Kỹ thuật trồng, chăm sóc lan Hoàng Thảo Đơn Cam chuẩn nhất
Hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc lan Hoàng Thảo Đơn Cam
Kỹ thuật trồng, chăm sóc lan Hoàng Thảo Đơn Cam chuẩn nhất
Hoàng Thảo Đơn Cam hay còn biết đến tên gọi khác là lan Đơn Cam sở hữu vẻ đẹp rực rỡ cùng hương thơm dịu nhẹ là một trong những giống lan có giá trị cao, được nhiều người chọn trồng làm cảnh tại sân vườn, ban công. Lan Hoàng Thảo Đơn Cam không chịu được nóng, chúng thích hợp khi sinh trưởng ở nhiệt độ mát mẻ. Để chăm sóc lan Hoàng thảo Đơn Cam phát triển tốt, cho hoa đẹp hãy lưu ý đến một số yếu tố quan trọng dưới đây
Đặc điểm của lan Hoàng Thảo Đơn Cam
Lan Hoàng Thảo Đơn Cam hay lan Đơn Cam có tên khoa học là Dendrobium unicum, chúng phân bố chủ yếu ở các nước như Thái Lan, Lào, Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Tại Việt Nam chúng mọc chủ yếu ở Tây Nguyên, nơi các khu vực được bao phủ bởi thảm thực vật thấp, khí hậu mát mẻ.
Lan Hoàng Thảo Đơn Cam thu hút người nhìn không chỉ vẻ đẹp rực rỡ, hương thơm nhẹ nhàng thanh tao mà còn là sự quý hiếm của loài hoa lan này, trên thị trường chúng có giá dao đông từ 500.000 – 1.000.000 đồng nhưng vẫn được nhiều người lựa chọn trồng làm cảnh trong vườn lan, ban công của nhiều người
Lan Đơn Cam sinh trưởng phát triển tốt ở nhiệt độ mát mẻ, ấm áp nhưng chúng không chịu nóng, nhiệt độ quá cao. Chúng có thân cao từ 10-15cm, lá khoảng 3-4 chiếc, lá thuôn dẹp, rộng chỉ khoảng 0,7-1cm, thường vào mùa thu lá của lan Đơn Cam thường vàng và rụng dần từ dưới gốc cây lên. Thân của lan Hoàng Thảo Đơn Cam có màu xanh khi cây còn non, chuyển dần màu xanh đen khi cây trưởng thành, thân cây sẽ chuyển sang màu xậm hơn khi cây đã rụng lá.
Hoa lan Đơn Cam thường nở vào mùa xuân và đầu mùa hè, hoa có đường kính từ 3,5-5cm, cánh hoa dài và thon màu cam đậm đôi khi là màu cánh gián. Hoa dài, bóng bẩy, bề rộng đầy đặn, nở bung cong ngược ra sau hoặc xoắn lại đến mức nhìn có vẻ rối. Môi hoa lớn, hướng lên trên với những đường gân họa tiết đẹp. Hoa có mùi thơm dịu nhẹ giống hệt như bút chì màu của trẻ em.
Hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc lan Hoàng Thảo Đơn Cam
Giá thể trồng lan Đơn Cam:
Khi lựa chọn giá thể trồng lan Đơn Cam có thể sử dụng giá thể đất nung, đá bọt, vỏ thông, dớn vụn hay rêu rừng đã được xử lý, xơ dừa hoặc sử dụng giá thể trồng lan trộn sẵn được bán ở các cửa hàng chuyên cung cấp giá thể trồng lan.
Dù là cây ưa ẩm nhưng khi chọn giá thể phải chọn hay phối trộn giá thể trồng sao cho phải thoát được nước, không bị ứ đọng nước. Do đó, khi phối trộn giá thể trồng có thể phối trộn đá bọt kết hợp với vỏ thông vụn hoặc dớn. Nếu sử dụng gỗ, lũa cần xử lý sạch sẽ giá thể trước khi trồng lan.
Chậu trồng lan Đơn Cam
Có thể sử dụng giá thể gỗ lũa hoặc trồng bằng chậu trồng đất nung với nhiều lỗ thoáng khí dưới đáy chậu để dễ dàng thoát nước. Bên trong chậu có thể sử dụng xơ dừa, dớn sợi,…nhằm tạo môi trường thông thoáng giúp cho bộ rễ của cây được phát triển tốt.
Xử lý giống trước khi trồng
Bước 1: Lan Hoàng Thảo Đơn Cam sau khi mua về sử dụng kéo đã được khử khuẩn cắt bỏ các cây yếu, cây bị dập, rễ bị gãy
Bước 2: Ngâm lan Hoàng Thảo Đơn Cam vào dung dịch thuốc trừ nấm như Physan 15-20 phút
Bước 3: Ngâm tiếp lan Hoàng Thảo Đơn Cam vào dung dịch kích rễ hoặc vitamin B1 từ 1-2 tiếng
Bước 4: Sau 1-2 tiếng vớt cây lên, treo người trên giàn tránh mưa nắng cho đến khi cây ra rễ trắng mới chuẩn bị trồng trong chậu hoặc giá thể gỗ,…
Các bước trồng lan Đơn Cam
Bước 1: Lan Đơn Cam sau khi đã được xử lý, vệ sinh sạch sẽ để loại bỏ các tác nhân gây bệnh hại khác hãy tiến hành trồng trong chậu
Bước 2: Chậu trồng nên sử dụng chậu trồng bằng đất nung có nhiều lỗ để thoát nước, rễ lan đeo bám, kích thước chậu trồng tùy theo độ lớn của nhánh lan. Đất trồng nên sử dụng than củi, xơ dừa, đá núi lửa, mùn gỗ,…hoặc có thể sử dụng giá thể trộn sẵn, tự phối trộn giá thể trồng lan Đơn Cam
Bước 3: Dưới đáy chậu trồng xếp than củi, vỏ thông vào chậu trồng thứ tự to dưới, nhỏ trên, xếp than theo chiều thẳng đứng, kê một miếng xốp nhỏ dưới gốc lan không cho tiếp xúc trực tiếp với than củi.
