồng trong chậu nhựa, chậu đất nung.

Khi trồng trong chậu nên sử dụng những chậu trồng có đường kính từ 12-14cm, giá thể có thể là vỏ thông, than củi, vỏ dừa cắt khúc ép thành từng miếng. Các giá thể trước khi trồng nên xử lý nước vôi nồng độ 1%, rửa lại nước sạch cho đến khi nước trong và để ráo.

Xử lý cây giống trước khi trồng

Lan Ngọc Điểm cấy mô:

Bước 1: Sau khi mua về đặt ở khu vực thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời. Để khoảng 2-3 tiếng để cây thích nghi với môi trường sống mới

Bước 2: Tiến hành xử lý nấm bệnh trước khi ghép trên gỗ hoặc trồng chậu bằng thuốc trừ nấm Ridomil Gold 68WP (Metalaxyl, Macozeb) 2-3%o.

Lan Ngọc Điểm rừng:

Bước 1: Lan Ngọc Điểm rừng sau khi mua về đặt lan vào khu vực thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp của mặt trời. Để khoảng 2-3 tiếng để cây thích nghi với môi trường sống mới

Bước 2: Tiến hành phun sương 1-2 ngày, mỗi lần phun sương vào sáng sớm, chiều mát.

Bước 3: Tiến hành cắt bỏ rễ già và tiến hành ngâm cây vào dung dịch thuốc nấm Ridomil Gold 68WP (Metalaxyl, Macozeb) hoặc Antracol 70WP nồng độ 2-3% trong 5-10 phút

Bước 4: Chờ khi cây khô, tiến hành kích rễ bằng cách sử dụng vitamin B1 hoặc N3M

Bước 5: Treo ngược vào chổ râm mát, chờ khi cây nhú rễ mới tiến hành ghép trên gỗ hoặc trồng vào chậu

Trồng lan Ngọc Điểm trong chậu

Bước 1: Bỏ một chút giá thể vỏ thông, than củi, vỏ dừa cắt khúc đã được xử lý vào dưới đáy chậu

Bước 2: Đặt cây vào trong giữa chậu, cố đinh cây vào thành chậu, cho tiếp giá thể còn lại vào chậu, sao cho cây không bị lay gốc và có độ thông khí.

Trồng lan Ngọc Điểm trên gỗ

Bước 1: Tùy độ lớn của gỗ ghép quyết định đến số cây ghép, thường ghép từ 1-3 cây trên trụ hoặc thớt.

Bước 2: Dùng dây cố định từng cây giống trên trụ hoặc thớt gỗ, trên mỗi trụ hoặc thớt gỗ có móc treo.

Dọn sạch cỏ xung quanh khu vực trồng lan

Định kỳ làm sạch cỏ dại trong và xung quanh khu vự trồng, dưới giàn để lan 1tháng/lần để tạo vườn thông thoáng, hạn chế sâu bệnh hại.

Phân bón

Giai đoạn cây con:

Sử dụng phân NPK 30-10-10 kết hợp phun Atonik và Vitamin B1, nồng độ 1-2%o, định kỳ phun 5-6 ngày/lần để kích thích hình thành rễ. Khi phun nên phun ướt đều lá và giá thể.

Giai đoạn này rễ cây phát triển mạnh, cây sinh trưởng nhanh:

Sử dụng phân bón Growmore Orchid 20:20:20 pha 2-3g/lít. Sử dụng Vitamin B1 Growmore liều lượng 2-3ml/lít. Phân cá Fish Emulsion khoảng 2-3ml/lít. Terra-Sorb-Root4 nồng độ 0,1 – 0,2%, khoảng 1-2ml/lít.

Cách phun:

Sử dụng Growmore Orchid 30:10:10 kết hợp Vitamin B1 Growmore phun 5-7 ngày/lần, phun liên tiếp 2-3 tuần, sau đó phun 1 lần Growmore Orchid 30-10-10 và Terra-Sorb-Root4 , tiếp theo phun phân cá và sau đó phun lặp lại như ban đầu.

Ngoài ra sử dụng thêm phân chậm tan NPK 12-12-12 (14-14-14) liều lượng 1-2g/chậu, (trụ) và định kỳ bón 3 tháng/lần.

Giai đọan cây chuẩn bị ra hoa và nuôi hoa:

Sử dụng phân Growmore Orchid  6-30-30, 10-30-20 hoặc 15-20-30 dùng 2-3g/lít. Phân cá Fish Emulsion 2-3ml/lít nước. Vitamin B1 Growmore dùng 2-3ml/lít. Terra-Sorb-Root4 nồng độ 0,1 – 0,2%, khoảng 1-2ml/lít.

Cách phun:

Phun kích ra hoa Growmore Orchid 10-60-10, định kỳ 5-6 ngày/lần, phun liên tiếp 3-4 lần. Khi thấy vòi hoa xuất hiện khoảng 1 – 2cm phun Growmore Orchid  20:20:20 hoặc 6-30-30, kết hợp phun xen kẽ Vitamin B1 Growmore, Phân cá Fish Emulsion, Terra-Sorb-Root4  để hoa có màu sắc đẹp và lâu tàn.

Phòng trừ sâu bệnh lan Ngọc Điểm

Lan Ngọc Điểm bị bệnh thán thư

Nguyên nhân:

Do nấm Colletotrichum sp

Dấu hiệu:

Ban đầu là chấm tròn nhỏ màu nâu, xung quanh có quầng vàng nhạt, sau đó lan rộng tạo đốm tròn màu nâu đậm và lõm xuống.

