Học cách không nghĩ tiêu cực khi con mắc lỗi
những thái độ và hành vi chưa ngoan, tương ứng với với mỗi hành vi mà cha mẹ có cách ứng xử như thế nào.
Theo Ths. tâm lý Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP HCM, thực trạng vấn đề gặp phải của rất nhiều gia đình hiện nay là bố mẹ cảm thấy “bất lực” với chính đứa con mình sinh ra. Để dạy con, biện pháp tiêu cực thường được họ sử dụng đầu tiên như đánh đập, chửi mắng, tra tấn đứa trẻ bằng nhiều hình thức. Cuối cùng vấn đề chính là “giáo dục con” vẫn không được giải quyết.
Bà Minh cho rằng, trong giáo dục trẻ, việc đánh đập, chửi mắng không những không giúp ích mà còn có tác dụng ngược khiến đứa trẻ sẽ lì lợm hơn, cứng đầu và vi phạm lỗi nặng hơn. “Đứa trẻ thể hiện những hành vi, thái độ của mình như vậy để làm gì? Có phải chúng không biết suy nghĩ hay chúng ghét cha mẹ của mình? Mỗi đứa trẻ sẽ có những biểu hiện chưa ngoan khác nhau tùy thuộc vào mục đích mà chúng hướng đến”, bà nói.
Bà Minh gợi ý với các bậc phụ huynh về cách giáo dục con bằng phương pháp “không roi vọt” dưa theo nghiên cứu của Plan (Tổ chức nhân đạo phi chính phủ, hoạt động tập trung vào việc giúp đỡ trẻ em). Phương pháp này liệt kê rõ mục đích của trẻ khi biểu hiện những thái độ và hành vi chưa ngoan, tương ứng với với mỗi hành vi mà cha mẹ có cách ứng xử như thế nào. Cụ thể như sau:
Mục đích của trẻ là nhằm chứng tỏ quyền lực, sức mạnh:
Đứa trẻ sẽ biểu hiện hành vi hung hăng, đánh nhau, đôi co, cãi lý, thù địch, thách thức, không nghe lời, nói dối, “mặc kệ”, bướng bỉnh, chống đối, kháng cự. Cha mẹ ứng xử như sau:
- Cố gắng hiểu cảm xúc của trẻ, thể hiện mình hiểu cảm xúc đó, chia sẻ cảm xúc của mình về tình huống đó, trao đổi để phòng tránh vấn đề tương tự trong tương lai.
- Bình tĩnh, rút khỏi cuộc đôi co, tránh xung đột, không tham chiến, để trẻ nguôi nóng nảy.
- Giúp trẻ thấy có thể sử dụng “sức mạnh, quyền lực” theo cách tích cực hơn. Nếu cha mẹ tham gia đôi co quyền lực hoặc nhượng bộ chỉ làm trẻ mong muốn có quyền lực hơn.
- Quyết định xem bạn sẽ làm gì, chứ không phải bạn sẽ bắt trẻ sẽ làm gì.
- Lập nội quy hay các bước tiếp trong đó, cha mẹ sẽ cần dành thời gian cho trẻ.
Mục đích của trẻ là thu hút sự chú ý:
Với mục đích này, đứa trẻ sẽ biểu hiện là thường làm hề, trò láu cá, ăn mặc khác thường, hay quên, lơ là việc phải làm. Trong trường hợp này, cha mẹ nên:
- Nhìn nghiêm nghị nhưng không nói gì cả.
- Nếu có thể, giảm thiểu hoặc không để ý đến hành vi của trẻ vào lúc đó.
- Nhắc nhở (tên, công việc phải làm), cho trẻ có sự lựa chọn ví dụ: Con có thể nấu cơm ngay bây giờ hoặc chút nữa nhưng đến 11h mẹ về đến là phải nấu cơm xong.
- Hướng trẻ vào hành vi khác phù hợp hơn.
- Phân tích hành vi và hậu quả.
