Hãy cảm ơn những người ‘chê’ ta
Hãy cảm ơn những người chê bai ta
Hãy cảm ơn những người ‘chê’ ta
Con người chỉ thấy được khuôn mặt mình một cách gián tiếp, chỉ nhìn được hình ảnh mình trong gương. Thế mới hay sự nghịch lý trong đời lại là chuyện thường tình: chúng ta coi trọng và bảo vệ một cách tích cực nhất cái mà không phải lúc nào chúng ta cũng nhìn thấy, và chỉ nhìn thấy được một cách gián tiếp.
Nhưng ngoài khuôn mặt cũng còn có cái gì mà chúng ta không nhìn thấy được, có nhìn thấy trong gương thì cũng không thể nhìn thấy dễ dàng và trọn vẹn, đó là cái lưng của mình.
Khuôn mặt tuy chỉ chiếm phần diện tích nhỏ trên thân thể con người nhưng lại là phần quan trọng nhất. Chính nhờ khuôn mặt mà người ta " bắt được hình dong" nghĩa là nhận diện, hiểu biết được con người của chúng ta, nhất là qua ánh mắt, bởi vì ánh mắt là " cửa sổ " của tâm hồn, qua đó người ta thấy được chiều sâu của tâm hồn.
Cái lưng, trái lại chiếm một diện tích khá lớn, nếu không phải là lớn nhất về mặt phẳng bởi vì phía trước ngực, bụng, không phải là một mặt phẳng như lưng. Vậy mà chúng ta lại không trực tiếp thấy được nó.
Nếu coi khuôn mặt như cái gì diễn tả có ý nghĩa đầy đủ nhất con người chúng ta mà nhờ đó ta là ta khác với người khác, thì chúng ta phải thú nhận rằng chính bản thân chúng ta lại không trực tiếp và thường xuyên nhận diện được mình!
Còn nếu cái lưng có thể được coi như là cái " phía sau ", không bao giờ lộ ra phía trước, thì chúng ta thấy rằng nó có thể được coi như biểu tượng cho cái mặt sau, mặt trái, không phải luôn luôn theo nghĩa xấu của con người. Không ai muốn kẻ khác nhìn thấy phía sau hay mặt trái của mình, không ai muốn…''vạch áo cho ngươi xe lưng'' nhưng chính mình lại cũng không nhìn thấy, do đó, nếu cần " sửa lưng " thì chúng ta không tự làm được, mà luôn phải chấp nhận kẻ khác làm cho, có phải thế không? !
Suy nghĩ từ hai thực tại là khuôn mặt và cái lưng được coi như biểu tượng có ý nghĩa đặc biệt của hiện hữu con người, chúng ta có thể đưa ra những nhận định sau:
- Chúng ta không nhìn, không thấy rõ về mình như nhìn và thấy rõ kẻ khác.
- Chúng ta chỉ thấy chỉ hiểu rõ được mình nhờ đối diện với tha nhân.
- Chúng ta không thấy được phía sau hay mặt trái của mình, nên muốn sửa mình, chúng ta cần đến tha nhân
Tuân Tử có câu nói: "Người chê ta mà chê phải là thầy của ta,
người khen ta mà khen phải là bạn ta,
Khi ta sai mà vẫn cứ khen ta, chính là kẻ thù của ta vậy".
Trí tuệ cổ nhân, kỹ năng sống, suy ngẫm, bài học thành công hạnh phúc
Tg: Thôi Kệ