Bước 4: Khi đặt lan vào trong chậu đặt cây lan Đơn Cam ở gần mép chậu và xoay hướng mọc của cây lan con vào giữa để sau này cây lan con mọc dần về phía giữa chậu.
Bước 5: Phủ một lớp mỏng xơ dừa hay dớn sợi lên phía trên lớp than để giữ ẩm cho lan Đơn Cam
Bước 6: Sau khi trồng xong di chuyển chậu trồng lan Đơn Cam vào chỗ râm mát 50-60% ánh sáng, không tưới trong vòng 7-10 ngày đầu, độ ẩm cao, tưới nước có thể sử dụng phân hoặc phun phân bón lá Atonic, Bayfolan, Grow more (loại 30 – 10 – 10) và thuốc kích thích ra rễ Rootone.
Bước 7: Sau một thời gian, lan Đơn Cam bắt đầu ra rễ non, hãy di chuyển chậu ra chỗ có ánh sáng và chăm sóc cẩn thận, bổ sung dinh dưỡng, nước tưới đầy đủ cho lan phát triển.
Ánh sáng
Đặt chậu lan Đơn Cam ở khu vực trồng có độ ẩm cao nhưng đồng thời cũng nên đặt ở những nơi có nhiều ánh sáng tạo điều kiện cho cây tổng hợp các chất. Cây sẽ không ra hoa trong điều kiện thiếu ánh sáng trong quá trình chăm sóc cần lưu ý cung cấp đủ ánh sáng cho cây.
Nhiệt độ
Lan đơn cam có khả năng chịu lạnh cao, có khả năng chịu lạnh đến mức dưới 5 độ C nhưng không chịu được nhiệt độ cao. Cây thích hợp sinh trưởng ở nhiệt độ trung bình ngày vào khoảng 26-32oC và 18-21oC vào ban đêm. Khi nhiệt độ môi trường xuống dưới 10oC vào mùa đông thì cây sẽ ra hoa.
Để cây sinh trưởng tốt nên đặt cây ở dưới giàn che và càng xa lưới che càng tốt. Vào những ngày nóng nhiệt độ cao người trồng lan Đơn Cam nên đặt chậu nước đá gần gốc cây để giảm nhiệt độ cho cây.
Nước tưới
Lan Hoàng Thảo Đơn Cam tương đối thích ẩm, độ ẩm tốt nhất nên nằm vào khoảng 60-80% nên phun sương cho cây 2 lần/ngày vào thời điểm trưa và chiều sớm, mỗi lần phun 30 giây đến 1 phút.
Tiến hành tưới cây 2 lần vào lúc sáng sớm 5-7 giờ và chiều muộn 16-18 giờ với lượng vừa đủ nước
Chế độ gió
Lan Hoàng Thảo Đơn Cam thích thoáng gió, nói chung là thích độ cao nên treo cao một chút, đáp ứng độ ẩm không khí bằng cách phun sương là ổn. Nếu treo lan ở khu vực thấp hoặc nơi bí bách sẽ rất khó sống, chúng sẽ chậm phát triển, chết dần.
Phân bón cho lan Đơn Cam
Nên bón phân định kỳ mỗi tháng cho lan bằng các loại phân hữu cơ tan chậm như phân trùn quế. Khi bón phân cho lan hãy rải đều 20-30g phân trùn quế lên mặt chậu và tưới nước cho cây.
Những loại phân bón có hàm lượng nitơ cao nên bón từ mùa xuân đến giữa mùa hè, bón loại phân bón giàu phốt pho hơn nên được sử dụng vào cuối mùa hè và mùa thu.
Có thể bón NPK cho cây vào những thời điểm và đích khác nhau. Vào mùa xuân và mùa hè nên bón NPK 30:10:10 sẽ giúp cây sinh trưởng nhanh và ra cây con.
Vào mùa thu, bón phân NPK 10:30:20 cho cây để thúc cây ra hoa. Đặc biệt vào mùa đông ta không nên bón cho cây.
Phòng ngừa sâu bệnh
Trong quá trình trồng và chăm sóc lan Đơn Cam cần tiến hành tạo môi trường thông thoáng cho cây bằng việc dọn dẹp và vệ sinh vườn định kỳ mỗi tháng.
+ Kiểm tra và quan sát tình trạng cây thường xuyên để phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh.
+ Khi phát hiện cây bị thối lá, rễ,… cần cách ly cây khỏi vườn trồng nhằm tránh lây bệnh cho các cây khác trong vườn. Sử dụng kéo đã được khử trùng cắt bỏ các phần bị thối. Sau khi loại bỏ phần thân, rễ bị thối tiến hành phun Ridomil 75WP 30g/10 lít nước mỗi 3-5 ngày. Bên cạnh đó, cần tiến hành khử trùng chậu và các loại giá thể trước khi tiến hành trồng lại.
BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:
+ Bí quyết chăm sóc lan Vũ Nữ phát triển tốt, ra nhiều hoa
+ Địa lan Trần Mộng: cách trồng, chăm sóc lan
+ Kinh nghiệm chăm sóc hoa lan Đuôi Chồn hoa nở nhiều
+ Bí quyết trồng lan Đuôi Cáo cho sai hoa, cây ít bị bệnh hại
+ Kinh nghiệm chăm sóc lan kiều dẹt nở hoa nhiều, phát triển tốt, hoa đẹp
Suckhoecuocsong.vn/TH