Dạy trực tuyến giáo viên cần nhớ những điều gì?
Những điều giáo viên cần nhớ khi dạy học trực tuyến
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lây lan nhanh chóng các trường hợp trên khắp cả nước phải cho học sinh nghỉ học để tránh dịch. Để giúp học sinh củng cố kiến thức hình thức dạy học trực tuyến được áp dụng. Nhưng đối với những giáo viên chưa có nhiều kinh nghiệm dạy học trực tuyến cần quan tâm đến những vấn đề gì?
Kỹ năng quay phim cơ bản
Một kỹ năng mềm khi dạy học trực tuyến khác khá cần thiết đối với giáo viên đó là biết quay phim cơ bản.
Trong học online, việc dùng video để truyền tải thông tin bài học được rất nhiều học viên, học sinh ưa thích. Vì vậy, biết quay phim là một lợi thế khi bạn gia nhập lĩnh vực này. Tùy vào môn học và đặc điểm giảng dạy mà yêu cầu quay cũng khác nhau.
Nếu bạn là giáo viên dạy về đàn hát thì bạn cần lọc âm khá kỹ, nhưng đối với công nghệ thông tin thì bạn chỉ cần quay đúng khuôn hình của màn hình máy tính kèm theo giọng thuyết minh là đủ. Ánh sáng khi quay cũng là một vấn đề cần chú ý nếu bạn dùng nhiều giáo cụ trực quan.
Sử dụng nền tảng video call
Khác với giảng dạy trực tiếp trên lớp học sinh sẽ tiếp thu bài giảng của các thầy cô thông qua các ứng dụng như skype, zoom,…Do đó trước khi bắt đầy dạy trực tuyến hãy kết nối với một nền tảng video call.
Kỹ năng soạn thảo và trình bày
Kỹ năng khi dạy học trực tuyến khá quan trọng đó là kỹ năng soạn thảo và sử dụng các công cụ PowerPoint, Word, Excel…để có được một giáo cụ trực quan và dễ tiếp nhận.
Kỹ năng soạn thảo luôn song hành cùng kỹ năng truyền đạt. Bạn chỉ có thể truyền đạt tốt nếu bạn trình bày bài giảng một cách khoa học và dễ hiểu.
Tùy vào từng môn học, từng người học mà việc soạn thảo, trình bày sẽ khác nhau. Nếu bạn dạy môn Toán, slide của bạn phải thật logic. Nếu bạn dạy về phân tích tài chính, các bảng biểu excel sẽ không thể thiếu trong bài giảng.
Kỹ năng phân chia nội dung giảng dạy
Giáo viên cần phải hiểu rõ bài giảng dài hay ngắn, ít nội dung hay nhiều thông tin. Như vậy, bạn có thể phân chia nội dung và thời lượng giảng của mỗi buổi cho chuẩn.
Nếu buổi học quá dài, học viên sẽ cảm thấy mệt mỏi. Nếu buổi học quá ngắn, học viên sẽ thấy hụt hẫng và có cảm giác “bị lừa”. Còn khi bạn ngắt nội dung không chuẩn, học sinh sẽ không thể hiểu hết những kiến thức bạn muốn chia sẻ.
Chú ý hình ảnh, ảnh sáng và kết nối bằng mắt khi giảng online
Khi đứng trước một lớp học qua video trực tiếp, hãy đảm bảo giáo viên không đứng trong bóng tối, phần kiến thức được truyền tải đủ ánh sáng, không quá tối, quá sáng. Trước khi giảng bài trực tuyến, thầy cô cần kiểm tra kỹ webcam, nguồn ánh sáng trong phòng… để ánh sáng chiếu vào mặt, học sinh có thể nhìn rõ giáo viên qua video.
Một điều khác cần lưu ý là thầy cô có thể mô phỏng giao tiếp bằng mắt với học sinh từ xa bằng cách thường xuyên nhìn vào camera.
Nhiều giáo viên nhìn vào các tài liệu, giáo án khi đang dạy online, khiến cảm giác kết nối với thầy cô qua màn hình rất ít. Hãy đặt giáo án, tài liệu ở ngay trên màn hình để nhìn vào camera nhiều hơn.
Ghi lại phiên dạy trực tuyến
Khi đã học tập từ xa, không phải học sinh nào cũng có thể online cùng giờ. Để đảm bảo mọi học sinh có thể học, giáo viên hãy ghi lại bài giảng, toàn bộ tiết học và chia sẻ lại cho các em sau khi buổi học kết thúc.
Lưu ý, không nên lưu cả một video bài giảng lớn lên một nền tảng chia sẻ như Dropbox hay Drive, việc này có thể khiến người học mất nhiều thời gian để tải xuống. Giáo viên có thể đưa video lên YouTube, Facebook chia sẻ liên kết cho học sinh.
Kỹ năng truyền đạt
Với giáo viên, dù dạy môn gì đi chăng nữa, bạn cũng cần có kỹ năng truyền đạt thông tin. Khi dạy online, bạn không thể tương tác trực tiếp với học viên mà truyền tải kiến thức qua video. Vì vậy, đây là kỹ năng quan trọng nhất trong số những kỹ năng mềm khi dạy học trực tuyến.
Tính logic trong chuỗi thông tin, sự đơn giản dễ hiểu trong ngôn từ, tông giọng truyền cảm phù hợp với môn học, đặc biệt là ngôn ngữ cơ thể đan xen trong bài giảng là tất cả những gì bạn cần để có được sự truyền đạt chính xác và dễ tiếp nhận.
Môi trường trực tuyến có xu hướng diễn đạt ngắn gọn, vì vậy thầy cô cần cấu trúc lại bài giảng và tiết học phù hợp. Sau phần giảng bài, giáo viên thực hiện những hoạt động khác hấp dẫn hơn cho học sinh, thay vì chỉ để học sinh ngồi và lắng nghe.
Suckhoecuocsong.vn/Theo DKN