Cổ vật kỳ sự: Lớp men đồng bí ẩn trên bộ tượng Mật tông

01/06/2016 09:08

Bảo tàng Văn hóa Phật giáo (chùa Quán Thế Âm, Q.Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) khiến nhiều người ngạc nhiên vì lớp đồng màu xanh, hồng đỏ trải qua hàng trăm năm vẫn không hề bị ô xy hóa.

Bộ sưu tập bát tượng Mật tông (8 tượng) tại Bảo tàng Văn hóa Phật giáo (chùa Quán Thế Âm, Q.Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) khiến nhiều người ngạc nhiên vì lớp đồng màu xanh, hồng đỏ trải qua hàng trăm năm vẫn không hề bị ô xy hóa.

Các bức tượng người hầu quỳ ẢNH: H.S

Thượng tọa Thích Huệ Vinh, trụ trì chùa Quán Thế Âm, kể bộ bát tượng được nhiều đời trụ trì truyền nhau tiếp quản từ hàng chục năm qua. “Các thầy quá cố kể lại rằng, bộ bát tượng đến với nhà chùa vào một ngày cách đây đã rất lâu. Khi mới tiếp nhận hiện vật cúng dường, các sư thầy không để ý lắm vì lớp bụi phủ trên tượng khá dày. Đến khi lau bụi đi, các thầy mới ngạc nhiên vì lớp đồng sáng lên màu xanh ngọc, không hề hoen gỉ”, thầy Huệ Vinh nhớ lại.

Theo sư thầy, 3 tượng được đặt trong lồng kính chính là hóa thân của Phật Thích Ca Mâu Ni. 5 bức tượng còn lại là tượng người hầu trong tư thế quỳ quy ngưỡng Phật. Đặc biệt, trong 5 bức tượng này chỉ có 1 tượng nữ với biểu hiện tín ngưỡng phồn thực của Champa ngày xưa thông qua nhận diện ở phần nhũ hoa được tạc khá lớn.

Trong 8 tượng chỉ có 1 tượng được làm bằng đồng đỏ, còn lại làm bằng đồng xanh. “Khi các chuyên gia tiếp cận để đánh giá sơ bộ, điều khiến họ bất ngờ nhất chính là lớp đồng bên ngoài tượng không hề bị ô xy hóa. Tượng như được tráng lên một lớp men bóng trơn và bền bỉ trước biết bao biến thiên của lịch sử”, thầy Huệ Vinh nói.

Thử phân tích, sư thầy cho rằng có thể người Champa ngày xưa có một phương thức bí truyền nào đó để “tôi” lớp đồng bên ngoài nhằm không chịu sự tác động của thời gian và thời tiết. Nhờ vậy mà khác với hầu hết các bức tượng đồng cổ có màu đen tuyền thì các bức tượng này lại có một lớp “men” màu xanh, màu hồng đỏ hết sức đặc biệt. Sư thầy đặt giả thiết các pho tượng được tráng một lớp “men đồng” bên ngoài nhưng sau đó ông cũng bác bỏ vì cho rằng khó có thể có cổ vật nào tồn tại hàng trăm năm mà không bị bong tróc. Cũng theo thượng tọa, vì tính độc đáo và quý hiếm của bộ tượng nên các chuyên gia đã khuyến khích nhà chùa lập hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia.

Hiện vật từ Phật viện Đồng Dương ?

Theo lời thượng tọa Thích Huệ Vinh, các đời trụ trì trước và cũng là những người có kinh nghiệm trong sưu tầm cổ vật kể lại rằng, bộ bát tượng được tìm thấy tại di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương (tại xã Bình Định Bắc, H.Thăng Bình, Quảng Nam) rồi theo nhân duyên mà “tìm đến” nhà chùa. Tại phật viện này, người ta đã tìm thấy 2 pho tượng đồng và hiện đã được công nhận là bảo vật quốc gia gồm: tượng Phật Đồng Dương và tượng Tara. Nếu đúng như lời sư kể thì bộ bát tượng này có giá trị rất lớn.

TS Nguyễn Đình Chiến, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, không khẳng định 8 bức tượng ở niên đại nào và cho rằng những gì thầy Thích Huệ Vinh cho biết là một giả thiết cần nghiên cứu. Theo ông Chiến, để biết cụ thể hơn về niên đại lẫn xuất xứ của các bức tượng cần phải giám định chất liệu chi tiết cũng như nghiên cứu sâu hơn về phong cách nghệ thuật của bộ tượng.

Các tài liệu viết về Phật viện Đồng Dương đều khẳng định những tác phẩm điêu khắc của thời kỳ khoảng giữa đến cuối thế kỷ 9 đã hình thành nên phong cách nghệ thuật Đồng Dương nổi tiếng trong nghệ thuật Champa. Theo thượng tọa Huệ Vinh, bộ 8 tượng đều mang đậm dấu ấn của nghệ thuật Champa. Các tượng người hầu với y phục của nam lẫn nữ đều thể hiện trang phục của người Champa ngày xưa thông qua các tư thế quỳ hết sức nghệ thuật. Trong bài viết Khu di tích Đồng Dương những giá trị lịch sử và văn hóa đăng trong tập kỷ yếu phục vụ hội thảo Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia Phật viện Đồng Dương, TS Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ học VN) có trích dẫn như sau: “Các khuôn mặt của phong cách Đồng Dương đều rộng với cằm rất ngắn… Đôi hàng lông mày được chỉ ra bằng một đường kẻ liên tục quanh co và rất nổi, chạy tới tận hai thái dương… Miệng rộng với đôi môi dày và khóe môi ít nhiều quăn lên”. Đối chiếu với những đặc điểm đã nêu, các bức tượng đều có những nét tương đồng, nhất là đôi lông mày chỉ bằng một đường kẻ liên tục.

Một tài liệu khác mô tả tượng Đồng Dương thêm các đặc điểm “bộ ria mép rậm trên đôi môi dày”, “cánh mũi lớn”… Khi so sánh, bộ bát tượng có các điểm giống như: tượng Phật mã số 14/KL.03 và 16/KL.05 có ria mép đối xứng, môi dày… Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, giám định cổ vật bằng đồng là công việc khá phức tạp, do đó ông đồng quan điểm với TS Nguyễn Đình Chiến là phải tiến hành giám định niên đại bộ bát tượng mới có cơ sở khẳng định về xuất xứ.

Suckhoecuocsong.com.vn ( Theo TNO)

Các tin khác

Khám phá, trải nghiệm những lễ hội độc đáo ở Bình Liêu

Những lễ hội văn hóa độc đáo tại Trà Vinh

Những lễ hội văn hóa đặc sắc tại Vũng Tàu

Đình Bia Bà: Địa danh tâm linh nổi tiếng tại La Khê, Hà Đông

Đền Voi Phục một trong tứ trấn linh thiêng thành Thăng Long

Những ngôi đền linh thiêng nổi tiếng tại Lào Cai

Độc đáo lễ hội rước 'ông Lợn' bằng kiệu của người dân xã La Phù

Độc lạ: Lễ hội 'Của quý' - Tàng thinh ngày rằm tháng giêng tại Lạng Sơn

Những Lễ hội khai mạc từ ngày mùng 6 Tết

Lễ hội đèn lồng khổng lồ lần đầu diễn ra ở Việt Nam