Điều trị, phòng trừ:

+ Vệ sinh vườn sạch sẽ, giữ cho vườn thông thoáng, đủ ẩm, trồng mật độ vừa phải

+ Tiến hành cắt bỏ những lá bệnh nặng và đem đi tiêu hủy, ngưng bón phân đạm, các chất kích thích

+ Sử dụng thuốc Altracol 70WP (Propineb), Kamsu 2SL (Kasugamycin), Dùng Physan 20SL (Quatenary Ammonium salts) kết hợp Amistar Top 325SC (azoxystrobin) liều lượng theo chỉ dẫn

Lan Ngọc Điểm bị ruồi đục nụ

+ Vệ sinh vườn sạch sẽ hạn chế nơi trú ngụ của ruồi trưởng thành.

+ Tiến hành sử dụng kéo đã được khử khuẩn cắt bỏ các cành hoa bị nhiễm cách ly ra khỏi vườn và tiêu hủy.

+ Có thể sử dụng thêm bẫy dính màu vàng để thu bắt con trưởng thành.

+ Phun thuốc diệt ấu trùng và ruồi trưởng thành các loại thuốc như: Cymerin 25EC, Secsaigon 25EC, Sherpa 25EC (Cypermethrin); Amico 10EC, Admire 50EC (Imidacloprid);Peran 50EC, Permecide 50EC, Perthrin 50EC (Permethrin), Actara 25WG (Thiamethoxam)... và tiến hành phun vào lúc chiều tối để thuốc đạt hiệu quả

Lan Ngọc Điểm bị bệnh đốm nâu

Nguyên nhân:

Bệnh phát triển mạnh vào mùa mưa ở những vườn có ẩm độ cao, thiếu thông thoáng và chăm sóc kém. Bệnh do vi khuẩn Pseudomonas sp

Dấu hiệu:

Ban đầu xuất hiện những đốm nhỏ màu xanh nhạt, sau đó nâu đen hơi lõm và mềm nhũn. Vi khuẩn xâm nhập qua vết thương trong lúc chăm sóc hoặc côn trùng chích hút.

Điều trị, phòng trừ:

+ Vệ sinh vườn sạch sẽ, giữ cho vườn thông thoáng, đủ ẩm, trồng mật độ vừa phải

+ Tiến hành thay chậu, trụ ghép nếu giá thể đã mục.

+ Sử dụng kéo đã được khử khuẩn cắt bỏ những lá bệnh nặng và đem đi tiêu hủy

+  Phun thuốc khi bệnh mới xuất hiện các loại thuốc sau: Physan 20SL (Quatenary Ammonium salts) liều lượng 1-2ml/lít; Kasuran 47WP (Kasugamycin + Copper Oxychloride) lượng dùng 2-3g/lít; Ditacin 8L (Ningnamycin) pha 1-2ml/lít.

Lan Ngọc Điểm bị bệnh thối nhũn

Nguyên nhân:

Do nấm Cercospora sp và vi khuẩn Erwnia carotovora

Dấu hiệu:

Bệnh thường phát sinh trên lá non, ban đầu là chấm nhỏ sau đó lan rộng và phồng lên như vết bỏng nước sôi, mềm nhũn, dịch có mùi hôi và bệnh lan nhanh đến toàn cây lan.

Điều trị, phòng trừ

+ Vệ sinh vườn sạch sẽ, giữ cho vườn thông thoáng, đủ ẩm, trồng mật độ vừa phải

+ Hạn chế tưới, bón phân cần tăng hàm lượng kali, giảm lượng đạm

+  Phun thuốc các loại thuốc sau: Physan 20SL (Quatenary Ammonium salts) liều lượng 1-2ml/lít; Kasuran 47WP (Kasugamycin + Copper Oxychloride) lượng dùng 2-3g/lít; Starner 20 WP (Oxolinic acid) lượng dùng 2-3g/lít.

Lan Ngọc Điểm bị nhện đỏ (Tetranychus urticae)

+ Vệ sinh vườn sạch sẽ, giữ cho vườn thông thoáng, đủ ẩm

+ Sử dụng vòi tưới xịt từ mặt dưới lá lên để rửa trôi sẽ hạn chế đáng kể nhện đỏ.

+ Kết hợp sử dụng các loại thuốc đặc trị như  Ortus 5SC (Fenpyroximate), Alphamite 15EC (Pyridaben)…

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

+ Kinh nghiệm chăm sóc lan Thiên Nga Đen nhiều qua, hoa lâu tàn

Những loại nước tốt cho hoa lan, tưới nước cho lan đúng cách

+ Kỹ thuật trồng, chăm sóc lan Hoàng Thảo Đơn Cam chuẩn nhất

+ Kinh nghiệm chăm sóc hoa lan Đuôi Chồn hoa nở nhiều

Địa lan Trần Mộng: cách trồng, chăm sóc lan

Suckhoecuocsong.vn/TH

Các tin khác

Hướng dẫn cách sơ chế, bảo quản hoa nhài chuẩn xác

Hướng dẫn cách phòng trừ sâu bệnh hại trên cây hoa nhài

Kinh nghiệm trồng hoa nhài ra nhiều hoa

Kinh nghiệm trồng, chăm sóc hoa nhài giúp cây phát triển tốt

Tại sao không nên trồng hoa quỳnh trong nhà

Kinh nghiệm cắt tỉa, kích thích hoa quỳnh ra nhiều hoa

Hướng dẫn cách sơ chế và bảo quản hoa quỳnh

Kinh nghiệm trồng hoa quỳnh tại vườn nhà

Hướng dẫn cách sơ chế, bảo quản cây cơm cháy

Kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây cơm cháy chuẩn nhất