- Lập nội quy hay các bước tiếp theo mà cha mẹ sẽ thực hiện với trẻ.
Mục đích để trả đũa
Trẻ sẽ thể hiện bằng cách làm tổn thương ai đó, hỗn láo, bạo lực, phá phách đồ đạc, ăn trộm, nhìn người khác bằng thái độ hằn học, nói năng xúc phạm đến người khác. Cha mẹ nên:
- Duy trì sự thân thiện trong khi kiên nhẫn chờ đợi để trẻ nguôi dần.
- Kiên nhẫn. Rút khỏi vòng luẩn quẩn “trả miếng” lẫn nhau. Tránh trừng phạt.
- Hợp tác làm việc riêng với trẻ để giải quyết khó khăn.
- Khích lệ sự hợp tác, xây dựng lòng tin.
- Sử dụng kỹ năng khích lệ, cho trẻ thấy được yêu thương, tôn trọng.
- Lập nội quy hay các bước tiếp theo, trong đó cha mẹ sẽ cần dành thời gian cho trẻ.
Mục đích thể hiện hành vi không thích hợp hoặc né tránh thất bại:
Trẻ biểu hiện dễ dàng bỏ cuộc, không cố gắng, không tham gia, trốn việc, trốn học, có khi tìm lối thoát qua ma túy. Trong trường hợp này cha mẹ nên:
- Không phê phán, chê bai.
- Chia nhỏ nhiệm vụ, bắt đầu từ việc dễ để trẻ có thành công ban đầu.
- Dành thời gian rèn luyện hoặc phụ đạo cho trẻ (đặc biệt về học tập).
- Sử dụng kỹ năng khích lệ, tập trung vào điểm mạnh của trẻ.
- Không thể hiện thương hại, không đầu hàng.
- Dành thời gian thường xuyên cho trẻ, giúp trẻ.
Mục đích tìm kiếm sự chấp nhận của bạn bè:
Trẻ sẽ biểu hiện: thường xuyên cố gắng và thể hiện để được nhiều bạn cùng trang lứa chấp nhận, sẵn sàng trốn học đi chơi với bạn, ăn trộm tiền để bao bạn bè. Cha mẹ nên:
- Dạy trẻ kỹ năng trì hoãn để có thêm thời gian xử lý những tình huống bị bạn bè rủ rê, thách thức. Ví dụ như: “Tớ chưa thấy thích làm việc đó lắm”, “tớ không nói là không bao giờ hay không dám mà là chỉ nói là không phải bây giờ, thế thôi”, “tớ thấy đói quá, phải ăn cái gì đã rồi làm gì mới làm”. Trong một số trường hợp thì đi vào nhà vệ sinh rồi nghĩ cách; hoặc nói lái đi “nếu về nhà muộn quá, bố mẹ nói sẽ không cho đi tiếp nữa, thế thì không có lần sau đâu”…
- Phân tích cho trẻ hiểu về những giá trị về bạn bè, điều gì nên và không nên khi chơi với bạn.
Mục đích là tìm kiếm sự phấn khích:
Trẻ biểu hiện: trốn công việc thường ngày đơn điệu, dễ quan tâm đến sở thích khác thường (trò nghịch tinh quái, mạo hiểm, rượu, ma túy, sex) thường giao du với bạn “cùng hội cùng thuyền”. Cha mẹ nên:
- Cố gắng đa dạng hóa hay cân bằng giữa các hoạt động trẻ phải làm (học tập, việc nhà) và những hoạt động giải trí lành mạnh theo sở thích của trẻ.
- Cùng hợp tác để tìm ra cách thức làm cho cuộc sống vui vẻ, thích thú hơn.
- Khi trẻ tham gia vào các hành vi vô trách nhiệm hay mạo hiểm, cha mẹ có thể giúp trẻ nhận thức về hệ quả của các hành vi đó và khích lệ trẻ tìm các hành vi tích cực hơn để thay thế.
Học cách không nghĩ tiêu cực khi con mắc lỗi
Suckhoecuocsong.com.vn